Chuyện cổ tích ở thế kỷ 21

Hồi nhỏ, mình thích hóng chuyện người lớn, đi học thì bắt đầu nghe đến những chuyện cổ tích thần thoại Hy-lạp như thần Zeus, Hercules rồi thánh nữ Jeanne d’Arc đến khi học việt văn, lại nghe kể tổ tiên người Việt là ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, sinh ra 100 cái trứng rồi hai vợ chồng ly dị, chia 50 người con đi lên núi và 50 người xuống biển khiến mình bắt đầu hoang man nên từ từ ngu dần vì thầy cô kêu hai động vật khác giống thì không thể sinh sản được. Chim với cắc-kè làm sao giao hoan với nhau mà đẻ ra 100 cái trứng.

Cho thấy mọi xã hội từ Tây sang á, người ta đều có những chuyện truyền khẩu để kể nhau nghe hay khi họp mặt nhau. Tương tự khi mình họp mặt với bạn bè, ăn cơm thì đều kể chuyện, chia sẻ cho nhau những tin tức hay chuyện tếu lâm,…  Loài người có khả năng kể chuyện hay đúng hơn là họ bựa ra chuyện và nếu người đối thoại hay một số đông tin vào những gì họ kể, dần dần trở thành một căn bản, nền móng để họ tiếp tục xây dựng thêm những mẫu chuyện khác.

Nguy hiểm là khi niềm tin đã bén rể mạnh thì khó mà lay chuyển được lòng tin của người ta và sẽ đưa đến xung đột đến chém giết nhau vì đã xúc phạm đến niềm tin của họ.

Điển hình khi người ta kể về ông Giê-su thì họ nói đạo Do-thái không tốt dù ông Giê Su cũng là gốc Do thái rồi đến khi nhóm hồi giáo ra đời thì lại kêu ông Giê-su không tốt đủ trò rồi tương tự những tay bán hàng luôn luôn nói tốt về sản phẩm của mình và nêu ra những khuyết điểm của các sản phẩm tương tự. Ăn chung là tài thuyết phục của tay bán hàng kể chuyện có hấp dẫn hay không.

Khi thầy cô dạy tổ tiên người Việt là chim và rồng rồi một hôm ông Lạc kêu bà vợ ra nói là tôi là rồng còn bà là chim nên sống không được với nhau, tôi đem 50 đứa con xuống biển sinh sống còn bà đem 50 đứa kia lên núi. Hồi nhỏ mình thắc mắc, 50 đứa con theo cha theo mẹ vừa là gái vừa là trai? Nếu vừa là gái vừa là trai mà lấy nhau lại mang tội loạn luân, đủ trò, mà hỏi thì thầy cô kêu câm mồm hay cố tình lơ không nhìn thấy mình đưa tay lên. Hỏi người lớn thì họ kêu “mi ăn chi mà ngu rứa?” Do đó mình được kêu thuộc dạng ngu lâu dốt sớm từ đó đến nay vì hay hỏi vớ vẩn.

Mỗi lần trời mưa, lụt lội thì lại nghe người lớn chửi ông Thuỷ Tinh nào đó, sau này mới nghe kể; có một ông vua muốn gả công chúa, kén rể và kêu ai đem sính  lễ đến sớm thì sẽ được gả con gái kiểu người Mỹ hay kêu :’first come, first served”. Ông Sơn tinh thức dậy sớm, đem sính lễ đến và được vua gã con gái rồi đem công chúa về núi trong khi ông Thuỷ Tinh thì có lẻ nhậu say đêm trước nên sáng hôm sau, đến khi mặt trời đứng bóng mới lò đầu đến thì công chứa đã được Sơn tinh đưa sang sông. Tức giận ông thần nước này làm mưa gió để cho ngập núi để bắt công chúa lại nhưng tên thần núi cũng không vừa, lại cho núi dâng lên cao, chỉ có nông dân như Sơn đen là oải chết lụt. Khía cạnh này cũng nói lên tố chất người Việt qua ông thần Nước.

Khác với các động vật khác, con người biết bịa chuyện và truyền miệng từ đời này sang đời sau mà người ta gọi là văn chương truyền khẩu như ông Homer của xứ Hy-lạp nghe thiên hạ kể về Ulyssus và Illiad. Ông ta nhờ có trí nhớ nên thuộc hết để đọc lại, thêm thắt, kể cho thiên hạ ở các đền đài hay nhạc hội, sau này người ta có chữ viết nên viết lại và đề tên ông ta là tác giả vì họ không biết tên những người xưa vì truyền khẩu đã làm rồi kể chuyện cho con cháu.

Bà cụ mình cả đời chưa bao giờ đi học ở trường nhưng có một trí nhớ kinh hồn. Đi Nhật Bản năm rồi với bà cụ, mình nghe bà cụ đọc vành vách truyện Lục Vân Tiên của ông mù Nguyễn Đình Chiễu. Nếu mình không lầm có đến hơn 2,000 câu thơ. Dạo mình học 1 đoạn Lục Vân Tiên thì có hỏi thầy ông Nguyễn Đình Chiễu mù thì làm sao viết lại mấy ngàn câu thơ, thì bị lờ đi. Chắc ông này làm thơ rồi kêu ai đó viết lại. Bà cụ kể khi xưa, ông Phúng tiệm Hiệp-thạnh, hay cho bà cụ mượn sách báo để đọc nên bà cụ nhớ, ngày nay kinh kệ chi bà cụ nhớ làu làu, không cần nhìn kinh để tụng trong khi thầy chùa mở điện thoại ra để nhìn theo mà tụng.

Từ bao nhiêu thế kỷ, loài người khắp nơi đều có những chuyện dân gian để kể nhưng dần dần có những chuyện cổ tích cao siêu hơn để kể cho đồng loại đông hơn là trong thôn, xã, điển hình những chuyện trong kinh thánh hay những chuyện cổ tích khác.

Thế kỷ 20 mà mình có sống được trên 40 năm, có 3 câu chuyện cổ tích chính: chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa tự do. Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Đức quốc xã có điểm tương đồng là hai chủ nghĩa này đều kêu gọi xây dựng một xã hội công bằng, không ai bốc lột ai, chỉ khác là chủ nghĩa cộng sản kêu gọi xây dựng thế giới đại đồng còn Đức quốc xã thì ở cấp quốc gia, với tiêu chí ”Deutschland Uber Alles “. Họ cho rằng có một giống người tài giỏi để lãnh đạo các giống hạ cấp khác và cho tiêu diệt người gốc Do thái,...
Joseph Haydn, tác giả đầu tiên “Gott erhalte Franz den Kaiser"
Lịch sử cho thấy chủ nghĩa phát xít dừng ở 1945, chủ nghĩa cộng sản thì cáo chung vào năm 1990, chỉ còn lại chủ nghĩa tự do cấp tiến và các nước trên thế giới bắt đầu theo chủ nghĩa này như ngọn hải đăng đưa quốc gia họ lên đến sự giàu mạnh, xoá đói giảm nghèo. Các nước như Trung Cộng tuy ngoài miệng vẫn kêu xây dựng chủ nghĩa cộng sản nhưng trên thực tế là áp dụng chủ nghĩa tư bản kiểm soát bởi Đảng cộng sản mà họ đánh phá trước đây theo phương châm của Đặng Tiểu bÌnh, mèo đen hay mèo trắng, miễn bắt chuột được là dùng.

Chủ nghĩa tự do cho rằng nhân loại sống từ mấy ngàn năm qua dưới ách cai trị của những triều đại chuyên chế, áp bức người dân, không cho họ những quyền về chính trị, cơ may kinh tế hay tự do cá nhân khiến cản trở sự tư duy đột phá của con người. Từ đó con người tranh đấu cho quyền tư hữu, tự do, các chế độ quân phiệt chuyên chế dần dần được thay thế bởi các chính quyền dân sự do dân bầu lên như ở Á Căn Đình, Chí Lợi còn Á châu thì người ta thấy gương của Nhật Bản đã phục hồi sau khi đầu hàng quân đội đồng minh vào năm 1945.

Họ vẫn biết là chủ nghĩa tự do cấp tiến chưa hoàn hảo nhưng với thời gian sẽ từ từ xoá bất công, nghèo trong xã hội. Các nước độc tài quân phiệt như Nam Hàn, Đài Loan, Nam Dương,…từ từ được chuyển thể thành một nước dân chủ mà ta thấy người Nam Hàn đã bỏ tù mấy cựu tổng thống hay viên chức chính quyền vì tội tham ô, chỉ có Trung Cộng vẫn khăng khăng đòi giữ thể chế độc tài Đảng trị mà ông Clinton làm thinh, chấp nhận cho Trung Cộng gia nhập WTO.

Vấn đề là đến năm 2008 thì khủng hoảng tài chính toàn cầu xẩy ra khiến các quốc gia đang phát triển bổng lo ngại đường lối sản xuất của chủ nghĩa tư bản cấp tiến. Các nước như Thổ-nhĩ-kỳ, Nga-sô đã thay đổi con đường phát triển bằng con đường độc tài vì theo họ Trung Cộng đã thành công phát triển xứ sở họ và vẫn giữa được bản chất độc tài Đảng trị.

Năm 2016, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng với Brexit mà người dân Âu châu trong quá khứ choảng nhau từ mấy trăm năm, chợt nhận ra phải sống chung hoà bình để cùng nhau phát triển nên thành lập Liên Hiệp Âu Châu gồm 27 quốc gia, nói trên 25 thứ tiếng nhưng vẫn giữ nét đặt thù của nước họ. Bổng nhiên ông Anh Quốc, vua ăn thịt ba chỉ muối, trưng cầu dân ý rút khỏi Liên Hiệp Âu Châu trở lại một nước độc lập. Ở Hoa Kỳ, ông Trump đắc cử khiến cha con thiên hạ nhảy đùng đùng, không hiểu lý do. Mình nhớ hôm ấy ở Barcelona, thức dậy mở đài truyền hình thấy toàn hình ảnh của Trump và trump. Từ 3 năm nay, mở đài truyền hình là nghe họ nhắc đến xì trum , chửi bới đủ trò. 

Vấn đề là họ chưa cập nhật hoá vấn đề hiện tại và tương lai. Họ đứng trong các tháp ngà của thế kỷ 20 trong khi mình theo học vài lớp của đại học Lý Quang diệu thì mới hiểu tại sao chương trình Vành đai và con đường của Trung Cộng được hưởng ứng nhiều trên thế giới. Các nước thấy Trung Cộng trong vòng 30 năm đã trở thành một nước tiến xa về kỹ nghệ thông tin, nên theo.

Họ cho rằng mỗi quốc gia có những tố chất riêng biệt về lịch sử và văn hoá nên cần phát triển theo tính chất của họ thay vì rập khuông Liên-sô, Hoa Kỳ hay các xứ Tây phương khác.

Ngày nay, người Việt hải ngoại sống trong một nền dân chủ, bị ảnh hưởng chính trị của nước sở tại tương tự các du học sinh khi xưa bị ảnh hưởng xã hội chủ nghĩa hay thuyết cộng sản nên mong muốn thành lập một Việt Nam theo xã hội chủ nghĩa mà không xem xét lại tố chất việt để xem những gì người Việt có thể làm để phát triển đất nước mình theo cá tính đặc trưng của người mình thay vì cứ chạy theo chủ nghĩa tư bản đã phá sản ở thế kỷ 21 mà cuộc khủng hoảng tài Chánh năm 2008 đã vạch ra.

Anh kêu gào dân chủ hoá, chế độ đa nguyên nhưng ai không đồng ý với anh là bị chụp cái nón cối Việt Cộng, kiểu dân chủ sau lưng tôi.

Mấy năm trước Hoa Kỳ và âu châu vẫn muốn giải phóng người dân I-raq bằng súng, kêu chủ nghĩa tự do cấp tiến là cách duy nhất phát triển quốc gia của họ. Trong khi đó những người dân ở Ohio (Hoa Kỳ) hay Yorkshire (Anh Quốc) không thèm khát hay xem lý tưởng dân chủ cấp tiến khó đạt được nguyện vọng kinh tế và phúc lợi của họ hiện nay.

Làm sao người ngoại quốc có thể tin chủ nghĩa tự do cấp tiến khi chính người Mỹ không tin vào nó. Khi nhà thờ Đức bà ở Paris bị cháy, có một ông Tây hứa sẽ cúng 100 triệu đô la để sửa chửa lại. Nếu ta tính số tiền 100 triệu đô la so với gia tài của ông Tây này thì tương đương với $839 của người Tây trung lưu. Hôm nào rảnh mình kể 1% người giàu có nhờ vào kỹ nghệ thông tin.

Một số người khám phá lại cái hay của các chế độ trong lịch sử nên có nhiều người Nga muốn trở lại thời Sô viết Stalin, họ không muốn từ bỏ văn hoá cha ông, màu da, quốc gia hay quyền uy của giới đàn ông. Các phong trào #MeToo hay đòi hỏi sự tôn trọng giới tính cá nhân đủ trò, tạo nên những phản lực về cách hành xử trong xã hội. Họ khám phá ra câu chuyện dân chủ tự do chỉ giúp một thiểu số làm giàu trong khi lương bổng của họ không tăng, cuộc sống thấp hơn thời cha ông của họ.

Vào năm 1938, nhân loại có 3 câu chuyện cổ tích để chọn lựa (cộng sản, phát xít và tự do), đến năm 1968 thì còn lại 2 câu chuyện (cộng sản và tự do dân chủ) và 30 năm sau 1998 thì chỉ còn lại một câu chuyện (tự do dân chủ). Năm 2018 thì không còn gì hết, khiến thành phần ưu tú tự do cấp tiến chới với và mất hướng đi và sự lạc quan của họ về lý tưởng. Thành phần ưu tú của âu châu và Hoa Kỳ cảm thấy mất định hướng như giới chóp bu của Liên Sô khi xưa, hồ hởi kêu gọi xây dựng một xã hội bình đẳng, vô giai cấp,…để rồi khi họ viếng thăm Anh Quốc, chỉ đòi đi viếng cho bằng được nơi sản xuất bánh mì vì họ không thấy người dân ở Anh Quốc đứng xếp hàng để mua bánh mì. 

Họ đến tham quan Anh Quốc, không thấy dân chúng xếp hàng mua bánh mì nên hỏi cách sản xuất bánh mì ở Anh Quốc. Họ được trả lời là mỗi khu vực trong thành phố, có những tay làm bánh mì, tự mở lò làm bánh mì rồi bán cho dân trong khu vực đó. Giới chức Liên Sô không tin nên bỏ hết các hội họp và đòi cho đi thăm bằng được các lò bánh mì. Họ đến xem rất nhiều lò bánh mì và hiểu được sự sản xuất theo thị trường tiêu thụ và đồng ý thay đổi Glasnost đưa đến sự sụp đổ của đế quốc Liên-xô một cách nhanh chóng.

Ngày nay, nếu đi vùng phố cổ Los Angeles hay kênh Anaheim ở Quận Cam sẽ thấy một đoàn binh vô gia cư, cắm lều ngủ ở lề đường hay cạnh bờ kinh. Mình chở bà cụ lên Los Angeles để xin chiếu khán đi viếng Nhật Bản, thấy các người Mỹ vô gia cư đầy đường thấy tội. Về Paris cũng tương tự, hàng đêm dân ở đâu chạy ra đường trải chiếu mềm, lều để ngủ qua đêm.

Mình có tặng hai cái lều cũ khi mấy đứa con đi hướng đạo và hỏi một ông Mỹ, cựu chiến binh chiến trường Á -phủ-hản , ông ta cho biết là mỗi tháng lãnh được trợ cấp $1,000 thì chạy vào motel ở đến khi hết tiền thì ra bụi nằm ngủ. Ông này thuộc thành phần vô sản, vô đơn vị kinh tế, không sản xuất mà ông Mitt Romney gọi là giáo cấp vô dụng ngoài lá phiếu của họ. Nhiều khi không có thẻ cử tri để đi bầu.

Chủ nghĩa tự do nhân bản, đề cao tình người, giúp đỡ người ngoại quốc, tỵ nạn đủ trò như khi người Việt vượt biển đi tìm tự do đến khi người Mỹ hay người âu châu thấy dân của họ te tua khiến họ bất đồng với chính sách hiện nay và chống phá các chương trình nhập cư, giúp tỵ nạn, người nghèo khó hàng xóm,… tạo nên một chủ nghĩa dân tuý khắp âu châu và Hoa Kỳ.

Người ta kêu gào; người di dân giúp Hoa Kỳ trở thành một cường quốc tương tự các người thợ từ Bắc phi đã giúp các nước âu châu hùng mạnh khi họ sang làm việc trong các nhà máy Pháp quốc, Đức quốc,…

Họ quên đó là sức lao động không cần đến trí tuệ, ngày nay, Hoa Kỳ chỉ cần chất xám do đó họ cho sinh viên ngoại quốc du học rồi ai giỏi nhất, sẽ được họ chọn ở lại để giúp Hoa Kỳ phát triển còn những người di dân khác thì khó vì họ không có chất xám. Họ chỉ đem sức lao động thì khó mà giúp Hoa Kỳ trở nên hùng cường ở giữa thế kỷ 21 này. Họ sẽ là gánh nặng về xã hội và y tế cho Hoa Kỳ. Phải trả lương tối thiểu dù họ không sản xuất và gia nhập số 49% người Mỹ đã được đánh giá là thành phần vô dụng.

Năm nay, mình ghi danh lãnh an sinh xã hội sớm. Tính ra số tiền mình lãnh thì chỉ cần 3 năm là lấy lại vốn đã đóng trong thời gian đi làm. Thế hệ con mình sẽ đóng thuế chết bỏ để trả tiền hưu trí và y tế cho thế hệ của mình.

Thành phần này không có tiếng nói ngoài lá phiếu và dễ bị mua chuộc. Người ta lên án chính phủ trump đuổi người di dân bất hợp pháp nhưng họ quên là chính phủ Obama đuổi hơn 2 triệu người di dân bất hợp pháp, nhiều hơn thời ông Bush con. Tại sao ông Trump sử dụng chiêu bài xây bức tường ở biên giới dù biết người ta có thể đào hầm,… nhưng để tạo dấu ấn là Hoa Kỳ không muốn người di dân nữa, ngoại trừ những người có thêm giúp Hoa Kỳ thêm phú cường còn đến Hoa Kỳ để an hưởng phúc lợi thì không. Luật di trú đang thay đổi, sẽ khó cho những ai muốn đoàn tụ gia đình trong tương lai.

Người Mỹ quan ngại về an sinh xã hội của họ, về hưu không đủ tiền để tiêu xài dè dặt, nay phải trả thêm cho những người di dân bất hợp pháp, chả đóng góp chi vào nền kinh tế Hoa Kỳ từ trước đến nay.

Nếu chúng ta hỏi những người di cư, di dân hợp pháp hay bất hợp pháp thì không ai muốn rời bỏ quê hương của họ cả. Một sinh viên tên Mohammed Bouazizi ở Tunisie tốt nghiệp nhưng không kiếm được việc làm, cuối cùng phải chịu nhục để đẫy xe đi bán hàng rong, bị cảnh sát cấm cản, phá hư nên tuyệt vọng và tự thiêu tạo nên một phong trào chống đối khắp Bắc phi.

Hệ thống chính trị tự do cấp tiến được hình thành từ cuộc cách mạng kỹ nghệ để quản lý các máy hơi nước, lọc dầu hoả, máy truyền hình nhưng hệ thống này khó có thể quản lý cuộc cách mạng kỹ nghệ thông tin và kỹ nghệ sinh vật học. Người ta chưa hiểu rõ vấn đề những kỹ nghệ mới của thế kỷ 21 này để có thể kiểm soát với luật lệ. Có thể xem ngày nay như thời đại khẩn hoang miền tây hoang dã Hoa Kỳ, thằng nào mạnh có súng ống là sống.

Facebook, Google, Apple,… mua hết những công ty có khả năng khiến họ bị lu mờ nên càng ngày càng giàu có tương tự các siêu thị làm phá sản các quán nhỏ khi xưa.

Trường học dạy theo lối đào tạo các công cụ sản xuất của thời đại cách mạng kỹ nghệ của thế kỷ 20 nhưng ra trường, đã có máy móc thay thế rất nhiều nhân công, đâm ra làm nghề không đúng với bằng cấp, nói cho ngay sống cho qua ngày và lương bổng không cao so với nhu cầu tiêu dùng khiến con người không còn đam mê với lý tưởng tự do dân chủ, một câu chuyện cổ tích mất đi sự hấp dẫn.

Tuổi trẻ đi học đại học vì nghe lời quảng cáo, một câu chuyện cổ tích khác của những tên bán văn bằng đại học, là sau 4 năm sẽ có cuộc sống tốt đẹp và cho mượn tiền để đi học. Ra trường không có công việc với tiền nợ $200,000 do đó mình rất sợ những câu chuyện cổ tích xưa và nay. Mình chỉ thích nghe chuyện tếu lâm vì đời là một hài kịch.

Người ta gãi đầu bức tóc khi thấy một tên tư bản đắc cử tổng thống thay vì một luật sư đại diện giới trí thức như đa số tổng thống Hoa Kỳ. Người Anh Quốc bỏ phiếu rời khỏi liên hiệp âu châu vì nghĩ mình đóng tiền vớ vẩn để nuôi người di cư bất hợp pháp hay có giấy tờ. Bao nhiêu chính phủ ở âu châu được bầu theo chủ nghĩa dân tuý, cổ suý cho các chủ nghĩa da trắng độc tôn,….

Trong thời đại toàn cầu hoá do internet chủ suý, nối kết thương mại khắp nơi. Gọi điện thoại cho một công ty là được chuyển qua Ấn Độ hay Phi luật Tân để họ trả lời cho rẻ hơn. Một người Mỹ sử dụng điện thoại lắp ráp ở Trung Cộng, uống nước dừa của Thái-lan, … Trung Cộng đang thành lập một hệ thống Internet của riêng nước họ thậm chí Facebook, Amazon,... đang làm cho họ một hệ thống Internet riêng để làm chủ khách hàng của họ,  cho sử dụng wifi miễn phí thì tha hồ mà mua hàng của họ.

Hai cuộc cách mạng hiện thời về thông tin công nghệ và công nghệ sinh vật học không thể nào cấu trúc lại các nền kinh tế cũng như xã hội trên thế giới. Trong quá khứ con người có thể học cách quản lý thế giới bên ngoài, nhưng chúng ta không thể kiểm soát nội tại của mình. Chúng ta có thể xây cái đập to lớn nhất thế giới để chận nước dòng sông Mekông nhưng chúng ta không thể nào ngăn chận sự lão hoá của con người.

Các cuộc tranh đấu quyền lợi ở thế kỷ 20, bảo vệ nhân công nhờ những nhân công chủ động, có quyền lực chính trong quy trình sản xuất một chiếc xe hơi, một con ốc. Họ có thể đình công để làm áp lực các giám đốc để đòi hỏi về lương bổng, an ninh cho giờ làm việc, bảo hiểm y tế,… nhưng ngày nay 49% người Mỹ được liệt kê vào giai cấp vô dụng, vì họ không thuộc vào lực lượng lao động sản xuất như thời kỳ cách mạng kỹ nghệ ở thế kỷ 19, 20. Ngày nay chúng ta không thấy các nhân vật như Fidel Castro, Che Guevara,..xuất hiện nữa vì nhân công, nông dân không còn quyền lực đàm phán. Các tên như Bill Gates, Zuckerberg,… là những nhà cách mạng của thế kỷ 21 được giới trẻ ngưỡng mộ.

Họ kêu tăng lương tối thiểu cho nhân công, các tiệm ăn trang bị các máy gọi thức ăn trên mạng hay tại bàn. MacDonald thiết bị cái máy gọi thức ăn, trả tiền hết rồi ra quày lấy, đỡ tốn 2 nhân công đứng thối tiền, lại không bị cằn nhằn vì người tiêu dùng gọi tự gõ vào máy. Vào tiệm ăn khá khá hơn như Olive Garden thì thấy trên bàn cái máy gọi thức ăn và tính tiền. Đỡ tốn nhân công lại thêm tiền tip.

Cái nguy hiểm là số người này càng ngày càng gia tăng khi thông minh nhân tạo dần dần thay thế các công việc khác. Máy móc đã thay thế họ và họ không có khả năng học lên cao để có thể quản lý máy móc điện toán hay viết lập trình phần mềm,..

Vào năm 1900, 40% dân số Mỹ là nông dân, ngày nay chỉ có hơn 1% có thể nuôi nước Mỹ và bán nông phẩm cho các nước khác. Số nông dân bị mất việc, chạy ra thành phố để làm công trong các hãng xưởng sản xuất nhưng ngày nay điện toán, người máy sẽ thay thế họ. Tương lai họ sẽ đi về đâu?

Các chính trị gia đề nghị lương tối thiểu trả cho mọi người như đang thực hiện tại Phần Lan để tránh hổn loạn xã hội nhưng nếu sống cuộc đời không có ngày mai, không có mục đích như những người hưu trí hay bị trầm cảm, nghiện ngập. Câu hỏi được đặt ra có nên sống nếu lâm vào tình trạng này nhất là các lãnh đạo quốc gia sáng suốt sẽ tìm phương hướng nào để cải tổ đất nước của họ để không bị bỏ rơi phía sau ngoài những câu tuyên bố cờ lờ mờ vờ, một Phù Đổng tái thế. Cuộc chạy đua phát triển đất nước là một cuộc chiến bằng trí tuệ chớ không phải những biểu ngữ sáo rỗng cho sướng mồm.

Chán Mớ Đời 
  (Còn tiếp)

Nhs