Sự hình thành của hồ Xuân Hương Đàlạt 2

 Mình có kể về hồ Xuân Hương qua các hình ảnh cũ nhưng nay nhận được thêm hình ảnh xưa, như các tấm mosaique bổ túc các hình ảnh khác giúp mình thấy rõ hơn về sự hình-thành hồ nước nổi tiếng của xứ hoa Anh-Đào, nên phải viết lại vì bài trước có nhiều chỗ sai. Bác nào thấy em kể lại sai thì cứ vô tư cho em biết để em hoàn chỉnh. 

Khi ông bác-sĩ Yersin tìm ra cao nguyên Lâm-viên và đệ trình với toàn quyền Paul Doumer, thành lập một khu nghỉ dưỡng cho người Pháp tại đông-dương. Theo những tài liệu mình đọc thì họ đề nghị thành lập ở cạnh hồ Đan-kia, Suối Vàng nhưng không hiểu lý do nào lại xây dựng Đàlạt tại địa điểm hiện nay. Hồ Dan-kia to lớn và đẹp hơn, gần quận Lạc Dương trên đường về Phan Rang và Nhà Trang. Có lẻ vì hai tỉnh này cũng là nơi nghỉ dưỡng vùng biển của người Pháp xưa nên tính làm cho gần nhau, dễ di chuyển.


Mình có nhận phản hồi của:


Chào Tác Giả. Mình vừa đọc hết bài trên. Mình thấy Tác Giả thắc mắc vì sao chọn khu vực Hòa Bình ngày nay để phát triển mà không phải trong khu vực Đan Kia.
Mình chia sẽ một chút hiểu biết về vấn đề này nếu có gì thiếu sót và không đúng xin mạn phép bỏ qua.
Khi bác sĩ Yersin khai phá ra vùng đất này. Nơi mà ông đặt chân đến đầu tiên đó là cao nguyên Đan Kia ( tức là khu vực suối vàng ngày nay). Sau khi đẳ chân đến đây thì ông cùng cộng sự của mình đã đệ đơn với toàn quyền Paul Doumer và được chấp nhận sống thực nghiệm tại khu vực này. Và để phát triển được một vùng đất mới thì phải đầy đủ những yếu tố sau đây:
Thứ nhất: Khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp để trồng trọt và chăn nuôi.
Thứ hai: Phải có nguồn nước để tưới tiêu và sinh hoạt.
Thứ ba: Địa hình phải thích hợp để xây dựng nhà cửa phát triển Giao Thông.
Khu vực Đan Kia đáp ứng đủ 2 điều kiện một và hai. Tuy nhiên địa hình ở khu vực này không thể xây dựng đường xá và khu đô thị, chính vì thế navs sĩ Yersin lại một lần nữa đi khám phá và tìm ra cao nguyên Lâm Viên tuecs là khu Hòa Bình(Trung tâm Đà Lạt ngày nay) để xây dựng và phát triển Đà Lạt làm một trong những nơi nghĩ dưỡng dành cho binh lính và sĩ quan Pháp.
Một chút thông tin mình biết được là vậy. Hy vọng mọi người góp ý. Cám ơn Tác Giả và các ace đã đọc.


Có lẻ con đường đến Đàlạt bằng đường Phan Rang, khó khăn, hoặc họ khám phá ra đường đến Đàlạt qua ngõ đèo Prenn từ Phan Thiết tiện hơn. Mẹ mình kể đi từ Huế vào Đàlạt, bằng thuyền từ Đà Nẳng (Tourane) đến Phan Thiết rồi lấy xe đò lên Đàlạt. Dạo ấy chưa có con đường đi từ Sàigòn đến Bảo Lộc rồi Đàlạt.

 


Tấm ảnh này được xem là tấm cũ nhất mà mình tìm thấy về hồ Xuân Hương, Đàlạt, khi còn hoang dã, mới được người Pháp phát-hiện (theo chú-thích của Tây).

 


Tấm thứ 2 chụp ở vùng hồ Đan-kia, Suối Vàng, nơi người Pháp dự định xây dựng khu nghỉ-dưỡng cho thực dân pháp tại Đông-dương mà năm 1993, mình có dịp thiết kế một dự-án du-lịch cho một tập đoàn đầu tư Tân-gia-ba nhưng không được thực hiện. (hình người bận khố là Sơn đen ngày xưa :)


Đọc tài-liệu tây và việt cho biết lúc đầu có hai cái hồ; Hồ Lớn (grand lac) và Hồ Nhỏ (Petit Lac). Sau đó, có trận mưa bão lụt lớn vào tháng 5 năm 1932, làm vỡ chiếc cầu nên người Pháp mới quyết định nhập hai hồ lại thành một và xây một cái đập to và ngắn hơn vào năm 1934-1935 mà ngày nay người dân Đàlạt hay gọi cầu Ông Đạo. Theo kỷ-yếu của Công-Chánh, được biết người thiết kế xây dựng cái đập này là một kỹ-sư công chánh người Việt.



 

 Mình mới tìm ra tấm không ảnh này, cho thấy rõ hơn những gì các tấm ảnh khác chụp dưới đất mà mình kể trước đây. Ta thấy từ bùng-binh chỗ Thuỷ-tạ sau này, có con đường vừa là cái đập, vừa là chiếc cầu chạy qua bên kia hồ chỗ bùng-binh của đường Đinh Tiên Hoàng và Võ Tánh sau này. 


Gần chỗ này có chiếc cầu, xem hình sau này, nơi nước hồ đầy thì tràn qua bên kia đập, đỗ vào hồ nhỏ chỗ ấp Ánh-sáng sau này. Xem bài mình viết về Ấp Ánh Sáng và Cầu Ông Đạo.




Tấm này, cho thấy Thuỷ-tạ chưa được xây, thấy con đường (đập chận nước), chạy từ bùng-binh qua hồ đến bùng-binh chỗ đường Võ Tánh, Nguyễn Thái Học và Đinh Tiên Hoàng.



Hình này chụp từ khách sạn Palace nhìn xuống. Khi mình về Đàlạt lần đầu tiên với vợ con thì có ngụ tại đây. Sáng mở cửa sổ, ra balcon nhìn xuống hồ rất đẹp. Sương mù trên hồ khi nắng ban mai vừa lộ lên, khiến mình nhớ đến những buổi sáng đi học Grand Lycee, sương mù và ánh nắng mờ mờ, quá đẹp. Sau này đi học ở Paris, tương tự sáng đi ngang cầu Passerelle des Arts, cũng sương mù, ánh nắng ban mai phía sau nhà thờ Notre Dame de Paris hay cầu mới (pond neuf )


Khi xưa, cứ đi ngang qua khách sạn, tò mò không biết bên trong ra sao nên sau này về Đàlạt, thử ở trong khách sạn này. Dạo ấy, ít du khách nên được phục vụ rất chu đáo. Mấy lần sau thì ở nhà bố mẹ mình vì cô em kêu tốn tiền, để dành cho em.






Hoạ đồ do kiến trúc sư phát hoạ từ đồi khách sạn Palace. Tương tự hình trên. Thấy khuôn viên Thuỷ-tạ, đường Nguyễn Trường Tộ, nhà hàng Đào Nguyên. Phía địa điểm Thao Trường là một khách sạn lớn, phía sau thấy cái chuông, có lẻ là phát hoạ Grand Lycee. Chỗ Thuỷ-tạ có 3 cơ sở thương-mại, có dáng dấp của thuỷ-tạ sau này được xây cất.








Tấm ảnh này thấy tương tự bức phát hoạ của kiến trúc sư Tây, thấy nóc chuông của Grand Lycee, khách sạn không được xây.








Hình này, chụp từ chỗ trước Thao Trường, trong thời kỳ chiến tranh là nơi đậu trực thăng. Bên tay trái là cái đập đầu tiên và chiếc cầu. Xem cận cảnh phía dưới. Mình đoán là hai ông Tây, kiến trúc sư, được giao nhiệm vụ phát hoạ kế hoạch phát triển Đàlạt xưa.



Hình này thì cận cảnh cho thấy chiếc cầu, thấy nhà lao sau này trên đồi. Chắc dạo ấy dùng để cho nhân công ở hay binh lính đến nghỉ dưỡng.





Đây là tấm ảnh chụp từ trên đồi của khách sạn Palace, thấy khu phố đầu tiên tại Đàlạt mà mình có kể trong bài Cầu Ông Đạo và Ấp Ánh Sáng. Khu này mình có một tấm ảnh của khu phố, nơi ông bá-hộ Chúc nấu nước bán cho dân cư tắm, làm giàu. Xa xa trên đồi có dinh tỉnh trưởng. Phía trái có thấy cái hồ nhỏ. Sau này, khu phố bị lụt phá vỡ, người Pháp phá cái đập nhỏ rồi làm cái đập chỗ Cầu Ông Đạo bây giờ.




Đây chụp từ trên đồi của ty bưu-điện, nhìn xuống thấy chiếc bằng gỗ mà mình có kể trong bài Cầu Ông Đạo. Thấy dốc Lê Đại HÀnh mà khi xưa được gọi là đường Gia-Long. 


Khu phố này bị lụt nên người Pháp phá bỏ để xây cái đập, vừa là con đường mà người ta gọi Cầu Ông Đạo. Mình có tấm ảnh của góc phố này trên đường, nơi ông bá hộ Chúc nấu nước nóng cho dân cư tắm. Để lục lại rồ tải lên đây. Mình mất nhiều thời gian để định vị con đường này.



Tấm ảnh trên cho thấy rõ hồ nhỏ (Petit lac). Sau này được nhập với hồ lớn tạo ra hồ Xuân Hương ngày nay.




Đây tấm ảnh chiếc cầu và đập của hồ lớn, sau bị bão lớn nên người Pháp phá vỡ để xây cái đập ở Cầu Ông Đạo.





Đây tấm không ảnh, mình đoán chụp vào năm họ xã hồ để vét hồ vì bùn được kéo về bởi các con suối từ hồ Than-Thở,.... Cho thấy tàn tích của con đường xưa, chận cái hồ lớn, chỗ Thuỷ Tạ, chạy từ đường Trần Quốc Toản qua phía bên kia hồ, dường Bà Huyện Thanh Quan, bị đập vỡ để xây chỗ cầu Ông Đạo.





Tấm ảnh này cho thấy tiền thân của cầu Ông Đạo. Khu phố là tiền thân của Ấp Ánh Sáng sau khi xây cái đập. Xa xa bên tay trái, trên đồi là dinh tỉnh trưởng.





Tấm ảnh cho thấy vùng đất làm vườn chỗ ấp Ánh Sáng, thấy con suối mà ngày nay vẫn còn. Thấy mé mé bên phải căn nhà của ông Quản Đạo.





Hình này, cho thấy nhà ông Quản Đạo, trên đồi có dinh tỉnh trưởng. Con đường mòn mà thiên hạ đi bộ, băng ngang qua, là tiền thân của cái đập (cầu Ông Đạo).





Hình này cho thấy đập đã được xây xong, bên kia hồ, vẫn còn căn nhà của Quản Đạo, sau này bị phá bỏ. Phía trên đường Thành Thái, có rạp xi-nê Eden, tiền thân của rạp Ngọc Lan.





Hình này cho thấy nhà ông Quản Đạo và đường Lê Đại Hành chạy lên CHợ Cũ, thấy rạp xi-nê Eden. Ấp Ánh Sáng đã được thành lập. Đặc biệt dãy tiệm ở đường Thành Thái như tiệm kem Việt-Hưng đã được xây dựng. Chợ Đàlạt chưa được xây, chỉ thấy toàn là vườn rau. Nghe người lớn kể nhưng nay có mấy tấm ảnh này mới hình dung về Đàlạt thời mẹ mình vào Đàlạt lập nghiệp.




Hình này được chụp trên cầu Ông Đạo, vẫn thấy nhà của Ông Đạo. Trên đồi, đường Thành Thái, thấy rạp xi-nê Eden tiền thân rạp NgọcLan.




Có lẻ điểm nhấn nổi tiếng của hồ Xuân Hương là nhà hàng Thuỷ Tạ, hình ảnh muôn thủa của Đàlạt. Mình có kể là kiến trúc sư người Pháp phát hoạ câu lạc bộ thể thao nước này dựa theo nhà hàng nổi tiếng “La Grenouillère” một thời ở ngoại-ô Paris, nơi phát xuất chủ nghĩa Ấn-tượng (impressionism). Ngày xưa, nghe nói nhưng chả hiểu lý do đến khi qua Tây, học về lịch sử nghệ-thuật thì mới vỡ lẽ. Câu lạc bộ này bị dẹp lâu rồi.





Tấm ảnh cho thấy địa điểm nhà hàng Thuỷ Tạ khi xưa là đất liền như miếng đất trước sân vận động, dùng để đậu trực thăng trong thời chiến tranh. Sau đó có lẻ thiết kế theo câu lạc bộ bên pháp nên họ cho đào đất biến thành một hòn đảo, đi qua với chiếc cầu gỗ cong.




Hình này khi họ mới đào đất biến thành hòn đảo, với chiếc cầu gỗ kiểu Á-đông.




Tấm bưu thiếp này với con tem đóng dấu mộc ngày 12 tháng 8 năm 1933 cho thấy Thuỷ Tạ lúc đầu chỉ là một quán nhỏ để thiên hạ đến uống nước. Mình có thấy bản hoạ đồ, xây 3 cái quán ăn ở 3 đầu nhưng sau khi xây Thuỷ Tạ thì quá đẹp nên họ ngưng không xây tiếp. Hy vọng trong tương lai Việt Cộng không xây thêm nhà hàng ở hòn đảo này như xây chiếc cầu gương trong Thung Lũng Tình Yêu. Chán Mớ Đời 


Ngày tháng trên bưu thiếp hợp với vụ đập bị vỡ năm 1932, và được xây lại nên họ cho đào đất để biển khu Thuỷ tạ thành hòn đảo, là câu lạc bộ để chơi thuyền buồm, mang tên “La grenouillère“.


Hai hoạ sĩ nổi tiếng của trường phái ấn-tượng; Auguste Renoir và Claude Monet đã ở vùng này đến 2 tháng trời để vẽ câu lạc bộ nổi tiếng này và mấy bức tranh này được trình bày tại viện bảo tàng Luân-đôn và Stockhom. Ai có dịp đến đó thì vào xem. Theo mình Thuỷ Tạ vẫn đẹp hơn.





Hình này cho thấy nhà hàng Thuỷ Tạ đã được xây xong. Mình hiểu Tây gọi là “La Grenouillère « còn người Tàu thì gọi là “Thuỷ Tạ” xây trên nước.




Tấm ảnh này năm 1968, cho thấy mấy chiếc xe đạp nước nhẹ nhàng, không như ngày nay, họ làm mấy con thiên nga, chiếm mất cảnh quang của hồ. 


Mình có viết, kể về Thuỷ-tạ, ai thích thì đọc trên bờ -lốc của mình. Mình viết lại sự cấu thành hồ Xuân Hương vì bài trước chỉ hiểu qua các tấm ảnh có, nay nhận được thêm nhiều tấm khác như những miếng mosaic nên gắn thêm trên bức tranh của hồ Xuân Hương Đàlạt của một thời.


 Ngày nay, du-lịch và dân cư đông hơn đã biến hồ này thành một máy làm tiền, phá vỡ khá nhiều hình ảnh thơ mộng của Đàlạt sương mù mà mình đã sống được 18 năm trời.


NHS


Ông Bill Robie, người lái trực thăng, quyên tiền để tặng học bổng cho học sinh trường Bùi Thị Xuân và Trân Hưng Đạo bổ túc:

These stories from Sony Nguyen are wonderful and the photos are tremendous! Sony has exceptional access to some incredible historic resources. The sequence of the development of Ho Xuan Huong from two lakes into one is clearly shown in many of the photos, to include the more modern color photo that shows the lake drained and the location of the remains of the old dam can be seen. Translation of these stories from Vietnamese to English would be great!