Nhìn tấm ảnh này khiến mình thất kinh vì nhớ đến cái thèm khát mỗi lần leo lên cầu thang chợ, đi ngang chỗ này vì có chỗ bán bánh mì thịt, theo mình ngon nhất Đàlạt. Chỉ nhớ mại mại đi đâu vô đây rồi cái cửa sổ có một bà Bắc kỳ bán bánh mì, có Mayonnaise, pâté dưa leo, kiểu người Việt mình bán tại Bôn Sa. Món bánh-mì thịt nguội này của người Việt, nay được quốc tế hoá, người ngoại quốc rất ưa chuộng.
Cuối tuần đi dọn hàng buổi sáng cho bà cụ, xin chút tiền ra đây mua một ổ, được gói cẩn thận trong giấy in hiệu bánh mì. Mình vừa đi vừa ngoạm lên tới khu Hoà Bình là hết. Lại thấy trước tiệm Vĩnh Hoà, hai xe bán mì thịt càng làm thêm đói. Khu này có một bà người Huế bán bánh mì lấy từ lò bánh mì ở Phan Đình Phùng mà họ bỏ mối cho nhà mình mỗi sáng, 10 ổ cho mấy anh em mình ăn sáng uống sữa Ông Thọ trước khi đi học. Hồi nhỏ mình hay hỏi người lớn là khi về già mấy ông già có sữa như ông Thọ, bị chửi ngu thế.
Bà này thì mình lâu lâu đến mua, đứng nhìn bà ta lấy bánh mì loại to, cắt ra làm 2, 3 phần tuỳ theo giá tiền người mua. Bà ta trét chút mayonnaise, bỏ dưa chua, thêm vài lát thịt heo nhiều mỡ, chan chút nước tương ớt, xịt chút tàu vị-yểu, rắt rắt chút tiêu, xong lấy tờ báo cũ đã được cắt sẵn gói lại. Tối thì bà ta có cái đèn măng-xông, chiếu rực mấy tấm kính của chiếc xe bán bánh mì. Mùa lạnh thì lại thấy có hai ba bà ngồi quạt lò than, nướng bắp mỡ hành bán cho thiên hạ. Không biết họ có phải trả tiền ngồi trước cửa tiệm Vĩnh Hoà hay không nhưng cũng nuôi được một đàn con.
Món ăn uống mình nhớ nhất vẫn là ly sữa đậu nành và bánh da lợn của bà 7 Quốc ở đường Minh mạng, ngay tiệm vàng của ông BÙi Duy Chước, bố bà Bùi Thị Hiếu. Đàlạt trời lạnh hay mưa mà đến đây, ngồi nơi thang cấp để uống ly sữa đậu nành nóng, thêm cái bánh da lợn của bà này là hạnh phúc muôn đời. Ngày nay, mình hay uống sữa đậu nành và ăn bánh da lợn hay bánh nướng nhưng sao không có hương vị ngày xưa dù ngày nay có thể ngon hơn của bà 7 Quốc làm.
Ở đường Phan Đình Phùng, ngay trước tiệm ăn Kim Linh, có một chiếc xe bán bánh mì thịt tương tự. Hình như góc Duy Tân, Cường Để cũng có xe bán bánh mì. Ngoài ra thì tại các bến xe đò thì đều có xe bán bánh mì để hành khách đi xa, mua theo ăn dọc đường.
La Tulipe Rouge là một trong những vũ trường tại Đàlạt xưa. Có những chỗ nhảy đầm khác nhưng mình không biết vì chưa bao giờ múa kép tại Đàlạt. Hình như tiệm ăn Đào Nguyên ở Xẹt (cercle sportif ), gần Thuỷ Tạ, nơi mấy sân quần vợt có cho nhảy đầm. Nghe CBMT kể là con gái của tiệm này ở nam Cali nhưng chưa có cơ hội gặp lại.
Mình nghe một bác, quen bà cụ kể là đâu ở đường Trần Hưng Đạo có một vũ trường, chắc là nơi ban nhạc Rolling Wheels Đàlạt xưa hay chơi.
Vũ trường La Tulipe Rouge nổi tiếng về một chuyện du đảng chém nhau. Mình nghe kể khi trùm du đảng Đại Ca Thay lên Đàlạt, vào vũ trường La Tulipe Rouge chơi. Khi rời vũ trường thì bị Xí Rổ, một du đảng Đàlạt chém khiến ông thần nổi giận, về Sàigòn đem đàn em bay lên Đàlạt, lùng kiếm Xí Rổ. Anh chàng XÍ Rổ, ở ngay đường Tăng Bạt Hổ, cách 3 căn nhà tiệm chè Vọng Nguyệt Lầu.
Mình chứng kiến ông thần này lắc Tài Xỉu ngày Tết, lấy cái chén có dán mousse cao su ở đáy chén, để chận hột xí ngầu để ăn gian thiên hạ. Thằng Quý, ở cạnh nhà Xí Rổ giải thích cho mình. Có lần hắn thua, thiên hạ đòi tiền thì hắn rút dao quăn dưới đất trên tấm chơi bài. Thiên hạ rút lui có trật tự.
Xí Rổ nhờ 2 anh em Lai và Thái, cũng nổi tiếng du đảng, nhà ở trong hẻm trường Nữ Công Gia Chánh, gần nhà thương, thương lượng để hắn xin lỗi Đại Ca Thay. Nghe kể là họ hẹn nhau tại Sân Cù, để XÍ Rổ xin lỗi chúa trùm du đảng Sàigòn mà nhà văn Duyên Anh tiểu thuyết hoá trong một tác phẩm của ông, sau này được dựng thành phim do Hùng Cường thủ vai chính.
Hình như ca sĩ Khánh Ly khởi nghiệp ca hát cũng tại vũ trường này. Sau này 1 trong hai anh em Lai và Thái, đi tuần cảnh, bắt lính hay đậu xe ở trước rạp Ngọc Hiệp. Trong xóm của hai ông thần này có thằng Hoà, đào binh, hay thủ cái ống nước bằng sắt trong người, đi đập lộn. Cuối cùng đi đập lộn cho ai ở trường Việt Anh bị Tuần Cảnh bắt, từ đó mình không gặp lại hắn.
Khá vui là khi nghe người lớn kể về vụ này thì hầu hết ai cũng nói chính họ có mặt tại Sân Cù, chứng kiến Xí Rổ xin lỗi Đại Ca Thay, thậm chí hôm Xí Rổ chém Đại Ca Thay cũng có mặt. Nếu tính ra thì ít nhất có vài ngàn người có mặt hôm ấy. Có ông thần nào viết cảnh Đại Ca Thay lên gặp Xí Rổ bắn ở bến xe Tùng Nghĩa. Dân Đà Lạt ăn đặc sản Quảng Trị hơi nhiều.
Mấy tên cở tuổi mình cũng vỗ ngực kêu là đã có mặt hôm ấy dù có mấy tuổi đời, học tiểu học. Dân tỉnh nhỏ nên khi có chuyện gì sôi nổi thì ai cũng được nghe và câu chuyện được thổi phồng lên và họ tự nhân chứng hoá khi kể chuyện. Tương tự khi mình viết về chiếc trực thăng Mỹ rớt tại đầu chợ Đàlạt, ngay đường Lê Đại Hành, có ông thần nào kêu là chứng kiến người chết đủ trò. Đọc tin tức của người Mỹ, báo cáo vụ rớt máy bay này thì không ai chết, kể rõ tên các phi hành đoàn, lý do máy hư.... Chán Mớ Đời sau này, thiếu tá Phong của đại đội 302 cho biết là chiếc trực thăng chở anh ta và đồng đội đi hành quân về, xe chở anh ta và lính về trại rồi tên phi công mỹ bay lượn qua khách sạn Mộng Đẹp chào mấy cô điếm, trúng cột điện hay sao rớt.
Gần đây, mình có nhận nhắn tin, hỏi thăm về một anh chàng hàng xóm, có thời bị đày đi Côn Đảo như Võ Thị Sáu khi xưa. Nghe kể anh chàng bị đưa đi Côn Đảo vì đâm ai chết ở tiệm cắt tóc đối diện rạp Ngọc Hiệp thời ông Ngô Đình Diệm. Anh chàng được tha về, mình có thấy mặt trong sân nhà rồi mất tích luôn, mấy chục năm sau thiên hạ hỏi tin tức nên mình ngọng vì chưa bao giờ nói chuyện với anh ta. Chán Mớ Đời
Căn phố La Tulipe Rouge được xây dựng sau khi Chợ Mới Đàlạt được khánh thành. Tấm ảnh này cho thấy khu La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp hai bên cầu thang Chợ chưa được xây. Các vườn từ chợ ra bờ Hồ đã được thiết kế. Thấy đường Lê Đại Hành với mấy cây mai Anh-đào mà đến Tết là nở rộ, đẹp nức nở. Đáng lẻ họ trồng mai Anh-đào hết thay vì mấy cây Tùng. Gặp mình thì xung quanh hồ Xuân Hương cũng cho trồng toàn là mai Anh-đào như ở Kyoto, đi đâu cũng thấy hoa Anh-đào nở rộ vào mùa Xuân.
Vui là thấy cái biểu ngữ được treo từ cột điện sang bên kia đường Thang Thái. Hình ảnh cho thấy mấy quán trên đường Thành Thái như tiệm kem Việt Hưng đã được xây rồi.
Cận cảnh là mái nhà và một phần arcade của dãy phố phía sau lưng La Tulipe Rouge sau này bị phá bỏ. Theo mình là một việc không nên làm vì khiến khu Hoà BÌnh được xây dựng với nóc chuông như một ngôi giáo đường to lớn bị mất thăng bằng vì một bên bị phá dỡ.
Hình ảnh cho thấy khu phố cạnh talus vẫn còn, vũ trường chưa được xây cất. Mình đoán là kiến trúc sư thiết kế cầu thang chợ không có ý định xây vũ trường La Tulipe Rouge hay khách sạn Mộng Đẹp vì đã thấy họ trồng cỏ. Có lẻ tỉnh nhỏ nên mấy người giàu có xin phép xây cất bú xua là mua, phá vỡ bản thiết kế ban đầu.
Hình này cho thấy chợ Đàlạt cũ nằm giữa 3 dãy nhà, phía bên photo Hồng Châu, có dãy phố 1 tầng, chắn gió khiến chợ được trải thêm ra ngoài đường với các hàng rong, tấp nập. Sau này họ phá bỏ, ít ai đi phía này, phía bên Mekông, Bùi Thị Hiếu, Tiến Đạt đông hơn vì ít gió.
Lý do là mình thấy có trồng cây Tùng khi họ phá bỏ dãy phố bên trái rạp Hoà Bình như hình sau đây.
Hình này cho thấy sau khi phá bỏ dãy phố bên trái khu Hoà BÌnh thì họ có trồng mấy cây Tùng nhưng rồi không hiểu sao lại có mấy quán lẻ tẻ mọc lên. Ta thấy nước nhà của La Tulipe Rouge thấp bằng cái talus nhưng khách sạn Mộng Đẹp chơi cha, xây thêm 1 tầng rồi chạy chọt mấy ông lớn bỏ qua, cao hơn mặt đường Lê Đại HÀnh, vô hình trung chắn cảnh quang từ khu Hoà BÌnh xuống hồ Xuân Hương. Ý tưởng của ông Ngô Viết Thụ bị huỷ hoại. Chán Mớ Đời
Sau này họ cho xây La Tulipe Rouge, phá bỏ dãy phố, có trồng một dãy cây Tùng, bù lại là các xập nhỏ hay bảng hiệu quảng cáo hay chính trị cực xấu.
Hình này chụp từ balcon của khách sạn Mộng Đẹp, tô vẽ sự xấu xí thực chất. Nếu để lại dãy phố cũ thì hay hơn, sẽ không bị rác rưởi hay xấu xí phía sau và phía trước. Ngay tiệm Lộc Sơn, có xe hàng của Lộc Sơn và của ông Sở. Có lần ông Sở bị bắt ở tù nên bà Sở phải đi Sàigòn thăm nuôi và mua hàng với ông tài xế khác.
Hình dưới cho thấy ngay đầu thang chợ có 3 cây Tùng sống sót, dãy phố đẹp bị đập bỏ để thế vào một dãy hàng quán tạm thời, xấu xí làm mất vẽ đẹp cảnh quang của khu Hoà BÌnh. Nếu để dãy phố như sự tiếp tục của dãy Photo Hồng Châu sẽ làm dãy phố như một bức thành trên cao.