Giấc Kê Vàng 2021 hay giấc mơ người ăn Oe-phe

 Bài này mình viết lâu rồi (2015), được cô giáo dạy việt-văn ở Yersin, Đàlạt xưa, chấm điểm, đổi tựa là “Giấc Kê Vàng”. Bằng tuổi mình còn có cô giáo và thầy giáo cũ đọc mình kể chuyện đời xưa là một niềm hãnh diện của cuộc đời. 

Lâu quá không viết chuyện tếu vì thiên hạ cứ gửi ảnh cũ Đàlạt xưa, kêu kể tiếp những mảnh nhớ về Đàlạt, giúp họ sống lại một thời yêu dấu xưa, kể lại những kỷ-niệm của thời học sinh. Hy vọng sang năm, sẽ rảnh hơn để kể chuyện tếu. Mình thích tếu lâm, cuộc đời là một hài kịch mà chúng ta ai nấy đều diễn đến mãn cuộc đời.

Mình tham gia lại hội Toastmasters, chọn cái ”Path” để luyện tập về nói chuyện vui cười nên sẽ phải viết và đọc diễn văn cho các hội viên khác về đề mục này suốt năm tới nên hy-vọng sẽ có thì giờ viết nhiều chuyện tếu.

 

Mình có sửa lại bài này một chút, vẫn còn nhiều lỗi chính-tả, đăng lại cho các bác đọc vui ba ngày cuối năm, bị đại-dịch chôn chân ở nhà. Mấy năm trước khi mình bắt đầu viết thì lỗi chính-tả đầy khiến mấy cô bạn học xưa, phải ra tay sửa lỗi chính-tả vì ê-đít (edit). Vốn liếng tiếng Việt không khá thêm ở tây mấy chục năm nên bị mấy cô bạn dũa tơi bời hoa lá.


Năm 2013, tình cờ nhận được email của người bạn học cũ, khiến mình nhớ đến vài kỷ-niệm thời học sinh nên kể lại qua email. Cô bạn hỏi còn nhớ chuyện gì nữa không, kể tiếp. Mình kể tiếp những  mảnh nhớ của thời Sửu-nhi, không ngờ đến nay đã 7 năm, viết trên 1,200 bài hoa lá cành.


Có anh bạn học cũ, tiến sĩ Chử Nhị Anh, lựa đâu 100 bài của mình viết vào năm 2013, làm thành một cuốn kỷ-yếu cho cựu học sinh Văn Học, Đàlạt. Đặt tựa Mực Tím Sơn Đen, được bỏ bán trên Amazon. Điểm vui là vợ bạn học cũ lại thích đọc truyện tếu của mình, bảo chúng gửi mua về cho mấy bà đọc.


Lâu lâu đồng chí gái hỏi mình viết cái gì mà mấy bà bạn học cũ Trưng Vương, bàn tới bàn lui. Vợ mình không đọc chuyện kể của mình, kêu tào-lao xịt-bột. Có bạn học cũ của đồng chí gái ở Việt Nam, gửi mua. Kinh


Có hai ông thần không quen, 1 ở Việt Nam và 1 ở Cali, hay đọc bài của mình nên đề nghị, cho họ làm một cái bờ-lốc để thiên hạ, dễ tìm những bài của mình. Thấy họ vào Facebook, chuyển từng bài mình đăng trên Facebook qua bờ-lốc, đâu 1 ngàn bài mà thương, không ngờ mình có người theo dõi, chịu khó đến thế. Anh bạn học cũ, đã đọc và lựa từng đề mục đã khiến mình cảm phục nay có người bỏ công gấp 10 lần anh ta. Không ngờ tháng này có đến 10,000 lần đọc. Kinh

 

Nhiều khi mình mới tải bài lên bờ-lốc, chưa kịp chia sẻ với mấy nhóm trên Facebook, đã thấy có người đọc rồi. Có người theo dõi mình nên bài nào ra thì họ đều nhận email báo ngay để đọc như bánh mì Vĩnh Chấn mới ra lò. Rất cảm động!


Lúc đầu, mình viết rồi email cho mấy người bạn học cũ, rồi họ lại chuyền cho bạn họ, những người từng sống tại Đàlạt nên mình quyết định bỏ lên Facebook. Không ngờ việc làm này giúp mình tìm lại nhiều người hàng xóm quen xưa, bạn học cũ, khiến bao kỷ-niệm một thời từ đâu chảy về như cái giếng của Manon des Sources, bị cha con nhà họ Jean Florette bít lâu năm, để chiếm đoạt đất đai của gia đình Manon được khơi lại, giúp dòng suối của mảnh nhớ Đàlạt xưa trào ra, tưới thắm lại sa-mạc tuổi trẻ của mình. Đơm lại những đoá hoa quỳ, hình ảnh xưa một thời vô-tư, đi học.


Có ông thần nào theo dõi đọc những bài mình viết về sự hình thành của Đàlạt như hồ Xuân Hương, cầu Ông Đạo, Chợ Đàlạt, Khu Hoà Bình,...dán cho cái nhãn-hiệu “nhà Đàlạt-học”. Kinh


Có ông thì khi xưa, làm cho an-ninh ở Đàlạt, chú thích thêm mấy bài  của mình kể, giúp kết nối lại những miếng mosaique của hình ảnh xưa của Đàlạt, của Việt Nam Cộng Hoà.


Thật ra có nhiều người trẻ sinh sau 75, hỏi mình nhiều vấn đề mà họ thắc-mắc về Đàlạt xưa mà không tìm được câu hỏi hữu-lý, nên phải giải thích kiểu viết theo lối đặt-hàng.


Có nhiều người gửi hình ảnh xưa của Đàlạt giúp mình hiểu sự hình thành của xóm này, ấp nọ như Ấp Ánh Sáng. Xem ảnh cũ cho thấy khu phố của người việt, người mọi lúc đầu ở ngay khu cầu Ông Đạo ngày nay nhưng vào năm 1932, mưa to gió lớn, làm vỡ cái đập nên người Pháp phá bỏ khu phố ở đây, dời lên khu Hoà Bình, nhập hai cái hồ lại và xây cái đập mới ngắn hơn được người Đàlạt gọi cầu Ông Đạo.


Mình khám phá ra lai lịch của ông bá hộ Chúc, giàu có nhờ nấu nước nóng cho thị dân tắm,... mình tìm ra nhiều tấm ảnh cũ Đàlạt sau khi đã viết về hồ XUân Hương, Thuỷ Tạ,...nên chắc năm 2021 sẽ bổ túc lại cho chính xác.


Mình lại được giới thiệu gia nhập một nhóm của các cựu chiến binh mỹ, có lần đóng quân tại Đàlạt xưa nên mỗi bài gửi cho họ, đều có một phần tóm lược ngắn bằng anh-ngữ cho họ. Mấy người này có nhiều tài liệu hình ảnh xưa của Đàlạt giúp mình giải mả nhiều điều ở Đàlạt xưa.


Chúc các bác cùng thân quyến một năm 2021 được nhiều an lành. NHS


Bích câu kỳ ngộ 2015

 

Hắn vừa dọn nhà xong, bò ra chợ trời xem có cái gì re-rẻ để mua trang trí căn phòng mới thuê tại Tribeca, Nữu-Ước. Hắn thay đổi chỗ ở, chỗ làm, thành phố đều đều nên gia tài hắn chỉ vỏn-vẹn có cái ba lô, cái túi ngủ và cây đàn thêm vài bộ đồ. May tên ở trọ trước hắn để lại cho cái nệm, nếu không thì tối lại kéo túi ngủ ra nằm như thời ở trại tị nạn vì mỗi lần chuyển nhà rất tiện, chỉ gom vài thứ rồi nhảy lên xe lửa hay máy bay.

 

Hắn đi lòng vòng chả có gì re-rẻ cả nên tính bỏ về thì bổng thấy một bức tranh cũ kỷ được treo lơ lững ở một gian hàng. Hắn ngạc nhiên vì tấm tranh có hình một thiếu nữ giống một cô bé mà hắn đã từng gặp ở trại Pulau Bidong. Tình Bidong có list là dông.


Không ai biết tên cô bé, chỉ biết là người độc nhất sống sót trên con tàu PB835 sau cuộc hải trình tìm Tự Do. Ngày nào, cô bé cũng vào nhà thờ cầu nguyện, không giao thiệp với ai cả, ngoài những giờ đi lễ cầu nguyện, cô bé cứ ra biển nhìn về xa xăm mênh mông như ngọn hải đăng tìm các con tàu lạc loài trong đêm tối bảo bùng. 


Dân tỵ-nạn trên đảo hay gọi cô bé là Thánh Nữ Pulau Bidong. Chiều chiều cô bé ra biển, lẩm nhẩm:


Suốt tuần nay em vẫn ngồi 
Một mình lẩm bẩm 
Ngơ ngác nhìn ra phía biển xa xôi 
Như thuở chờ Mẹ đi chợ về 



Hắn hay theo cô bé vào nhà thờ. Mỗi lần như thế hắn ngồi phía sau như một tín đồ ngoan đạo, trông về cô bé đang quỳ trước tượng Chúa. Tuy không phải tín đồ nhưng hắn hay lâm râm cầu nguyện như bài hát ngày nào. Con quỳ lạy Chúa trên trời sao cho con lấy được người con thương. Mấy tên trong trại cứ chọc hắn, bảo đến giờ đi bảo vệ Thánh nữ đời tôi nhưng hắn mặc kệ bọn ganh-tị. Chúng không hiểu ái tình là cái chi chi, tình yêu là gì. Nhiều lần hắn ao-ước được cô bé thánh nữ ban cho hắn một cái nhìn dù chỉ tít-tắt nhưng tuyệt nhiên cô bé không bao giờ nhìn hắn, bố-thí cho một cái nhìn, lúc nào cũng vênh vênh váo-váo nhìn lên trời.

 

Rồi hắn nhận được giấy tờ định cư tại Hoa Kỳ. Tình Bidong có list là dông, tuy buồn nhưng hắn phải ra đi. Đêm chia tay, hắn buồn vời-vợi, cả trại xúm lại làm cơm tiễn hắn lên đường. Hắn bắt chước Duy Khánh, 30 năm về trước, đêm cuối cùng ở Lào, đã hát trong nước mắt "Xin anh giữ trọn tình quê". Hắn ca với nước mắt chảy dài vì mừng rời khỏi trại mì gói và đồ hộp thế giới cho: “Chung vui đêm này cho trọn tình Bidong, mai tôi về chúng mình đôi đường”.... Hắn đưa mắt nhìn xem, xem có bóng dáng cô bé Thánh nữ nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng vía cô nàng chắc đang cầu nguyện.


 Kẻ sống sót trong sáu tuần trôi nổi 

Ðã cắt thịt mình lấy máu thắm môi em 
Ôi những giọt máu Việt Nam 
Linh diệu vô cùng 
Nuôi sống em 
Một người con gái Việt

Hắn dừng lại xem, càng xem thì hắn càng bị thu hút bởi cặp mắt của người phụ nữ như mời gọi, hồi tưởng về một thời gánh dầu ra biển để chôn, chuẩn bị vượt  biển, để chôn mối tình học trò, chôn những nhục-nhằn của kẻ bại trận. Hắn đang xem thì tên mễ kêu cien dólares , amigo. Thông thường hắn ít khi mua ba thứ này nhưng không hiểu vì sao, có một tiếng nào vang vang bên tai hắn, bảo hắn phải mua. Hắn trả giá mua được 10 đô.

 

Hắn treo tấm tranh trên tường ngay trong phòng khách của hắn, đứng ngắm nghía xem có xiêng hay vẹo rồi nấu ấm nước để làm tô mì gói ramen. Đang ngồi ăn tô mì ăn liền thì có ai như bảo hắn phải nhìn tấm tranh, hắn lại thấy cô bé mặt có vẽ buồn rầu như hờn trách hắn, ăn mà không mời nên hắn lấy thêm cái tô rồi làm thêm tô mì ăn liền rồi để nơi bàn cộng thêm đôi đũa. Mặt Cô bé như vui reo như vừa được quà.

 

Ăn xong hắn quăn hai tô mì trong cái bể nước của kitchenette rồi lăn dưới đất, ôm cây đàn rồi hát mấy bài nhạc kỷ niệm một thời ở trại tỵ-nạn. Hắn nhớ những đêm phải gánh dầu, đem ra biển để chôn ở bãi hẹn. Hắn không có tiền đóng cho Tài-công nên phải chịu lén lén khi công an ngủ, gánh dầu để chủ ghe cho đi miễn phí. Nhiều đêm bị công an rượt bắn, chạy mệt thở như Châu Đình An ngày nào.

 

Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh chôn 

Anh chôn, chôn hết cả những gì của yêu thương 

Anh chôn, chôn mối tình chúng mình 

Gửi lại em trăm nhớ ngàn thương 

Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non. 

 

Hôm sau, tan sở hắn ghé vào tiệm tạp hoá á châu, vác thùng mì gói và ổ bánh mì mang về. Hắn có tật là ăn mì gói với bánh mì baguette như thời còn ở quê nhà. Hắn hay mua ổ bánh mì Vĩnh Chấn ở khu Hoà Bình rồi đem về nhà làm tô mì gói, dùng bánh mì chấm nước lèo bột ngọt. Bột ngọt làm khát nước nên chơi thêm cốc nước là no căng cái bụng. Sang Mỹ tuy đồ ăn rẻ nhưng cái thói quen xưa vẫn không rời bỏ hắn được. Bạn bè bảo ăn mì gói nhiều sẽ bị tóc gió thôi bay như tên bạn tên Lăng họ Trần nhưng hắn cũng kệ, chỉ biết cười cười hề hề. Hắn ghé vào quán phở Pasteur làm tô tái nạm, hành trần nước trong rồi bò về nhà.

 

Vừa bước vào nhà thì hắn rất ngạc nhiên vì trên bàn có mâm cơm đủ 3 món cơm đang còn nóng. Hắn liếc vào bếp thì tô chén, ly tách đều được rữa sạch sẽ, xếp ngăn nắp. Tuy mới đẫn xong tô tái nạm nhưng hắn vẫn ngồi xuống ăn thì cô bé trong tranh lại nhìn hắn trách móc như hôm qua, hắn đi lấy cái tô và đôi đũa đem lại bàn. Hắn ăn tự nhiên vì thói quen ăn chực nhà người quen. Vào nhà mấy cô quen, hắn ăn thả dàn vì lâu ngày, không ăn cơm gia đình khiến bố mẹ mấy cô cấm không cho chơi nữa, bảo lấy thằng ăn như hạm này về là nghèo mạt-rệp con ạ.

 

Ăn xong, hắn lại quăn chén bát trong lavabo rồi lăn ra cầm đàn hát. Hắn để ý cô bé trong tranh như đang gật gù khiến hắn ngạc nhiên, tự hỏi chỉ mới có một chai bia mà đã say.

 

Từ độ ấy hắn không đi ăn phở nữa, đi làm về là thấy có đồ ăn làm sẵn, mỗi bữa đều đổi món như mấy nhà nấu cơm tháng đem lại. Có dạo hắn nhờ người ta nấu cơm tháng, sáng trước khi đi làm hắn để cái gà-mèn trước cửa, chiều về lấy đồ ăn mới vào, nấu nồi cơm là xong. Mỗi ngày 3 món nhưng ăn riết cũng ớn nên đành trường kỳ kháng chiến với mấy gói mì ăn liền. 

 

Hắn thắc-mắc không biết ai bỏ công nấu ăn cho hắn. Ở quê hắn người ta có lệ để thêm cái chén và đôi đũa cho người khuất mặt khi ăn cơm nên qua mỹ hắn cũng đem theo tinh thần ấy nên để thêm cái bát cho thổ thần, thổ trạch hay thần công-an khu-vực ghé lại, bồi dưỡng hương đồ ăn hầu bảo vệ dân làng gia chủ tránh bom đạn. 

 

Cuối cùng hắn nghĩ ra một cách là để cái iPad của hắn trong phòng, mở cái app Skype, rồi từ sở sẽ xem ai vào nhà hắn, thổi cơm. Đúng 4 giờ chiều, skype hiện lên cô bé trong tranh chui ra khỏi khung rồi biến thành một phụ nữ 3 chiều, cô vào bếp rữa đống chén bát của hắn rồi dọn nhà cửa, hút bụi rồi lăn vào bếp nấu ăn, chiên xào khói bay mịt mù như ở tiệm ăn tàu Panda Express. Độ 5 phút sau thì cô bé trong tranh đem đồ ăn lại bàn. Xong xuôi thì cô bé chui tọt vào khung tranh như cũ.

 

Tối, sau khi ăn hắn ghé lại tấm tranh rồi mi một cái chụp cô bé trong tranh. Hắn hả hê là đã khám phá ra bà Táo. Thế là từ dạo đó hắn không còn gầy còm như xưa, hắn bắt đầu béo ra, hắn giả từ mì ăn liền, ngày nào cũng filet thịt bò, cá kho tộ. Hết bò né thì đến bò đất, bò tránh, ôi thôi đủ món. Sau khi ăn cơm, Hắn không hát nữa, chỉ xem mấy chương trình đầu bếp trứ danh, thế là hôm sau hắn được toại nguyện, món ăn mới được nấu sẵn để trên bàn. Mỗi sáng trước khi đi làm, hắn không quên mi cô bé trong tranh. Đi thử máu thì Bác sĩ bảo hắn phải kiêng cử, lên kế hoạch chế độ ăn uống cho có điều độ nhưng hắn không nghe vì Thánh Nữ đời hắn nấu ăn quá ngon.

 

Một hôm hắn đi về, thấy có cái bánh sinh nhật để trên bàn và một tấm thiệp chúc mừng sinh nhật hắn. Chu choa mạ ơi, từ ngày ra đời tới giờ mới có người nhớ đến sinh nhật của hắn. Hắn cám ơn cô bé trong tranh bằng nụ hôn rồi viết trên tấm thiệp, hỏi cô bé có thể ra thổi đèn cầy chung với hắn. Đột nhiên những dòng chữ hiện lên trên tấm thiệp, yêu cầu hắn tắt đèn.

 

Khi đèn bật lại thì hắn thấy cô bé Thánh Mẫu đứng trước hắn bằng xương bằng thịt, bận bộ đồ trắng như Tiểu Long Nữ của Dương Quá. Hắn vui mừng reo lên, có phải em là cô bé ở Pulau Bidong. Cô bé dịu dàng gật đầu. Hắn kể là trước khi lên đường đi định cư, hắn đi tìm để cho cô bé địa chỉ của thằng bạn nối khố bên mỹ để liên lạc nhưng không thấy cô bé. Hắn hỏi cô bé có biết là hắn đi theo nàng mỗi khi có lễ và vái trời cho hắn lấy được nàng. Cô bé chỉ cười rồi gật đầu. Hắn nói nếu lúc đó biết cô bé để ý đến hắn thì có lẻ chúng mình gặp lại nhau sớm hơn. 10 năm qua hắn không bao giờ quên mối tình hữu-nghị đơn phương với Thánh Nữ như 10 năm tình cũ của Trần Quảng Nam.

 

Thánh nữ buột miệng kêu hắn là đồ ngu khiến hắn ngơ ngác. Như hiểu sự ngu ngơ của hắn, cô nàng giải thích, cô bé đi lễ để hắn đi theo, tìm cách nói chuyện với cô nàng nhưng hắn lúc nào cũng ngồi phía sau. Hắn bảo hắn nhát gái thêm thấy ông Giê Su trên thánh giá, như đang bảo hắn bỏ cái tính gian tham, tu mau kẻo trễ nên không dám nói gì.

 

Hắn lấy làm lạ là đàn bà hay gọi hắn là đồ ngu. Nhớ dạo hắn học trung học, có lần ra chơi thì hắn ở lại trong lớp tán gẫu với thằng Hải Bò, thằng này thích nhảy híp hop, cứ bò lăn bò càng như Linda Trang Đài biểu diễn màn mò lượm bạc cắc trên sân khấu nên bạn bè đặt cho hắn cái tên Hải Bò. Hắn nói với tên bạn, ước gì có xôi nếp than ăn vì buổi sáng đi học, hắn không ăn sáng. Nhà hắn đông anh em nên hắn dành phần của mình cho mấy đứa em. Hôm sau, ra chơi hắn đi tè xong thì vào lớp tính lấy vỡ ra ôn bài để chuẩn bị cho lớp tới thì thấy có gói xôi, gói bằng lá chuối của ai bỏ trong hộc bàn của hắn.

 

Hắn lắm lét nhìn quanh không thấy ai, bốc ra ăn như điên như dại như sợ tên nào ả nào vào lớp, hô hoán là của chúng thì khốn. Ra về thì thấy cô học chung lớp hỏi xôi có ngon không. Hắn chả biết ất giáp, đứng như bò đội nón. Dạo ấy "xôi" được bọn con trai diễn tả là ngực vú của con gái mà hắn thì có bao giờ biết rờ mò ngực con gái đâu mà bảo ngon hay không ngon. Hắn đứng như Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến bắn khiến cô bé kêu Đồ Ngu rồi bỏ xuống cầu thang. Sau này lớn thêm một tí thì mới hiểu câu hỏi của cô bé nhưng không biết ở phương trời nào mà cảm ơn. Bác nào cho em ăn xôi thì có đọc dòng này, cho em tạ tội và cảm ơn đã nuôi em được một bửa. Nếu gặp lại cố nhân, em sẽ đãi cho một thùng bơ, trét mật ong ở vườn em. :)

 

Cô gái bảo cô bé là cung nữ trên Thiên đình, em của Chức Nữ, có anh rễ kiếp trước là con trâu, họ Ngưu nhưng vì Chức Nữ thích Shopping, mua sắm quần áo đẹp nên mượn tiền mua sắm của thẻ tín-dụng nhưng không trả nổi nên Ngọc Hoàng mới đầy Ngưu Lang đi trại cải tạo ở Đại Ninh, hoá thành con trâu đi cầy thuê cho nhân dân để trả nợ dùm Chức Nữ. 


Mỗi năm chỉ được thăm nuôi một lần nên phải bôi trơn bọn quản giáo quạ để làm cái cầu Ô Thước cho Chức Nữ gặp chồng ở trại cải tạo, cầy cấy mỗi ngày. Mỗi lần gặp chồng là Chức Nữ thấy chồng ốm yếu, lao động vinh quang để trả nợ cho mình, mang tội tín-đồ thời-trang, mua áo quần nên khóc Ngưu Lang như mưa nên người ta gọi là mưa trâu, mưa ngưu nhưng dân chúng sợ thần trâu đạp chết nên nói trại đi là mưa ngâu. 

 

Một hôm đi theo Chức Nữ thăm nuôi Chồng Trâu thì thấy anh đang lao động vinh quang thì cái khăn choàng của em bị gió làm rơi xuống vườn của gia-đình anh trong Suối Tía, ấp Bồng Sơn nên em xin Chức Nữ cho em đi theo mỗi lần thăm nuôi để có thể gặp lại anh. Ai ngờ anh đi vượt biển nên em bay đến Pulau Bidong, kiếm cớ để gặp anh. Hắn hỏi cô bé Thánh Nữ sao không nói cho hắn hay khi ở đảo thì cô bé lại bảo đồ Ngu, trâu đi tìm cột chớ có bao giờ cột đi tìm trâu đâu. Hắn thắc mắc hỏi kiếp trước hắn là trâu thì cô bé chỉ mĩm cười không đáp.

 

Hắn nói bây giờ mình trùng phùng rồi thì em khỏi phải ở trong tranh nữa. Anh đi kiếm vợ không được mà anh chỉ có hình bóng của em từ độ ở trại tỵ-nan.  Cô nàng bảo là không được, em không có visa nhập cảnh, khi khai lí lịch để đi định cư thì em khai quê quán ở Thiên Đình, ở Cỏi trên thay vì Đàlạt nên họ không cho em đi định cư. Nhớ hắn quá nên trốn trong tấm ảnh, đi theo một gia đình định cư xong họ bán garage sale nên được tên Mễ mua, đem ra chợ trời bán. 

 

Thánh nữ mà ra khỏi tranh thì coi như di dân lậu sẽ bị La Migra tống cổ về trời mà Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao với Thiên đình, nên hắn không thể bảo lãnh Thánh Nữ dù có Công Hàm Độc Thân. Hắn nói hay em sinh con rồi làm giấy tờ hoàn chỉnh tình trạng cư trú. Con mình sẽ có Quốc tịch Mỹ, sẽ bảo lãnh em sau.

 

Cô bé Thánh Nữ bảo không được vì DNA của hắn và của Thánh Nữ không giống nhau, bên là Chromosome Cao Cấp CC, cung nữ Thiên đình còn của hắn là XY, là người nên không thể đẻ con chung được. Thánh Nữ bảo khi xưa bà Cố là gốc Chim (Tiên) bay dạo chơi ngoài biển thì bị bão đánh ướt cánh nên rớt xuống biển lọt vô lưới chài của một tên chài lưới tên Rồng ở làng đánh cá họ Lạc. Để trả ơn cứu mạng, bà Cố gã cho ông cố tên Rồng xứ Lạc. Vì DNA của hai người không cùng giống nên chỉ sinh ra được trứng. Bà cố sinh ra được một cái bọc có 100 cái trứng, nhưng trứng phải ấp nên ông cố tìm mấy cái tổ chim để cho chim rừng ấp.

 

Từ ngày bà cố ấp 100 cái trứng thành 100 người con thì ông bà cố cãi nhau hoài vì tối tối ông cố đi giăng câu nên cuối cùng đâm đơn li dị. Ngọc Hoàng chia đôi gia sản nên 50 người con theo bà cố lên rừng và 50 con theo ông Cố xuống miền Nam. 50 người con xuống miền nam, vì đói nên đi lính cho đế Quốc Mỹ còn 50 người con theo bà cố lên rừng cũng đói nên đi lính đánh giặc cho Mao Trạch Đông và Liên-sô.

 

Hắn nảy ra một ý nên nói với Thánh Nữ. Em ráng sinh ra một bọc có 100 cái trứng như bà cố, anh sẽ mướn một cái máy ấp trứng ở tiệm hột vịt lộn Long An ở Bolsa. Sinh ra 100 đứa con như bà Cố em thì tuyệt. Nhà nước cho mỗi đứa $500.00/ tháng vị chi $50,000/ tháng, mỗi năm ngồi chơi đẻ trứng có $600,000.00 chưa kể là tiền Food Stamp, sữa, tã,... Nếu mình khéo tiếp thị thì truyền hình tứ xứ đến phỏng vấn mình lấy $10,000/ lần là khoẻ, khỏi cần đi làm. Em sẽ đạt kỹ lục Guiness người đàn ba đông con nhất, chắc mình sẽ giàu to. Hollywood sẽ làm phim "cheaper by the 100", em sẽ là người đàn bà nổi danh nhất thế giới hơn cả Hillary Clinton.

 

Hắn và Thánh Nữ nhất trí cùng chung xây dựng ngôi nhà hạnh phúc nên mỗi ngày sau khi làm việc quần quật cả ngày, tối về hắn được Thánh Nữ cho ăn Gà Ác để thực thi kế-hoạch gia đình của thiên đình, “trai hay gái chỉ 100 mà thôi”, bồi dưỡng nghiệp vụ chức năng làm chồng. Ngày đầu tiên hắn ăn còn thấy mùi gà ác nhưng đến ngày thứ 3, hắn cảm thấy hắn còn Ác hơn con gà. Hắn mới nhớ đến câu thơ của tên bạn Hải Bò:

 

Ngày Xuân con lạy Phật Trời

Sao cho con bỏ được người con thương

Không phải tại nó bất lương

Mà vi` nó bắt "Mười Thương" tối ngày

 

Một thương giựt tóc đuôi ga`

Hai thương tay móc lưởi rà phía trên

Ba thương bịt miệng cấm rên

Bốn thương con phãi leo lên đầu giường

Năm thương con tựa vách tường

Sáu thương nằm dưới hết đường bó tay

Bảy thương phải ngoáy phải xoay

Tám thương qua nui' vác cày gảy xương

Chín thương phải thở bình thường

Mười thương bải cát sấu trường sấu nhai

 

Chúa ơi con sáu mươi ngoài

mà làm kiểu đó có ngày con die !

Xuân nầy nàng mới hai hai

Con hơn nàng tới bốn hai xuân thi`

 

Đang thả hồn theo dòng thơ trữ tình của tên Hai Bò thì bổng nhiên hắn nghe tiếng mụ vợ hắn ré bên tai. Dậy! dậy đi đón con, nó mới gọi bảo là Party xong rồi , mau lên, người chi mô mà ngồi đâu ngủ đó. 



Chán Mớ Đời 


Đầu năm 2021, em xin chúc các bác cùng thân quyến một năm an lạc.

 

Nhs