Ở ngoại quốc người ta hay dùng từ tiếng lóng “banana”, để ám chỉ người gốc Á châu, mặt thì da vàng nhưng ruột bên trong lại màu trắng, tư duy, xử sự như người da trắng. (Trái chuối: da vàng ruột trắng). Bình dân học vụ như người Việt thường gọi ở thôn quê “răng ta dái tây”.
Sự việc này gây nhiều sóng gió trong các gia đình Á-châu, với văn hoá nữa nạc nữa mỡ, thịt ba-rọi vì không biết xử sự ra sao trong một xã hội Tây phương, theo chủ nghĩa tự do ngôn luận nhưng lại bị cái vòng kim-cô, văn hoá của quê-mẹ, kềm kẹp, không nói ra những gì mình suy nghĩ cho người thân, sợ mang tiếng bất hiếu, hay bị cha mẹ từ. Chưa nói đến vợ chồng á-châu ở xứ Tây phương và văn hoá á châu.
Nhớ dạo ở vùng Bôn-sa, mình có quen một gia đình hàng xóm. Có hôm họ mời sang chơi, ông bố sau 1 chai bia, kêu Việt Nam chỉ có hai gia đình: gia đình của Trường Chinh và gia đình tôi, có con tố cha. Hoá ra, ông ta sống kiểu chồng chúa vợ tôi, khệnh bà vợ nên đâm đơn ly dị. Ra toà, mấy đứa con bệnh vực mẹ, làm chứng cho các cuộc bạo hành của ông bố. Hình như sau này, tình cờ gặp ai quen vợ chồng ông hàng xóm, cho biết cũng ly-dị.
Khi chúng ta rời quê hương, sinh sống tại một nước khác, gia nhập vào một luồng văn hoá mới của nước sở tại, bản năng sống còn hay ký ức khiến chúng ta ngại phản bội lại văn hoá cha ông, đâm ra bảo thủ nền văn hoá của quê mẹ, nơi chúng ta đã để lại.
Với tâm lý đó, chúng ta cố bám víu vào một văn hoá khá trừu tượng, mơ hồ mà khi xưa ở quê nhà chúng ta không nắm vững vì còn quá trẻ. Từ từ chúng ta bám chặt vào những gì nhớ lại mơ hồ thêm không rành.
Chúng ta kể chuyện về gia đình, bố mẹ, anh em ở quê nhà như bố mình, khi xưa kể về quê nội, bờ đê, những đêm vỡ đê, dân làng đốt đuốc đi đắp đê, đình làng để rồi khi mình về thăm thì chán như con gián.
Có lần về Đàlạt, dẫn con gái đang học trung-học, lên chùa Linh-sơn chơi. Nó tò mò, cứ lấy máy hình chụp lia lịa các hoa, cây cối lạ nhưng cuối cùng nó nói; Đàlạt đẹp nhưng nó không muốn sống ở đây. Chán Mớ Đời
Chúng ta đem con tham dự các buổi họp mặt đồng hương như chợ Tết, Trung thu để giới thiệu chút văn hoá cho con cháu. Xa hơn, cho đi học thêm việt-ngữ cuối tuần, sinh hoạt hướng đạo, thanh niên thánh thể hay gia đình Phật tử. Mình thì cho con học chơi đàn bầu, đàn tranh.
Dần dà con chúng ta lớn lên bị khủng hoảng về bản thể (identity crisis). Không biết mình là ai, người Mỹ hay người Việt. Nữa nạc nữa mỡ, đưa đến bệnh trầm cảm. Khi vào tuổi dậy thì, chúng ta ở Việt Nam đã thấy hoảng tiều, đầu óc lộn xộn, nay con chúng ta vào tuổi dậy thì càng te-tua vì phải đối đầu với cơ thể, văn hoá mỹ, văn hoá việt. Chán Mớ Đời
Mình nhớ khi con còn nhỏ, mình hay dẫn chúng đến các buổi lễ như Trung Thu, để xem các múa lân hay Tết. Ban tổ chức tổ chức cố gắng làm lại những gì xảy ra xưa kia như đốt pháo ở Phước Lộc Thọ. Pháo thì hồi bé có chơi đến sau năm Mậu Thân thì bị cấm đốt pháo. Lớn lên mấy đứa con và cháu chỉ thích các họp mặt trong đại gia đình, để vui chơi đánh bầu cua cá cọp, xì-lác, nhận tiền lì-xì còn chợ Tết thì chúng chả màng đến.
Do đó, người Việt tại bôn sa đốt pháo trong khi ngày nay ở Việt Nam cấm đốt pháo vào những ngày Tết. Chúng ta tạo dựng lại những tục lệ chưa chắc đúng hẳn thời ông bà mình, mà Việt Nam không còn nữa. Chúng ta ôm khư khư những tục lệ cổ xưa, tự tạo lại qua sách báo lịch sử và quên đi ở quê nhà người Việt đã dần dần bị Tây phương hoá để hoà nhập vào thời đại A-còng của sự toàn cầu hoá.
Đọc trên mạng, thiên hạ cứ kêu Đàlạt ngày nay đã mất, không còn thơ mộng như xưa. Chúng ta bảo thủ như giữ lại nền văn hoá của thời Việt Nam Cộng Hoà, chúng ta không cho gia đình, bạn bè, người Đàlạt ngày nay thay đổi theo thời đại a-còng. Chúng ta muốn họ sống như 40, 50 năm về trước.
Tết năm ngoái, mình đi chùa Điều-Ngự, thấy họ tạo dựng lại hình ảnh ông Đồ, ngồi viết câu đối. Ông đồ thì bận áo the, đội khăn đóng, quẹt quẹt trên tờ giấy nhưng không biết thảo bút chữ Hán hay Nôm. Chúng ta diễn lại hình ảnh thời ông bà nội mà ngày chúng ta chưa kinh qua, chỉ nghe kể lại hay học bài “ông đồ” của Vũ Đình Liên khi xưa. Đóng kịch lại nhưng vẫn xưa, họ không có mấy tờ giấy đỏ để viết các câu đối.
Văn hoá thay đổi từng giờ, từng ngày trong thời đại A-còng của sự toàn cầu hoá, khiến gia đình lộn xộn. Chúng ta lo sợ vì không bắt kịp kỹ thuật thông tin công nghệ. Chúng ta thấy con chúng ta sử dụng điện thoại ào ào trong khi chúng ta lớ ngớ, chỉ biết mở điện thoại để trả lời.
Về Việt Nam thấy các tiệm bán thức ăn nhanh của Mỹ như Pizza Hut, Macdonalds, Starbucks,… chúng ta làm thịt kho, chả thủ, dưa hành cho 3 ngày tết mà chúng ta có thể ăn hàng ngày ngoài tiệm. Bánh tét, bánh chưng hay mứt, thấy bán đầy ngoài chợ bôn-sa hàng ngày. Có mua về thì con mình không thèm như mình khi xưa ở quê nhà. Bên này, chúng có đầy đủ, không thiếu thốn. Thậm chí ngày nay, cháu của mình ở Việt Nam cũng ăn mấy thứ này hàng ngày, không còn đói khát như bố mẹ chúng khi xưa.
Mình có xem một cuốn phim tài liệu về một cô gái gốc tàu ở Tân Tây Lan. Bố mẹ là người Tàu, di cư sang đó và chị em cô ta được sinh ra tại đây và mang quốc tịch nước sở tại. Cô ta lớn lên và được giáo dục theo truyền thống của người Tàu. Cô ta học giỏi, đeo cặp kính cận dày cộm, chơi đàn đường cầm,… tốt nghiệp thủ khoa của trường. Được xem là học sinh gương mẫu, khiến người ngoại quốc lầm tưởng tất cả người á đông đều thông minh, học giỏi cả.
Cô con gái kể là cứ sợ làm phật lòng cha mẹ, mang tội bất hiếu, không bao giờ thấy cha mẹ nói như người da trắng “i Love you”. Cha mẹ cô ta, biểu lộ tình cảm qua hành động, làm việc nhiều để có điều kiện tài chánh nuôi cô ta ăn học, sung sướng hơn ở bên tàu.
Người Á đông, ảnh hưởng của văn hoá khổng mạnh nên không nói thẳng vấn đề, chỉ lòng vòng, khác với nhà thơ Phùng Quán trong bài “lời mẹ dặn”:
“ Yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét.“
Có lẻ vì vậy mà chế độ cộng sản chưa xụp đổ tại Trung Cộng, Việt Nam và Bắc Triều Tiên, vì người ta không dám nói thật những gì họ suy nghĩ như người Tây phương. Người Tây phương biết là thuyết cộng sản không hợp thời nên hô hào thay đổi còn người Việt hay người Tàu thì cứ loằng xằng nên không thể kết thúc được.
Vấn đề là sau khi ra trường đi làm thì khi cô ta yêu một người da trắng. Bố mẹ không chịu, rồi cuối cùng ra điều kiện bắt anh Bồ da trắng phải học tiếng tàu, hy vọng ông Tây trắng chán, bỏ cuộc. Thương cô Bồ, anh chàng da trắng cũng chịu khó học tiếng tàu. Điều buồn cười là cô chị lấy chồng gốc tàu nhưng ông chồng không biết nói tiếng tàu như đa số con em chúng ta ở hải ngoại lớ ngớ tiếng việt.
Bố mẹ không chấp thuận anh Bồ da trắng khiến cô ta đau khổ. Bên hiếu bên tình. Nếu ở bên tàu thì có lẻ cô ta sẽ chọn nghe lời cha mẹ nhưng sinh ra và lớn lên tại xứ da trắng nên cô ta không chấp nhận, không muốn hy sinh hạnh phúc của mình để thoả màn lòng tự ái của cha mẹ, kêu anh Bồ tìm cách điện thoại xin hẹn gặp nói chuyện để bàn chuyện tương lai với cô con gái.
Lúc đầu ông bố không chịu gặp nhưng sau vài lần thì ông ta chấp thuận gặp nhưng bà mẹ nhất quyết không chịu. Cuối cùng thì anh da trắng cầu hôn và tặng nhẫn như ở xứ người, không lễ hỏi rườm rà như ở bên tàu. Cha mẹ đành chịu, đến dự đám cưới của con gái được tổ chức đơn sơ vài chục người khách không hoành tráng như các đám cưới người gốc Á châu đến mấy trăm người.
Cô này làm cuốn phim khiến bố mẹ tức giận, các người gốc tàu cũng tức giận vì cho rằng chuyện tiêu cực của cộng đồng, không nên đem ra phơi bày cho thiên hạ biết.
Có đoạn cô ta chỉ tấm ảnh của gia đình treo trên tường, mà chúng ta hay thấy khi vào nhà người á châu, phơi bằng cấp, bận áo đẹp trông rất hoàn hảo nhưng không bao giờ thấy sau tấm ảnh ấy đầy nước mắt của con cháu phải theo lời bố mẹ.
Nhiều năm trước đây có bà giáo sư gốc tầu ở đại học Yale, lấy chồng da trắng, cũng giáo sư tại Yale, có ra cuốn sách kể về cách dạy con với bàn tay thép được gọi là Tiger Mom. Kết quả hai cô con gái học giỏi, đánh đàn dương cầm đủ trò. Báo chí nói nhiều lắm, khen ngợi nhưng gần đây mình đọc báo thì được biết là hai cô con gái không nói chuyện với bà mẹ Tiger Mom. Hình như mình có đọc cuốn sách này nhưng không đồng ý lắm vì uống nắn đứa con sẽ khiến chúng trở thành cái cây nhỏ bé để chưng, thay vì để đứa con lớn theo thiên nhiên, to lớn giữa trời xanh.
Á đông bị ảnh hưởng của nho-giáo, tất cả vì gia đình, vì vua, vì đảng còn tây phương thì theo chủ nghĩa cá nhân, độc lập. Chỉ sống có một đời nên sống theo suy nghĩ, sở thích của họ.
Người Á châu hay sống vì bề ngoài, muốn được khen ngợi khiến con cháu đau khổ. Cách đây đâu 10 năm có vụ một cô gái gốc đại hàn, học lậu ở đại học nổi tiếng Stanford. Cô ta không được nhận vào trường này nhưng sợ cha mẹ buồn nên nói dối là được nhận vào rồi cũng xách Vali lên học trường này, ở ké trong ký túc xá với bạn bè, đi học nhưng không thi cử gì cả.
Tương tự cộng đồng ấn độ cũng có nhiều trường hợp như vậy. Theo mình hiểu thì đối với người Ấn Độ, họ rất trọng nể chức vụ bác sĩ nên bắt con cháu học y-khoa hay lấy bác sĩ khiến có một anh sinh viên, rớt đại học y khoa nhưng vẫn ôm sách đến trường học đến khi thầy kêu tên, hỏi bài thì khám phá ra không có tên trong danh sách. Có dạo mình quen một cô sinh viên y-khoa đại-học Pennsylvania, lâu lâu đến thăm, cô ta bận học nên bò vào lớp cô ta học ké luôn.
Con cháu học giỏi đem lại niềm hãnh diện cho bố mẹ ông bà nên con cháu bị áp lực khiến chúng không có tuổi thơ. Chỉ học và học, không có cuộc sống như các bạn học cùng tuổi. Mình về Việt Nam, thấy mấy đứa cháu theo phong trào “học ngày chưa đủ tranh thủ học thêm tại tư gia thầy cô” mà họ gọi các nhà mô phạm ngày nay là “tháo giày” thay vì thầy giáo.
Việt kiều về Việt Nam hay nổ, cho cha mẹ hãnh-diện dù làm cu-li ở xứ người. Học ở Việt Nam đã khó, ra ngoại quốc phải học bằng ngoại ngữ lại càng khó hơn thêm phải đi làm kiếm tiền nuôi sống nên đâu phải ai cũng được đi học hết nhưng khi về Việt Nam lại phải nổ banh xác để cha mẹ khỏi đau lòng.
Andrew Lâm, cựu học sinh Yersin, con của ông tướng Lâm Quang Thi, có kể trong cuốn sách của anh ta, kể khi trở về Việt Nam. Có hôm trời mưa nên anh ta không đi đâu cả, cô ô-sin trong xóm kêu là con bà chủ cũng là Việt kiều nên mời qua nhà chơi. Anh ta đi theo rồi chào hỏi anh Việt kiều hàng xóm.
Anh Việt kiều này bận đồ như Ngô tổng thống đi kinh lý dù trời nóng nực, đồ vía quần Tây trắng, cà ra vát. Trên tường thấy có treo bằng của đại học Harvard, mà người ta có thể in từ máy in. Anh này kể mới sang mỹ 4-5 năm gì đó, đã đậu tiến sĩ Harvard mà tiếng anh thì không chuẩn lắm. Anh Việt kiều nhìn cô ô sin như trách móc sao lại dẫn tên Việt kiều khác về làm bể mánh hết.
Nói cho ngay, mình lấy vợ gốc việt nhưng ngôn tình bằng việt ngữ rất hạn chế. Có lẻ vì văn hoá Việt Nam nên mình ít khi nói những lời yêu đương việt-ngữ với vợ nhưng lại nói được bằng anh ngữ hay pháp ngữ như bonjour mon amour mỗi buổi sáng, hay Good night Honey khi đi ngủ. Có lần hứng tình, mình nói ngôn tình bằng đức ngữ thì mụ vợ kêu: chi rứa. Chán Mớ Đời
Khi sử dụng ngôn tình bằng ngoại ngữ thì thoải mái nhưng khi dùng tiếng Việt thì có gì ngập ngừng khó diễn đạt. Mình hay nói i Love you với mấy đứa con vì khi sử dụng đến tiếng Việt thì phải xem từ nào cho hợp với hoàn cảnh như “thương, yêu, thích,…”
Sống tại hải ngoại, chúng ta đứng ở cái gạch nối giao thoa của 2 nền văn hoá; nước sở tại và Việt Nam. Do đó rất khó xử sự trong vấn đề tình cảm, đối thoại với người thân. Nhiều người rời Việt Nam còn quá trẻ nên cứ xử sự như thịt ba rọi, nữa nạc nữa mỡ.
Lâu lâu gặp bạn bè, nghe họ than con họ như thế này, cháu họ như thế kia, không cực khổ như họ khi mới qua đây. Thế hệ của mình đi tiền vệ thì chắc chắn phải trải qua những chông gai như người da trắng đi tiên phong đến Hoa Kỳ khi xưa.
Từ đó mới tạo dựng nên một nước mỹ hùng cường mà chúng ta có thể thụ hưởng, giúp chúng ta có đời sống khá hơn ở quê nhà. Mình thì thấy con mình học khá hơn mình khi xưa, thấy chúng giỏi, biết nhiều hơn khi mình bằng tuổi chúng. Mình chắc chắn khi chúng bằng tuổi mình thì sẽ khá hơn mình hoàn toàn.
Mấy người bạn mình quên là họ phê bình con họ với đầu óc của người trên 60 tuổi, có nhiều kinh nghiệm ở đời hơn con của họ. Mình chắc chắn khi bằng tuổi con họ, chưa chắc đã có nhiều kinh nghiệm hay trí tuệ như con họ ngày nay. Chán Mớ Đời
Nếu nói theo Phật-giáo thì con người có cái nghiệp cái Phước. Khi sinh ra con, thấy chúng tay chân lành mạnh là mừng rồi, chúng chịu khó học hành, không lêu lổng như mình khi xưa là một cái Phước lớn rồi. Chúng ta không nên đòi hỏi quá về con cái. Chúng có thể thua con người ta nhưng quan trọng nhất là chúng có đời sống ít bị stress, hạnh phúc thì mình nên cảm ơn trời Phật thay vì so sánh với con người ta.
Nói như một anh bạn, kêu tao không ngại con tao đói ở xứ này. Cứ để cho nó thoải mái, sống cuộc đời của nó. Chỉ mong chúng không làm điều thất đức.
Nhs