Vallée d’amour “Thung lũng Tình-Yêu”

 Hôm trước, đọc trên mạng có ai nhắc đến Thung-lũng Tình-yêu khiến nhớ lại vài kỷ-niệm của thời mới lớn ở Đàlạt. Thời sơ khai, không phải trả tiền để vào. Chỉ có mình và vài người bạn giữa thiên nhiên bát ngát của một Đà Lạt thơ mộng.

Đàlạt có nhiều địa danh với những cái tên rất thơ mộng do người Pháp đặt như “lac des soupirs” sau này được người Việt đặt lại “hồ Than Thở”, Vallée d’ amour sau được đặt tên lại “Thung Lũng Tình Yêu”. Nghe nói thời Bảo Đại, họ đặt tên là Thung Lũng Hoà Bình. Có lần, đọc được một bài của một ông thần nào học Yersin trước mình, kêu chính ông ta và bạn bè đặt tên tây cho thung lũng này. Không kiểm chứng được. Hôm nào về Đà Lạt, mình đến kho lưu trữ giấy tờ Đà Lạt xem có vào được không.

Hỏi người lớn thì họ trả lời không chí lý lắm như hồ Than Thở; các cặp tình nhân ra đó than thở vì cha mẹ cấm đoán hay là tiếng rì-rào của lá thông như lời than thở, cộng thêm đồi thông hai mộ. Người Đàlạt có óc thần tượng hoá, sáng tác các huyền thoại để hấp dẫn du khách.

Mình không hiểu tại sao họ đặt tên hồ Than Thở. Có lẻ người Pháp, xa quê hương như người Việt hải ngoại ngày nay, muốn tạo lại những hình ảnh của quê nhà nên đặt tên các địa danh của xứ họ như nhà hàng Thuỷ tạ là “la grenouillère “, một câu lạc bộ nhà hàng nổi tiếng ở ngoại ô Paris... mình đang gom tài liệu để kể về Thuỷ Tạ, điểm đặc trưng của Đàlạt. Được người Pháp xây dựng 95 năm qua, vẫn còn nguyên. Có lẻ một ngày nào đó, họ sẽ phá bỏ Thuỷ Tạ, một sản phẩm của chế độ cũ, để thay vào đó một tượng đài Lê Văn 8.

Bên tây, có một cái hồ mang tên “lac des soupirs” khá nổi tiếng ở gần tỉnh Pas de Calais, nơi mà Hitler nghĩ quân đội đồng minh sẽ đổ bộ. Thiên hạ đến đây dã ngoại, câu cá, có phong cảnh khá tương tự hồ Than Thở. Cũng có thể họ lấy tựa của một tác phẩm khá nổi tiếng của Leigh Roberts mang tựa đề này. Bên Pháp có một địa điểm khá đẹp ở gần Besançon, vùng Jura, có tên là Val d’amour

Không biết quê quán của mấy người thiết kế đô thị thành phố Đàlạt xưa ở đâu bên pháp. Có thể là những địa danh này. Bên tây có một ông ca nhạc sĩ, tên Paul Brunelle, sáng tác bản nhạc « vallée d’amour », khá lâu rồi. Không biết đó là cảm hứng để cho mấy ông tây thiết kế Đà Lạt, lấy tên để đặt hay không vì đến thời Bảo Đại thì đã đổi tên thành thung lũng Hoà Bình.

J'ai bien voyagé à-travers, le monde
L'hiver et l'été sur terre et sur l'onde
Mais le souvenir ne m'a jamais quitté
De mon beau pays et ma belle vallée

Vallée d'amour tu m'as vu naître
Vallée d'amour tu m'es ai chère
Et chaque soir je te revois lorsque je rêve
De tous les pays c'est toi qui est la plus belle
Et pour toujours je suis fidèle
À toi belle vallée d'amour


Souvent j'ai promis dans mes longs voyages
De te revenir un jour et me voilà
Car je resterai près de toi toujours
Et je vieillirai dans ma vallée d'amour

Vallée d'amour tu m'as vu naître
Vallée d'amour tu m'es si chère
Et chaque soir je te revois lorsque je rêve
De tous les pays c'est toi qui est la plus belle
Et pour toujours je suis fidèle
À toi belle vallée d'amour

Mình nghe thiên hạ nói đến Vallée d’amour, Thung Lũng Tình Yêu thời bé nhưng chỉ bò vào thung lũng tình yêu này khi học lớp 11-12 trường Văn Học. Mình quen 2 tên Phạm Thành Nguyên và Trần Văn Tiến, cựu học sinh La san Kỹ Thuật. Hai tên này bơi rất giỏi, chúng hay rủ mình vào đập Đa Thiện để dạy bơi. Lý do là mình có xe gắn máy, chúng chán bơi ở hồ Xuân Hương. Chúng chỉ mình quơ tay quơ chân rồi bỏ mình gần bờ, chúng bơi qua bên kia hồ rồi la hét nhảy múa cho mình xem, kêu gọi mình phấn đấu tập bơi như chúng.


Nếu mình không lầm thì trong vùng này có một đồn địa phương quân, phía tay trái từ ngoài chạy vào, nơi ông trung tá Tốn, đi tuần buổi sáng sớm bị mìn nổ chết. Nhà ông này ở đường Thi Sách, dưới chân đồi Domaine de Marie, to như cái đình, đối diện là nhà của ông bà Lê Công Oai. Nay thấy họ làm văn phòng của phường gì đó.

 

Ông Marcel, bố Dương Quang Trí, ở Phan Đình Phùng, có đất vườn ở đây nên anh chàng Trí hay vào đây, cày đất làm vườn cho ông bố. Lâu lâu nhà vườn hàng xóm, nhờ hắn đem xe máy cày thuê, khi ông bố không có mặt, kiếm được tiền, dẫn bạn đi ăn chè Vọng Nguyệt Lầu. Lâu lâu, Trí chạy chiếc xe Vespa Sprint, màu bạc, đến nhà, cười tài là biết mới đi cày, lao động vinh quang về. Sau này, về Đàlạt mình có ghé thăm, trước khi Trí qua đời. Mẹ của anh chàng này, rất giỏi, lái xe hàng, chạy đi mua non rau cải của dân làm vườn, nên khá giàu vào dạo ấy. Bà này là một trong những phụ nữ mà mẹ mình nể phục tại Đà Lạt.

 

Ăn cơm trưa xong, ra chợ xem bà cụ có cần chở hàng giao đến nhà ai. Sau khi chở hàng đi giao cho khách hàng, mình ghé nhà Nguyên, ở đường Tăng VĂn Danh, rồi hai thằng, bò vào đập Đa Thiện để bơi. 


Từ đường Võ Tánh, chạy lên ngã năm đai học, rẽ trái qua Phù Đổng Thiên Vương, chạy như gần hết đường này thì bên tay phải có một con đường đất mới được cày, chắc do dân làm vườn thực hiện. Vườn bà cụ trong Suối Tía, cũng phải thuê máy cày đến, cày từ đường chính vào vườn nhà mình theo chính sách tự túc tự cường. 1 tấc đất 1 tấc vàng. Mình không nhớ tên anh bạn quen, học Văn Học, ở đường Phù Đổng Thiên Vương này, vì hay ghé lại chơi, sau khi đi bơi về. Con đường này, khá đẹp, chỉ có nhà do người Việt xây sau này nên không đẹp như các biệt thự được xây cất thời tây.


Từ đường đất đỏ này chạy độ một cây số thì đến con đường nhỏ, rẽ trái xuống cái dốc rất cao. Đi xuống thì dễ nhưng khi đi lên thì châm, tên phía sau, đẫy xe lên vì chở nặng không lên được nhất là vào mùa mưa, xình đất đỏ bắn đầy người. Cái dốc này khá dài và cao như cái dốc xuống vườn nhà mình ở Suối Tía nhưng không dốc nào ở Đà Lạt cao bằng dốc Sòng Sơn. Dạo ấy xe gắn máy đa số là 50 phân khối nên lên dốc yếu, không như ngày nay.

 

Đứng đầu dốc nhìn xuống thung lũng, thấy cái hồ, được chia hai nhánh, có mấy cây thông còn đứng sừng sửng trong hồ vì họ mới xây cái đập mà thị dân Đàlạt gọi là đập Đa-thiện, vì thuộc ấp Đa-Thiện, chận nước lại, tạo nên cái hồ mới. Mình không hiểu lý do vì các nhà vườn đều nằm trên đồi, bơm nước lên khá châm. Nghe nói khu vực này có rất nhiều Việt Cộng nằm vùng nên hơi ớn khi vào đây, ráng về nhà sớm trước 3 giờ chiều. Hôm nào mình rảnh sẽ kể về sự thành lập ở ấp Hà Đông, Nghệ Tỉnh.


Không biết Việt Nam Cộng Hoà có chương trình khai thác khu vực ra sao, chỉ biết Việt Cộng nằm vùng có lần tính đặt chất nổ cái đập nhưng không bị hư hại. Ai nhớ thì cho mình biết để bổ túc. Mấy ông kẹ chỉ có giỏi về phá hoại, chớ không xây dựng được cái gì cả. Nay căn biệt thư Trang Hai, không ở nhà của ngụy được nên đập phá. Rồi sẽ đến Thuỷ Tạ bị dẹp bỏ. Tất cả các di tích của chế cũ phải được san bằng.

 

Từ trên đồi, nhìn xung quanh có mấy cái đồi khác, phía dưới là cái hồ nhân tạo, có lẻ khi cái đập Đa Thiện chưa xây, người ta gọi là Thung Lũng Tình Yêu, còn sau này dân thị xã hay gọi đập Đa Thiện vì hồ nhân tạo đã giảm bớt độ cao của đồi núi xung quanh. Tiếc là mình chưa bao giờ thấy Thung Lũng Tình Yêu, lúc sơ khai, chưa có cái hồ nhân tạo vì chắc chắn có con suối tương tự vườn nhà mình ở trong Suối Tía, chảy ra hồ Tuyền Lâm. Cũng đồi núi xung quanh với rừng thông và con suối. Nay về thì chúng phá tan hết. Kinh

 

Hình này do Kính Nguyễn gửi, theo mình đoán là khi chưa xây đập, thấy chiếc xe gắn máy kiểu trước Mậu Thân. Chỗ cặp tình nhân ngồi, mình và bạn hay lại đó ăn picnic, dưới các cây thông, đối diện cái đập. Trước khi đi Tây, gia đình mình có đến đây làm picnic. Khi họ làm cái đập, chận nước thì mấy cây thông chỗ chiếc xe Jeep bị ngập và chết. Thấy 1 phần con suối chỗ chiếc xe Jeep.


Rẽ trái chạy xuống con đường đất đỏ thì sau đó rẽ phải, chạy qua chiếc cầu nhỏ tương tự họ làm khi xây cái đập đầu tiên của hồ Xuân Hương. Nước nhiều sẽ trào qua cái đập, chảy xuống con suối, chảy về đâu mình không biết vì thời đó còn bé chỉ thích nhìn con gái Đàlạt, má hồng. Mùa mưa thì thấy nước chảy qua đập nhiều còn mùa nắng thì le te.

 

Nói đến con gái Đàlạt má hồng khiến mình nhớ đến vợ tên bạn học chung khi xưa. Cô này học trường Couvent des oiseaux , kể là đi học bị mấy bà sơ la tại sao đánh phấn. Cô nàng kêu con đâu có đánh phấn, bị phạt oan ức. Không biết con gái Đàlạt nay, có còn má hồng hay không nhờ ở cao độ, tạo Hồng huyết cầu. Buồn cười là vợ tên này la mình, bảo sao khi xưa không biết cô nàng vì cô nàng rất đẹp. Chỉ biết xin lỗi là không biết hết người đẹp Đàlạt khi xưa.

 

Chạy qua chiếc cầu thì đến cái đập, phải đậu xe ở dưới để leo lên cái đập làm bằng đá ong và xi-măng. Thường chỉ có hai thằng mình đến đây vào buổi chiều để bơi. Đa số đến vào cuối tuần. Nhiều khi nghĩ lại, cả một thung lũng, cái hồ, thiên nhiên bát ngát, chỉ dành riêng cho hai thằng, ngồi mơ mộng ngày nào đi du học. Thằng thì mong đi Gia-nã-đại, có anh du học bên ấy, thằng thì đi tây.

 

Hình này do Tuấn Lê cung cấp, chụp sau 75. Dạo ấy chưa te tua như hôm nay. Đứng trên đồi Đa Thiện nhìn xuống. Thấy cái đập, trên đó xe chạy được, sau đó chạy xuống con dốc, băng qua cái cầu nhỏ. Đồi bên tay trái là nơi mình hay đến đó với bạn và gia đình picnic. Thấy bên tay trái, có ngọn đồi bị chặt bớt những cây thông. Trong thời chiến mà Việt Nam Cộng Hoà vẫn cố gắng xây dựng, phát triển thành phố dù bị Việt Cộng nằm vùng phá hoại.


Thằng Nguyên bơi giỏi nên bơi qua phía bên kia hồ hay ra giữa hồ nơi mấy cây thông còn mình thì cứ loay hoay gần bờ cho an toàn xa lộ.

 

Lâu lâu gặp người quen vào đây chơi. Nhớ có lần gặp Mai Thế Lương, nhà ở Thi Sách gần nhà mình, khi xưa, học trường Thanh Ngọc ở đường Huyền Trân Công Chúa với mình vào mùa hè. Bố hắn là sĩ quan cấp uý tử trận, được trao tặng bảo quốc Huân chương, để trên bàn thờ. Sau này, gia đình nó dọn đi đâu, nghe nói mẹ nó thầu nấu cơm cho lữ quán thanh niên thì phải. Hết năm 9 ème, gia đình nó dọn đi, mấy năm sau tình cờ gặp lại nó với ông chú tên Khôi thì phải. Nếu mình không lầm thì nó có hai cô em gái, tên Mai Thế Lan và Mai Thế Liên. Nó cởi trần, phơi chim, ở truồng nhảy xuống hồ bơi, tự nhiên như Tây. Kinh


Hôm trước, nói chuyện với Phú ở Montreal, khi xưa ở cạnh nhà Mai Thế Lương, đường Thi Sách. Anh chàng kêu biết Nguyễn Thị Ri, nhà Phan Rang lên Đàlạt học Văn Học mà mình có kể, ông thần kêu biết Ngọc Tịnh, con ông Châu, nha địa dư. Mình hỏi bà Ngọc Tịnh thì bà này chả nhớ. Mình cũng không biết chị NGọc Tịnh dù ở cách nhà mình đâu 100 mét. Đi học chung với Tâm, con bà Tô ở Bùi Thị Xuân. Có thể cô nàng ít khi ở với ông bố nên mình không biết.


Hôm nay, lại có ông kêu ở 49C Hai Bà Trưng, khiến mình thắc mắc vì cư xá Công Chánh ngưng ở số 49B, nhà ông Robert Ngọc, nay ở Úc Đại Lợi mà tình cờ trên mạng có nhận ra mấy cô con gái của bác. Ông thần nói đến căn nhà gỗ 2 tầng ở đầu đường thì chỉ nhớ mại mại ngay cái dốc trước nhà Thằng Hải, phía sau là vườn rau, bên cạnh có đường mòn đi lên đường Thi Sách. Từ từ mình mới nhận ra, sau Mậu thân, có một căn nhà gỗ hai tầng, mọc lên gần con đường mòn đi vào đường Thi sách, chỗ nhà CÒ Đào.


Mình chỉ nhớ ông Tôn Thất Trai, dạy toán ở trường Trần Hưng đạo, lấy con gái ông Hân, rồi cắm dùi bãi đất trước nhà của cư xá, làm căn nhà ở rồi gia đình ông Hân dọn về Sàigòn, trả nhà lại cho chính phủ. Nhà mình cũng chiếm đất bên cạnh, xây căn nhà. Cho nên khó mà nhớ các căn nhà xây bú xua la mua sau Mậu thân, khi dân từ thôn quê chạy vào Đàlạt, tránh nạn, sinh sống. Thêm nạn thương phế binh cắm dùi, chiếm đất thiên hạ làm nhà, như báo trước điềm là ai có nhà đất sẽ bị cướp sau 75.


Có anh bạn kể là sau hiệp định Paris được ký kết, ông bố mua mấy chục mẫu đất trong Cam Ly, để chuẩn bị cho hoà bình. Đến khi Việt Cộng vô thì không dám nhận mình là chủ. Chán Mớ Đời 


Nói chung hồi nhỏ, chơi quanh trong xóm hay gần đó như cư xá địa dư, kiến thiết, bưu điện, xa lắm là lên đến trường Đa-Nghĩa. Lên trung học thì bắt đầu chơi với đám bạn ở xa hơn nên ít để ý dân gần nhà.


Có lần mình đang ngồi trên đập Đa Thiện phơi nắng cho khô quần. Khi xưa, đâu có màn đi bơi đem theo khăn tắm như Tây nên bơi xong, lên bờ ngồi phơi nắng dù lạnh. Khi quần lót khô thì về. Xong om.

 

Hình này, chụp từ trên đồi trước khi đi xuống cái dốc. Không biết chụp từ năm nào. Đoán là sau 1972, khi Việt Nam Cộng Hoà xây cái đập Đa Thiện để chận nước từ các đồi núi chảy về đây. Thấy các cô gái đi chơi, bận áo dài. Cái đập bị che khuất phía bên trái.

Hai thằng đang ngồi bên hồ, phơi khô quần lót thì có ông Tây đi ngang, chào rồi ông ta nhảy xuống bơi ra ngoài hồ rồi cứ đứng dơ tay như Chúa bị đóng đanh trên thánh giá ngoài hồ. Mình bơi dỡ mà gặp ông Tây đứng, nằm bất động, lại không chìm khiến mình tò mò, đợi ông ta vào bờ, phải hỏi cho ra lẻ. Dạo đó, học được đến cuốn 3 English For Today nên cũng bạo mồm hỏi ông tây.

 

Khi nói chuyện với ông ta thì khám phá ra là người gia nã đại, linh mục, dạy ở Giáo Hoàng học Viện. Ông ta giải thích ra sao mà đến nay mình vẫn chưa nằm bất động trên nước được. Tên ông là Louis Leahy. 

 

Ông ta rủ mình đi picnic đâu trên cây số 6. Tây biết rành hơn mình về Đàlạt vì chỗ này mình chưa bao giờ đặt chân đến nơi, phải để ông ta dẫn đường. Dạo ấy, sợ đi xa ngoài Đàlạt vì Việt Cộng nằm vùng, mà ông tây không sợ nên mình nể lắm, chạy theo. Đến nơi thì mình lấy bánh mì thịt mua ở cạnh Rạp Ngọc Hiệp ra ăn còn ông ta thì mở gói sandwich rồi đùi gà, trái cây đủ trò khiến mình thèm nhỏ dãi. Sau đó, ông ta đề nghị gặp nhau vào mỗi chiều thứ 4 ở giáo hoàng học viện để đàm thoại anh ngữ và việt ngữ. 30 phút đầu anh ngữ, 30 phút sau thì việt-ngữ. Ông ta dạy mình cách đọc sách nhanh,…

 

Dần dần, mình rủ mấy tên bạn đến chơi, làm quen với ông ta để đàm thoại thêm anh ngữ. Không biết chúng có tiếp tục sau khi mình đi Tây hay không. Đa số lười. Năm 75, khi Việt Cộng vào, đuổi mấy ông cha này về nước. Ông cha dòng tên này sang Nam Dương dạy học và chết tại đây.

 

Sau này, Dương Quang Trí, Võ Hoàng Đa, Trần Thiện Tân hay đi chung với tụi này vào đập Đa Thiện. Trí có cái phao cấp cứu của phi công màu vàng cam, đeo ở cổ khi rớt xuống nước để khỏi bị chìm nên hắn đem theo cho bà con mượn để tập bơi.

 

Một hôm, có chiếc xe Honda của 3 ông thần gốc tàu, học Tân Sanh chạy lại. Một tên ở cạnh rạp Ngoc Hiệp vì mình có mua đồ ở tiệm hắn, cạnh tiệm ông thầy mằng. Có lẻ chúng thấy mình bơi dỡ nên muốn chứng tỏ chúng bơi giỏi, đẳng cấp hơn sơn đen nên bơi ra ngoài hồ. Bổng nhiên thằng Nguyên kêu có thằng bơi đuối rồi, nhìn ra thì thấy một tên cứ bơi ngửa, quay xà vầng. Nay nghĩ lại chắc anh ta hoảng nếu không thì cứ bơi lại gần mấy cây thông chết giữa hồ rồi bám vào như hình dưới đây.

 

Cây thông nằm ngoài hồ mà mình kể do Tuấn Lê cung cấp. Bên tay trái là cái đập. Chỗ cái vòng xoáy nước là nơi anh chàng tàu bị chết chìm.


Rồi hai tên tàu bơi vô bờ, ú ớ đứng nhìn tên bạn khốn khổ, đang uống nước, ngáp ngáp “đừng bỏ tao một mình, trời lạnh lắm..”. Mình nói Nguyên, bơi giỏi nhất đám ra xem. Cái khổ là hôm ấy Trí, chắc mới lái xe máy cày xong ở vườn gần đó nên chạy vào luôn cho tiện, không về nhà lấy cái phao. Nguyên bơi ra hồ rồi vô lại, kêu tên này uống nước khá nhiều, thở khè khè ghê quá, không dám cứu nó sợ kéo theo. 

 

Thế là các đám đứng, mặt xanh như đít nhái, nhìn tên học sinh trường tàu từ từ chìm như mặt trời lặn giữa hồ. 3 ngày sau, người ta vớt xác lên, đám ma trước tiệm nhà tên này. Dạo đó còn bé, không có thằng nào nghĩ chạy ra đầu đường Phù Đổng Thiên Vương, mượn tên thợ vá xe, cái phao hay chạy về nhà lấy phao. Hình ảnh này cứ ám ảnh mình đến nay, không cứu người được. Cứ đứng nhìn một người chết mà không cứu. 


Sau vụ này, thằng Tân, cứ kể cho cả đám, có lần nó cứu một tên suýt bị chết đuối, hắn bơi ra, đập đầu thằng đó bất tỉnh, sợ tên này hốt hoảng, kéo dìm nó xuống nước, rồi kéo vào. Kinh. Hôm đó, có hắn ở đó, đứng nhìn tên tàu từ từ theo hà-bá, mặt nó xanh như đít nhái, bơi thì cũng ọp ẹp như mình. Từ đó mình hết tin thằng này, chúa tự anh hùng hoá như ngọn đuốc cách mạng Lê Văn Tám.


Một lần khác ở hồ Xuân Hương, ngay chỗ quán sinh hoạt của  hướng đạo Lâm Viên, mình thấy ông Phác, am Sohier, tu chai nước mắm, nhảy xuống hồ, vớt một thằng bé độ 10, 12 tuổi lên, cổng chạy vòng vòng, chân vắt qua vai ông ta, còn đầu lộn ngược xuống đất, nước ọc ọc trào ra từ miệng nhưng không cứu sống được. Chán Mớ Đời 

 

Có lần, một cặp vợ chồng ở Sàigòn lên, ghé lại đây thăm viếng. Bà vợ nói chỗ này giống ở vùng nào bên Mỹ, chắc dân du học về nhưng bà ta lại bồi thêm; nhỏ hơn và không đẹp bằng khiến mình tự ái dân tộc, tức giận. Sau này ra hải ngoại thì mới hiểu là so sánh với những phong cảnh thiên nhiên ở hải ngoại thì thung lũng tình yêu chỉ đẹp, thơ mộng nhẹ nhàng cho thị xã Đàlạt, nhỏ bé.

 

Hình này do Tuấn Lê gửi. Mình đoán là một tấm bưu thiếp nhưng không mường tượng được địa thế vì được chụp trước khi có cái hồ của đập Đa Thiện. Có thể phần này đã bị chìm dưới nước. Thấy con đường mòn và đường chạy vòng vòng lên đồi. Ai nhớ, có thể định vị được thì cho em biết để khỏi thắc mắc trong đầu. Cảm ơn trước.


 Năm 12B, mình có tổ chức picnic với nhóm bạn, có mời mấy cô vào đây. Hai chị em Mai Thanh và Phi Nga, và Bích Thuỷ, còn mấy cô kia thì không dám kể vì không chắc. Mình mượn xe jeep của ông cụ để chở mấy cô, mấy cậu ở tuổi dậy thì. Mấy cô mấy cậu dẫn nhau đi đâu, gặp bộ da rắn lột xác để lại, teo bu-ri. Thằng Đa xớn xác sao đạp bể cái kính của mình, để trên bờ khi xuống tắm. Phải tốn tiền ra tiệm Anh Lân. Sau này, con gái tiệm Anh Lân có mời mình và bà cụ ghé nhà chơi ít ngày. Không biết chúng bạn tìm đâu ra cái bè, chèo ra ngoài hồ chơi. Chắc của hướng đạo làm rồi về để lại.  

 

Ngày cuối cùng học 12, từ giả đời học sinh, mình và thằng Nguyên đi bộ vòng vòng khu Hoà bÌnh, ghé tiệm Vĩnh Chấn, mua ổ bánh mì, vừa đứng trú mưa ở rạp Hoà BÌnh vừa gặm ổ bánh mì. Ai ngờ sau đó hai thằng bị đau một trận, chả học thi Tú tài gì cả. Một hôm, mình bò lại nhà nó kêu vào đập Đa Thiện bơi. Nói đau cho đau luôn. Ai ngờ tắm xong thì về nhà khoẻ hẳn lại nên từ đó mỗi ngày, hai thằng bò vào đập Đa Thiện tắm. Khi đi thi Tú tài, mình gặp đám bạn học cùng lớp, mặt tên nào tên nấy như thịt bò tái chanh, thiếu nắng trong khi mình thì đen như cột nhà cháy. Không hiểu sao lại đậu rồi được đi du học. Cuộc đời lạ thật!

 

Lần cuối mình vào đập Đa Thiện, trước khi đi du học, ông cụ đưa bà cụ và mấy đứa em vào đập, lên phía đồi thông, trải chiếu ra, ăn xôi, đủ trò. Đó là lần cuối gia đình mình họp mặt đông đủ trước đại nạn dân tộc. Sau này, anh em người mất người còn phân tán khắp nơi trên thế giới.

 

Về Đàlạt, mình có dẫn vợ đến thung lũng này nhưng chán vì được thương mại hoá quá, mất vẽ đẹp thiên nhiên của thời mình mới lớn. Nghe nói năm 1972, họ mới xây cái đập nên mình còn thấy mấy cây thông bị ngập nước. Nay thì không còn thấy nữa.

 

Khi xưa, mình đến đập Đa Thiện, nhìn lên các đồi thông vây quanh, tạo ra thung lũng đồi núi đẹp. Vắng vẻ, ít ai vào đây trong tuần, mình như đơn côi, hoà tan vào trong thiên nhiên, nay thì toàn là du khách đứng chụp hình, tạo dáng, ngoài hồ thì có xe đạp nước, hình mấy con thiên nga xấu xí. Nghĩ lại mình quá may mắn đã trải qua một thời, hưởng được cái không khí trong lành, một mình một cỏi trong thung lũng vắng vẻ này. Đó là một diễm phúc trời đã ban cho. Chán Mớ Đời 


Nhs