Mẫu-Nan-Nhật

Hôm nay, sinh nhật thứ 90 của bà cụ, mình có gọi điện thoại từ Tanzania, trước khi leo núi Kilimanjaro. Đúng lúc bà cụ đang ở tiệm ăn, mấy cô em mời tại nhà hàng thay vì làm tại nhà như mọi năm. Cậu em mình đi chơi ở Hà Giang còn mình thì đi Phi Châu. Chưa bao giờ tham dự sinh nhật của mẹ. Nói cho đúng khi xưa, ở Đà Lạt có bao giờ mừng sinh nhật trong nhà đâu. Có cơm ăn là may, chuyện sinh nhật chỉ dành cho dân giàu có hay trong xi-nê. Mình chỉ biết ngày sinh của ông bà cụ khi làm đơn xin đi du học.

Phong-tục Việt Nam rất chuộng con trai qua câu: “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Con trai được cưng chìu còn con gái thì hay bị rày la nhưng trên thực tế mình thấy con gái có hiếu với cha mẹ hơn. 10 người con trai thì hoạ may, có một lo chăm-sóc bố mẹ khi về già. Rất hiếm vì phải hầu vợ. Tôi trung chỉ thờ một chúa. Chán Mớ Đời  

Sinh nhật thứ 90 của mẹ mình tại Đà Lạt  
Cô em mình đậu vào trường kiến trúc nhưng vì con của ngụy quân ngụy quyền nên không được phép học đại học, ở nhà đan áo len. Nay thấy có khiếu về nghệ thuật, làm mấy tác phẩm đặc thù sau những giờ bán cà phê ở quán Chez Nous, đường Phan Đình Phùng

 Mỗi tuần, nói chuyện, bà cụ kể cô em này làm thức ăn đem đến cho mẹ xơi, cô kia mua thuốc bổ cho mẹ, cuối tuần thì có cô chở con đến ăn cơm với mẹ, giúp mẹ mình bớt cô đơn từ khi ông cụ qua đời. Có cô thì chở mẹ đi viếng cảnh Đàlạt, chụp hình cho mẹ tạo dáng. Những giây phút này sẽ được thiên thu hoá. Còn mấy ông con trai như mình, chỉ lo hầu vợ. Chán Mớ Đời 

 

Mình quen một gia đình có hai người con trai khác biệt hoàn toàn. Một ông thì cuối tuần lái xe từ Fernando Valley xuống Quận Cam, đưa bố mẹ đi chợ trời, ăn uống trong khi một ông khác thì không bao giờ thấy mặt. Khi nào ông này xuất hiện là biết cần tiền, về thăm mẹ để xin tiền hay nhờ nói với mấy anh chị cho mượn tiền và bới đồ ăn do mẹ nấu về cho vợ. Ông ta lấy vợ rồi ly-dị, sau này lấy một cô nào đi du-lịch sang mỹ rồi làm đám cưới ở lại. Cô này chưa bao giờ gặp bố mẹ chồng, dù ở cùng thành phố, đám tang hay kỵ giỗ bố mẹ chồng không bao giờ tham dự.

 

Nếu giải thích theo Phật-pháp thì người con có nợ với bố mẹ kiếp trước, hoặc bố mẹ mắc nợ người con thì kiếp này đến trả nợ hay đòi nợ. Trong gia đình, thường thấy bố mẹ cứ lo cho những người con ít lo lắng cho bố mẹ, thậm chí bạc đãi bố mẹ, ngược lại những đứa con chăm-sóc họ thì bố mẹ lại không để ý tới. Bố mẹ mắc nợ mấy đứa con này từ kiếp trước nên kiếp này phải trả. Đứa cho tiền xài, cất để đưa lại đứa khác khiến anh em lục-đục nhưng hiểu theo Phật pháp là nợ. Mình nợ bố mẹ thì trả còn bố mẹ nợ em hay anh chị thì bố mẹ trả thế thôi. Tiền của mình được bàng-giao lại qua tay anh chị. Khi đã hiểu như vậy thì anh chị em sẽ không lục-đục nữa. Không cành nanh vớ vẩn.


Mình lại nghe nói là nếu bố mẹ lấy tiền đứa này để cho đứa khác vô hình trung làm chúng thất đức, đời con cháu hết có câu “có đức mặc sức mà ăn”. Lý do là mình chăm sóc bố mẹ, làm việc thiện để tạo đức cho con cháu sau này hưởng như trồng cây thì trong tương lai, đời sau mới hưởng. Nếu mình lấy tiền của cha mẹ về già thì lấy luôn cái đức của con cháu mình sau này. 


Nói như nhà nông, bón phân cây năm nay là để cho vài năm sau vì phân bón phải hoà vào đất trời một thời gian dài, mới được rể cây hút vào, nuôi thân cây, đâm cây ra trái. Thay vì bón phân, mình lấy đất tốt của cây thì không lâu, cây sẽ úa tàn.

 

Có lẻ người con gái, có chồng sinh con đẻ cái, trải nghiệm quá trình của người phụ nữ vượt cạn nên thương mẹ và chăm sóc cho cha. Khi người con gái đi lấy chồng, có mang, sinh con thì tận hiểu sự đau-đớn gánh-chịu của mẹ khi xưa, lúc có mang và sinh ra mình.

 

Đàn ông thì cứ đè đầu xuống phịch một cái rồi con sinh ra, hứng thì nuôi không thì kiếm chỗ khác phịch thêm, định hướng sinh-lý thị trường xây dựng nòi giống.

 

Mỗi lần gần đến sinh-nhật lại nhớ đến cụm từ của người Tàu “mẫu-nan-nhật”.母難日 Người tàu không gọi ngày sinh của họ là “sinh-nhật” mà họ gọi “mẫu-nan-nhật”, ngày mẫu thân nạn. Ngày mà người mẹ phải rặn đau, sau 9 tháng 10 ngày hoài thai. Có khi chuyển bụng cả mấy ngày mới sinh con mà khi xưa có thể mất mạng như chơi vì y-khoa chưa được tốt như ngày nay.

 

Khi xưa, phụ-nữ nào may-mắn, có người chồng thương-yêu, khi vượt-cạn thì người chồng ra sông ngụp lặn, cầu khẩn hà-bá để giúp hồn vía của vợ sinh con cho mau và bình-yên. Khi xưa người ta hay ví “Người ta đi biển có đôi, vợ tôi đi biển mồ-côi một mình.” Nay ở xứ tây-phương thì người chồng phải vào phòng sản-phụ để giúp vợ vượt cạn. Trong thời kỳ hoài thai thì hai vợ chồng phải theo học khoá Lamaze , học hít thở, vợ rặn thì chồng hô thở vô thở ra.


Nhớ lúc vợ chuyển bụng, đang rặn mệt, y-tá hỏi có khoẻ không, mình muốn động-viên tinh thần vợ nên kêu “she’s OK” khiến mụ vợ nổi doá kêu “NO! I’m not Ok” khiến mình câm luôn. Mụ vợ kêu mình vô duyên không đúng lúc. Cực chuẩn.


Giây phút sinh con ra đời là giây phút nguy-hiểm nhất của người mẹ nhưng khi mẹ tròn con vuông thì vui mừng, quên hết mọi lo âu, đau đớn. Có lẻ vì vậy trong chữ Hán có chữ “hảo” có hình tượng Mẹ + Con 

 

Mình nhớ khi đồng chí gái sinh thằng con đầu lòng, chuyển bụng mấy lần, chở vào nhà thương, chúng lại đuổi về rồi đến khi bể nước ối thì mới được giữ lại. Nhìn đồng chí gái rặn đẻ suốt 22 tiếng đồng hồ khiến mình tự hứa là sau vụ này chắc không dám phịch vợ nữa. Nhịn được vài tháng đến khi vợ kêu trả bài thì đành tranh thủ hò giả gạo, lao động định-hướng tạo giống nòi.

 

Sau 22 tiếng rặn không ra, kêu la đau, bác-sĩ kêu mổ mới kéo đầu thằng Ku ra. Đứa thứ 2 cũng vậy rặn 18 tiếng đồng hồ rồi phải mổ. Chán Mớ Đời 

 

Nhìn vợ vượt cạn mấy lần khiến mình thất kinh, kế-hoạch-hoá gia đình, không sinh con nữa theo tiêu chí Trai hay Gái chỉ hai mà thôi. Xong om

 

Ở Việt Nam, mình chưa bao giờ ăn mừng sinh-nhật ai cả. Trong xóm khi xưa, có một nhà ăn sinh-nhật con gái họ, xe hơi đậu đầy đường Hai Bà Trưng, mấy thằng trong xóm như mình, mò lại đứng ngoài cửa sổ, coi cọp, nhìn vào xem con nhà giàu cắt bánh sinh-nhật, nuốt nước miếng hay quẹt nước dãi chảy ở mồm như chó thấy cứt. Ngày nay, ăn sinh nhật vợ con, rồi bạn bè, đến con cháu bạn bè, đồng chí gái kêu đi, ngồi vổ tay hát happy birthday….chỉ nhìn bánh nhưng không dám đụng vào. Chán Mớ Đời 

 

Mình dám chắc ngày sinh-nhật, ít ai nghĩ đến mẹ, người mang nặng đẻ đau, sinh ra mình thậm chí chưa chắc đã nhớ đến sinh-nhật bố mẹ. Chưa chắc đã mời mẹ hay bố dự, gọi điện thoại cảm ơn 1 tiếng hay chỉ biết tạo dáng, chụp hình rồi xeo-phì trên mạng khoe áo mới mua.

Mẹ mình đầu năm con mèo quý

 Người ta nói nước mắt lúc nào cũng chảy xuống, cha mẹ cực khổ nuôi dưỡng con như biển hồ lai-láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày là vậy. Thật ra làm cha làm mẹ, mình chỉ muốn con mình hạnh-phúc chớ không đòi-hỏi gì ở chúng khi về già còn con cái cứ ní cho nhau, kêu anh giàu hơn em, chị nghèo hơn em. Họ đùn-đẩy nhau việc chăm-sóc bố mẹ, bổn-phận người kia vì họ khá giả hơn hay gì đó. Khi bố mẹ qua đời thì lại thuê người khóc mướn đến khóc dùm. Rồi mượn câu thơ của ai, kêu đổi thiên thu để lấy nụ cười của mẹ. Có ai dám chết để thấy mẹ mình cười. Chán Mớ Đời 


Còn cha mẹ có chút tài sản thì anh em tranh nhau, thậm chí khi bố mẹ còn sống. Cứ hăm hăm kêu bán nhà chia của, anh em đưa nhau ra toà.


Làm cha làm mẹ, lo cho con đến khi nằm luôn. Dạo này, có mấy bà bạn của đồng chí gái tìm cách giới thiệu con hay cháu cho thằng con mình. Xem có làm sui được không. Mình thì kệ xác con, vì mình đã kinh qua vụ này. Từ Việt Nam chạy qua Âu châu rồi từ Âu châu qua Mỹ, rồi bổng nhiên đưa đẩy để gặp đồng chí gái nhưng người mẹ thì lúc nào cũng lo lắng. Mấy bà cứ gửi cho nhau hình ảnh con cháu. Thằng con mình năm nay 28 tuổi. Nghe thiên hạ nói là nó đẹp trai cực chuẩn luôn. Bác nào muốn làm sui với em thì cứ nhắn tin cho đồng chí gái.

 

Mình nhớ ông anh vợ, có lần tổ-chức lễ thượng-thọ cho bố mẹ vợ rất hoành-tráng thì hơi ngạc nhiên. Sau này, có con mới hiểu. Đến sinh-nhật mình, chúng tổ chức trong nhà, chỉ có 4 người, làm cái bánh cho bố, nấu một món ăn để nhớ thời nghèo ở Đàlạt, đi coi cọp thiên-hạ ăn sinh-nhật, bị họ lấy chổi chà ra quét, đuổi như đuổi chó rượng đực. Thấy con tổ chức trong nhà là cảm thấy hạnh-phúc, huống chi mời cả làng.

 

Từ dạo giác ngộ cách mạng về Mẫu nan Nhật, mình hay gọi điện thoại ngày bà cụ sinh ra mình. Bà cụ chỉ nhớ ngày tháng sinh mấy đứa con theo Âm lịch, nhớ rõ ngày và giờ sanh của 10 đứa con. Khi đến ngày Mẫu nan nhật dương lịch hỏi thì không nhớ, còn hỏi ngày âm-lịch thì bà cụ nói ngay là ngày sinh ra con.

 

Mình hy-vọng sang năm, Tết về Việt Nam, cùng mấy người em tổ chức “mẫu-nan-nhật” thứ 90 của mẹ. Mấy người em cản vì sợ mang lại xui. Thôi đành tổ chức đi Dubai cho bà cụ họp mặt con cháu khắp năm châu vậy.

Quà mình tặng mẫu nan nhật của mẹ năm nay. Mời con cháu khắp nơi về chung vui với mẹ tại Dubai

Thấy tấm ảnh này rất đẹp. Mình không biết chữ Hảo (mẹ và con) cộng thêm chiếc xe đạp và bó rau đem đi bán, là hình tượng của từ nào. Có lẻ tình mẫu tử.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Quả thật, chưa bao giờ em nghĩ đến Má vào ngày "mẫu nan nhật" của mình! Một lời nhắc rất ý nghĩa.


 


Nhs