Sự hình thành khu Hoà bÌnh xưa của Đàlạt

 Mình viết bài này thẳng trên bờ-lóc vì khó tải hình ảnh lên Facebook và bờ lóc. Mình viết trên OneNote nên tải hình trên đó thì lại không chuyển hình lên được. Nên bỏ hình ảnh nào lên thì mình sẽ chú thích. Có gì sai thì nhờ các bác cho em biết để bổ túc. Cảm ơn trước.



Đây tấm ảnh của công ty La Pagode in, chụp từ khách sạn Palace. Ta thấy con đường (vừa là cái đập chận nước của hồ Lớn) và chiếc cầu để nước thông qua từ khúc Thuỷ Tạ ngày nay chạy sang bên kia hồ như cầu Ông Đạo ngày nay. Hình mờ quá nên không hiểu khu nhà lá ở đầu bên kia cầu là của người Mọi hay người Kinh di cư đến. Mình đoán là người Mọi vì thấy vài người trong hình bận khố, cởi trần.

Chiếc cầu này bị cuốn trôi khi mưa nhiều (mình có tấm ảnh này) nên Tây phá luôn con đường này để nới 2 cái hồ thành hồ Lớn (Grand Lac tây gọi, với cái hồ nhỏ phía gần ấp Ánh Sáng sau này. Sau khi tây về nước thì người Việt mới thống nhất gọi hồ Xuân Hương, hương của mùa xuân chớ không phải bà HỒ Xuân Hương như mình nghĩ khi xưa).

Bên kia cầu, thấy có hai con đường nhỏ, sau này là đường Đinh Tiên Hoàng (bên phải), và đường Võ Tánh. Xa xa là dãy núi Lâm Viên.

Đồi đầu tiên trước mặt, thấy chợ Đàlạt, khu Hoà Bình sau này. Phía sau có cái đồi, nơi dinh ông đại diện cho chính quyền Tây ở, còn mấy ông quản lý Đàlạt người Việt thì ở nhà gần bờ hồ nhỏ hơn, thường được gọi nhà ông Quản Đạo. Sẽ cho biết sau.


Đây là bản đồ Đàlạt thời Tây. Hồ lớn (Grand lac), có 2 hồ nhỏ; 1 nhỏ nhất nằm cạnh Sân Cù mà ông dượng của mình hay đến câu cá ở đây. Có cái tên nhưng bổng nhiên quên mất, hôm nào nhớ thì sẽ bổ túc. 1 hồ lớn tên hồ Đội Có, nằm ở giữa hai đường Võ Tánh và Đinh Tiên Hoàng, có nhà máy nước của Đàlạt, nơi ông cụ mình làm việc trước 75. Nhà máy này được thành lập thời Tây để cung cấp nước cho dân cư Đàlạt.

Mình nhớ ông tỉnh trưởng Nguyễn Hợp Đoàn kêu ông cụ làm sao để có nước cho dinh của ông ta. Dạo Đàlạt mới thành lập, ít dân cư nên bơm nước từ nha máy nước lên đến dinh tiếng trưởng rất dễ, sau mấy chục năm thì ống nước làm bằng gan bị rét rỉ và phải cung cấp cho toàn thị xã nên tỉnh trưởng không có nước. Sau ông cụ phải làm cái Château d’Eau để ban đêm bơm nước lên để cả gia đình ông ta mới có nước sử dụng trong ngày.

Cái đập nước, vừa là con đường chạy từ bùng binh Thuỷ Tạ chạy đến hồ máy nước, đã được phá để nhập với hồ nhỏ (Petit lac) phía gần ấp Ánh Sáng. Mình có tấm ảnh chụp khúc này, có kể trong bài Thuỷ Tạ. Ai thích thì kiếm trên bơ lốc của mình.

Bây giờ trở lại khu Hoà Bình. Khi Đàlạt mới thành lập thì tây thực dân cần cu-li (coolies) bản xứ để phục dịch cho họ nên cho phép một số người việt được đến đây làm ăn, buôn bán, trồng trọt để cung cấp cho người Pháp. Vùng này thuộc An Nam, thuộc về triều đình Huế nên được xem là lãnh thổ của triều đình Huế. Sau này ông Bảo Đại về nước lên ngôi vua thì gọi Đàlạt là Hoàng Triều Cương Thổ.

Để giải thích cho người trẻ Đàlạt là dưới thời Tây, Việt Nam được chia thành 3 miền: Bắc kỳ (Tonkin), Trung kỳ (An Nam) và Nam kỳ (Cochinchine, nằm giữa Ấn độ (inde) và tàu (chine ). Nam kỳ thuộc về Pháp quốc nên có số đông người giầu có gốc Việt như gia đình bà hoàng hậu Nam Phương hay ông Trần Văn Đôn đều mang quốc tịch Tây.

Bắc kỳ là một vùng bị bảo hộ dưới chính quyền của Pháp quốc còn An Nam trên nguyên tắc là tự trị nhưng đều do pháp áp đặt. Vua của Việt Nam đều được người Pháp phê chuẩn mới được lên ngôi, do đó mới có vụ 4 ông vua được thay thế liên tục. Mấy ông quan Việt Nam Chán Mớ Đời nên mới dấy lên phong trào Cần Vương.

Người Việt đến lập nghiệp, đa số là người Huế và Quảng vì thuộc triều đình Huế (Annam). Sau này người Pháp cho phép người Bắc kỳ đến để trồng rau cải cho người Pháp tiêu dùng. Người Việt họp chợ tại khu Hoà BÌnh bây giờ.



Hình trên là bản vẽ của khu chợ Đàlạt khi xưa mà người ta gọi là Chợ Cây vì làm bằng gỗ. Sau khi khu Chợ Cây bị cháy thì người Pháp cho thiết kế lại và cho xây Chợ lại, sau này được gọi là khu Hoà BÌnh. 3 dãy nhà tô đậm đen là dãy phố Bùi Thị Hiếu đến Cà phê Tùng, dãy phố của ông Sáu Còm và khu tiệm chụp hình Hồng Châu đã được xây xong.

Ta thấy Chợ Cây có hình như tam-giác, cái chợ làm bằng gỗ, được tô đậm. Mình tải lên đây mấy tấm ảnh thời đó, chụp từ cà phê Tùng (dạo ấy chưa có) và từ bên kia chợ đối diện.


Hình này theo mình là xưa nhất mà mình có vì các tấm ảnh khác cho thấy góc đường Tăng Bạt Hổ, dãy phố của tiệm Bùi Thị Hiếu và nhà hàng Mekong được xây bằng gạch ngói còn tấm này cho thấy vẫn còn làm bằng gỗ. Chú thích của Tây là nouveau marché , chợ mới. Chắc mới được thành hình. Thấy dãy nhà của Bùi Thị Hiếu và nhà hàng Mekong còn làm bằng gỗ, các tiệm đều có bảng hiệu chữ Hoa nên đoán là của người Tàu. 

Người Tàu là người di cư, thời Tây chưa đến cũng được triều đình Nguyễn cho phép làm ăn, đến thời pháp thuộc, được pháp ủng hộ cho phép làm ăn vì họ không có đấu tranh, kháng chiến gì cả, chỉ muốn làm ăn. Người Pháp dùng người Tàu để giúp cai trị Đông Dương. Nếu đọc lịch sử Nam Kỳ thì mới hiểu ý định của Tây với người tàu trong Chợ Lớn rồi các tướng cướp như Ba Cụt, 7 viễn,...


Hình trên cho thấy dãy phố Bùi Thị Hiếu đã được xây lại bằng gạch và ngói. Ngoài ra phía sau chợ Cây thì dãy nhà của ông Sáu Còm đã được xây. Có lẻ được xây cùng thời. (Dãy nhà có tổng cục tiếp tế trước 75). Thiên hạ vẫn bán hàng rong, ngồi lề đường, được cái là chưa có công an mít để đến rượt đuổi như ngày nay. Tây cho phép vô tư buôn bán.


Hình này chụp từ đường Hàm Nghi, góc cà phê Tùng, nhìn về phía chợ Cây. Ta thấy chợ được đóng ba tấm gỗ và lợp mái tôn. Thấy dãy phố Bùi Thị Hiếu, nhà sách Liên Thanh đã được xây cất tử tế.


Đi đến vài bước thì thấy dãy phố Mekong và Việt Hoa làm bằng cây, chưa được ông Võ Đình Dung xây lại. Mấy khu nhà ở khu Hoà Bình đều được ông Võ Đình Dung thầu xây cất hết. Phía xa, thấy trạm biến điện sau này được chuyển cạnh trường Đoàn Thị Điểm. Bên trái là chợ Cây.


Hình này chụp từ balcon của khu nhà ông Sáu Còm. Ta thấy tiệm vàng Bùi Thị Hiếu thời đó là một tiệm làm tóc (coiffure). Bên trái chợ Cây, ta thấy dãy nhà bằng gỗ, 2 tầng. Sau này khi chợ Cây cháy thì khu này cũng bị rụi luôn nên được xây lại. Xem hình sau này.


Hình này mình chưa định rõ, phía dãy đối diện dãy phố Bùi Thị Hiếu, bên kia chợ Cây hay là đường Phan Bội Châu. Ai biết thì cho mình biết để bổ túc. Hình ảnh khiến mình nhớ về Đức Trọng Tùng Nghĩa, các hàng quán cũng tương tự làm bằng gỗ. Tiệm tàu này có mấy tấm gỗ được cất bên kho bên cạnh. Có 3 tấm ván ngắn và mấy tấm lớn, xem đúng đủ để đóng cửa tiệm khi trời tối. Đó là cách các tiệm buôn đóng cửa trước khi cửa sắt ra đời.

(Mình tìm ra rồi. Mai Vuông Tròn gửi cho mình mấy tấm ảnh xưa, có thấy hình này. Hoá ra là mấy căn nhà đầu tiên được xây dựng cạnh hồ Xuân Hương bây giờ, gần khu ấp Ánh Sáng. Sau này bị lụt cuốn trôi mất. Từ đó Tây mới nhập hai hồ thành hồ ngày nay. Có dịp mình sẽ kể lại và tải mấy tấm ảnh của Mai Vuông Tròn.


Bản vẽ cho thấy địa điểm chợ Đàlạt được xây lại. Hình chữ nhật là chợ mới của Đàlạt, sau này là khu Hoà Bình. Dãy phố phía bên chợ Mới sau này đã bị cháy rụi. Họ cho nới thêm một phần đất, bằng cách xây talus mà hình trên của bản vẽ cho thấy. (Phần màu xanh)

Bản vẽ của khu chợ được xây lại khi chợ Cây bị cháy của ông tây nào, chắc kiến trúc sư. Có người cho biết là KTS. Louis George Pineau ! Họ xây phần bên phải rất đẹp, có dãy arcades để bộ hành đi để tránh mưa.


Chợ Cây Đàlạt được xây lại sau cơn hoả hoạn. Chụp trước chợ, ta thấy cái chuông đồng hồ được dựng lên cao, tượng trưng cho trung tâm thành phố. Ở Pháp, trong các làng, thường thì có cái chợ rồi đối diện là  nhà thờ có tháp chuông cao, giúp người dân định hướng đâu là trung tâm thành phố.

Mình đoán họ sửa chửa lại mặt tiền của Chợ sau này vì khi xây chỉ thấy hình bán Nguyệt trên 3 cửa sổ, sau này thì thấy là hình tròn.

Chợ Đàlạt được xây xong. Ta thấy dãy nhà bên phải bị cháy rụi, được thay thế bởi các cửa hàng kiosque. Phía dãy nhà hàng Mekong, Việt hoa, Đức Xương Long đã được xây xong. Cận cảnh là cặp vợ chồng tây đầm với hai đứa con. Hình ghi chú vào những năm 1940.


Có nhiều tấm ảnh thời Tây nên mình tải lên đây. Tấm ảnh giữa cho thấy vào những năm 60, các kiosque bên phải đã được thay thế bởi một dãy nhà, được xây bằng đá theo kiểu tây. Ta thấy bến xe đò Chi Lăng (Saint Benoît) ở ngay trước chợ. Mình nhớ thời ông Ngô Đình Diệm, bố mình phải tham gia đoàn thanh niên Cộng Hoà, bận áo xanh quần xanh đi diễn hành chỗ công trường trước chợ này. Mình đi coi diễn hành, lòng hãnh diện về ông cụ như mẹ mình đi ra đồn Mang Cá để xem anh cô cậu đi lính Khố Xanh, Khố Đỏ, nay cậu Luyện vẫn còn sống trên 100 tuổi.


Tấm không ảnh này cho thấy Chợ phía trong nhưng ở ngoài vẫn có nhiều người trả tiền thuế mỗi ngày bán hàng rong. Đặc biệt là thấy luôn dãy phố bên trái, phía chỗ Chợ Mới được xây sau này, xây theo kiểu tây, thế vào các kiosque trước đây. Sau này khôi nguyên La-mã, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cho đập phá khu này, để có thể nhìn cảnh quang hồ Xuân Hương.

Theo mình thì đã làm cho khu phố Hoà BÌnh mất thăng bằng về thiết kế đô thị. Thêm nữa, ông thầu khoán chợ Mới Đàlạt, Nguyễn Linh Chiểu cho xây khách sạn Mộng Đẹp, tự xây thêm một tầng không được phép nên che mất quảng cảnh hồ Xuân Hương. Nếu để yên dãy phố này thì khu Hoà BÌnh tấp nập hơn, có dãy nhà này chắn gió cho nguyên khu phố này, người Đàlạt đi phố xung quanh vui hơn thay vì chỉ đi lòng vòng dãy Mekong, Bùi Thị Hiếu,... 

Khu này có vài kiosque bán đồ lưu niệm cho du khách, bãi gửi xe cho dân đi xem xi-nê. Có dạo thời ông Kỳ, có pháp trường cát để xử bắn các thương gia đầu cơ tích trữ như Tạ Vinh ở Chợ Lớn.


 Hình này cho thấy thời ông Diệm đã đắc cử tổng thống. Tiệm người Hoa, đã được đổi tên Việt. Ông Diệm bắt người Tàu chọn quốc tịch, nên đa số người Tàu vào quốc tịch Việt Nam để làm ăn nên sau này bị đi lính. Có anh bạn quốc tịch Tây vì ông bố người Course nên trước 75, không bị đi quân  dịch. Ta thấy tiệm Đức Xuong Long để bản hiệu bằng Việt ngữ.

Thời ông Kỳ cũng cấm đặt tên hiệu bằng ngoại ngữ.

Nếu dãy phố bên tay phải không bị phá, thì dân Đàlạt có thể dạo phố hình chữ U ở khu Hoà BÌnh thay vì hình L như sau này. Bên phải dãy phố có arcades để trú mưa như bên tây, khá thành công. Kiến trúc sư đã tính khi trời mưa nhất là buổi chiều, mặt trời ở phương tây sẽ rọi vào các tiệm như dãy Tiến Đạt, Anh Lân,...


Hình này chụp trước tiệm ăn LangBian sau này được đổi thành Chic Shanghai, ở phố Hoà Hoà Bình. Mình để ý mấy tấm ván làm cửa mà dân Đàlạt sử dụng khá nhiều khi xưa, lúc chưa chế ra loại cửa sắt kéo ra vào. Tối khi đóng cửa, chủ tiệm tháo mấy tấm ván ra rồi gắn từng miếng vào cái rọc, kéo sát vào một bên, cuối cùng thì khoá lại. Hàng mẹ mình khi xưa cũng sử dụng loại cánh cửa gỗ này để khoá cái sập.

Sẵn đây mình tải các tấm ảnh khu vực này.


Hình chợ mới xây chụp từ tiệm bánh mì Vĩnh Chấn


Từ tiệm thuốc bắc Thiên An Đường Con Cua

Có thể chụp từ khách sạn Thuỷ Tiên, hoặc trạm biến điện của đường Duy Tân, vì thấy nóc nhà của tiệm Vĩnh Chấn.


Cũng góc phố trên nhưng sau thời Ngô Đình Diệm, thấy tiệm đồng hồ Tiến Đạt, có tiệm thâu băng nhạc Việt Quang. Mỗi lần ra phố là nghe nhạc vang vang từ tiệm này. Ai có tiền thì mua băng gốc, còn không thì đưa băng cũ cho mấy tiệm này thâu lậu, rẻ hơn. Ông cụ mình quen thân với ông chủ Việt Quang nên hay có mặt ở đây.

Nghe nói ông qua đời, còn bà thì còn sống. Mình có gặp mặt bạn học Văn Học cũ ở quán cà phê của con gái ông bà Việt Quang, đường Lê Quý Đôn.


Cũng góc này nhưng thấy rạp Hoà Bình. Thấy phía bên kia hội trường Hoà Bình, mấy dãy nhà khi xưa bị dẹp bỏ, có cái tiệm nhỏ bé trơ trọi vô duyên.


Mình chỉ có tấm ảnh này cũ nhất của dãy phố do ông Võ Đình Dung xây cất khi họ cho xây Chợ Đàlạt sau khi Chợ Cây bị cháy rụi. Hình này cho thấy tiệm thuốc tây của người tây, sau này chắc gia đình ông Nguyễn Văn An, con rể của ông Phạm Quỳnh mua lại. Chợ Đàlạt đang hoạt động khi thấy thiên hạ bán hàng rong ở trước cửa chợ. Có cả xe ngựa, mình nhớ hồi bé có đi xe ngựa một hai lần khi đi viếng thăm ông Dụ ở Ấp Xuân An.


Có lẻ tấm ảnh này gợi nhớ cho mình nhiều nhất về Đàlạt. Những trận mưa dài đẳng. Hình chụp từ thang cấp khu Hoà Bình. Chỗ này sau này xe tuần cảnh đậu, chận bắt quân dịch. Đối diện thấy lò bánh mì Vĩnh Chấn, tiệm thuốc Con Cua ở đầu đường Duy Tân, phía sau là khách sạn Thuỷ Tiên 4 tầng. Phía bên phải là tiệm Vĩnh Hoà, anh em chi với lò bánh mì Vĩnh Chấn. Mình giật mình khi thấy chiếc xe bánh mì thịt. Hình như chỗ này có bán bắp nướng. Mình đang viết về bánh mì thịt La Tulipe Rouge, sẽ kể thêm về các xe bán bánh mì thịt đã vớt tiền ăn quà của mình ngày xưa.

Khi xưa, có luật lệ về quảng cáo do người Tây quy định như ở Pháp quốc nên các bảng hiệu rất đồng đều và gọn gàng được gắn trên cửa tiệm, không như ngày nay bản quảng cáo che kín, không còn thấy nhà cửa. Chỉ có những khu không có dân cư như phía dưới chợ, phía đồi kế bên Nam Đô Ngân Hàng mới cho treo mấy bảng hiệu quảng cáo to lớn như kem Hynos,..


Hình này cho thấy dãy phố trên khu Hoà Bình, có dãy phố đối diện khu nha sĩ Nguyễn Trình, sau này bị phá bỏ rất uổng.


Hình này cho thấy bến xe Taxi Đàlạt xưa trước hai nhà hàng Nam Sơn và Chic Shanghai. Xe taxi dạo ấy đều Sơn đen và cái mui màu trắng, không cần đề bản taxi, ai cũng nhận ra.


Chụp từ chợ Đàlạt, rạp xi-nê Hoà BÌnh sau này.

Tấm ảnh này chụp từ bến xe đò Tùng Nghĩa, có tiệm ăn Âu Chat Botté, bên tay phải có tiệm nhỏ sau này là tiệm phở Tùng, có lần bị cháy. Sau đó như đốt phong long, tiệm này nổi tiếng, thực khách đến đông như quân Nguyên. Mình có ăn đây được vài lần. Chỗ này có cái hẻm đi xuống dốc, đến đường Phan Đình Phùng và MInh Mạng, chỗ tiệm uốn tóc Ba-lê. Dãy phố này có cà phê Tùng, Phở Bắc Hương, Đông Hải,...có nhà in Lâm Viên của Nguyễn Văn Phước học chung với mình,.. 
 

C Cà-phê Tùng, tiệm giày Tân Việt, nhà sách Liên Thanh


Dãy phố của ông Sáu Còm bên tay phải có 2 tiệm của 2 cô học chung với mình khi xưa; Nam Trân và Anh Đào. Phía dãy cà phê Tùng, thấy tiệm Liên Thanh mà mỗi năm phải ra đây mua sách đi học. Có nhà may của bác Đoàn Mừng. Vợ của bác bán ở chợ Đàlạt, bán hàng xén.


Nhìn thẳng dãy phố có tổng cuộc tiếp tế, và tiệm giày Bata khiến mình phải chụp hình ở Tiệp Khắc trước một tiệm giày mang hiệu Bata để nhớ về Đàlạt năm xưa.



Hình này chụp từ trực thăng do ông Bill Robie cho thấy phố khu Hoà Bình loang quanh khúc này vì phía bên kia rạp Hoà Bình không có dãy phố nên không tạo cho khu này là cứ điểm như đa số các thành phố .

Hình này chụp mé bên kia rạp Hoà Bình, cho thấy sự phá bỏ dãy phố xây vào những năm 50 la một thất bại to lớn cho việc thiết kế đô thị của khu Hoà BÌnh. Lác đác vài cây tùng như muốn đem thiên nhiên vào thành phố. Có lẻ nên trồng hoa mai Anh-đào. Phía trên sân thượng của La Tulipe Rouge và khách sạn Mộng Đẹp làm xấu đi cảnh Quang của khu phố. Chán Mớ Đời 

Hình này chụp ngay tiệm Lưu Hội ký, cạnh Đức Xương Long ngay góc Minh Mạng và khu Hoà Bình. Thấy tiệm Anh Võ, nhất là photo Đại Việt, nơi mình mua cái máy chụp hình đầu đời, được 1 tháng thì bị hàng xóm ăn cắp. Mình học được bài học từ đấy là có của thì không nên khoe hàng xóm, chúng sẽ ăn cắp.


Hình này chụp ngay tiệm Đức Xuong Long, thấy tiệm của bà Bội Sanh, quen bà cụ mình.


Hình này chụp phía bên kia đường thấy có tiệm bán đồ sắt hình như tên Thiên Thai hay gì đó, kế đến tiệm vàng Kim Thịnh, có một người con trai họ chung với mình, nay vẫn còn ở Đàlạt.


Hình này chụp lễ rước kiệu hoa Phật Đản mà mình có kể khi thấy tấm ảnh ở đường MInh Mạng.



Hình chụp không gian giữa khu rạp Hoà Bình và dãy Việt Hoa, đầu đường là Đức Xương Long. Mình rất tiếc là khu phía bên kia rạp Hoà Bình, nếu họ không đập phá dãy phố cũ làm bằng đá và ngói rất đẹp.


Không gian của khu rạp Hoà Bình và dãy nhà hàng Mekong, chụp ngược lại từ tấm ảnh trên, có tiệm Việt Hoa bán máy truyền hình. Phía xa thấy tiệm bánh mì Vĩnh Chấn, nhà thuốc Tây Nguyễn Văn An,..


Khúc này từ cầu thang chợ đi lên, thấy tiệm chụp hình Hồng Châu. Mình nhớ bên cạnh có tiệm bán đồ lưu niệm cho du khách. Có lần, mình lãnh về xỏ mấy hạt chuỗi của người Mọi để họ bán cho du khách, có chút tiền nhưng không nhớ lý do lại nghỉ. Đối diện, họ phá dãy phố xây bằng đá để thay thế những kiosque như Hoàng Lan. Chán Mớ Đời 


Hình ngay cầu thang lên chụp từ cái cầu của Chợ Mới Đàlạt lên khu photo Hồng Châu. Chỗ này có bán hàng rong khá nhiều, và đồ viện trợ do mấy bà sơ đem bán. Hình chú thích năm 1971, do người Mỹ chụp. Chỉ có người Mỹ mới có tiền rảnh chụp hình kỷ niệm vào thời đó.


Photo Hồng Châu, chỗ cầu thang đi xuống chợ. Họ phá bỏ dãy  phố 1 tầng với arcades đẹp để thay vào đó các quán lụp xụp mất thẩm mỹ. Chán Mớ Đời 


Nói về khu Hoà Bình mà không nói đến bến xe phía sau lưng thì hơi khiếm khuyết. Hình này cho thấy vào những năm 1950, lúc Chợ mới chưa được xây cất thì bến xe đò Tùng Nghĩa, Thái Phiên, Trại Mát chưa được thành lập. Thấy dãy nhà của ông Sáu Còm với đường Phan Bội Châu và chút đường Hàm Nghi, góc cà phê Tùng khá vắng vẻ.


Tấm ảnh này cho thấy bến xe Tùng Nghĩa với mấy chiếc xe Peugeot, được độ lại, làm ba hàng ghế, còn xe đò chạy Thái Phiên và Trại Mát loại Renault phía đâu lưng với cái đồi. Phía đường Hàm Nghĩ, thấy Phở Tùng, bên cạnh có hẻm đi xuống Phan Đình Phùng. Mình không nhớ cây xăng tại đây hay là phía bên đường Phan Bội Châu, ai nhớ thì cho mình biết. Cảm ơn.




Chỗ này là các quán ăn ngay bến xe đò Tùng Nghĩa. Mình không bao giờ ăn ở đây khi xưa. Năm 1992 về Đàlạt lần đầu tiên thì tình cờ gặp ông giáo Kim đang ăn phở ở đây. Ông ta dạy kèm mình khi học tiểu học. Nghe nói ông ta đi mỹ hay Gia Nã Đại rồi chán mớ đời về Việt Nam sống với bà vợ chân dài nào. Đại khái chỗ đường Trương Vĩnh Ký cũng có một số hàng ăn tương tự và bên hông Cẩm Đô, ngay góc Duy Tân và Hải Thượng và nhất là bên sẽ đò Sàigòn - Đàlạt có phở Ngọc Lan nổi tiếng.



Em đăng tấm ảnh chụp ngay đường Lê Đại Hành, thấy khách sạn Mộng Đẹp, được ông Nguyễn Linh Chiểu xây thêm một tầng nên choáng cảnh Quang về hồ Xuân Hương vì có chiếc xe Jeep màu xanh da trời của ông cụ em. Dạo ấy, Đàlạt chỉ có một chiếc xe Jeep sơn màu này, người lái xe có thể bố em và cũng có thể là em. :)

 Thôi em ngừng ở đây vì tù mù con mắt, không biết chọn tấm ảnh nào để tải thêm. Lần sau, em sẽ lựa mấy tấm ảnh của Đàlạt xưa rồi kể về mấy khu phố ấy thay vì kể lại cào cào như bài này.

Nhs