Giáng sinh cuối cùng tại Đàlạt

 Gần đến giáng sinh lại nhớ vài kỷ niệm về Đàlạt xưa khi thế giới chào đón ngày chúa Giê-su ra đời. Nếu mình không lầm thì gần đến giáng sinh, trời Đàlạt rất lạnh, gió thổi mạnh, ai nấy ra đường đều phải bận áo len hay áo manteau. 

Tối ngủ, nghe tiếng gió rít lên trong không gian, thổi qua dàn hoa dã-quỳ sau nhà rồi thông qua các cục gạch lỗ thông hơi, thường được xây trên các cửa sổ và cửa. Trời lạnh mà gió lại thổi vào phòng, cái mền nhà binh mà ông cụ đem về khi giải ngủ, không chống được cái lạnh thời ấy.

 

Khí hậu tại Việt Nam ẩm ướt nên người ta hay xây các cục gạch thông hơi trên các cửa sổ, cửa ra vào để bớt độ ẩm. Cô em mình mới cho thợ làm nhà lại, thêm phần chống độ ẩm sau 50 năm. Mình là trưởng nam nhưng chả làm gì cả, cô em út một tay lo hết. Cho nên sinh con gái thì nhờ. Con trai thì bên vợ nhờ. Ngày nay người ta nói con trai là con người ta, con rể mới là con nhà mình. Người Việt muốn sinh con trai để tặng không cho thiên hạ, đã nói lên lòng tốt của người Việt từ mấy ngàn năm qua.

 

Ông cụ giải ngủ, nhờ tướng Nguyễn Chánh Thi, anh chú bác của ông ngoại mình can thiệp, đem về gia tài của mấy năm đi lính từ 18 tuổi, khi bị du-kích ở làng, tìm cách giết, chạy trốn vào Nam. Gia tài gồm 1 hộp cứu thương y-tá, mấy ống kim chích, kéo để cắt các băng-bó, cái mũ cối bằng sắt, được bà cụ sử dụng làm cái cối để quết thịt với cái chày và cái mền nhà binh, màu cứt ngựa. Ngoài ra có cái huy chương anh dũng bội-tinh, tuyên dương công trạng, chạy dưới mưa đạn của Việt Cộng để băng-bó cho đồng-đội bị thương. Mình không nhớ trận nào, Đồng Xoài hay Pleime. Lâu quá, chắc sau 75 thì đã phi tang dấu tích của chế độ cũ.


Dạo ông cụ mới giải ngủ, chưa có công ăn việc làm thì đi chích dạo vì từng làm y-tá trưởng trong quân đội. Khi ông Bảo Đại thoái vị, ông cụ từ Ngự Lâm Quân, được chuyển qua quân đội mới thành lập của ông Diệm nên được cử đi học y-tá hay tham mưu để lên sĩ-quan. Bà cụ nói học y-tá để sau này có cái nghề, bạn quân ngủ của ông cụ sau này đều là tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Sau này, giải ngủ học thêm ban đêm ở trường Thăng Long (Hiếu Học), thi đậu vào ty Công Chánh cùng thời với ông Đượm nên ngưng nghề chích dạo.


Sau này đi tù cộng-sản, nhờ kinh-nghiệm y-tá chiến trưởng nên đã cứu vài người bạn tù sống sót. Có một anh bị tù chung với ông cụ, kể là nếu không có ông cụ cứu trong tù thì đã chết. Sau này, anh ta hay đến nhà thăm bố mình. Mình có ghi-âm vụ ông cụ kể vị bác sĩ quân-y Việt Nam Cộng Hoà, chỉ cách cứu chữa bệnh cho lính ngoài mặt trận nên khi đi tù, cứu được khá nhiều người.

 

Thời còn bé, mỗi lần giáng sinh thì sáng hôm sau, mình bị ăn đòn. Ông cụ hay đi nhảy đầm vào đêm giáng sinh hay Tết tây với bạn bè. Khi tan tiệc, Ông cụ hay đem 1 hay 2 cái bong bóng dùng để trang hoàng về cho con. Ông cụ để bong bóng bay ngoài phòng khách rồi đi ngủ.

 

Sáng mình dậy sớm với cô em kế, thấy bong bóng lơ lững đụng trần nhà thì cứ nhảy lên để chụp sợi dây buột cái bong-bóng nhưng không được vì cao quá nên hai anh em bàn tính làm sao để lấy, bắt ghế thì nặng nên phải kéo lê dưới sàn nhà, gây tiếng động, làm ồn khiến ông cụ ngủ không được nên khi dậy, ông đem cái chổi lông gà ra quất mình một trận.


 Một sáng, sau đêm Noel thì mình thấy một chiếc xe 2 CV đậu ngoài sân, họ lấy cục gạch chắn cửa của nhà mình để chận cái bánh xe đàng sau. Mình tức vì thấy họ lấy cục gạch mà không xin phép nên rủ cô em kế, tìm cách lấy cục gạch lại.

 

Khi cục gạch được lấy ra thì mặt cô em xanh như đít nhái, miệng ú ớ chỉ chiếc xe, không người lái từ từ chạy lui về sau theo con dốc. Mình thất kinh, ú ớ, đứng một chỗ rồi không biết làm gì đến khi chiếc xe từ từ như cuốn phim quay chậm, chạy thụt lùi, từ-từ đụng cây Mái, rớt xuống cái đường mương, nghe cái Rầm nghiên qua bên phải.

 

Hai anh em sợ quá chạy vào nhà, trốn dưới giường cả buổi sáng. Bà Hai, hàng xóm, la hét, kêu thằng Sơn đâu rồi. Mình không hiểu lý-do, cứ trong xóm có chuyện gì lạ lạ, bất thường, thiên hạ cứ định hướng về mình như truy tìm thủ phạm. Chán Mớ Đời 


Cạnh nhà mình có gia đình ông Khoa, bố của anh Bình, dạy con nít trong xóm. Anh Bình, đi theo cách mạng rồi bị bắt, đày ra Côn-đảo, sau được tha, đổi tên, làm thầy giáo gõ đầu trẻ trong xóm. Chỉ tội là học trò, không đứa nào thi đậu vào trường Trần Hưng Đạo và Bùi Thị Xuân. Mình gặp lại chúng ở trường Văn Học như Huỳnh Kim Sang, Phạm Văn Bình. Mình nhớ thằng Dư và thằng Sửu, được xem là học trò cưng của anh Bình, cũng thi rớt.

 

Anh Bình có một cô em gái chưa chồng, tên C, hay ăn diện, không biết làm nghề gì. Giáng sinh cô đi ăn tiệc, nhảy đầm rồi ông tây nhà đèn, chủ nhân chiếc 2CV chở về rồi ngủ lại nhà đêm đó nên đậu xe trước sân. Chiếc xe cũ, không có thắng tay nên ông Tây nhà đèn, lấy cục gạch mà gia đình mình dùng để chắn cửa khi mở ra để khiên đồ vào. Khiến mình bị la oan ức hôm sau.


Có một giáng sinh khá đặc biệt, khi mình chơi với thằng Hùng, con bác Lê Công Oai, làm trên Trung Tâm Thẩm Vấn. Nghe nói bác chuyên bắt nằm vùng Đàlạt, thằng Hùng kể bác ấy phải đi moi thùng rác, kiếm các hòm thư của dân nằm vùng. Nếu mình không lầm thì thằng Vui, ở xóm mình, bị bác theo dõi bắt. Có lần bác chở hai thằng đi tập võ ở Adran. Chưa tới giờ tập nên lên trung tâm thẩm vấn chơi, bác dắt đi, mở một xà-lim rồi kêu tên nào trong ấy, khai đi rồi được thả về.

 

Mình thất kinh khi thấy thằng Vui ngồi trong xà-lim vì khi xưa hắn hay chơi bắn bi với mình trong xóm. Hắn hơn mình độ 3, 4 tuổi, học trường Trần Hưng Đạo. Bổng nhiên thấy hắn mất tích nay mới biết là nằm vùng. Sau đó mình có cái nhìn nghi ngờ về đám bạn học, tự hỏi thằng nào nằm vùng. Trong lớp có vài tên mình nghi, vì ăn nói rất chống ông Thiệu, sau này về Đàlạt thì bạn bè mới xác-nhận. 

 

Một hôm, ông Ưng Quyền, bác của chú Bửu Ngự, hỏi mình có muốn con chó cái không. Chó nhà mới sinh, ông ta lựa hai con để nuôi, cho con chó mẹ và mấy con chó con khác. Mình nói nhà đã có chó rồi, để cháu hỏi bạn cháu. Mình thấy thằng Hùng hay đi xin chó thiên hạ nên hỏi thì nó cười như thằng Bờm được Phú ông tặng nắm xôi. Mình dẫn nó đến nhà ông Ưng Quyền để hắn xin chó.

 

Con chó cái nhà ông Quyền rất dữ, mình ít khi dám vào nhà này vì nó. Thằng Hùng thì không sợ chó, nó đem theo sợi dây với cái mõm chó. Hình như nó có uy lực với chó. Nó quơ tay làm sao mà cái đồ buột mõm chó dính vào rồi thò tay quấn qua cổ con chó cái sợi dây xích rồi kéo con chó đi về, trên đường Hai Bà Trưng, rẽ vào hẻm khu nhà Cò Đào, hai ông thần thợ may Sơn và Tánh. Con chó cứ rị lại, thằng Hùng thì kéo sợi dây. Mình rất phục tài bắt chó của tên bạn một thời.

 

Nó kêu mình ghé lại nhà nó, trước nhà trung-tá Tốn, ăn réveillon khiến mình mừng mệt thở vì cứ nghe thầy cô nói về réveillon mà chưa bao giờ thưởng thức. Đúng ngày giờ, gia đình nó đi lễ ở nhà thờ cạnh Nhà Xác về thì nó chạy xe Honda của bố nó, chở lên ăn réveillon. Bố nó người gốc Thừa Thiên, còn mẹ gốc Quảng,

 

Thằng này to xác nhưng thấp người, ăn rất khoẻ. Mỗi lần đến nhà mình ăn cơm là nó quơ cái rẹt 4 chén mới ngưng. Dì Nhơn phải nấu cơm thêm. Lâu lâu mình cũng được mẹ nó kêu ở lại ăn cơm. Cơm nhà nó chỉ có cơm với rau luộc của Đàlạt, chấm nước mắm thêm cái hột vịt luộc dầm ớt ở trong cái chén.


Khi xưa, cả nhà ăn một cái hột vịt trong chén nước mắm, nay ở mỹ thì vào tiệm ăn sáng, họ làm cho omelette đến 3 quả trứng. Kinh

 

Hôm đó, không biết sao nhà nó làm cơm rất thịnh soạn, thịt nướng, dồi trường,….Dọn đầy mâm, chắc để mừng chúa cứu thế, mình ước thầm ngày nào cũng có chúa ra đời. Nếu mình không lầm thì nhà nó có cái bàn ăn thấp, rồi mỗi người có cái đòn để ăn. Không có bàn cao như ở nhà mình với ghế đẩu. Bác Oai lo bắt nằm vùng nên không có thì giờ kiếm tiền thêm cho vợ con. Nhà có cuộn dây kẽm gai tròn để kéo ra khi đóng cổng khi trời tối, sợ nằm vùng đột nhập. Có lần cạnh nhà mình trên đường Thi Sách, nhà ông Đề, giám đốc trung tâm thẩm vấn, có nằm vùng tìm cách đột nhập vào nhưng bị mấy cái lon bia, coca gắn nơi cuộn hàng rào kèm gai, báo động. Mình nghe tiếng súng đủ trò. Phòng mình nằm ngay đường Thì Sách và các dốc từ Hai BÀ Trưng lên Thi Sách.

 

Hôm đó mình ăn rất nhiều, bác Oai gái rất ân cần, thân tình như người trong nhà, kêu mình ăn thêm món dồi, gắp cho mình món thịt luộc chấm, bới món Tiết canh, khác với mọi lần mình ở lại ăn cơm, khuôn mặt không được vui lắm khi thấy mình và cơm nhanh không kém thằng Hùng. Có thể nói là bữa ăn ngon miệng nhất tại nhà bạn của mình thời ở Đàlạt. Hôm đó, mình được Chúa đãi.

 

 Ăn xong mình xin phép ra về, mình nói với thằng HÙng ăn réveillon ngon quá, sang năm nhớ rũ tao. Nó nói mày ráng xin con chó là được liền. Mình hỏi tại sao xin chó, nó kêu có chó mới có thịt mà ăn. Mình hỏi thịt hôm nay là thịt chó nhà ông Ngự, nó gật đầu. Mình thất kinh chạy về nhà, kể cho Mệ ngoại mình khiến bị mệ chửi te-tua.  Từ đó sợ đến già, không dám ăn thịt chó nữa. Đi đâu cũng thấy chó gầm gừ, chạy xe gắn máy, chó ngửi mùi chó, chạy theo sủa vang trời, chân phải co lên trời để khỏi bị chó táp.

 

Kỷ-niệm khác với thằng Hùng, nhớ đời với hắn. Hy vọng có ngày gặp lại hắn để ôn lại chuyện này. Hắn tập Thái Cực Đạo với mình nên hay xuống nhà chơi. Con nít thì giỡn nhau, xịt nước, khiến bà Thường hàng xóm ngủ trưa không được nên bà ta hay la nó vì hay nhái giọng bắc kỳ của bà. Bà này, khi xưa, con gái bà ta sinh con xong là sáng nào cũng đem cái cốc, sang nhà mình kêu mình đái trong đó để cho cô con gái uống bổ chi đó. Đó là thời vàng son của mình, được phụ-nữ xin nước tiểu.

 

Một hôm, nó đến nhà mình chơi, hai thằng không biết chuyện gì chơi vào buổi trưa nên mình rũ lên gác trên trần nhà, đi qua nhà hàng xóm chơi. Gia đình mình ở cư xá Công Chánh, một dãy nhà gồm 7 căn hộ, được xây dính chùm vào nhau. Cách thiết kế của pháp khi xưa là mỗi căn hộ được chia làm 2: phần nhà ngủ và nhà bếp và phòng ăn phía sau. Có 6 căn hộ, ở giữa, có căn hộ chính, để làm nhà hội cho mấy gia đình, tiệc tùng hay hội họp. Mình thấy cư-xá Pasteur trên đường Thi Sách, nhà của thằng Cường, sau này đi Võ Bị, cũng là nhà hội cho dân cư-xá Pasteur. Còn nhà vệ-sinh thì phải đi về phía cuối xóm, có nhà vệ-sinh gồm 3 căn, 2 phòng tắm và 1 hồ chứa nước để giặt quần áo.


Sau này, mấy gia đình đông con, nhà hội dành để ở nên mỗi gia đình tự làm thêm cầu tiêu, nhà tắm sau nhà để khỏi phải đi cầu tiêu công cộng.


Nhà tầng trệt nhưng dưới mái nhà lại ăn thông với nhau. 3 căn nhà nằm hai bên căn nhà hội, sau này được trưng dụng để ở luôn. Dạo ấy nhà ông Khoa, anh Bình dọn đi thì gia đình ông Tước dọn đến từ Ban-mê-thuột.

 

Mỗi căn được xây bằng hắc-lô lên tới nóc nhà nhưng ở giữa có cái lỗ ăn thông qua nhà bên cạnh. Mỗi nhà đều có một tấm gỗ trên trần nhà để có thể gỡ ra, leo lên để xem xét điện được câu vào nhà. Mình có leo lên thám hiểm một vài căn nhưng tối om, chuột nên sợ, không dám đi đến cuối xóm nay có thằng HÙng thì mình muốn đi xa xa để xem.

 

Nghe nói trò chơi thám hiểm là nó nhất trí ngay, hai thằng đu tòn-ten lên trần nhà, mình đi trước, hắn theo sau. Mình dặn hắn là cẩn thận, đi trên mấy cái đà, không được dẫm lên tấm gỗ trần nhà của nhà người ta trên đường đi. Mới qua nhà bà Thường thì đến nhà bà Tước.

 

Để giải thích rõ hơn vì có mấy O hàng xóm khi xưa, mới tìm lại năm nay, sẽ đọc bài này. Hy-vọng mấy o ni còn nhớ chuyện này để bổ túc thêm vì mình không nhớ rõ. Mái nhà nghiêng nên chỗ đỉnh cao nhất của nóc nhà mới đi được. Chỗ nhà bà Tước thì cái mái được xây cao hơn nên hai cái tường được xây cao hơn nên họ để một cái lỗ nơi tường, không bít gạch để đi qua nếu cần.

 

Mình đi qua nhà ông Mãn, bà Thường thì không sao, đến nhà ông Tước thì có tường xây lên cao và chỉ có một cái lỗ độ 30 cm x 40 cm. Mình kêu thằng Hùng cẩn thận, mình chui qua được nhưng đến phiên thằng này chui qua lỗ thì có chuyện. Hắn to con nên chui không qua, xớn-xác nó làm rớt một cục gạch trên trần nhà nghe cái rầm khiến mình đứng tim.

 

Ở dưới nhà mình nghe: “Tèo làm gì đó, ngủ đi”, tiếng nói của chị TC, nay đã qua đời. Hai thằng tái mặt, quýnh quá mình ra hiệu thằng Hùng quay lại. Nó vừa xoay đầu thì mình nghe cái rầm. Thấy nó lọt xuống nhà bà Thường rồi các tiếng loạn xà-ngầu tạo nên một loại âm thanh khá độc đáo.

 

Hoá ra, lúc quay lại, thằng hÙng, quên, thay vì đứng trên các đà, nó dẫm chân lên tấm gỗ của trần nhà, nơi có chỗ leo lên gác của gia đình Bà Thường. Tấm gỗ này lại nằm ngay vị trí bàn thờ tổ tiên của gia đình này nên khi thằng hÙng té xuống thì rớt ngay trên bàn thờ nhà thiên hạ, làm lư đèn, chuối nải rơi hết xuống đất. Cũng may là Chúa đỡ nó, rớt xuống bàn thờ thì độ cao bớt cả nếu rớt ngay xuống đất từ 2.5 mét là gãy giò.

 

Mình sợ quá, chạy về nhà rồi nghe tiếng bà Thường la hét, chửi đồ mất dậy. Mày phá bà, không cho bà ngủ,… mình chạy lại nhà bà Thường, mặt thơ ngây, hỏi chuyện gì vậy thì thấy thằng Hùng từ từ đi ra cửa, mặt mày nó ngơ ngơ, ngáo ngáo hỏi tao ăn cơm chưa, tao ăn cơm chưa, dù trước đó đã xơi 4 chén cơm với nước mắm ớt ở nhà mình, trong khi bà Thường chửi hắn mê tơi rồi chỉ mình kêu thằng này xúi dục. Mình ngơ ngác, ngây thơ, nói cháu đâu biết gì.

 

Sau này, vợ chồng chú Minh, rể bà Thường, trung uý quân-cụ chỗ trước ấp Sòng-sơn, qua nhà kể cho bà cụ mình nghe. Hai vợ chồng đang ngủ thì thấy thằng Hùng nhảy xuống bàn thờ Phật, tưởng Việt Cộng nằm vùng nấp trên nóc nhà, xuống để bắt giết chú Minh, nên hai hai vợ chồng sợ quá muốn đứng tim. Sau này qua Văn Học, mình hết chơi với nó, hắn học dưới mình 1 lớp, tiếp-tục học ở Adran.

 

Giáng sinh cuối cùng ở Đàlạt là năm mình học đệ nhất. Có mấy tên trong lớp rũ đi ngắm gái. Đàlạt đêm đó đông không thể tả. Hình như tất cả giới trẻ đều ùn ra phố đông như kiến. Xe chạy chật đường, mấy tên tha hồ lạn xe để biểu diễn cho mấy cô. Chán Mớ Đời 

 

Dạo ấy trong đám học chung, có tên Trí, con ông Marcel, đang đả thông tư tưởng con gái của bác Tám, tiệm chè Mây Hồng ở đường Tăng Bạt Hổ. Hồi nhỏ mình hay chơi với con trai của bác, tên Hải và Phước vào chợ Tết vì bác trai nấu bánh tét dùm cho nhà mình. Nay lên đệ nhất thì học chung với chị hai tên này. Mình gọi cô nàng là chị trong khi mấy tên học chung lại xưng tên, nên chúng kêu mình phải gọi chúng bằng anh. Chán Mớ Đời 

 

Mấy thằng rủ nhau đi một vòng khu Hoà Bình, rồi chạy xuống Minh Mạng, chạy lên Duy Tân rồi ghé lại Chè Mây Hồng, ở Tăng Bạt Hổ, đóng đô mấy tiếng đến giới nghiêm thì về. Hình như hôm ấy, có thằng Đa, Tài, Trí, Nguyên, Mình và Đức, con tiệm thuốc tây ở ngã ba chùa. Đàlạt dạo ấy có chè Mai-Hường ở đường Minh Mạng là nổi tiếng nhất, sau đó thì có vài tiệm bắt chước mở nhưng không nhớ rõ lắm. Mại mại đường Minh Mạng chỗ dốc Nhà -Làng có một tiệm, Vọng Nguyệt Lầu ngay góc Tăng bạt Hổ. Đó là những tiệm mình hay ghé lại ăn.

 

Dạo ấy, giới học sinh ở thị-xã chỉ biết vào quán chè nghe nhạc rồi về, đám sinh viên thì vào cà-phê. Dân giàu như Hùng Con Cua thì tham dự các Boum tại nhà ông lớn nào đó. Năm 1992, khi mình về Đàlạt lần đầu thì đúng ngày lễ trung thu, ra phố với mấy cô em thì thấy thiên hạ cũng đông như vậy nhưng không có xe gắn máy như xưa.

 

Nếu nói đến Giáng sinh Đàlạt khi xưa mà không nhắc đến hội chợ từ thiện ở lãnh-địa đức Bà (kermesse Domaine de Marie), thường được tuổi chức hàng năm trong mấy ngày cuối tuần ở dòng tu này, trên đường Ngô Quyền. Mình có kể vụ này trong bài lịch sử Domaine De Marie rồi.

Nhà thằng HÙng, nơi mình ăn thịt chó lần đầu tiên, đối diện nhà Trung Tá Tốn

Giáng sinh cuối cùng tại Việt Nam thì mình ở Sàigòn, ngày mình nhận được sổ thông hành và chiếu khán của toà đại sứ pháp và mấy ngày sau lên đường du-học. Gần 20 năm mới trở lại Đàlạt.

 

Mình tính ở lại vài tuần, ăn Tết ta rồi đi Tây nhưng Việt Nam Cộng Hoà vừa mất Phước Long, bố mình kêu đi nhanh, sợ chính phủ không cho xuất ngoại. Do đó, bạn bè sau này gặp lại, kể bổng nhiên thấy mình biến mất khỏi Đàlạt. Mấy người này biết nhà mình nhưng không ghé hỏi. Chán Mớ Đời 

 


Nhs