Con kền kền thứ 2


Lâu lắm rồi, thời chưa có mạng xã hội, mình có thấy một bức hình rất xúc động; hình ảnh chụp tại Sudan, Phi châu, giúp tác giả đoạt giải Pulitzer, diễn đạt một đứa bé phi châu, đói khát vì nạn đói xảy ra tại xứ này và phía sau là một con kền kền đang đợi đứa bé chết để ăn thịt, rỉa xác. Như bao lần, xem tấm ảnh có thể gây cho mình chút gì cảm xúc rồi quay lại cuộc đời mình thường nhật, làm đày tớ nhân dân, rồi cảm xúc nhất thời bay theo những cơn mưa phùn vào quên lãng.


Sau này, mình được biết tác giả của tấm ảnh này tự vận, cũng vì tấm ảnh này. Khi đoạt giải Pulitzer nhờ tấm ảnh này giúp ông ta sống vui vẻ với hào quang, danh tiếng được vài tháng thì bị trầm cảm, đưa đến sự kết liễu đời mình.

Tấm ảnh đã giúp tác giả đoạt Pulitzer và khiến ông ta tự kết liễu đời mình

Trong một cuộc phỏng vấn điện đàm, một thính giả gọi vào đài, hỏi về số phận của đứa bé mà ông ta chụp. Ông ta cho biết là không có thời gian tìm hiểu vì phải chạy ra phi trường cho kịp chuyến máy bay. Vị thính giả này nói tôi nghĩ ông là kền kền thứ 2 của hôm đó, với máy ảnh trên tay.


Từ đó, ông ta cứ suy nghĩ về câu nói đó đưa đến bị trầm cảm và cuối cùng đưa đến kết liễu đời ông ta. Ông Kevin Carter có thể sống lâu hơn nếu hôm ấy ông ta bồng đứa bé và mang đến một trung tâm từ thiện của cao uỷ Liên hiệp Quốc hay một nơi nào gần đó trước khi lên máy bay.


Ông ta có thể đem đứa bé đến cho ai có thể giúp đứa bé nhưng ông ta không làm như trường hợp người quay cảnh ông Mỹ đen bị một cảnh sát đè cổ đến ngộp thở chết và một cảnh sát khác người á châu đứng cạnh, quan sát bảo vệ đồng nghiệp mình đang làm một việc dã man. Chúng ta có thể tranh luận là trước đó ông Mỹ đen có những hành vi hung bạo,… có thể gây thiệt mạng cho hai ông cảnh sát…. Hình ảnh đang giết chết một người vẫn có gì khó tả.


Tương tự tấm ảnh mà nhiếp ảnh gia người Mỹ chụp tướng Loan xử tử tên Việt Cộng, đã sát hại nguyên một gia đình, kể con nít tại Sàigòn năm Mậu Thân. Một người trong gia đình bị bắn nhưng sống sót, và đã trở thành một vị tướng của Hoa Kỳ.


Mình nhớ mãi hình ảnh một học sinh Đà Lạt, bị chết chìm tại hồ nước ở Thung Lũng Tình Yêu. Hôm ấy như thường lệ, mình và vài tên bạn thân vào đây tập bơi. Thường thì có anh bạn đem theo cái phao nhưng hôm ấy anh ta không đi. 4 đứa tụi này đang bơi và tập bơi thì có 3 học sinh trường Tân sanh, tuổi độ cùng tụi này chạy Honda vào. 


Mình nhận ra một tên, con ông thầy mằn ngay cạnh rạp Ngọc HIệp. 3 tên này muốn chứng tỏ họ bơi giỏi hơn tụi trường Việt nên đua nhau bơi ra giữa hồ. Bổng nhiên thấy một người cứ bơi ngửa lòng vòng ngoài hồ rồi hai tên học sinh trường Tân Sanh bơi vào, đứng nhìn bạn mình ngoài hồ đang vẩy vùng với Hà Bá. Mình nói anh bạn, bơi giỏi nhất đám ra xem. Anh ta bơi ra rồi bơi vào kêu nó thở hồng học, uống nước khá nhiều nên không dám cứu. Thế là cả đám đứng nhìn người con của ông thầy mằn từ từ chìm như con tàu Titanic mà không biết làm gì.


Đến giờ mình vẫn không hiểu lý do gì mình không tìm cách cứu anh ta. Chỉ cần lái xe ra đường pHù đổng Thiên Vương, mượn cái phao nơi vá xe hay làm gì đó, như kêu cảnh sát,.. Có lẻ ở trường không dạy làm gì cấp cứu như con mình ở Mỹ. Có thể mình ghét người Tàu vì dạo ấy mình học môn Lịch Sử với thầy Hà Mai Phương. Thầy kêu tao chỉ mua đồ ở tiệm người Việt dù đắt tiền hơn bọn tàu. Chỉ biết 3 ngày sau thì xác anh học sinh Tân Sanh nổi lên rồi thì đám ma. Tinh thần bài tàu theo mình qua Tây đến khi sang Mỹ thì mới hết. Nay thì mình chơi người Mỹ gốc tàu rất nhiều.


Chúng ta hành động không phải từ tâm mình mà từ văn hoá, từ môi trường giáo dục, từ ảnh hưởng của gia đình, chứ không từ ý chí tự do.


Ngày nay chúng ta thấy bao nhiêu hình ảnh, video quay các cảnh thương tâm, được đưa lên mạng để câu like. Thậm chí họ tự tạo, bựa ra để câu like. Trường hợp ông Kevin Carter, có thể đem đứa bé ra khỏi hiện trường, ông ta đứng đợi khá lâu để lựa đúng thời điểm chụp tấm ảnh với ánh sáng cho đặc sắc nhưng kêu không có thời gian để cứu đứa bé. Có thể ông ta gốc Nam Phi, da trắng rất kỳ thị da đen nên đối với ông ta một mạng người, một đứa bé da đen, không nghĩa lý gì.


Hôm trước, có anh bạn đăng tin bên Gia-nã-đại bị cháy rừng, mình ngạc nhiên là bên đó mùa này tuyết mới tan mà cháy rừng. Điểm khiến mình ngạc nhiên là ý nghĩ đầu tiên là nghĩ ngay đến mua cổ phiếu của công ty bán gỗ làm nhà. Rồi có một chị bạn nhảy vào hỏi công ty nào. Tây hay nói “dis-moi qui tu frequentes, je te dirai qui tu es”. Chán Mớ Đời 


Người Pháp hay nói “le malheur des uns fait le bonheur des autres”. Chúng ta sống với những khác biệt về ứng xử, hành động về một vấn đề nào đó. Chúng ta là những con kền kền đi săn mồi trong tiềm thức. Thay vì hỏi anh bạn có ai chết hay hư hao nhiều thì mình chỉ nghĩ đến cơ hội làm tiền trên sự bất hạnh của người khác. Hóa ra mình là một người đạo đức giả. Mình giúp bạn bè thiện nguyện, giúp trẻ em nghèo, chùa, nhà thờ,…như để sám hối về những suy nghĩ hay hành động của mình. Chán Mớ Đời 


Chúng ta tìm kiếm lợi nhuận, tri thức, hiểu biết, tiếng tăm hay địa vị nhưng lại quên làm sao để sử dụng những gì mình biết, sở hữu để giúp người khác hay xã hội mình đang sống. Chỉ muốn dùng kiến thức của mình để làm lợi cho chính mình, một cách ích kỷ.


Trường hợp của ông Kevin Carter khiến mình suy nghĩ, ông ta còn có chút lương tâm khi được một người khác chỉ trích, mà suy nghĩ về hành động của mình và không thể chịu đựng lương tâm ray rứt. Có lẻ lúc ấy ông ta chỉ chú tâm đợi chờ để chụp được tấm ảnh hiện thực và quên đi việc giải cứu đứa bé. Đúng nhờ tấm ảnh, ông ta được giải danh tiếng, được tiền bạc nhiều hơn, được các con kền kền bu lại làm bạn. Người ta chỉ muốn làm quen, làm bạn với những người giàu có, nổi tiếng còn nông dân như mình thì chả ai thèm làm quen.


Có lẻ ít ai trong chúng ta như ông Kevin Carter, có một chút suy tư về hành động của mình. Đúng, ông ta có thể cứu đứa bé thay vì để đứa bé chết về con kền kền. Điều này đã khiến ông ta ray rứt và tự kết liễu đời mình vì ông ta không dám đối diện về sự man rợ của hành vi của mình, thiên chức làm người. Ông ta có thể cứu đứa bé nhưng vì tác nghiệp và sợ trễ chuyến bay, khi chúng ta hiểu tìm kiếm rất khó một chiếc xe taxi để ra phi trường tại xứ khốn khổ đang bị nạn đói.


Một người chụp ảnh như một người thợ săn, thay vì thú rừng, họ săn ảnh. Mấy hôm nay thiên hạ cứ tải lên mạng tấm ảnh nào ở San Paulo của Ba Tây về hình tượng chúa và mặt trăng ngay rằm. Ông nhiếp ảnh gia phải đợi chờ 3 năm. Cứ đến ngày trăng rằm là lên đây đợi chờ.

Theo lời kể của bố đứa bé tên Kong Nyong, sống sót sau nạn đói năm 1993 nhưng chết năm 2007

Sau này mình có đọc đâu đó về bố của đứa bé. Khác với lúc đầu, người ta nói là đứa bé gái nhưng thật ra là bé trai, được cứu sống và chết sau này vì bệnh. Có lẻ từ đây về sau mình chỉ chụp ảnh về phong cảnh và vợ con thay vì thiên hạ đẻ tránh có vấn đề như ông Kevin Carter, chụp hình câu like, để tránh làm con kền kền thứ hai như ông Kevin Carter.

 Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn