Dãy phố Hoà Bình

 Hôm trước, đi chơi ở Yellowstone, có ông thần nào ở Annecy, Pháp hỏi mình sao biết tên bà cụ anh ta khiến mình ngọng. Anh ta tự xưng là con ông bà Huỳnh Ngọc Xuyên, mà dân Đà Lạt xưa hay gọi ông bà Tư Bổ, làm thợ bạc, có tiệm vàng cạnh tiệm ông bà Võ Quang Tiềm, và tiệm ăn Chic Shanghai, ở khu Hoa Bình. 


Không hiểu sao, sau Mùa Hè Đỏ Lửa thì họ dọn về Sàigòn. Hình như ông bà có một cô con gái tên Liên, có hai người con trai đi du học trước mình. Chắc là một trong hai người con trai này, đã hỏi mình. Có người lại hỏi mình sao biết bà Giáo Trình, bà Sáu Còm,… mấy bà này bà con bên ngoại mình. Dạo ấy Đà Lạt bé chút tẹo nên ra phố là gặp mấy người này thì phải chào. Nay già bổng nhiên lại nhớ mấy người này thay vì mấy cô gái Đà Lạt đẹp ngày xưa. Chán Mớ Đời 

Tiệm vàng y của ông bà Tư Bổ, nằm giữa tiệm ăn Chic Shanghai và tiệm Vĩnh Hưng của ông bà Võ Quang TIềm. Mình quên tên bà bán thuốc lá lẻ, trước cửa tiệm. Khi xưa học sinh không có tiền hay mua 1 hay vài điếu thuốc

Khi xưa, ông bà Tư Bổ mướn tiệm chung với ông bà Phúng, tiệm Hiệp Thạnh làm nghề thợ bạc. Sau này khá lên thì ra chỗ khu Hoà Bình, cạnh tiệm Vĩnh Hưng của ông bà Võ Quang Tiềm, bà con bên mệ ngoại mình.


Mình đoán là ông bà Tư Bổ gốc người làng Kế Môn, Phong Điền, Thừa Thiên. Lý do là dân làng này nổi tiếng làm thợ bạc như ông Bùi Duy Chước, Bùi Vàng,… dân làng này vào Đà Lạt lập nghiệp rất đông. Họ ở nhiều ở ấp Ánh Sáng và Thái Phiên. Làng này có 12 họ chính mà người xưa hay gọi thập nhị tôn phái gồm họ Bùi, họ Đặng, họ Hồ, họ Lê, 2 họ Nguyễn, 2 họ Hoàng, 2 họ Phan và 2 họ Trần.


Làng này sống về nghề nông rồi một hôm có một thợ bạc tên Cao Đình Độ và con trai tên Cao Đình Hương, gốc Thanh Hoá đi qua làng này. Chắc ở chúa Trịnh đói quá hay nhà cửa bị cưỡng chế nên bò vào Nam, Đàng Trong kiếm cơm, đi ngang làng này bằng thuyền trên sông Ô lâu thì bị lật. May có hai ông đang câu cá, nhảy xuống vớt được lên bờ.


Thế là hai cha con xin nơi làm quê hương thứ hai và đem nghề làm thợ bạc dạy dân trong làng. Sau này mấy người này được điều về kinh đô Phú Xuân dưới thời vua Quang Trung để làm việc trong đội cơ vệ Ngân Tượng của triều đình.


 Và từ đó tay nghề thợ bạc của làng Kế môn nổi tiếng nên thanh niên trong làng học nghề rồi đi tứ xứ làm ăn. Mình không hiểu sao lại di cư đến Đà Lạt đông. Hầu hết các tiệm vàng Đà Lạt đều nằm trong tay dân làng Kế Môn. Đi sang Houston chơi, cũng thấy toàn là dân Kế Môn. Ông Bùi Vàng hình như bà con và học nghề thợ bạc với ông Bùi Duy Chước, bố của bà Bùi Thị Hiếu. Nghe Huỳnh Ngọc Ánh, làng Kế Môn kể là bố anh ta cũng học nghề từ ông Bùi Duy Chước.


Ông Tư Bổ có mấy người học trò như ông Sáo, Hùng. Sau này ông Sáo ra riêng, có mua căn nhà ở Hai Bà Trưng, gần xóm mình.


Tính nhẩm là hai cha con họ Cao ở làng Kế Môn đâu vài năm thì được tuyển vào kinh đô làm việc. Mình đoán là chắc cũng không dạy nghề nhiều cho dân trong làng. Ngoài ra ở làng này, xưa nghèo thì chắc cũng khó sống, ít ai có tiền để mua vàng. Xứ này mưa lụt hàng năm, khó mà giàu, phải bỏ làng đi xa mới kiếm được tiền.

Các khối màu hồng gồm khu phố của ông Võ Đình Dung, khu Vĩnh Phát ngay ngã ba Duy tân và Mình Mạng, khu bà Tôn Sanh, đường Minh Mạng, dãy phố Bùi Thị Hiếu, dãy phố của ông đội Có, và khu chụp hình Hồng Châu.

  Do đó học nghề thợ bạc xong thì phải đi xứ khác giàu có một chút mới có người muốn làm vàng vòng, dây chuyền mà sống với nghề. Làm ăn khá thì về quê kêu bà con vào phụ giúp, học nghề luôn rồi khi tay nghề khá, lập gia đình, ra riêng, mở tiệm rồi giàu từ từ lên.

Mình đoán là tiệm ăn Nam Sơn sau này
Dãy phố của ông bà Võ Đình Dung
Hình chụp từ khách sạn Mộng đẹp, Modern
Hình chụp lúc mình chưa ra đời vì tiệm thuốc Tây không phải Nguyễn Văn An, của ông tây 
Hình chụp thấy tiệm vàng của ông bà Tư Bổ, nhà hàng Chịc Shanghai, tiệm của ông bà Võ Quang Tiềm và tiệm chụp hình của Harvest. Hình như tiệm này thuốc gia đình tiệm chụp hình Vân Khánh thì phải.

Bác nào là con cháu của làng Kế Môn như bác Bùi Thị Hoa ở Pháp, có tin tức gì thì cho em biết. Em chả có dính dáng gì với làng Kế mÔn, ngoại trừ ở ấp Ánh Sáng được 5 năm.


Trở lại câu hỏi của con trai ông bà Tư Bổ. Mình biết bố mẹ anh ta vì hay đi ra tiệm ông bà Tiềm với mẹ mình, rồi bên cạnh có tiệm vàng của ông bà Tư bổ, khi xưa mướn tiệm chung với ông bà Phúng ở đường Minh Mạng. Mẹ mình thì giúp việc cho ông bà Phúng, cháu bà con. Theo tục lệ, người Huế vào Đà Lạt làm ăn, khá khá thì hay về quê mướn người giúp việc, họ hay mướn người ở quê vì tin tưởng dân cùng quê, nhất là họ hàng, không sợ bị ăn cắp,… khơi khơi một ngày đẹp trời người làm ô sin buồn đời biến mất với vàng vòng, đồ quý giá trong nhà,…  do đó mẹ mình biết ông bà Tư Bổ và mấy người học nghề ông Tư Bổ như bác Sáo, bác Hùng…. Mình ra khu Hoà Bình là gặp mấy người này thì phải chào. Thế thôi. Không có chi là đặc biệt.

Học sinh Yersin trước tiệm Vĩnh Chấn

Dãy phố này do ông Võ Đình Dung xây cất, sau này bán cho mấy 

người mướn. Có tiệm đầu tiên là lò bánh mì Vĩnh Chấn, rồi đến tiệm thuốc tây Nguyễn Văn An, rể của ông Phạm Quỳnh, anh rể của tác giả bài Như có bác hồ trong ngày vui đại thắng, bố là ông Phạm Quỳnh bị Việt Cộng thủ tiêu. Kế đến là nhà hàng CHic Shanghai, chủ cây xăng Caltex ở bến xe đò và rạp Hoà Bình. Đến tiệm vàng Huỳnh Ngọc Xuyên của ông bà Tư Bổ, cạnh đó là tiệm Vĩnh Hưng của ông bà Võ Quang Tiềm, bán rượu. Bên cạnh là tiệm chụp hình Harvest, sau này là một tiệm khác hình như là một ngân hàng, không nhớ tên hình như Đại Nam Ngân Hàng, mình có gửi tiền tiết kiệm ở đây, khi mẹ mình cho mình tiền đi chở gạo đường cho thiên hạ ở Đà Lạt. Đến khi đi du học rút ra được 40,000 đồng. Kinh


Đến nhà hàng Nam Sơn mà có thời Việt Cộng nằm vùng cài lựu đạn ngay xe của ông Thanh khiến ông này và anh Paul chết. Hai người này đậu xe tước nhà hàng Nam Sơn, vào ăn rồi đi ra thì xe bị nổ. Hình như hai người này làm trong chiến địch Phượng Hoàng. Anh Paul là thủ quân cho đội đá banh Đà Lạt, hình như anh chàng bắt gôn, tên Lực cũng làm trong chiến dịch Phượng Hoàng. Không phải thủ môn Rớt của đội cảnh sát quốc gia. Sau 75, mình có nhận thư của ông này từ Ấn Độ, chả biết ông ta di tản ra sao mà đến xứ ca ri nị. Không biết giờ này đã qua Mỹ chưa.


Căn cuối là của ông nha sĩ Nguyễn Văn Trình, bố của anh chàng tên Hy, học chung với mình khi xưa. Mình có vào nhà hắn chơi nhưng sau này ra đường, gặp nhau chả đứa nào chịu chào nhau. Chán Mớ Đời 


Cuối cùng là một con đường nhỏ, đúng hơn con hẻm nối đường Thành Thái và Trương Vĩnh Ký bằng mấy thang cấp.


Vài hàng để giải đáp thắc mắc của ông thần bên Pháp. Nếu có đọc bài này thì xin hỏi lý do nào hai bác Tư Bổ lại dọn về Sàigòn trước 75.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn