Tại sao mình yêu thích Barcelona?

 

Các thành phố âu châu mà mình được viếng thăm nhiều nhất là La Mã, (7 lần), Venise (5 lần) và Barcelona (4 lần). Mình kể khá nhiều về các chuyến đi Ý Đại Lợi nhưng có một thành phố mình rất thích nhất là có dịp thiết kế 2 công trình cho thế vận hội Barcelona vào thập niên 90 của thế kỷ trước khi làm việc cho công ty kiến trúc I.M Pei ở New York. Lần cuối ghé thăm với đồng chí gái, mình có chỉ cho vợ xem công trình mình đã thiết kế. Khá xúc động khi viếng lại những công trình như ở New York, Anh quốc, Pháp, Hongkong khi làm việc cho công ty kiến trúc của ông Norman Foster nhất là khi viếng thăm Tokyo, đưa mẹ mình thăm viếng toà nhà mình đã thiết kế chung với công ty của kiến trúc sư Raffael Vignoly. Đó là quá khứ của nông dân ngày nay.


Art nouveau là một trường phái kiến trúc, khởi đầu bởi phản ứng nghệ thuật trên toàn âu châu khi người ta bắt đầu sản xuất hàng loạt các sản phẩm nghệ thuật khi cuộc cách mạng kỹ nghệ khởi đầu và đáp lại những gì khiến xã hội được nghệ nhân sáng tạo.


Tương tự thể loại kiến trúc Gothic khi xưa phản ánh tôn giáo nhờ các nghệ nhân có sự tự do sáng tạo thời đó. Các công trình của thế kỷ 21 đều phản ảnh thời đại của chúng. Kiến trúc là lịch sử của các nền văn minh của loài người, giải thích về xã hội, kinh tế, nghệ thuật, tư tưởng của mỗi thời đại. Mình có mua một cuốn sách về kiến trúc Việt Nam, Sàigòn trước 75 do một ông mỹ viết, có đưa ra nhiều toà nhà có ảnh hưởng kiến trúc Art Nouveau. Hôm nào buồn đời sẽ kể lại đây.


Bác nào chưa đi Barcelona thì khi có dịp nên viếng thăm những điểm nhấn về kiến trúc của thành phố này. Nhất là International Trade Center và bến tàu chỗ lên thuyền là em có mặt trong nhóm thiết kế.

Casa Comelat là một mẫu kiến trúc tượng trưng cho chủ nghĩa tân đại catalan, Barcelona thuộc vùng Catalunya. Lý do là chỉ có vùng này mới có độc nhất các công trình này với kiến trúc sư Antony Gaudi, nổi tiếng với ngôi nhà thờ Sagrada Familia mà trên 100 năm qua vẫn chưa hoàn thành. Ảnh hưởng rất sâu đậm bởi kiến trúc Gothic.

Nhà thờ nổi tiếng nhất Barcelona của ông Gaudi thiết kế từ hơn 100 năm vẫn chưa xong.


Casa Batllo của Antoni Gaudi , ai đến thành phố này đều phải viếng căn nhà này.

Căn nhà Comalat do kiến trúc sư Salvador Valérie i Pupurull thiết kế và xây vào năm 1906 cho một kỹ nghệ gia tên Joan Comalat Alena. Chắc chắn ông này bị ảnh hưởng của ông Gaudi khi ông ta thiết kế lại Casa Bathllo vào năm 1904.

Đây là phía ngoài của căn nhà Casa Comelat chúng ta thấy ông ta cũng trang trí các motif như Gaudi.


Trong khi phía trong thì chúng ta thấy trường phái đương đại catalan. Một loại biến dạng của Art Nouveau của âu châu dạo ấy gồm kiến trúc, nghệ thuật, văn chương và âm nhạc. Khởi đầu vào những năm 1880 và tiếp tục cho đến thế chiến thứ nhất. Art Nouveau tràn ngập ảnh hưởng khắp âu châu sau thời gian mà người Pháp hay gọi La Bella Époque. Khi chúng ta thấy Art Nouveau là nhận ra ngày vì rất đặc sắc như cái mái che khi ra vào métro của Paris. 

Vào thế kỷ 19, âu châu có rất nhiều trường phái nghệ thuật như Revivalist hay Historicist, Neo-Gothic, Neo-Baroque, NEo-Byzantium,… loạn cào cào như nói lên tự do tư duy đến khi mấy ông buồn đời kêu là lộn xộn nên đưa ra chủ nghĩa Phát Xít, Cộng Sản, để dẹp mấy trường phái kể trên. Các công trình được xây cất dưới thời Phát Xít ngày nay còn thấy ở Ý Đại Lợi ở Roma, Brescia và Milano,… còn các công trình dưới thời đức quốc xã thì đã bị tan hoang hết. Khi viếng tham Đông Âu, mình thấy mấy toà nhà được xây cất dưới thời cộng sản ở Hùng Gia Lợi, Tiệp Khắc xấu kinh hoàng. Kiến trúc là hiện thân của xã hội và chính trị của nhà cầm quyền.

Có một căn nhà ở Bruxelle, Bỉ Quốc tên Maison Saint-Cyr thiết kế bởi Gustavo Strauven rất đẹp. Ai đến xứ khoai tây chiên thì nhớ đến đây xem. Rất đẹp, có thêm các yếu tố trang trí bằng sắt gan. Với kính cửa sổ bằng màu như ở nhà thờ. Art nouveau vẫn còn giữ những nét đẹp nhưng ngày nay, khó tìm các nghệ nhân để thực hiện hay quá đắt.
Chỗ ra vào Métro của Paris rất đặc thù. Hy vọng họ không đập bỏ

Art nouveau là tổng hợp các môn nghệ thuật như báo tử cho các nghệ nhân khi kỹ nghệ đã dành phần sản xuất các sản phẩm nghệ thuật. Ngày nay các cửa sổ đều được thiết kế để được làm theo khuông, các tường cũng như mái nhà, mọi thứ. Máy móc làm rồi trong tương lai sẽ được các máy in 3 chiều xây dựng. 

Xã hội sẽ bớt đi những người có óc nghệ thuật, tạo dựng các tác phẩm bằng tay chân của họ. Chúng ta chỉ biết sử dụng máy móc, điện thoại các app ứng dụng để sử dụng như Photoshop làm cho mình trẻ ra để tải lên mạng, câu Like. Sẽ không còn ai ngồi vẽ chân dung. Hôm trước, xem phim Nhật Bản với vợ, vợ kêu Nhật Bản tiến bộ có cảnh nóng, mình nói khi xưa, mình vẽ mấy cô bạn đầm khỏa thân, đâu có cần máy ảnh gì đâu. Dạo ấy mình vẽ chân dung cho cô nào mới quen, còn thân thân một tí thì kêu cởi áo quần ra mình vẽ. Cái đẹp cua phụ nữ không phải chỉ là cái gương mặt mà tổng thể. Chỉ có sang Hoa Kỳ thì không dám nói vì sợ bị thưa kiện. Từ đó cái nghiệp hoạ sĩ của mình cũng biến mất luôn. Chán Mớ Đời 

Khi xưa, mình học Trường Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật Paris, phải học vẽ, khắc tượng để giúp kiến trúc sư có một cái nhìn 3 chiều về màu sắc, không gian nay thì sinh viên kiến trúc chỉ học vẽ qua máy điện toán, mất đi tính cách nghệ nhân, xem như thợ vẽ máy. Kiến trúc sư ngày nay, ít ai biết vẽ tranh. Khi xưa, mình có thể ngồi nói chuyện với khách hàng, chỉ cần vẽ vài đường là giải thích cho khách hàng hình dung về căn nhà của họ. Chán Mớ Đời 




Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn