Hôm trước, trong buổi họp Toastmasters, đến phiên mình đọc diễn văn, mình chọn đề tài chuyến viếng thăm đầu tiên Hoa Kỳ. Dài khoảng 5-7 phút. Mục đích mình là nói chậm, phát âm cho chuẩn, sử dụng tay và ánh mắt nhất là vui. Cuối buổi họp, ông chủ tịch hội đến nói nhỏ với mình là you are a speech writer. Kinh
Thật ra mình chỉ viết nháp sơ sơ rồi dựa theo để nói. Phịa thêm trong lúc nói thay vì nói theo bài nháp. Lý do là đâu có nhìn vào bài viết trên IPad. Phải di chuyển vòng vòng, nhìn vào mắt khán giả (make eyes contact) để thu hút người nghe. Đa số là người ta cứ nhìn bài viết để đọc nên độ 2 phút là mất sự chú ý của người nghe. Do đó mình phải đi qua trái đi qua phải, hỏi thiên hạ để khiến họ chú ý.
Mình khởi đầu như sau:
Dạo còn bé, bố tôi hay dẫn tôi ra biển, rồi chỉ hướng đông, bảo nếu con lấy chiếc thuyền, rồi cứ đi thẳng về hướng đông thì con sẽ đến Hoa Kỳ. Từ đó giấc mơ Hoa Kỳ như khắc sâu vào não bộ, tôi mong muốn một ngày nào đó, sẽ được viếng thăm hay du học tại Hoa Kỳ. Cuộc đời đưa đẩy, tôi được học bổng đi Pháp thay vì Hoa Kỳ.
Tôi không biết ở Hoa Kỳ, có ông bố nào dẫn con trai ra biển Huntington Beach, rồi chỉ về hướng biển, kêu nếu con lấy chiếc thuyền rồi cứ đi thẳng về hướng tây, con sẽ đến Việt Nam. Nơi đó là địa ngục. Có treen 50 ngàn thanh niên Mỹ đã bỏ xác tại xứ này.
Mình hỏi một cô hội viên còn trẻ tuổi, cô có biết hãng hàng không TWA, Trans World America? Cô ta trả lời không. Cách đây 37 năm về trước, công ty này có chương trình viếng thăm Hoa Kỳ cho người Pháp, đi 10 tiểu bang mỗi vé chỉ có $50. Tôi viếng thăm 10 thành phố Hoa Kỳ, qua chương trình này. Có lẻ vì vậy mà công ty này bị phá sản và không ai còn nhớ đến ngoại trừ thế hệ của chúng tôi.
Cuộc viếng thăm Hoa Kỳ đầu tiên khiến tôi bị khủng hoảng về mặt văn hoá. Các bạn có biết là nói một ngoại ngữ rất mệt. Chúng ta có thể nói một ngoại ngữ độ 10 phút là mệt vì phải để ý, lắng nghe thêm phải phát âm cho đúng nếu không người địa phương không hiểu. Ngoài ra còn phải chia động từ theo thì quá khứ, hiện tại và tương lai.
Tôi học anh ngữ được 3 năm ở trung học, thầy giáo dặn phải nhấn mạnh ở đâu vì nếu không, thì mình nói chỉ có mình hiểu. Tôi không biết phát âm ém -phasis hay empha-sís,… mình phải làm bộ phát âm khó khăn khiến thiên hạ cười. Cũng giúp cho người Mỹ hiểu thêm những khó khăn của người di dân.
Khi người Mỹ hỏi tôi từ đâu đến, tôi cho biết là từ Paris, Pháp quốc thì mọi người như một kêu Ah! Voulez vous coucher avec moi,.. rồi kêu năm vừa rồi, em họ của họ viếng thăm Ý Đại Lợi. Họ không biết Ý Đại Lợi và Pháp quốc là hai nước cách biệt. Tại Hoa Kỳ mỗi tiểu bang đều có một tỉnh mang tên Ý Đại Lợi, Pháp quốc thậm chí có đến hai ba tỉnh mang tên tương tự.
Khủng hoảng nhất là về thức ăn. Chúng ta không đi tìm kiếm thức ăn như thợ săn khi xưa mà thức ăn tìm đến chúng ta. Trên đài truyền hình, quảng cáo về thức ăn liên tục, ra đường khắp mọi nơi đều thấy tiệm ăn, chợ búa.
Khi tôi hỏi đường thì người Mỹ đều dùng thức ăn để chỉ đường. Ông đi hai block sẽ gặp một tiệm cà phê Starbuck, rẽ trái sẽ gặp tiệm MacDonalds,… rồi quẹo mặt, rồi gặp Burger kIng thì nằm bên tay trái,…
Vào tiệm ăn, đọc thực đơn kêu breakfast all day, ở pháp người ta ăn điểm tâm vào buổi sáng trước khi đi làm, đây người Mỹ ăn sáng cả ngày. Hay là all you can eat. Họ kêu đi ăn ở xưởng làm bánh như Cheesecake Factory, thịt bò cũng phải có nhà Steakhouse… Ở Pháp các cuộc tranh tài về thức ăn là để xem ai nấu ăn ngon, có cách thức nấu hay nhất, ngược lại ở Hoa Kỳ, tranh tài về thực phẩm là để xem ai ăn hết 128 hot dogs trong vòng 20 phút. 30 cái pizza, 50 cái hamburger,… sau đó họ phải ghi tên đi tập thể dục ở các câu lạc bộ,…
Anh bạn tôi rủ đi ăn tiệm ăn gọi là Fusion Nhật Bản - Ả Rập, kêu món Sushi Kebab khiến tôi lú lẫn tối tăm confusion.
Được cái là tại Hoa Kỳ, sự tiếp đãi khách hàng là số một trên thế giới. Tôi thăm viếng trên 60 quốc gia thì phải công nhận Hoa Kỳ sự chiêu đãi khách hàng tại đây là ưu điểm, khiến du khách muốn trở lại.
Trong tiệm ăn, tiếp viên rất lịch sự, họ đón tiếp niềm nở, không như ở Pháp. Lý do là người Mỹ cho tiền boa. Ở Pháp, ăn chưa xong họ đã đưa ra cái biên lai đánh thuế 20% khiến muốn ói ra trong khi tại Hoa Kỳ chỉ đánh 8.75% nên người ta có thể boa.
Ở pháp, muốn gọi thêm gì, vẫy tay hoài nhưng tiếp viên không đến còn đây, đang ăn thì họ đến hỏi cần gì không, đổ thêm coca cola, nước uống mệt thở. Cho thêm khoai tây chiên không tính tiền,… ở Pháp thì kêu thêm nước phải trả tiền, còn đây nước lạnh là miễn phí, nếu mua nước ngọt thì tha hồ uống, hết họ chế thêm.
Tôi vào tiệm mua đồ, nhân viên tiếp khách, tự giới thiệu “my name is Alan, I am more than happy to help you”. Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe có một người tự nhận là rất vui để tiếp tôi. Ở Pháp, vào tiệm muốn đồ gì, chả ai thèm ngó. Tôi hỏi một cái áo nhưng không có khổ kích thước của tôi vì tôi nói kích thước của bên Tây, anh ta kêu đợi một tí rồi chạy cái vèo vào trong kho phía sau. Cuối cùng anh ta trở lại kêu hết size của tôi, miệng không ngớt xin lỗi. Tôi cảm ơn rồi đi, anh ta nói để tôi xét lại lần nữa (let me double check). Ở Pháp họ không có “single check”. Xem như lần đầu tiên tôi nghe được cụm từ này.
Hôm tôi ra phi trường, tôi vẩy tay kêu taxi, thì có hai ba chiếc ngừng lại, trong khi ở Paris thì vẩy tay, xe taxi không chở khách cũng chạy thẳng luôn. Tôi leo lên xe, anh tài xế hỏi tôi đi đâu, tội nói gi ép cây e bọt. Vâng tôi biết, người Pháp pháp đọc J là gi còn G là gê nên tôi lộn. Anh ta không hiểu nên hỏi lại. Tôi càng nhấn mạnh thì anh ta càng ngọng. Cuối cùng tôi kêu KFC AirPort thì anh ta hiểu và cười kêu JFK AirPort (mình nhái giọng Ấn Độ) khiến mọi người cười. Trong suốt chuyến đi ra phi trường, anh tài xế nói chuyện với ai bằng tiếng xứ làng của anh ta nhưng tôi có nghe đến KFC AirPort và đoán ông ta nói về giọng phát âm của tôi.
Xe đến phi trường, tôi trả tiền và nói với anh ta là ông cười tiếng anh của tôi nhưng ông kêu airput thay vì AirPort. Cảm ơn sự chú ý của các bạn.
Đến phiên ông phê bình bài diễn văn của mình thì ông ta có dặn là sau khi nói chuyện xong thì không bao giờ cảm ơn các khán giả cả. Họ phải cảm ơn anh đã kể câu chuyện.
Mình rất thích làm hề. Có một anh bạn linh mục nói với mình là tụi mình làm hề nhưng biết mình làm hề còn đa số làm hề nhưng họ không biết. Chán Mớ Đời
Em và mấy người bạn sẽ đi viếng công viên quốc gia Hoa Kỳ, được xem là lớn nhất xứ này. Cách đây 20 năm, hai vợ chồng và hai đứa con đã đi nhưng kỳ này đi lại để xem. Có lẻ sẽ không có thì giờ viết bài vì lái xe. Nếu mình không lầm thì chỉ có mình là đấng mày râu, còn 9 người kia là phụ nữ. Nội đi chơi với đồng chí gái là mệt, cứ 5 phút phải ngừng xe để cô nàng đi tè, nay có đến 9 bà. Kinh
Sẽ lấy bài cũ rồi bổ túc lại, tải lên nếu có Internet. Thường trong công viên họ không có Internet. Em có mua cái app tốn $20 của công viên này, tải xuống cái Audio, mình đi đâu thì GPS sẽ nói mình chạy hay thuyết minh về địa điểm đang đứng và chỉ đường chạy.
Chúc các bác một cuối tuần vui vẻ.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn