Lần đầu tiên đi hạng thương gia


Năm ngoái, mình bay qua phi châu để leo núi Kilimanjaro 10 ngày. Theo lịch trình thì mình phải bay rất xa, đổi mấy chuyến bay mới đến Tanzania. Sợ mệt, leo núi cao nhất Phi Châu không được nên tư duy đột phá, sao không đi hạng thương gia, có ghế nằm như xe đò Thành Bưởi Đà Lạt-Sàigòn.


Thế là mình bắt đầu tìm những lý do để mua vé thương gia. Nào là mua vé này thì mình được trừ thuế trước, giá có thể rẻ hơn người đi làm bình thường. Để giải thích:


Lấy thí dụ, đồng chí gái đi làm lương $10,000/ tháng, phải đóng thuế 28% cho liên bang, 10% cho tiểu bang Cali, 7.3% cho an sinh xã hội, 3.8% cho Obamacare. Xem như 50%, còn lại $5,000 để tiêu dùng cho trong tháng. Trả tiền xe, tiền nhà, tiền bảo hiểm mất $4,000. Cô nàng còn dư $1,000. Muốn đi chơi, mua vé máy bay trả $1,000  xem như hết $10,000 tiền lương trong tháng. Còn lại zero.


Ngược lại, mình buôn bán. Hái bơ bán được $10,000. Mình tiêu xài cho công ty như trả tiền xe, tiền xăng, bảo trì, … tốn $4,000, còn lại $6,000, mua vé thương gia giá $2,000 gấp đôi vé thường, còn lại $4,000. Với lợi tức $4,000 mình đóng thuế thấp hơn là $10,000 nên chỉ đóng có 30% thay vì 50% như đồng chí gái. 30% của $4,000 là $1,200. Mình còn dư $2,800. Trong khi người đi làm công cho thiên hạ như đồng chí gái thì chả còn gì hết. Người đi buôn bán, làm ăn thì còn dư tiền chớ người làm công thì mãi mãi là người đóng thuế.



Trong khi đồng chí gái không còn đồng xu Teng nào. Do đó các thương gia đi hạng thương gia là vậy, để đóng thuế bớt lại chớ không ai điên khùng đi vé đắt tiền. Khác biệt là một bên đóng thuế trước khi tiêu xài, còn một bên thì tiêu xài trước khi đóng thuế. Vì vậy mà ông Warren Buffett kêu là đóng thuế ít hơn cô thư ký của ông ta.


Tháng 9 này, mình phải trả tiền cho con gái bay về cali, đi học lớp căn bản về tài chính mà mình muốn nó đi học từ lâu với thằng con nhưng nó cứ bay xa xa đâu đâu. Nay nó hỏi mình trả tiền cho nó được không. Mình nhất trí.


Mình mua vé hạng thương gia. Mình xem American Express Travel để xem giá đồng thời hỏi bọn chuyên bán vé thương gia để coi cái nào rẻ hơn. Cuối cùng mua vé được, bay từ Cali đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ rồi bay qua Cairo, Ai Cập, từ đó mới có chuyến bay đến Tanzania. Tổng cộng là bay cả ngày.

Đồng chí gái ở chợ Istanbul


Đến phi trường, theo thói quen, tự động mình xếp hàng đứng đợi phiên mình làm check-in. Chuyến đầu tiên đến Thổ Nhĩ Kỳ nên hành khách gốc Thổ Nhĩ Kỳ đông như quân Thổ. Họ đẩy xe với 3, 4 cái vali to đùng trong khi mình chỉ có cái xách kéo tay. Người đứng trước mình có 3 cái Vali, còn người đứng sau mình thì 4 cái. Kinh


 Đang đứng đợi thì có người của công ty hàng không đến hỏi vé mình. Mình đoán họ thấy mình là nông dân nên chắc đi lộn máy bay nên hỏi. Mình là con nhà thuần nông nên ra đường, thiên hạ nhận ra ngay. Cô ta hỏi vé mình đâu, mình đưa điện thoại ra cho họ thấy. Cô ta xin lỗi rồi gọi mình bằng Mister Nguyen, chỗ này dành cho hạng bình dân, ông vui lòng qua hàng bên kia làm thủ tục. Rồi cô ta cởi dây hàng rào, cho mình đi ra trong khi cả hàng người nhìn mình với cặp mắt soi mói như thể mình tranh chỗ đứng của họ, đã đặt cục đá khiến mình ngại ngùng.


Hàng đứng đợi check-in cho hạng thương gia thì chỉ có cặp vợ chồng nên mình check-in rất nhanh. Cô ở quầy vé, rất xinh, ăn nói từ tốn, nhỏ nhẹ, một thưa ông Nguyễn, hai thưa ông Nguyễn, đưa cái boarding-pass cho mình rồi dặn dò lên lầu 5, vào lounge để ăn uống trước khi lên đường, không quên câu chúc ông đi đường vui vẻ,…khác với ngôn ngữ ở hạng vé thường. “Next” như mấy cô gái giang hồ ở xóm Saint Denis, Pháp. Chán Mớ Đời  


Qua an ninh cũng nhanh. Đi leo núi Machu Pichu về, mình bắt chước anh bạn làm giấy tờ cho TSA, Global Entry nên đi ngõ khác, chả cần phải cởi giầy gì cả, chỉ có con chó đứng nhìn mình đi qua. Nếu có đồ quốc cấm là con chó nhảy ra liền.


Mình lò mò đi vào trong khu vực đợi. Lấy thang máy lên lầu 5, bò vào phòng đợi thương gia. Họ xem cái boarding pass của mình xong, nói sẽ báo cho ông khi nào lên máy bay, cứ thoải mái. Từ đây đến cổng lên máy bay, đi bộ đúng 10 phút, nếu ông cần thì tôi sẽ báo người đem xe điện lại rước ông đi. Mình nói không cần. 


Mình đi vào phòng đợi thương gia, kéo cái vali đi vòng vòng. Xem thức ăn thơm mệt thở. Có quầy rượu, quầy bia. Mình nhìn xung quanh, thấy hành khách, họ chỉ ăn sơ sơ trong khi mình thì đi lấy mấy đĩa. Uống đủ thứ. Con nhà thuần nông có khác, so với dân trưởng giả. Chán Mớ Đời 


Ăn xong thì no nên mình lim dim, không đọc được chữ nào trên cuốn sách. Bổng nhiên nghe tiếng loa báo là chuyến bay đi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu lên máy bay nên lật đật kéo Vali đi.


Đến cổng lên phi cơ thì thấy hành khách xếp hàng thì theo quán tính, mình tạt vô đứng, đọc sách. Bổng có cô nhân viên hàng không đến hỏi mình, boarding pass rồi kêu mình đứng lộn chỗ, rồi dẫn mình đi qua hàng khác bên trái, chỉ có loe ngoe vài người. Lại cảm ơn ông Nguyễn, chúc ông thượng lộ bình an.


Khi lên phi cơ thì mình cứ quẹo phải như thường lệ. Thường mua vé rẻ nên họ nhét mình sau đuôi. Mình kéo vali xuống đuôi máy bay rồi bắt đầu dò hàng ghế của mình thì không thấy. Thấy mấy tiếp viên hàng không ở phía sau đuôi, đang chuẩn bị thức ăn cho hành khách nên ghé lại hỏi. Họ xin lỗi là hàng ghế của mình nằm phía đầu phi cơ. Đúng lúc ấy các hành khách hạng thường, như ong vỡ tổ, chen lấn chạy kiếm chỗ, kêu nhau in ớ. Mở cửa phía trên để nhét mấy hành lý của họ vào. Thế là ngọng. Cô tiếp viên kêu mình ngồi tạm cái ghế của cô ta phía sau khi máy bay cất cánh hay đáp. Đợi hành khách đi qua đời tôi.


Sau khi mọi người an tọa, bớt nhốn nháo, cô tiếp viên nói mình có thể đi lên được. Mình đi qua cửa phi cơ, rồi vào buồng của thương gia. Phía sau đuôi phi cơ thì nhỏ mà có 3 hàng, mỗi hàng có 3 ghế. Phía trước phi cơ thì rộng gấp đôi, nhưng chỉ có 2 ghế cho mỗi hàng mà chỉ có lèo tèo vài người. Mình ngạc nhiên, nông dân lần đầu tiên đi hạng thương gia mà lị. Chỗ để hành lý thì mỗi ghế có một tủ riêng, không phải để nhầm vào chỗ ghế khác như ở dưới kia. Trên này không ai dành hay xí chỗ đựng đồ. Không nghe tiếng động, hầu như không hét la như ở xóm nhà lá. Mình đi lên gần chỗ cửa vào phòng lái rồi quay lại, mắt nhớn nhác, đến chỗ ngồi của mình thì thấy có tên Mỹ ngồi dãy bên kia, nhìn mình với cặp mắt khó chịu. Như thầm nói “you don’t belong here”.


Mình hỏi hắn, phía sau đông quá mà phía trước, có dư chỗ, ông nghĩ tôi ngồi đây có được không. Ông ta chau mày kêu no no no. Đúng lúc ấy, tiếng nói của tiếp viên hàng không trưởng, bắt đầu chào mừng hành khách trên chuyến bay, yêu cầu quý khách an toạ để chuẩn bị phi cơ cất cánh nên mình ngồi xuống ghế của mình. Mình không tưởng tượng được ghế êm ra sao, bằng da, như ghế rạp xi-nê Gaumont ở đại lộ Champs Elysees, Paris.


Mình nhìn quanh thấy nút đầy nơi nên bấm thấy cái ghế chạy xuống, bấm nút kia thì thấy cái cửa chạy lên che cái mặt tên Mỹ nhìn mình với đôi mắt khó chịu. Mình bấm cái nút thì cái ghế nằm xuống, biến thành cái giường xe đò Thành Bưởi hay Phương Trang. Đang nằm chưa phê thì có cô tiếp viên hàng không đến, xin lỗi kêu mình cho cô ta xem boarding pass. Mình đưa điện thoại cho cô ta xem. Cô ta xin lỗi kêu ông ngồi đúng chỗ. Mình biết tên Mỹ ngồi hàng dãy bên kia báo cáo với công an khu vực. Kinh


Mình bấm ghế lên lại rồi quay qua hắn đưa ngón tay kêu ok như báo hiệu là cô ta cho phép mình ngồi, khiến hắn không hiểu gì cả. Tưởng nông dân, dân cắt cỏ đi lạc vào khu nhà giàu. Nay lại được ngồi luôn trong khi hắn trả tiền chết bỏ mới lên. Hắn đóng thuế để nông dân như mình ngồi chung. Đả đảo bọn dân chủ, xã hội chủ nghĩa. Chán Mớ Đời 


Cô tiếp viên hàng không hồi nảy trở lại kêu. Xin lỗi ông Nguyễn, ông có muốn cởi áo ngoài ra không, tôi sẽ cất cho ông và trao lại khi máy bay đáp xuống phi trường Istanbul. Mình đưa áo cho cô ta đem đi mắc vào đâu. Sau đó cô ta đem lại cho mình cái áo khoác ngoài để bận trong trường hợp lạnh. Rồi đưa cho mình cái thực đơn. Nói đây là thực đơn chính, ngoài ra phần snack thì ông muốn ăn lúc nào thì gọi cho tôi. Bấm nút này, tôi sẽ đem lại cho ông ăn líp ba ga. Mình chọn thực đơn Thổ Nhĩ Kỳ cho chắc ăn vì đồ Mỹ thì ớn rồi. Mình thoáng thấy ông Mỹ bên cạnh không vui lắm. Sau đó lấy cặp vớ và dép của họ để đeo vào. Có cả hộc để đựng giày của mình. Đời vui thật nhất là ông Mỹ bên cạnh cứ nhìn mình khó chịu.

Thực đơn là do đầu bếp trứ danh nấu chớ không phải như hạng cá kèo. Họ chuẩn bị thức ăn trước khi đem lên máy bay.

Cô tiếp viên trở lại với cái khay đựng champagne và nước cam. Hỏi mình uống champagne hay nước cam. Nông dân như mình thì kêu cho tôi xin nước lạnh. Tên Mỹ đang nhâm nhi champagne trong khi mình uống nước lạnh. Mình chợt thấy nụ cười trên môi hắn. Nông dân không biết thưởng thức rượu tây. Ở hạng thương gia thì họ dọn cho mình muỗng nĩa, ly tách thiệt, không phải đồ nhựa như ở phía sau. Họ đưa mình khăn nóng để lau tay, lau mặt trước khi ăn. Họ cho mình ăn nhiều món khai vị chớ không đưa cho cái khay thức ăn. Mình ăn xong món này thì họ đem ra món khác. Trong thực đơn có đủ loại rượu, cứ một món khai vị là một loại rượu. Mình không uống rượu nên chỉ gọi nước. Chán Mớ Đời 


Ăn xong, mình xem xi-nê một tí rồi buồn ngủ nên bấm nút biến thành giường xe đò. Lấy khăn lót trên ghế để khỏi bị mồ hôi, rồi rồi ngủ. Đang phiêu lãng như mây bay ngàn đời trên trời tha phương, bổng nhiên nghe tiếng nói tiếp viên hàng không báo tin là phi cơ sắp sửa hạ cánh, mời quý hành khách cài dây an toàn. 


Rồi cô tiếp viên đến lay mình thức dậy để cài dây an toàn. Mình mở mắt ra thì thấy đồng chí gái đang day mình, kêu anh nằm mơ thấy ai mà cứ mớ vậy. Chán Mớ Đời


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn