Sơn đen một thời Đà Lạt

Dạo mình mới khởi đầu kể chuyện đời xưa qua i-meo với nhóm bạn học cũ Đà Lạt, họ chuyền cho thân hữu Đà Lạt, có người học chung trường hay chung lớp yêu cầu mình gửi tấm ảnh thời học sinh để họ xem có nhớ mình hay không. Lý do là họ không nhớ mình là ai. Trong lớp, thường người ta nhớ những học sinh giỏi, tiên tiến như Trần Trọng Ân và những học sinh hay phá như Từ Lê Bình, còn lại những học sinh khác như lục bình trôi sông nên chả ai nhớ sau 40 năm. Họ ngạc nhiên khi có người học chung lại nhớ chuyện người Đà Lạt, trong lớp khi xưa nên tò mò muốn biết mặt tên Sơn đen Đà Lạt mà họ không biết hay nhớ.


Mình gửi cho họ xem tấm ảnh trên thì tìm lại được vài cô hàng xóm, vài tên hàng xóm ngày xưa ở cư xá Công Chánh Hai Bà Trưng Đà Lạt. Có người kêu: “tôi nhận ra ông này”. Điều quan trọng là nhờ tấm ảnh này chạy lòng vòng giúp mình tìm lại được đối tượng một thời. Vẫn sinh sống tại Đà Lạt, đại gia của Đà Lạt ngày nay. Một hôm nhận được tin nhắn: “bạn khỏe không”, kêu nhìn hình mới nhận ra, xin làm bạn trên mạng khiến mình như bò đội nón. Tò mò mình xem rồi profile thì tá hỏa Tam tinh. Đối tượng một thời. Kinh


Sau này có anh bạn học cũ tên Chử NHị Anh, sửa lỗi chính tả, biên tập lại…làm một kỷ yếu mang tựa đề “Mực Tím Sơn Đen”, gồm 100 bài mình viết kể về Đà Lạt trước và lục bình Đà Lạt trôi dạt qua năm tháng sau 75,…. Bỏ lên Amazon và PDF trên trang nhà của cựu học sinh Văn Học Đà Lạt xưa, để ai là dân Đà Lạt khi xưa muốn tìm đọc chút dư âm Đà Lạt một thời thì gửi mua để đọc lại chuyện đời xưa ở Đà Lạt. Sau này có hai ông thần hay đọc bài của mình trên mạng, 1 người ở Hoa Kỳ và một người ở Việt Nam, buồn đời hỏi mình cho họ làm một bờ lốc mang tên Mực Tím Sơn Đen rồi tải tất cả bài mình viết qua đó. Bổng nhiên biến mình thành bờ-lốc-gơ dù mình rất dốt tiếng Việt. 

A-di-đà-Phật. Thị Mầu đầm

Thế là mình bắt đầu cuộc đời bờ lốc gơ bất đắc dĩ. Lâu lâu nhớ chuyện chi đó hay ai gửi cho tấm ảnh Đà Lạt xưa, lại nhớ vài chuyện ngày xưa liên quan đến tấm ảnh nên kể, chớ mình chưa bao giờ có ý định bờ lốc bú xua la mua. Nông dân nên không có mộng viết hồi ký, khi xưa trong trường không ai để ý đến mình nên nay cũng không ai biết mình vì trong vườn chỉ có sóc, coyote,…. Cuộc đời rất lạ, có nhiều sự tình cờ đưa đẩy mình làm nhiều chuyện ngoài ý muốn hay chưa bao giờ nghĩ đến nhưng thiên hạ liên lạc yêu cầu kể tiếp chuyện đời xưa cũng như thời nay nên tiếp tục làm người kể chuyện đời xưa về Đà Lạt. 

Lý do là họ nhìn thấy họ trong những câu chuyện mình kể khi xưa cũng như các thắc mắc, khắc khoải của lứa tuổi mình về gia đình, quê hương,…. Điển hình mình kể về ông thợ nhuộm, ông bán bánh mì, ông bán xắp xắp, ông bán đậu phụng rang với bộ đồ vét trắng và chiếc xe đạp, nhà đâu ngã ba chùa trong xóm lao động gần vườn ông Ba Đà. …khiến nhiều người Đà Lạt xưa kêu đúng rồi, như những mảnh mosaic của quá khứ mà mình gom lại cho họ hình ảnh ngày xưa. Giúp họ chùi được những lớp bụi Trần gian từ bao nhiêu năm, chợt khoảng khắc ký ức dội về. Có người đọc về Đà Lạt xưa thì cứ rên nhớ Đà Lạt lắm. Ôi quê xưa viết bao giờ trở lại?

Mình nghĩ hình này chụp sau 75. Có lần mình thấy một ông bán xắp xắp chạy xe Honda khi về thăm Đà Lạt. Thêm cái mũ , cái giỏ nylon, quần áo khác thời trước 75. Nhất là nhìn nhà cửa gần hồ, phía đường Phạm Ngũ Lão hay trên đồi chỗ rạp Ngọc lan khi xưa. Cây cối bị chặt hết.

Mực tím Sơn đen là do một người bạn học cũ Đà Lạt khi xưa đặt tên cho kỷ yếu của cựu học sinh trường Văn Học Đà Lạt, còn bờ lốc lại do hai độc giả mình không quen biết, tự làm cho nên mình trở thành bờ lốc gơ Sơn đen bất đắc dĩ. Kỷ yếu đầu tiên có nhiều cựu học sinh Văn Học viết, kể chuyện đời xưa thời còn đi học rồi cuốn thứ hai chỉ còn mình viết dù chỉ học có hai năm ở Văn Học, kỷ niệm về trường Văn Học rất ít. Sau đó thì hết xuất bản kỷ yếu vì thiếu người kể chuyện đời xưa, thời đi học ở Văn Học. Có lẻ khi mới tìm lại nhau, người ta vui mừng tìm lại những ai có cùng mẫu số chung của thầy cô và mái trường giữa nhưng rồi ở cách nhau nên dần dần, ai nấy trở lại vai trò của người vợ, người chồng, người của xã hội nơi mình đang sinh sống. Như xem lại một đoạn phim ngày xưa rồi quên lãng theo mây bay trên bầu trời tha hương.


Mình chỉ viết rồi bỏ lên Muctimsonden.com ai đọc thì đọc còn không thì thôi, không muốn i meo vì sợ thiên hạ phải mất công xóa i meo mình, kêu xì-pam. Nghe kể về Đà Lạt khiến họ Chán Mớ Đời. Ngược lại có nhiều người hình như họ đợi hàng ngày bài mình tải lên bờ lốc vì mới bỏ lên thì vài phút sau đã thấy họ còm đủ trò khiến mình tự hỏi các fan cứng của bờ lốc hay họ không ngủ vì cứ tải lên lúc nào bất chấp giờ giấc là 2 phút sau thấy họ nhấn like hay còm gì đó. Có chị Handg xóm khi xưa, cho mình mượn sách việt ngữ đọc, kể là nay chỉ mong đợi bài mình viết như khi xưa, đợi báo hàng ngày để đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ. Lạ thật mà mình không biết họ là ai cả. Không biết họ là dân Đà Lạt xưa hay chỉ đọc bờ lốc. Mình và họ như những dân cư mạng vô hình nối kết quả những gì mình viết trên bờ lốc, tạo dần một thứ tình cảm khác lạ vì chưa bao giờ gặp mình cũng như nói chuyện từ bao nhiêu năm nay. Kỳ về Paris thăm thân hữu vừa rồi, có gặp hai dân cư khi xưa của Đà Lạt, fan cứng của bờ lốc.

Đi ăn đám cưới ở Boston, gặp đồng hương Đà Lạt khi xưa, hỏi biết ai đây không khiến mình ngọng. Sau hỏi ra mới biết chị của tên bạn học chung khi xưa một thời ở Yersin Đà Lạt, con của ông bà Hoàng Ngọc Bửu, có tiệm vàng ở khu Hoà Bình. Nghe họ kể khi đọc bài của mình thì họ thắc mắc tên Sơn đen này là ai mà nhớ rõ những nhân vật ở Đà Lạt khi xưa, hắn bao nhiêu tuổi vì phải có một độ tuổi nào trước 75 mới biết những chuyện hay nhân vật khi xưa như Xí Rổ, anh em Lai Thái, Sơn Beatles,… nghe họ kể chuyện khi đọc bài của mình khá cảm động, cho họ tìm chút dư âm của ngày nào khi tuổi họ còn trẻ đầy mộng mơ ở thành phố sương mù. Tuổi trẻ là thời đẹp nhất với những bước mơ tuổi thơ dương cánh buồn khát vọng tìm về tương lai trên quê hương đau khổ giặc giã triền miên. Nay không muốn trở lại Đà Lạt vì không tìm lại người xưa chốn cũ như Từ Thức về quê thấy mọi thứ đều thay đổi, không còn chút dư âm của ngày xưa. Có lẻ Đà Lạt với họ, ngày nay chỉ là văn chương, những tâm sự, kỷ niệm hay Hoài niệm về một thời đáng yêu và đáng nhớ.


Nhiều người học chung với mình khi xưa lại không nhớ hay biết các chi tiết mình kể nên khi đọc những chuyện mình kể khi xưa họ lại ngọng, tự hỏi cùng thời, học chung thầy cô lại không nhớ những chuyện mình kể trong lớp hay ở Đà Lạt khi xưa khiến họ Chán Mớ Đời. Có lần họp mặt cựu học sinh, thầy Phạm Văn An hỏi thế những gì thằng Sơn kể trong lớp là đúng. Cả đám kêu nhất trí. Lý do là có hôm thầy giảng về Đoạn Tuyệt, nói các anh chị yêu nhau thì dắt nhau vào thác Cam Ly, đem theo cọ và lon sơn BẠch Tuyết. Vẽ trên tảng đá cái mũi tên với một mũi tên đâm thủng và viết tên của hai người trên tảng đá, rồi cầm tay thề thốt “mối tình hữu nghị này sẽ không bao giờ thay dổi ngoại trừ khi hãng sơn Bạch Tuyết xụp tiệm. Gặp giờ linh nên mấy tháng sau, Việt Cộng vào Đà Lạt, hết phim.


Người Mỹ hay nói chúng ta là những gì chúng ta nhớ vì khi ký ức bay theo mây ngàn thì chúng ta trả nhớ về không để rồi không nhận ra nhau. Có lẻ khi xưa mình học ngu, trong lớp chỉ nhớ ba chuyện tầm phào, chả nhớ thầy dạy gì.


Nếu so sánh những gì xảy ra cho mình sau 75 thì cuộc đời mình 3 down 7 up, so với bạn học khi xưa rất nhiều. Cuộc đời kéo mình đi lang thang từ Pháp qua Thụy sĩ ở Basel rồi Zurich rồi Geneva rồi Ý Đại Lợi rồi vượt biển Manche đến Luân-đôn rồi bay qua Đại Tây Dương đến New York rồi định cư luôn tại Cali cho đến nay. Mình đâu có muốn như vậy đâu, chỉ muốn có cuộc sống bình thường như mọi người nhưng thời thế lại kéo mình đi tha phương cầu thực, lang thang khắp nơi trên thế giới như con chim lạc đàn theo mây bay ngàn trời từ muôn kiếp trước. 


Để rồi khi trở lại Đà Lạt lại khóc cho sự xuống cấp của Đà Lạt sau 75, mất đi cái đẹp của Đà Lạt xưa. Ngày nay thì Đà Lạt như cô gái già cứ bơm Botox rồi xâm lông mày, sửa mắt nâng mũi, nhuộm tóc vàng đỏ nên không giống ai, tây không ra tây ta không ra ta, nói chung đi viếng nhiều nơi trên thế giới, không thấy một thành phố nào phát triển vô tổ chức như Đà Lạt. Hôm trước đến nhà bạn, gặp mấy bà sửa sắc đẹp làm mình chới với, cứ như Đà Lạt ngày nay.

Xứ người vẫn giữ được nét thiên nhiên từ xưa để du khách có thể thưởng ngoạn


Vẫn biết cuộc đời thay đổi theo thời gian với sự tiến bộ về kinh tế và khoa học nhưng Đà Lạt thay đổi theo hướng tiêu cực vì họ cho bê tông hóa một cách man rợ vô tổ chức để rồi sạt đất, ngập lũ khắp nơi. Có lẻ vì vậy mà người Đà Lạt muốn đọc những gì mình kể về Đà Lạt xưa như đi tìm lại một thiên đường đánh mất. Thậm chí giới trẻ ngày nay cũng mò mò tài liệu cũ về Đà Lạt xưa để viết lại hay làm YouTube. 


Nhiều khi không muốn nhắc đến Đà Lạt xưa nhưng cứ thấy nhiều người đọc rồi kêu còn gì nữa không, cảm ơn đã cho họ sống lại thời xưa trong giây lát, giúp họ tìm lại những dấu chân địa đàng đã đánh mất sau 75.


Thôi thì tới đâu hay tới đó vì mình dự định đi du lịch với đồng chí gái nhiều nơi trên thế giới trước khi chống gậy hay trả nhớ về không. Tính trước cũng khó, nhiều khi cuộc đời lại đưa mình theo chiều hướng khác. Còn vui ngày nào thì kể chuyện xưa Đà Lạt. Bác nào có hình ảnh xưa Đà Lạt thì cứ gửi cho em. Biết đâu em nhớ chuyện gì đó, kể lại cho bà con một thời ở Đà Lạt dấu yêu. 

Tấm biển này cho thấy sự công nghiệp hoá của người Việt vươn ra thế giới cho bằng họ như sai nghĩa trật lất. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn