Đà Lạt thiên đường đánh mất



Ông Cunhac, một trong những người Pháp đầu tiên cai quản Đà Lạt, cho rằng ông ta tiếp tục ý định của người tiền nhiệm để xây cái đập, chận nước của suối Cam Ly biến thành Hồ Lớn (Grand Lac) và một cái đập khác ở hạ lưu của suối Cam Ly, nơi các người địa phương sinh sống có Hồ Nhỏ (Petit Lac). Mình thắc mắc là hồ Nhỏ nằm ở đâu, nay xem lại bản vẽ của ông Hébrard thì thấy hồ Đội Có đề Lac. Nhưng to lớn gấp 5, 6 lần ngày nay.

Theo bản vẽ của ông Hébrard thì hồ Nhỏ là hồ Đội Có sau này, rất rộng lớn chạy dài tới đường Phan Bội Châu và đường lên dinh tỉnh trưởng. Ngày nay bị thu hẹp nhỏ lại xem như 1/10 của ngày xưa.

Theo bản vẽ của ông kiến trúc sư Hervé Hébrard, khôi nguyên của Grand Prix de Rome về sự phát triển Đà Lạt, chúng ta thấy có những hồ nhỏ cạnh Hồ Lớn như hồ Đội Có và hồ Tống Lệ. Hai hồ này dùng để giữ nước dơ chảy xuống từ khu vườn Võ Tánh và Sân Cù, Giáo Hoàng Học Viện, tránh chảy vào hồ Lớn hay hồ Nhỏ. Phía bên khu vực đồi Nguyên Tử Lực cuộc thì có một hồ khác gần vườn Bích Câu Kỳ Ngộ. Ngoài ra phía thượng nguồn thì có hồ Than Thở (Lac des Soupirs), có hồ Mê Linh (lac Saint Benoit) để trữ nước dơ khi trời mưa.

Phần chỗ vườn Bích Câu Kỳ Ngộ sau này, có các chỗ chơi thể thao, khu vực trường học sau này được xây cất trường Grand Lycee

Trung tâm hành chánh gần trường Võ Bị, sau này không được xây dựng vì người Pháp thua trận Điện Biên phủ

Phía các vùng dành riêng cho dân địa phương (indigenes) ta thấy toàn là khu vực thấp còn khu vực dành cho người Pháp là trên các đồi như khu vực đường Yersin hay Trần Hưng Đạo, đều ở trên cao thêm diện tích rộng hơn các khu dành cho người Việt, khiến ông Võ Đình Dung, 1 trong 2 đại biểu người Việt của hội đồng thị xã (2 người Việt, 3 người Pháp) lên tiếng phản đối, yêu cầu cho thêm đất và chiều cao. Do đó khu vực Hoà Bình, dãy phố khu nhà hàng Chic Shanghai và Việt Hoa rộng hơn dãy phố nhà Đội Có, phía sau là bến xe Tùng nGhĩa, xây trước hai khu phố của ông Võ Đình Dung. Hôm kia mình có gặp cháu của ông Võ Đình Dung ở Boston. Bố anh ta nghe nói là em của ông Dung.


Hồ NHỏ (Petit lac) được thiết kế là để giữ nước khi đầy hồ Lớn nhưng khi họ phá cái đập hồ Lớn và xây càu Ông Đạo thì xem như ngọng vì khu vực ấp Ánh Sáng đến khu Abatoir hay bị ngập vì hạ lưu của hồ Xuân Hương.

Trong bản thiết kế, thấy đã vẽ Thuỷ Tạ, còn sân Cù là một vườn công cộng cho thành phố (jardin  Public). Ta thấy cái đập cạnh Thuỷ Tạ, chạy qua bùng binh đường Đinh Tiên Hoàng. Thấy hồ đội Có mang tên Lac và hồ Xuân Hương cũng đề Lac. Thấy khách sạn Désanti mà ông chủ sau này, làm quản lý khách sạn Palace đầu tiên tước khi thưa kiện vì khách sạn Palace không trả tiền vì lỗ. Mình thấy Camly rectifié, xem như suối Cam Ly đã được người Pháp hoán đổi hướng về phía đường Phạm Ngũ Lão.

 

Khu vực dành cho người Việt từ các ấp Hà Đông Nghệ Tỉnh, số 6 đến khu vực Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng thì chỉ bị ảnh hưởng một phần thôi nhưng khu vực Phan Đình Phùng là ngọng. Khi mưa, nước từ đồi Hàm Nghi chảy xuống, từ ấp Mỹ Lộc, chùa Linh Sơn. Cứ viết xuống rồi sau này dò lại, hy vọng sẽ nhớ hay chỗ khu Hoà Bình, MINh Mạng, Duy Tân tha hồ chảy xuống khu Phan Đình Phùng thấp nhất.


Trước khi chợ Mới Đà Lạt được xây dựng thì bao nhiêu nước mưa đều trôi xuống khu vực này, nơi họ trồng rau xà lách xoong. Khi xây khu chợ mới thì nước cống được dẫn thoát ra phía ấp Ánh Sáng đổ xuống suối Cam Ly.


Khi mưa thì khu vực phía sau đường Phan đình Phùng hay bị ngập, bao nhiêu nước dơ đều chảy xuống con suối chảy về từ Đa Thiện, chảy qua Lò Gạch rồi về Cam Ly. Chỗ khu vực trường Trần Hưng Đạo có hồ Vạn Kiếp, để giữ nước dơ, nghe nói nay đã biến mất, thế vào là các nhà xây khắp nơi. 


Lý do bị ngập lụt vì dân sống phía sau mấy con hẻm của đường Phan Đình Phùng, lười đổ rác nên cứ quăn rác xuống chỗ mấy cầu bắt ngang con suối.


Điển hình chỗ chợ Nhỏ, giữa nhà thuốc tây Lâm Viên và tiệm may ông Ba Hoà, có một con hẻm băng qua đường Hai Bà Trưng. Phía sau có một con suối, có cầu gỗ bắt ngang để đi qua đường Hai Bà Trưng. Ngay chỗ xóm Địa Dư, có một con suối khác, cũng có một chiếc cầu gỗ do các hướng đạo sinh Lâm Viên xây khi mình độ 10 tuổi, do anh Ngữ, con bà Ấm Thảo chỉ huy. Mỗi lần trời mưa, là mình thấy nhà thằng Đào học chung với mình ở Grand Lycee, hay bị ngập, mẹ em của hắn cứ lấy chổi chà quét nước hất ra ngoài. Nhà mấy chỗ này hay xây cái bục xi măng cao hơn sân độ 30 xem để mưa không dâng vào nhà. Khu hảng cưa ông Xu hiện cũng bị lụt mệt thở.


Dân xóm Địa Dư, đêm xuống cầu đổ rác xuống vào mùa khô nên ít nước, từ từ rác chất đống lên tới cầu luôn, ngập khắp nơi nên suối không chảy được. Bên kia đường Phan Đình Phùng, dân trong hẻm này cũng đem rác đổ nơi cầu khiến ruồi bu đen như ruồi. Kinh. Ngoài ra mình còn thấy chỗ cầu Cẩm Đô, dân tình cũng đem rác đổ đầy tới cầu Cẩm Đô. Rồi khúc hẻm trường Tân Sanh cũng đầy rác. Chỉ có khúc Hải Thượng là không thấy ai đem đổ vì mấy nhà xung quanh toàn là biệt thự và trường Việt Anh.


Nhớ mỗi lần lên Dốc Nhà Làng, hay mấy cầu thang lên đường Mình Mạng, chỗ nhà chú Lìn bán hủ tiếu ngoài chợ, là mình thấy ống cống đến  nghịt. Lâu lâu thấy thím Lìn quét chổi chà cho rác trôi xuống đường Phan Đình Phùng, trước tiệm Cẩm Đô. Trời mưa, nước cuốn hết rác chảy xuống đường Phan Đình Phùng, trôi ra con suối. Xem như bao chất dơ của dân Đà Lạt là trôi xuống suối.


Tương tự khu Hoà Bà Trưng cũng vậy, nước từ  Thi Sách, Calmette chảy xuống đường Hai Bà Trưng rồi theo con suối chảy về Cam Ly. Đi xa hơn lên Số 4 thì nước trên đường Ngô Quyền chảy xuống Hai bà Trưng rồi chảy ra suối, chảy vè Cam Ly. Do đó khi xưa, đi ra thác Cam Ly là phải bịt mũi. Nhiều cặp yêu nhau, chạy ra đây, bịt mũi lại vẽ tên của họ trên đá với mũi tên đâm thủng hai quả tim rồi bịt mũi thề là mối tình hữu nghị chỉ tàn phai khi nào tiệm sơn Bạch Tuyết bị xụp tiệm. Không biết bao nhiều chuyện tình hữu nghị trai gái Đà Lạt bị huỷ bỏ khi Việt Cộng vô vì hảng sơn Bạch Tuyết bị đóng cửa. Ai biết cho mình xin.


Khi mùa mưa đến thì rác ngập các con suối nên khi nước mưa từ Hàm Nghi, Minh Mạng đổ xuống thì ngập đường Phan Đình Phùng, từ đó chảy ra suối. Mưa mà đi lên mấy con dốc như Mimosa, hay chỗ tiệm bảo hiểm rồng Vàng của ông Võ Đình Hoè lên chỗ tiệm phở Tùng là thấy nước chảy xối xả. Suối lại bị nghẹt rác nên nước không thoát, làm ngập các khu vươn như của ông Ba Đà và nhà cửa trong mấy con hẻm. Dân ở ngay đường Phan Đình Phùng ít bị ảnh hưởng vì phía sau thấp hơn lề đường.


Khi mưa, mấy khu vườn từ mả Thánh, do gia đình ông Võ Đình Dung tặng đất cho dân Đà Lạt làm nghĩa địa, chạy xuống vườn ông Ba Đà, rồi chạy xuống Cẩm Đô là ngập hết vì rác ứ đọng, không trôi được. Khu vực đường Cường Để là bị ngập vì thiên hạ cũng đổ rác ngay cầu Lê Quý Đôn. Đường Hai Bà Trưng, ngay khúc cầu Cảm Đô cũng bị ngập nước vì rác và nước từ trên đồi nhà Thương chảy xuống. Xe Bridgestone của mình bị ngập nước một lần tại đây, tốn tiền bà cụ sửa chửa lại. 


Cũng vài tuần lễ sau nước chảy xiết mới cuốn trôi đống rác từ mấy cây cầu gỗ đi về phía Cam Ly, mới thấy rút nước tại các khu vườn. Cho thấy ngập lụt Đà Lạt khi xưa là nhân tai, do người dân không ý thức, đổ rác bừa bãi khiến nước mưa không trôi, làm ngập. Mình nghĩ người Pháp chỉ thành lập có một hồ Vạn Kiếp ở khu Đa Thiện, họ cần làm thêm một hồ khác gần khu vườn ông Ba Đà hay Mã Thánh thay vì để khơi khơi như vậy. Ngày nay chỗ Mả Thánh khi xưa, họ làm một sân vận động, rồi ống cống nước trôi về đâu, chắc chắn sẽ ngập lụt khu vực xung quanh.

Nguyên thuỷ người Pháp xây cái đập chận nước lại từ công trường trước khách sạn Palace LangBian, chạy qua bùng binh Đinh Tiên Hoàng. Lúc này chưa thấy Thuỷ Tạ (đầm ếch) nhưng đã được ông Hébrard vẽ trong bản thiết kế đô thị của ông ta.

Sau này mình về Đà Lạt thì thấy mấy con suối được Hà Nội cho làm lại, lót đá, làm kè đủ trò. Vấn đề là họ cho xây nhà cửa rất nhiều lại gần khiến con suối bị thâu ngắn chiều ngang lại 2 phần ba. Khi xưa, mưa xuống thì nước chảy ra vườn, thấm xuống đất, nay không có đất trống, nước chỉ tìm cách ra chỗ con suối. Lúc trời mưa thì mình thấy nước chảy xiết. Nếu mưa to thì nước nhiều, chảy không kịp sẽ dâng lên cao và gây ra ngập lũ.


Khi xưa, xung quanh hồ Xuân Hương có hồ Đội Có to và dài kéo tới khu vườn đường Võ Tánh, nay bị thu hẹp để thiên hạ xây nhà. Nước cống từ Đinh TIên hOàng, Võ Tánh chạy xuống hồ Xuân Hương vì hồ Tống Lệ đâu mất tiêu, chắc nằm trong khu vực sân cù. Chưa kể khu bên cạnh ấp Cô Giang, quanh bờ hồ, nay xây cất khắp nơi, nước cống nước dơ chảy ra hồ.

Đây là nơi xả nước của hồ Nhỏ, sau này được được xây lại và được gọi là cầu Ông Đạo

Trước kia chỗ đường Nguyễn Trường Tộ, trời mưa nước chảy xuống khu sân vận động, có ống cống xung quanh sân để dẫn đến khu vực cạnh am Sohier và thấm từ từ xuống đất vì có cây trồng xung quanh đồi. Nay họ xây cái chợ Big C rồi nước khu vực này chảy đi đâu, ngoài hồ Xuân Hương.


Nhớ có lần, trời mưa, nhà vườn trên Chi Lăng, quên sao để mấy bịch thuốc trừ sâu chảy cuốn ra tới hồ Xuân Hương. Thiên hạ đi vớt cá bị ngộ độc thuốc sâu, nổi lềnh bềnh trên hồ.
Nhìn bên trái, ta thấy các section của ông Hébrard, các đường đều phải trồng cây và chiều cao của nhà tại Đà Lạt chỉ được 2 tầng lầu. Thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà, có các chương trình trồng cây khắp Đà Lạt. Để hôm nào mình sẽ kể rõ hơn. Theo bản vẽ thì khu Hoà Bình không có trên bản vẽ, dinh tỉnh trưởng đứng một mình trên đồi.

Tấm ảnh cho thấy họ chặt cây rồi trồng cây con, nghe nói là cây sầu riêng, nay trở thành cây sầu chung của người Lâm Đồng khiến đất bị xụp.

Ngày nay, mình không ngạc nhiên nghe thiên hạ kêu hồ Xuân Hương hôi thối, bị ứ đọng. Nghe nói người ta tìm được các chất độc. Một cuộc khảo-sát khoa-học môi-trường nước hồ Xuân-Hương, tiến-hành năm 2009, cách đây 14 năm đã có kết-quả là các chỉ-tiêu về hóa-học, vật-lý và vi-khuẩn đều cao … đặc-biệt là nước-hồ cũng đã mang độc-tính môi-sinh do một loài vi-khuẩn Cylindrospermopsis raciborski tạo ra với hình-thức tiêu-biểu là mùi-hôi … theo tài liệu đọc thì các vi khuẩn sẽ gây hại cho gan và thận. Đọc tài liệu theo link dưới đây.


https://en.wikipedia.org/wiki/Cylindrospermopsis_raciborskii


Hiện-tại trong nước hồ Xuân-Hương cũng đã có sự hiện-diện của các kim-loại nặng gây ảnh-hưởng đến sức-khỏe con-người như Cr (Chrome), Ni (Nickel), Cd (Cadium), As (Arsenic) và hàm- lượng muối Ferriques (muối sắt) trong nước-hồ ở mức khá cao (gần 5 mg/l). Dư-lượng thuốc bảo-vệ thực-vật (bao-gồm nhiều hợp-chất thuộc nhóm phosphor hữu-cơ và clo hữu-cơ) cũng được phát-giác. Nồng-độ microcystins trong nước lên đến 16 µg/l so với tiêu-chuẩn của WHO cho nước là 1 µg/l, gấp 16 lần tiêu chuẩn quốc tế.


Gần đây lại nghe nói họ đập Sân Cù, xây cái gì to đùng xem như phần đất chỗ đó, không thấm nước mưa được, sẽ đi về đâu như siêu thị Big C và xung quanh đó, chưa nói đến chất độc được thải ra. Về Đà Lạt, mình chạy xe vòng vòng ngoại ô thì thấy toàn là nhà kính, đúng hơn là nylon, che khắp nơi. Không biết họ có làm đường ống thoát nước hay không, hay cứ để trời mưa trời tự tìm lối thoát nước. Cây cối thì chặt hết nên không giữ nước mưa lại, nước cứ tha hồ chảy xuống cuốn theo chất dơ và độc. Do đó mình thấy nhiều tấm ảnh Đà Lạt ngay hồ Xuân Hương bị ngập lũ.

Nhà kính để trồng rau, với không gian kín mít thêm thuốc sâu, phân bón, người nông dân chỉ cần hít vào hàng ngày thì sức khoẻ sẽ suy giảm theo năm tháng. Cây cối bị chắt hết, nước mưa sẽ không được giữ lại và sẽ xói mòn nhiều nơi. Ở Hoa Kỳ mấy ngừoi cắt cỏ dùng chất Round UP để diệt cỏ dại, bị ung thư mệt thở
Đây hình chụp từ báo chí Hà Nội, thấy họ xây talus khơi khơi cây cối bên cạnh thì biết họ đã chặt hết cây để xây nhà cửa.

Nhớ năm 1992, mình có làm việc cho một văn phòng kiến trúc mỹ, được một tập đoàn Tân Gia Ba, trả tiền để thiết kế một trung tâm giải trí ở Suối Vàng Dankia. Mình có hỏi vấn đề nước thải thì khách hàng khó chịu và bị đổi sang làm công trình khác để khỏi hỏi bậy bạ.


Đà Lạt được xây dựng để làm một nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp và ngoại quốc. Có chương trình biến thành thủ đô Đông Dương nhưng khi người Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ, họ trao trả lại nền độc lập cho Việt Nam Cộng Hoà. Trong vòng 8 năm năm ngắn ngủi, Việt Nam Cộng Hoà đã cho xây dựng, trồng cây khắp Đà Lạt. Nhiều công trình đặc sắc như chợ Đà Lạt, viện đại học Đà Lạt, các trường đại học quân sự như Võ Bị, Tham Mưu, Giáo Hoàng học viện, trường Lasan Adran,…

Vì đâu nên nông nổi này
Đường Nguyễn Công Trứ khi xưa chỉ có vài căn nhà, mình hay ra khu này vì có am Mệ Cai Thỏ và nhà anh bạn học , xung quanh là vườn. Nay về thì đầy nhà, vườn suối mất tiêu.
Đà Lạt mùa này phố cũng như sông
Thấy nhà cửa trên đồi , bổng nhiên có căn nhà lầu mấy từng đang xây, nước dơ, chảy về đâu người Đà Lạt ơi

Cứ xem nhà kính, nước mưa xuôi về đâu

 Nếu chỗ này ngập lũ thì hồ Xuân Hương cũng đầy. Chán Mớ Đời 

Từ năm Mậu Thân trở đi thì chiến sự gia tăng khốc liệt, người dân bỏ quê vào Đà Lạt cư trú, bắt đầu xây cất đủ trò, không xin phép, không theo bản thiết kế phát triển của Đà Lạt do người Pháp soạn thảo.

Từ 75 đến giờ mình không thấy họ xây dựng được một cái gì đặc sắc cả. Họ cho phá Thao Trường, được xem là một cung thể thao có giá trị lớn ở Đông Nam Á, để xây dựng lại cái gì đâu đâu rất Chán Mớ Đời. Mấy cái chợ được xây sau này thì phải nói chán như con gián.


Thời tây để lại các công trình như Grand Lycee, nhà thờ chánh toà, khách sạn Palace, Du Parc, thời Việt Nam Cộng Hoà thì còn có chợ mới, Thao Trường, viện đại học Đà Lạt, trường Võ Bị quốc gia, Giáo Hoàng Học viện,…

Ngã Ba Cẩm Đô và Phan Đình Phùng (hình do NK gửi)


Mình đọc trên chuyenxưa.net, có nói đến giai thoại hai thì sĩ Quách Tấn và Hàn Mạc Tử, xin ghi lại đây:


Tử nói: – Cứ xem bóng trăng cũng biết nước hồ ở Đà Lạt trong đến ngần nào! Tôi tiếp: – Theo tôi chỉ có nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương mới đáng gọi là nước. Nước ở các sông, các hồ, dù trong đến đâu, sắc xanh cũng có phần lợt lạt. Duy nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương là đượm đà màu nước biển. Ai đã từng nhìn đôi mắt của người đẹp Ấn Độ – đôi mắt xanh như ngọc và xa thăm thẳm như vòm trời ngày thu – thì mới tin lời nói của tôi là không huyễn hoặc. Muốn thấy rõ cái đẹp của nước hồ Đà Lạt thì phải đến ngắm lúc ban trưa tạnh trời. Tử trầm ngâm hồi lâu rồi nói: – Không có cảnh thì khó có thơ, mà đứng trước cảnh đẹp quá, thơ nghĩ cũng không ra được. – Theo tôi không phải vì cảnh quá đẹp mà thơ không dám ra. Đó là vì đứng trước cảnh đẹp cũng như đứng trước tình đẹp, người thơ mắc lo tận hưởng cái đẹp của tình, của cảnh, tâm trí đâu còn rảnh rang mà nghĩ đến thơ. Huống nữa người thơ chỉ làm thơ trong khi thiếu thốn. Tình kia đã quá đầy đủ để cho tâm hồn ôm ấp thì người thơ còn thiếu thốn gì nữa mà làm thơ.


Tử vỗ tay tán thưởng. Chúng tôi đang nói chuyện thì dường như có một luồng ánh sáng từ trong hồ bay ra và thoáng nhẹ ở trước mắt. Chúng tôi chú mục: Một đám sương lớn bằng một chiếc chiếu chõng nổi lềnh bềnh trên mặt hồ. Sương mỗi lúc mỗi vun cao và lan rộng, phản chiếu ánh trăng sáng hực cả bốn bên. Trong phút chốc mặt hồ bị khuất hẳn và trước mặt chúng tôi nổi lên một ngọn “núi bông gòn” trắng phau và sáng ánh. Rồi một ngọn gió thổi nhẹ, sương ùn ùn toả ra khắp nơi và cuốn cả trời đất muôn vật. Chúng tôi không còn thấy gì ngoài ánh trăng. Đến nỗi chúng tôi đứng sát bên nhau mà chúng tôi nhìn cũng không thấy rõ được nhau!

Bạn đang sao chép nội dung của page fb.com/chuyenxua.net. Nếu sử dụng cho blog cá nhân, vui lòng ghi rõ nguồn chuyenxua.net kèm theo link bài viết. Nếu là website, kênh truyền thông hoặc liên quan đến thương mại, vui lòng liên hệ trước để được đồng ý. Mọi hình thức vi phạm bản quyền nội dung để kiếm tiền thông qua MMO đều sẽ bị report đến Facebook và Adsense


Ai đó kêu Đà Lạt thiên đường đánh mất. Mình tin là chưa chậm trễ, Đà Lạt có thể được cứu vãn nếu có một chương trình phát triển, hoà nhịp với thiên nhiên như thời Việt Nam Cộng Hoà. Nếu không thì một mai kia, không ai viếng Đà Lạt, chỉ biết ngồi ngáp ruồi, để thương nhớ về một thiên đường đánh mất vì lỗi lầm của chúng ta ngu muội, thiếu trách nhiệm cho thế hệ mai sau. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn