Sự hình thành khu Hoà Bình Đà Lạt


Mình có một số hình cũ Đà Lạt xưa nên tính lựa rồi bỏ lên mạng để người xưa ở Đà Lạt có thể bổ túc thêm để mọi người hiểu thêm về Đà Lạt xưa. Mình đang xem hình thì thấy hình của hai ông Tây ở khu Hoà BÌnh, dạo ấy là Chợ Cây. Lại thấy đề tên Jean LAHERRÈRE và Verlot nên buồn đời mình bắt chước ông nGuyễn Du khi xưa, 100 năm trong cõi người ta những gì tò mò thì tra gú gồ. Thường thì hình ảnh được đăng trên mạng kèm theo một câu chuyện hay trang nhà nào đó. 


Khám phá ra ông tên Jean Laherrere, là Goum Marocain, một đội lính của quân đội viễn chinh của đế quốc Pháp, tương tự ở Algerie thì có đoàn Harkis, hay dân Malgache mà người Việt mình khi xưa kêu dân MẶt Gạch, hay cướp của hiếp dâm phụ nữ tham gia đi đánh trận cho nước Pháp. Ông tướng Tây nổi tiếng đã từng lãnh đạo đội quân Goum Maroc là ông De Lattre de Tassigny, cũng có lần lãnh đạo đạo quân viễn chinh của pháp tại Việt Nam. 

Hình do N.K. Lasan Adran cung cấp


Ông Jean LAHERRÈRE sinh ngày 26 tháng 2 năm 1922 tại Septvaux (Aisne), 1 làng nhỏ ở vùng Picard cách Soissons độ 20 cây số. Hình như thành phố này nằm gần tỉnh Compiegne. Năm lên 12 tuổi, ông ta học nghề làm thợ bánh mì. Khi quân đội Hitler chiếm đóng Pháp quốc, ông ta trốn qua vùng tự do. Đến vùng Pau, xin gia nhập quân đội và được đưa sang Algerie, thuộc địa của nước Pháp mà quân đội Đức chưa chiếm đóng. Mấy nước Bắc phi như Ma-rốc Algerie và Tunisia là cựu thuộc địa của Pháp như Đông Dương.


Để giải thích cho những ai không sinh sống tại Pháp hiểu trong thời gian thế chiến thứ 2, khi quân đội của Hitler chiếm đóng Paris thì có một thỏa ước với thống chế Pétain, quân đội của Hitler chỉ đóng phân nữa nước pháp như Paris, còn chế độ Vichy của thống chế Pétain cai quản phần phía nam của nước Pháp. Họ kêu chế độ Vichy là vì chính phủ Pétain đóng đô ở Vichy. Dân kháng chiến, không muốn sống với Đức quốc xã thì trốn xuống miền Nam rồi chạy qua các thuộc địa của Pháp ở BẮc Phi là Ma-rốc, Algerie và Tunisia mà phim Casablanca có nói đến vấn đề này. Khi đồng minh thắng trận thì chính phủ Để Gaulle bắt giam thống chế Pétain. Dạo mình sống tại Paris, dân cực hữu hay hát bài Maréchal nous voilà.


Ông ta tình nguyện gia nhập quân đội, đi Đông Dương, lên tàu tại cảng Oran, Algerie ngày 20 tháng 12 1950, đi qua kênh Suez rồi đến Hải Phòng ngày 7 tháng 1, 1951. Ở Đông Dương vài năm thì trở về Bắc Phi. Sau này ông ta về lại Pháp và chết năm 2001, thọ 81 tuổi. Trang nhà của ông ta do một cô em họ thực hiện tên Chantal laherrere. Mình có đề tên hình ảnh lấy từ trang này. Ca nhạc sĩ Enrico Macias, có làm bài hát Adieu Mon Pays khi thuyền rời hải cảng Oran, Algerie.


Đi bên trái là ông Jean LAHERRÈRE, thiếu uý và bên phải, ông Tây thấp hơn là chuẩn uý Verlot, đi trên phố Hoà BÌnh khi xưa, mình đoán là khu Việt Hoa. Chỗ nhà hàng Mekong và dãy nhà Bùi Thị Hiếu có một khoảng cách, phía Bùi Thị Hiếu nhô ra không nằm thẳng với dãy Mekông Đức Xương Long. Để mình sẽ tải lên hoạ đồ dưới đây để các bác dễ định vị. Hình này chụp năm 1952 tại Đà Lạt khi ông ta về đây dưỡng thương vì đánh nhau mệt thở ở miền Tonkin, Việt Bắc. Mình có một ông chú bị Tây bắn chết trên đường đi học về, lúc đó đâu 14, 15 tuổi gì đó. Ông ta kể là căn cứ của người Pháp bị Việt Minh phá vở khá nhiều. Nếu mình không lầm thì dạo ấy có mấy chiến dịch của Pháp đánh lên vùng Việt Bắc, nơi Việt MInh tập trung rất nhiều, mấy ông tướng như Salan, mình có ăn cơm với ông ta vài lần khi ông ta lên Paris để gặp ai ở hội quán Cựu Chiến Binh Pháp Hải Ngoại, đem quân lên để tiêu diệt Việt minh nhưng bị đánh mệt thở, nên họ có ý định đem quân đến Điện Biên Phủ, nhử quân Việt mInh đến nhưng quân đội kháng chiến đã đem đại bác lên trên đỉnh đồi và nả pháo súng lòng chảo Điện Biên, giúp kết thúc cuộc chiến.
Hình chụp tại nhà hàng Au Cabaret, sau này được bà dược sĩ Trang Hai mua lại. Nay về Đà Lạt thì sẽ không thấy nữa vì họ mới phá tan, cày hết vùng đất này.
Chụp bên đường nhưng không nhận ra ở đâu, chắc gần hồ Xuân Hương vì mấy hình ảnh của ông ta được chụp, đa số là ở cạnh hồ Xuân Hương. Chắc con đường này đang được làm vì thấy mấy đống đá sõi.
Bệnh viện Đà Lạt Lasanne. Đà Lạt dạo ấy có hai bệnh viện, 1 dành cho người Pháp và một dành cho người bản xứ. 
Đây hình trong tiệm ăn Au Cabaret, (biệt thự Trang Hai), người phụ nữ là chủ nhân nhà hàng. Ngoài ông chuẩn uý Verlot, còn có ông đại uý chỉ huy trưởng trường quân đội Đà Lạt. Trên bàn thấy hai chai Maggi

Hình chụp năm 1952, khi ông ta được điều về Đà Lạt, hình chụp ngay hồ Xuân Hương năm 1952. Phía sau thấy mấy ống nước để bơm nước vào nhà máy nước Đà Lạt. Nhìn hình ngày nay thì cây cối bay hết.


Conformément à la Loi Informatique & Liberté, toutes les personnes citées dans les textes ou présentes sur les photographies, ou leurs ayants droit,

peuvent demander à être retirées ou masquées - Site réalisé par Christian Frappier et sa cousine Chantal Laherrère © Vence 2007 - 2009


Đây là bản đồ khu chợ Hoà Bình Đà Lạt năm 1932 (état actuel). Ta thấy có hai nhà chính sơn màu vàng đậm, một cái như hình thập tự giá và hình chữ Nhật. Tấm ảnh chụp 2 ông Tây theo mình là đoạn dãy phố Đức Xương Long và Mekông. Căn nhà bên phải là căn nhà hình chữ thập, thấy chữ Phòng Thông Tin. Dãy nhà dài 3 cạnh bên phải xem hình phía dưới có rất nhiều tiệm tàu, sau bị phá vỡ để xây các kiosque lý do là phía sau có vực sâu rất nguy hiểm dể bị sạt lỡ. Phần gạch ngang màu đen là taluy sẽ được xây.

Lúc này đường Trương Vĩnh Ký chưa được mỡ, thấy có dãy cư xá đường Thành Thaí, đường Lê Đại Hành dạo ấy được gọi đường Gia Long, dãy phố Chic Shanghai chưa được xây cất. Dường Duy Tân chỉ có một chiều.thấy trường Đoàn Thị Điểm. 
Hình chụp Chợ Cây từ dãy phố Đội Có, bên phải là dãy nhà Bùi Thị Hiếu và Cà Phê Tùng, xa hơn là dãy Mekông chưa được xây nhà gạch sau này bởi ông Võ Đình Dung. Thấy căn nhà đề Phòng Thông Tin, có hai mái, bên trái thấy một khúc của chợ hình chữ Thập, còn thì có mấy quán che tạm cái mái. Đã thấy đường Tăng Bạt Hổ sau này, nằm giữa dãy Bùi Thị Hiếu và dãy Mekông. KHu vực Chic Shanghai chưa được xây cất, thấy đồi Trương VĨnh Ký. Xa xa là núi Cam Ly. Bên phía tay trái, thấy dãy nhà gỗ 2 tầng xây như dãy khu Mekông và Đức Xương Long. Sau bị giải toả khi họ xây Chợ Cây (xem bản vẽ dưới)
Hình đề chợ mới (nouveau marché). Dãy Bùi Thị Hiếu chưa được xây cất bằng gạch ngói (chỉ xây bằng gỗ, sau này khi chợ cây cháy nên họ xây các dãy phố bằng gạch ngói), ngay cả dãy phố Đội Có. Mình đoán thôi nghe, đưa ra đây giải thích của mình rồi ai biết rõ hơn thì cho ý kiến để mình bổ túc, chớ đừng chửi mình là dốt vì lúc này mẹ mình cũng chưa ra đời. Khi mẹ mình vào Đà Lạt năm 1948, thì khu vực này đã được giải toả và xây Chợ Cũ.. 

Trước năm 1932, thì chợ được sinh hoạt khu vực dành cho người bản địa, cạnh cầu Ông Đạo nhưng tháng 5 năm 1932, bão lũ đã cuốn trôi khu vực này và có 15 người chết (xem hình dưới) nên người Pháp mới dọn lên khu vực hOà Bình, nới rộng hồ Xuân Hương tới cầu Ông Đạo ngày nay. Trong bản thiết kế của ông Hébrard, thì các khu vực cao trên đồi là dành cho người Pháp. Khu vực khu Hoà BÌnh được dành cho người Pháp nhưng chưa xây cất gì cả. Giải đáp thắc mắc của mình vì dinh tỉnh trưởng trên đồi cao nhất, lại có khu vực cạnh phía dưới để người bản xứ sinh sống (quartier indigenes). Nếu xem bản thiết kế của ông Hébrard thì thấy khác với sau này.

Lần sau có dịp về Đà Lạt, mình sẽ ghé văn khố lưu trữ mấy tài liệu về Đà Lạt xưa để xem vì hình thì nhỏ quá và mờ nên không đọc được mấy chú thích bằng tiếng Tây.
Khu họp chợ của người bản địa sau bị lũ tháng 5 năm 1932 quét sạch, khiến người Pháp phải dời khu này lên Hoà BÌnh. Mình có kể khu vực này trong bài Phố Tàu đầu tiên Đà Lạt. Ai tò mò thì tìm trên bờ lốc này 
Mình có kể về phố tàu đầu tiên tại Đà Lạt rồi

Khu vực này trước 1932, sau đó thì được dời lên khu Hoà Bình sau cơn lũ phá cái đập và cuốn trôi nhà cửa của người Việt và người Tàu tại khu phố dành cho người sở tại.

Hình ảnh chợ đầu tiên ở khu Hoà Bình, lụp xụp mà người ta làm tạm sau khi cơn bão lũ tháng 5 năm 1932. Người Đà Lạt xưa hay gọi là Chợ Cây. Có căn nhà 2 mái phía cuối là căn nhà gọi là Thông Tin mà hình chụp hai ông Tây trên lề đường của phía Việt Hoa- Đức Xương Long. Bên trái là cái chợ cây có hình thù như chữ Thập, thấy xơ xác nên sau này bị cháy vì làm bằng gỗ. Người Đà Lạt xưa hay gọi chợ này là chợ Cây hay Chợ Gỗ. Hình 2 ông Tây được chụp ngược lại năm 1952 nên thấy dãy phố Việt Hoa, sau khi đã được ông Võ Đình Dung xây cất xong.
Đây là hình chụp chợ cũ. Dãy phố nhà cầm đồ Bùi Thị Hiếu-Cà Phê Tùng đã được xây bằng gạch và lợp mái ngói, thấy mái nhà của dãy nhà Đội Có. Dãy phố của tiệm ăn Mekông chưa được ông Võ Đình Dung xây cất, vẫn còn xây bằng gỗ .
Hình chụp từ trên lầu của dãy cà phê Tùng xuống chợ đầu tiên ở khu Hoà Bình
Chỗ này là cuối dãy phố của cà phê Tùng, bên phải có dãy nhà nhỏ, có thời là phở Tùng. Sau bị cháy nên chủ đã cho xây lại dãy phố, ăn ra đường Hàm Nghi che luôn cái tường “au chat botté” . Chỗ này có con hẻm đi xuống đường Mình Mạng, chỗ tiệm bảo hiểm của ông Hoè, cạnh tiệm kem Thuỷ Tinh và tiệm uốn tóc Ba Lê. Nhớ dạo tiệm phở nấu bằng củi than nên sơ ý làm cháy tiệm phở. Từ đường Hai Bà trưng, thấy khói đen nên mình chạy sang xem cùng thiên hạ. Sau đó thì một trận mưa đỗ xuống nên mấy người lớn kêu là chủ tiệm hên. Sau khi xây tiệm mới thì thiên hạ vào ăn như điên để ủng hộ. Theo mình nghe kể bởi con gái tiệm BẮc Hương đúng hơn là tiệm giò chả Quốc Hương hay Mỹ Hương dưới chợ Đà Lạt thì phải bố mẹ chị ta xây dãy này. Lúc đầu tính xây khách sạn nhưng sau ít có người hùn vốn nên xây dãy. Phố cho phở Tùng mướn. Mình có hình của tiệm này sau khi được xây mới (lười đi lục mình có kể và tải lên khi nói về bến xe Tùng nghĩa) Khúc gần chỗ này, phía bên đồi dinh tỉnh trưởng, có tiệm Phở Bằng nổi tiếng một thời ở Đà Lạt. Đối diện tiệm phở này có mấy căn nhà của ông Võ Quang Tiềm khi xưa làm kho rượu thời Tây rồi sau này làm khách sạn.
Đây hình chụp từ phía dãy nhà Đội Có. Khu Bùi Thị Hiếu-cà phê Tùng đã được xây cất. Chỗ tiệm Bùi Thị Hiếu, thấy lúc đầu là tiệm uống tóc hớt tóc. Chắc lúc ấy, bà ta còn trẻ chưa về làm dâu nhà họ Lâm, chưa mua căn phố này. Dãy phố Mekông vẫn làm bằng gỗ, chưa được ông Võ Đình Dung xây cất. Ngược lại dãy Chic Shanghai đã được ông Dung xây cất như bản vẽ tô màu Hồng đỏ, còn dãy Mekông thì màu vàng.


Mình cố hình dung định vị khu vực phố tàu Đà Lạt nhưng chịu. Có lẻ là phía bên kia, đối diện khu Mekông lúc chưa xây chợ Gỗ. Trong bản vẽ thấy một dãy nhà 3 cạnh từ photo Hồng Châu, sau bị giải toả để xây các kiosques để tránh sạt lỡ. Cũng có thể là phố tàu bị lũ cuốn đi năm 1932. Chỉ có cách mình ngồi vài ngày ở văn khố Đà Lạt để đọc tài liệu xưa cua reo thì mới hiểu rõ và định vị các tấm ảnh.

Bản vẽ khu Hoà Bình. Màu đỏ là khu đã được xây cất bằng gạch và mái ngói. Khu màu vàng là khu nhà hàng Mekông - Đức Xương Long, chuẩn bị được xây cất bởi ông Võ Đình Dung. Thấy họ vẽ cái chợ như hình Tam giác, phản ánh mấy tấm ảnh xưa.

Sau khu chợ cây này bị cháy nên người Pháp cho xây lại, vuông vắn (xem màu xanh gạch ngang).

Khi chợ cây bị cháy thì người ta dời chợ ra đường phan Bội Châu, trong khi họ xây CHợ Cũ (dân Đà Lạt gọi Chợ Cũ vì thời ông Diệm, cho xây Chợ Mới dưới thung lũng vườn rau xà lách.

Đây là Chợ Tạm trên đường Phan Bội CHâu, trong khi họ xây cất Chợ Cũ mà ta thấy cái tháp chuông. Thấy căn nhà 2 tầng hình vuông của ông bà Nguyễn Văn Ngạch mới xây, dãy photo Hồng Châu chưa được xây mấy tầng lên. Mình kể rõ chi tiết khi nói đến đường Phan Bội CHâu, xem trên bờ lốc
Chợ Tạm chụp từ phía bến xe Tùng Nghĩa

Đường Phan Bội Châu và Chợ Tạm. Chợ có chút tị mà thấy hai ông cảnh binh. Sau này con đường này được nới rộng thêm về phía phải nên không được xây nhà vì sợ bị sạt lỡ vì ta lũy rất cao xuống tới chợ cá. Họ chỉ cho xây tiếp phái bên trái, phá bỏ các nhà tôn cây tạm của chợ.

Chợ Cũ đang được xây cất
Cái tháp chuông khá to lớn vì cầu thang khá lớn, xem như điểm nhấn của Đà Lạt vì từ xa ai cũng thấy cái tháp 
Chợ Cũ vào những năm 1940 sau khi được xây xong. Bên phải ta thấy mấy kiosques 

Hình này cho thấy họ đã dẹp các kiosques nhỏ và chuẩn bị xây phố có arcade. Xem hình ảnh phía dưới sẽ thấy khu phố sau khi được xây
Hình này chụp sau khi dãy phố bên phải được xây cất thay cho các kiosques 
Hình chụp từ đường Duy Tân, chỗ tiệm thuốc COn Cua 
Chụp từ tiệm bánh mì Vĩnh Chấn
Khu dãy phố được xây cất, giúp định vị khu phố của chợ Đà Lạt khi xưa. Chụp từ đường Thành Thái, chỗ tiệm kem VIệt Hưng sau này 
Bên phải là dãy phố 1 tầng, có arcade hướng Tây, che nắng vào buổi chiều. Đàng xa là dãy nhà Đội Có. Bên trái thời này là thời Tây nên người Tàu xài tiếng tàu đến khi ông Diệm lên mới bắt buộc người Tàu đổi quốc tịch, đổi tên hiệu các tiệm thay vì viết chữ tàu.
CHợ Cũ Đà Lạt nhìn từ vị trí photo Hồng Châu, sau này cái tháp chuông được sửa chửa lại. Hình năm 1948
Hình này thấy rõ dãy phố 1 tầng đã thay thế dãy kiosques trước đây. Bến xe trước chợ.
Trước chợ , trên mấy cửa sổ lớn để thông hơi có một bảng tròn ghi tên và hình Đà Lạt bằng tiếng la tinh
Góc đường Tăng Bạt Hổ sau này, chia dãy Mekông và Bùi Thị Hiếu lúc chưa được xây lại bằng gạch, lớp ngói dựa theo bản thiết kế của kiến trúc sư chính Hébrard.
Chợ Cũ được xây dựng sau khi CHợ Gỗ bị cháy.
Chợ Cũ phía trong . Thấy mấy cái đà bằng gỗ ép cong vẫn còn giữa đến ngày nay, có thể thấy khi đi xem xi nê ở rạp Hoà BÌnh
Hình trong rạp Hoà Bình ngày nay, ta thấy khi họ sửa chửa lại cái Chợ Cũ làm rạp Hoà bình, cầu trúc trong bị lấp bớt một phần để làm cấu trúc của mái nhà
Không ảnh cho thấy chợ Cũ Đà Lạt trước khi Chợ Mới được xây cất. Cận cảnh là đường Phan Bội Châu rồi đến bến xe Tùng nGhĩa, dãy phố của Đội Có. Bên trái là dãy photo Hồng Châu đến nhà ông Nguyễn Văn Ngạch, sau này bị phá bỏ với dãy phố 1 tầng bên trái chỗ vũ trường La Tulipe Rouge. Mấy chủ dãy phố chỗ bị phá bỏ như ông Nguyễn VĂn Ngạch, được đền bù một căn phố dưới chợ bên cạnh tiệm Bình Lợi của cô Ba CHỉ, cạnh cầu thang chợ. 
Hình này chụp thời Tây, vì còn chữ tàu.
Những năm 1960, khi họ muốn tân trang lại khu Hoà Bình (chợ Cũ) có một công trình như bản vẽ trên, xây một thương xá lớn như thương xá Tax Sàigòn nhưng vì tốn tiền quá nên các đại gia Đà Lạt không dám đầu tư. Nghe kể trong cuốn sách của ông Tây người Gia-nã-đại, là chính phủ cho họ mướn chỗ này 25 năm hay 30 năm để lấy vốn lại. Không nhớ rõ số năm
Hình này sau khi ông Diệm lên. Ình tương tự như trên nhưng có màu nên mình tải thêm để dễ nhìn vì đen trắng hơi khó nhận ra.
Thời này còn Tây Đầm nhiều, thấy họ đứng đầy phố
Thấy dãy phố Chic Shanghai phía xa
Quốc trưởng Bảo Đại được hộ tống bởi quân Tây. Không biết ở đâu, bỏ đây để bác nào nhận ra thì cho em xin. Chỉ đoán là ở trường Võ Bị sau này. Ông cụ mình đã từng đi lính Ngự lâm Quân của ông Bảo Đại. Không biết có phải đây hay không.

Tài liệu nghiên cứu của Sơn về ĐL rất quý, xin bổ túc một chút về một tấm ảnh : Baptême de la promotion "Hoang Dieu" à l'école des Cadres de Dalat : S.M. Bảo Đại, le President du Conseil Trần Văn Hữu suivi  du Général Salan
(Nhu)
Mình đoán chụp từ mái nhà của khách sạn Thuỷ Tiên đường Duy Tân
Thời Tây nên còn cờ Tam Tài, Tây đứng đầy với quan chức việt. Ông bận áo dài đen chắc là ông Quản Đạo
Phía trong chợ Cũ. Hàng mẹ mình phía bên phải chỗ bà đội nón lá.

Thôi mệt rồi. Để hôm nào kể tiếp, mình còn cả mấy chụp tấm khu này. Lần sau sẽ đưa hình ảnh thời ông Diệm trở đi đến 75. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Có vài người bổ túc thêm tin tức, mình xin phép để đây 


Ông Cụ mình đã được tây đưa vào ĐL từ 1935 (làm chef de kiểm lâm) cho mãi đến 1940, là người biết rất rỏ về ĐL, ông bác họ thì là Gérant của Palace, còn rành ĐL hơn ông Cụ mình nhưng 2 Cụ đã quy tiên mấy chục năm nay, tiếc quá....Chỉ còn giử được hình ảnh của Ông vào năm 1938 thời ĐL còn rất hoang vu Ông Cụ mình thường đưa con cái về ĐL mổi dịp Hè hoặc Tết thăm bà con xưa...