Tiệm cà rem của Đà Lạt một thời

Hôm nay, tàu cập bến mới có Internet thì nhận được tin nhắn và một bài viết của một chuyên gia về Đà Lạt tên Nguyễn Vĩnh Nguyên, đăng trên tờ Báo Mới, từ một anh dân Đà Lạt xưa mà mình chưa bao giờ biết hay gặp mặt, nói về ông Hàn Trạch Thu, chủ tiệm kem Thuỷ Tinh ở số 98 đường Minh Mạng. Nhưng mình tải về đây không được nên viết theo ý mình về 2 tiệm kem Đà Lạt khi xưa, Theo anh bạn giải thích thì ông này gốc Hải Nam, bên Tàu phải bỏ chạy khi lính của Mao Trạch Đông đến thì ông ta bỏ chạy sang Việt Nam, Lào, Thái lan rồi lưu lạc đến Đà Lạt. Mình có đọc đâu đó tại vùng Hải Nam có một bộ tộc nói tiếng Việt. Mình có ông dượng, năm 1954 gia đình chạy vào nam, ông dượng thất lạc sao chạy qua Lào rồi Thái lAn. Lấy vợ thái rồi sau này bắt được liên lạc với gia đình ở Đà Lạt, nên đem 4 con về Việt Nam. Phải chi để con ở lại Thái thì không bị dính 75. Nghe nói mấy người con đều qua đời sau 75.
Khu rạp Ngọc Hiệp, chỗ đường Minh Mạng và Phan Đình Phùng, thường được gọi là đường Cầu Quẹo

Tại Đà Lạt ông mở tiệm Thuỷ Tinh, làm nước đá để bán cho các tiệm ăn, mấy người bán cá,… ở Đà Lạt hay các quán bán nước đá sinh tố. Đà Lạt không khí hơi lạnh nhưng vẫn cần nước đá để giữ thức ăn tươi. Nhớ hồi nhỏ, mỗi lần nhà có kỵ giỗ là mình bị sai chạy qua Phan Đình Phùng, lấy theo cái bình mua một cục nước đá ở tiệm Thuỷ Tinh. Rồi chạy cho nhanh về nhà sợ đá tan. Sau này, nhà có mua tủ lạnh nên không cần phải chạy đi mua đá nữa. Có thể tiệm Thuỷ Tinh dạo ấy cũng giảm khách hàng mua đá lẻ.
Mình xin phép được tải tấm ảnh của gia đình Tất Mỹ Loan, cung cấp cho tác giả trước tiệm kem Thuỷ Tinh, thấy số nhà là 98, còn bảng hiệu Kodak là của tiệm chụp ảnh Văn Hoa bên cạnh, đoán là số 96


 Ngoài ra họ có làm cà rem cây bán, đã vớt tiền của mình khá nhiều nhất loại kem Eskimo, kem trắng phía trong rồi được nhúng vào sô cô la rồi bọc giấy bạc, bỏ trong thùng xốp trắng để ông bán cà rem đeo trên vai đi khắp nơi nhất là đi qua đường Hai Bà Trưng, qua xóm mình, ông ta có cái chuông nhỏ lắc lắc keng keng làm mình nhỏ giải. 1 cây cà-rèm eskimo hình như 2 đồng dạo ấy, còn kem đậu đỏ, đậu đen hay mít,…thì 1 đồng. Kiểu họ nấu chè rồi đổ vào mấy cái khuông kem rồi thả một cây que bằng tre vào, bỏ vào tủ ngăn đá. Khi đông thì đem ra bỏ vô các thùng xốp để trong một cái thùng thiết, do ông thợ thiết ở cư xá Địa Dư tên Thạc làm. Nếu mình không lầm thì thùng thiết đóng xong thì họ bỏ một lớp xốp trắng, rồi đến một bịch nylon to, rồi mới bỏ các cây kem trong đó. Họ chồng kem đậu đỏ 1 góc, kem mít một góc, kem eskimo 1 góc,…để dễ lấy.


Mình đoán ông ta vượt biển năm 1949 sang Việt Nam, chắc ở Bắc Việt. Xong khi bộ đội cụ Hồ vào thành năm 1954 thì ông ta lại chạy qua Lào, rồi Thái Lan rồi chắc Thái Lan nghèo nên bò về miền Nam, lên Đà Lạt luôn.  Xem như chạy cộng Sản 3 lần vì sau 75 lại chạy nữa. Năm 79 chắc lại phải chạy về quê cha đất tổ.


Nghe anh bạn nhắn tin, kể ông ta sau này được chôn cất tại quê ở đảo Hải Nam. Ông ta có một căn nhà ở Phan Rang, lại đứng tên Hàn Tịch Thu thay vì Hàn Trạch Thu nên con cháu sau 75 gặp trắc trở khi làm giấy tờ sang tên. Mình đoán lúc ấy làm giấy tờ, công chức chắc ít biết chữ thêm ông ta nói tiếng Việt không rõ nên họ viết Trạch thành Tịch.


Họ Hàng này lạ, mình hay lộn Hàn và Hàng vì trong trường khi xưa có một cô tên Hàng Thị Ngọc Hiền, lại có “g”, hình như họ của người dân tộc thiểu số. Lý do là có một anh bạn học mê cô này, học dưới một lớp. Nay người nhà cho biết anh ta sinh sống tại Sàigòn.


Có chị bạn cho biết khi xưa ở số 100 Minh Mạng, kế bên tiệm kem Thuỷ Tinh. Vậy là đường Minh Mạng kéo dài xuống tới Phan Đình Phùng khá xa. Bên cạnh tiệm kem Thuỷ Tinh là tiệm chụp hình Văn Hoa, nay con trai tên Hiệp tiếp tục nghề của bố, nhưng quay video là chính. Anh chàng học Văn Học mình có gặp mặt một lần khi họp mặt cựu học sinh Văn Học nhưng không có học chung. Nghe nói khi mình sang Văn Học thì anh ta đã đổi trường khác.

Khu vực rạp Ngọc Hiệp sau này, thấy đường Minh Mạng chưa xây cất gì cả đi xuống đường Cầu Quẹo.

Bên hông rạp Ngọc Hiệp, có ông tàu bán đậu đỏ bánh lọt nước dừa rất ngon. Mình nhớ ông ta lấy đá ở tiệm Thuỷ Tinh. Có lần đến ăn, thấy ông ta sai thằng con chạy qua tiệm Thuỷ Tinh, vác về mấy cục nước đá, để trong cái thùng thiết. Ông ta có cái máy bào đá màu xanh lá cây. Ông ta lấy cục đá bỏ lên cái máy, rồi quay cái manivelle xuống để kẹp. Cục đá rồi từ từ quay quay thì đá được bào xuống cái đĩa nhôm. Máy này hiện đại hơn mấy bà bán nước đá ở bến xe đò. Mấy xe này thì có cái bào được đóng trên 4 cái chân hay hay miếng gỗ như cái đòn. Cái lưỡi bào được để ngược lên trời. Mấy bà lấy cái khăn để cầm cục nước đá để khỏi trơn thêm bớt lạnh tay, rồi bào tới bào lui, đá bào rớt xuống cái ly. Rồi họ cuốn cục đá trong cái khăn, cất vô tủ. Khách nào mua thì bào tiếp chớ không bào sẵn vì đá sẽ tan. Qua mỹ thì nước đá khắp nơi, vô tiệm ăn, khách sạn có máy làm nước đá, muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Dân mỹ cái gì cũng uống với nước đá. Nghe bác sĩ giải thích, uống với nước đá là một trong những điều khiến người Mỹ to béo. Mình có kể vụ này rồi.


Bên cạnh ông tàu bán đậu đỏ bánh lọt, có hai ông tàu khác cũng vớt tiền của mình khá nhiều đó là ông tàu bán đu đủ khô bò mà cư dân Đà Lạt gọi là xắp xắp, vì ông ta lấy cái kép cắt gan cháy và khô bò. Nhà ông này ở ngay dốc Hai Bà Trưng, lên dốc trường Nữ Công Gia Chánh. Sáng nào mình đi chợ dọn hàng cho bà cụ là thấy ông ta đẩy cái xe ra đường, đi vòng cầu Cẩm Đô. Thêm có ông tàu bán thịt bò viên, cứ đổ xí ngầu ăn với khách. Thường ông ta thắng, vì thua thì dụ đổ tiếp thì cuối cùng ổng ta thắng. Nghe nói sau 75, đi ăn cướp bị công an bắn chết. Ngồi viết kể lại thì mình nhận thấy là không bao giờ thấy mấy cô đứng ăn hàng chỗ hai ông tàu này. Ngồi ghế đẩu ăn bánh lọt đậu đỏ nước dừa thì thấy nhưng tuyệt nhiên không thấy cô nào ở Đà Lạt khi xưa ghé chỗ hai ông Tàu này ăn vặt.

Tiệm kem Việt Hưng, chụp từ thang cấp đi xuống từ đường Thành Thái


Dạo ấy Đà Lạt có một tiệm kem khác ngay góc Thành Thái và Lê Đại Hành. Hình như từ Lê Đại Hành có mấy thang cấp để đi lên và trên đường Thành Thái, có mấy thang cấp đi xuống tiệm này. Tiệm này như mấy cái kiosque nên không lớn lắm. Khách ngồi ngoài sân, có dù che. Mình có ăn tại đây một vài lần với người lớn, bà con khi họ đến Đà Lạt chơi, ngụ lại nhà mình rồi dắt ra đây ăn kem. Thật ra đâu có được một ly, phải chia với ai đó.

Có thể chỗ này thuộc đường Phan đình Phùng, bên tay phải của hình trở đi là khu tiệm kem Thuỷ Tinh và tiệm chụp ảnh Văn Hoa


Mình chỉ nhớ khi ông cụ mình làm cho ty công quản nước Đà Lạt thì lâu lâu, tiệm kem Việt Hưng bị ống nước hư nên hay réo ông cụ, cho thợ ra sửa chửa nên để cảm ơn, ông ta đem lại nhà một hộp kem 10 hủ giấy. Mấy anh em đi học về, hít hà quên đói luôn. 


Mình nhớ học hè ở trường Thanh Ngọc, có hai cô cháu của ông chủ tiệm kem Việt Hưng, hình như sinh đôi đi xe trường chung. Mỗi trưa, xe trường ghé đón mình xong, thì chạy vào khu đường Trần Bình Trọng, mình không nhớ nhà ở Yagut hay đâu nữa. Thấy hai chị em đứng đợi, ăn kem. lên xe trường còn mút mút, rồi đổi kem cho nhau khiến mình đau khổ vô biên, nước miếng nhỏ thòng lòng. Hình như họ dân Sàigòn, lên Đà Lạt hè nên đi học hè hay dân couvent des oiseaux.


Trong bài viết có nói đến các hàng quán ở đường Minh Mạng. Mình có kể về đường Minh Mạng rồi nên không kể lại đây. Chỉ có vài chi tiết như tiệm sửa radio Tivi tên Công Đồng, chủ tiệm là người bắc, quen ông cụ mình. Tiệm cà phê Mocha, cạnh tiệm giày Mỹ Hưng, mướn nhà của ông Tư, anh mệ ngoại, là chỉ rang cà phê thơm lừng lừng chớ không có bán cà phê để uống tại chỗ. Mình nhớ có học hội việt mỹ với cô con gái của tiệm này. Cô này nữ sinh Bùi Thị Xuân, hình như quen biết với gia đình ông Nguyễn Hợp Đoàn vì trong lớp dạo ấy có con trai ông Đoàn, tên Nguyễn Thế Hùng học Yersin, học chung, thấy hắn nói chuyện với cô nàng, hình như mê cô ta. 


Mấy tiệm chè mình đã kể, còn ông ta viết khách sạn Lữ Quán. Thật ra mang tên Lữ Quán Sàigòn, sau này đổi nhiều tên lắm. Mình có đọc một bài viết của một ông hình như sinh tại Đà Lạt, mới qua đời cách đây mấy năm, cho rằng lữ quán này thuộc về gia đình của ông ta nhưng khi chạy tản cư thì về nhà bị người khác chiếm, đòi lại không được. Mình lại nhận được tin tức của con gái lữ quán Sàigòn, cho rằng bố mẹ chị ta cũng là chủ tiệm hủ tiếu người Nam Vang, lầu dưới của tiệm chè Vọng Nguyệt Lầu. Sau 75, một tên nằm vùng kể với mẹ chị ta là có lần, ông ta được lệnh đêm chất nổ vào tiệm vào ngày cuối tuần vì lính Võ Bị đến đây ăn đông lắm nhưng có lẻ thấy đám con nít đang chơi ngoài sân nên không dám để lại gà mèn. Hồi tháng 5 đi Seattle lại quên liên lạc với chị ta để hỏi thêm tin tức về khu vực này sinh hoạt ra sao khi xưa.

Tin tức do một người Đà Lạt gửi đến cho mình. Đọc rồi mình nhớ cái gì viết cái nấy

Có một chị bạn học Yersin khi xa ở Seattle khi lên đó lại quên, chỉ liên lạc với Đinh Gia Lành nhưng hắn kêu ở cách Seattle đến 3 tiếng lái xe nên hẹn khi khác. Cuộc đời phải có duyên mới gặp nhau. Mình hẹn hai ông phụ rể của mình ở New Jersey sau 32 năm nhưng đến giờ chót con gái của một phụ rể lại bị dính covid nên đành hẹn khi khác. Buồn đời, mình đến nhà một anh của bạn học đồng chí gái ở Hội An thì gặp một chị bạn quen khi xưa. Không hẹn lại gặp, hẹn lại không. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn