Những bông hồng Văn Học Đàlạt xưa #1

 Có lần Chử Nhất Anh i-meo hỏi còn nhớ những bông hồng của trường Văn Học xưa hay không. Ngày nay, người ta gọi là hót-gơ (Hot girl) khiến mình miên man, kéo mình theo cánh buồm tuổi thơ trở lại dòng sông tuổi trẻ, thời mới lớn lên, yêu thầm trộm nhớ những mối tình đơn phương, tỏa nắng không bình phương trong không gian, dung dịch yêu thương, nhỏ bé của Đàlạt độ nào.

Như mình đã kể, khi qua trường việt thì bị cú sốc tâm lý. Mình nghe mấy tên học trường việt, viết chữ hán, đọc thơ của các thi sĩ Việt Nam, nghe phê không thể tả được. Mình học trường tây, họ dạy thi ca, nào là Jean Racine, Alfred de Musset,... trường phái lãng mạn như Lamartine vớ vẩn, chả hiểu gì cả. Không lẻ đi tán gái việt, lại xổ một tràn thơ của Lamartine như:

Ainsi, toujours poussés vers de nouveaux rivages,
Dans la nuit éternelle emportés sans retour,
Ne pourrons-nous jamais sur l'océan des âges
Jeter l'ancre un seul jour ?

Hay Apollinaire với bài cầu Mirrabeau

Sous le pont Mirabeau coule la Seine
           Et nos amours

Mình còn chưa cảm nhận được huống chi mấy cô học chương trình việt. Sau này qua Tây, lớn hơn một chút, đọc lại mấy bài này thì mới hiểu ý thơ của tác giả. Ngày xưa, ông tây giảng thì mình cứ đực ra vì dưới cầu Mirabeau, sông Seine chảy, có gì đâu đặc biệt. Ngày xưa, mình học dốt lắm, loại ngu lâu dốt bền. Chán Mớ Đời 

Mấy ông học trường tây khi xưa, thậm chí đi du học bên Tây như mấy ông Hoàng anh Tuấn, Nguyên Sa,...vẫn làm thơ, diễn đạt tâm tình của họ qua tiếng mẹ đẻ. Không thấy ông nào xổ tiếng Tây thành thơ cả. Chúng ta có thể cảm nhận được thi ca ngoại quốc nhưng chỉ thổn thức khi đọc hay nghe bằng tiếng mẹ đẻ.

Tình cờ thấy hoa Dã Quỳ trong vườn mình, mọc dại như Đàlạt xưa

Mình được hai tên Huỳnh Kim Sang và Ngô văn Thuỷ bồi dưỡng thi ca ái tình tiếng Việt nên rất hổ hởi, phấn khởi. Cuộc đời mình như bước sang một trang sử mới với những Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính,.... Mình tạm gác đá banh, tập võ qua một bên, để thời giờ học tập thi ca, tán gái từ hai tên này. Ra chơi chúng chỉ cô này tên gì, cô kia tên chi. Chiều chúng rũ mình đi chơi, ngắm nữ sinh mấy trường ra về. Chỉ có trường Bùi Thị Xuân là không dám. Mấy cô này đông nên có thể chận xe con trai.

Từ từ, mình được Huỳnh Kim Sang giúp phát hiện ra mấy cô đẹp trong trường. Mình nhớ có 3 cô, đều học dưới một lớp, lớp đệ tam. Phan Thị Bích Thuỷ, Hàng Thị Ngọc Hiền và Trần Thị Ánh Nguyệt. Cùng lớp mình thì có Vy Thị Thu Thuỷ và một chị khác tên Hiền thì phải. Chị này học ban C, 11 C, nhưng học chung sinh ngữ với mình nên tan trường, chị hay đi chung với mình, tới cầu Cẩm Đô. Cứ tan lớp thì thấy chị rà rà ở cửa rồi hỏi mình chi đó rồi đi xuống đường. 

Sau này, không thấy nữa, chắc qua trường Việt Anh hay về quê lấy chồng hoặc vô bưng. Chị ở xứ nào đến ở trọ học, nhà trọ đâu trên đường Hàm Nghi, cạnh nhà Trịnh Ngọc Dũng, từ Phan Rang lên học. Ban C thì có Mai Anh, Anh Đào.

Ngày nay, người ta dạy con nít lên năm phải học tập căm thù, dù không biết căm thù ai, dẫn chúng đi thăm viếng các tượng căm thù. Còn mình khi xưa, Huỳnh Kim Sang bảo mình phải học yêu dù chả biết yêu ai. Cứ yêu cái đã còn đối tượng sẽ từ từ phát hiện sau.

Mình kiếm được 3 đối tượng lớp 10, điều nghiên từ xa. Ra chơi mà thấy có tên nào đứng xớ rớ, hỏi chuyện 3 cô này là tim mình nhói đau, tâm hồn rướm máu. Sau ngày thằng Sang đi lính thì mình từ từ loại bỏ 2 đối tượng, chỉ còn lại một để định hướng con tim dại khờ của mình.

Tình cờ có cơ hội nói chuyện với Cái Bớt Một Thời, mình đã có kể rồi, từ từ tình yêu toả nắng rồi giấc mơ đi tây thành hiện thực nên tính đóng vai phim “Đôi Mắt Người Xưa” được quay tại Đàlạt. Mình có xem hồi nhỏ nhưng không nhớ rõ. Hình như có Thành Được đóng với Thanh Nga thì phải, kiểu chuyện ông nào đi du học bên tây, trở về gặp lại đôi mắt người yêu cũ chi đó. Xem thời trước khi bà Dì mình đi lấy chồng.

Mình vừa đi tây thì Việt Cộng vô, Cái Bớt Một Thời đi lấy chồng. 40 năm sau mới gặp lại Cái Bớt Người Xưa. Vẫn đẹp, lanh lợi như ngày nào. Có lẻ không theo Việt Cộng nên không te tua như đối tượng của Huỳnh Kim Sang. (còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn