Chuyện cuối tuần 042521

Như mọi sáng thứ 6, mình đi ăn sáng với ông Larry rồi lên vườn. Ông ta kêu; đợi tao rồi ra xe đưa cho mình một thùng thức ăn. Ông ta kể; thấy thiên hạ đợi để lãnh thức ăn của thành phố nên ông ta cũng bò vào. Họ hỏi nhà có mấy người, ông kêu 3 người, họ bê ra cho một thùng bánh croissant, thức ăn, trái cây, rau cải, thịt,... ông ta không thích rau cải và croissant nên đem lại cho mình. Mình lấy về cho bà Mễ dọn nhà cho mình từ 20 năm nay.

Ông Larry rên là có $800,000 trong ngân hàng, không biết làm gì với số tiền. Cứ đợi nhà xuống để chạy mua thêm. Lại đi lãnh thức ăn phát chẩn của quận. Mình thấy trong lần tặng thức ăn cho người nghèo ở hội Lions thì có nhiều người lái xe hạng sang như BMW, Mercedes đến lãnh. Kinh

Nghèo ở mỹ nghĩa là lợi tức dưới $27,000/ năm. Nhiều tiểu bang họ nghèo nhưng có nhà,...

Cuối tuần này, mình ghé thăm ông cậu, em bà cụ mình, ở khu Bôn-sa. Cậu là em út và trai độc nhất còn sống sau cuộc chiến chống Pháp. Khi ông ngoại, lính khố đỏ, cai tù ở Thừa Phủ, theo Việt Minh. Mệ ngoại gồng gánh đem mấy dì cậu đi thăm ông ngoại ở Nghệ An. Trong chuyến đi đó, có 2 người qua đời. Mình hay nghe mệ ngoại kể với bà Tước hàng xóm, chuyến hành trình của Thoại Khanh này. Mệ kể lại hoài như mẹ mình kể về thời gian học tập để xây dựng con người mới của xã hội chủ nghĩa.

 Ra đó, sống một thời gian, nghèo khổ, có mấy người cậu chết. Mệ ngoại đem người dì và cậu còn sống vô Huế lại, tính xin tiền người anh để làm vốn, rồi trở lại Nghệ An buôn bán. May quá, đình chiến, chia đôi đất nước, ông ngoại trở lại Huế và sống ẩn dật ở quê, nhà cửa ở Huế bị thiên hạ lấy hết. Sau này vô Đàlạt sống với gia đình mình rồi về Sàigòn sống với gia đình người dì cho đến khi qua đời. Ông cậu kêu may quá, mệ ngoại đem vào Huế lại, nếu không dám kẹt lại ngoài bắc sau 54 là khốn. Khi xưa, mình có quen một cô, có ông bố và ông nội, gốc Nghệ An, vượt tuyến sang Lào, được chính phủ Ngô tổng thống, đưa về Sàigòn, tuyên truyền. Nay mình vẫn hay nhận email của ông ta, viết về vua Trần Nhân Tông.

Ông cậu kể khi xưa, mạ mi thương cậu lắm. Một hôm, thấy bà nào ở trong Đàlạt, ra nói chi với mệ ngoại rồi dắt mạ mi 15 tuổi, đi luôn tới khi cậu cưới vợ, đi tuần trăng mật vào thăm mẹ mình sau 20 năm. Chị em xa nhau không một lời từ giả. Vào Đàlạt, đi giúp việc cho người bà con, tiền bạc, đều được trả thẳng cho mệ ngoại ở Huế để nuôi mấy dì và cậu ăn học.

Mệ ngoại mình muốn cho cậu đi học thợ may, ở nhà ông Tư, anh của mệ. Ông Tư vào Sàigòn làm nghề thợ may nổi tiếng, may áo dài cho Ngô tổng thống nên mỗi lần mình xem hình Ngô tổng thống là nhớ đến ông Tư, có tiệm may ở đường Thủ Khoa Huân, số 34 hay 36 gì đó. Mẹ mình không chịu, nói để cho cậu học tiếp, mẹ mình sẽ gửi tiền về nuôi cậu. Cậu đậu tú tài xong thì đi lính, làm về trinh sát, bay máy bay bà già để chỉ vị trí của địch cho phản lực cơ dội bom, hay pháo binh bắn, bị bắn hư một con mắt. Khi mình đi Tây, ông Tư đổi tiền đôla cho mình trước khi lên máy bay. Ông có nhà cho thuê ở đường Minh Mạng, tiệm giày Mỹ Hưng.

Viết tới đây, mình nhớ đến ông anh của hoạ sĩ Albrecht Durer , đã bỏ ước mơ mình để đi làm trong hầm mỏ, để nuôi  người em mình học vẽ, sau này trở thành một hoạ sĩ danh tiếng của thời Phục Hưng. Sau khi thành tài, ông Albrecht nói với ông anh là để em đi làm nuôi anh đi học vẽ nhưng khi thấy bàn tay chai đá của người anh sau bao nhiêu năm cuốc than dưới hầm, khiến ông ta khóc, vẽ bức hoạ mang tên nguyện cầu để đời.

Bàn tay cầu nguyện của Albrecht Durer, vẽ bàn tay chai đá của một người anh mong muốn trở thành hoạ sĩ.

Mẹ mình đi làm ô-sin để nuôi em ăn học. Sau này, lại nuôi 11 đứa con, ông bà ngoại rồi ông chồng 15 năm cải tạo.

Mình thấy ông cậu mình buồn. Mợ mình, hơn mình 10 tuổi nay đã trả nhớ về không. Trước đây, mình đến thăm hàng tháng thì mợ vui lắm, nói chuyện, hỏi thăm đủ trò. Nay đến thăm cậu mợ thì chỉ thấy mợ nằm trên giường, nhìn mình ngơ ngác. Thấy thương cảnh người về già. Trời hay! Cứ cho con người trả nhớ về không, để con cháu quen dần sự mất mát thân yêu để rồi một ngày nào đó ra đi vĩnh viễn.

Thứ 7 mình không vào vườn, đi chơi với vợ. Vợ mình hẹn với cô bạn Trưng Vương, ở gần Palo Verde, miền nam thành phố Los Angeles. Vợ chồng cô bạn dẫn đi dã ngoại ngoài biển, khu Pointe Vicente. Chỗ này quá đẹp. Mình thấy rất nhiều mấy bà gốc Tàu, ra đây ăn picnic trên bãi cỏ, có bàn, đồ nướng. Nghe nói người Tàu lúc đầu sang thì ở vùng San Gabriel, sau có tiền thì dọn về, mua nhà ở khu này.

Đầu ghềnh thấy ngọn Hải Đăng, trời buồn. Đây là đất tư như thành phố cấm không được phát triển, để hoang dại và cho phép nhân dân thăm viếng.

Trung tâm này là nơi người ta quan sát sự di chuyển của cá voi. Tháng 5 thì cá bơi lên phía bắc, và tháng mùa đông thì bơi ngược về miền nam. Vào trung tâm này xem thì khám phá ra kỹ nghệ săn cá voi, là động cơ chính giúp cho công cuộc kỹ nghệ hoá Hoa Kỳ, và tây tiến. Người Mỹ dùng dầu cá voi để làm đèn cầy, dầu đầu máy xe lửa, các động cơ,... cuộc săn cá voi đã khiến cá voi bị diệt chủng. Họ có cho thấy các hình ảnh cũ khi họ săn cá voi, lấy chất béo của cá,... 

Mình chỉ biếc là cuộc tây tiến Hoa Kỳ, đã sát hại gần hết các con bò rừng. Họ ước tính đến 50 triệu con bị sát hại trong chương trình chiếm đất của chính phủ Hoa Kỳ. Lý do là người da đỏ sống nhờ bò rừng, họ không có trồng trọt nên khi người Mỹ trắng tàn sát bò rừng thời Buffalo Bill, người da đỏ phải di chuyển theo đàn bò rừng về phía bắc, Gia Nã Đại. Không có bò rừng thì người da đỏ đói, chết.

Chỗ này, người Mỹ quan sát đàn cá voi di chuyển nam bắc trong năm. Chúng ta có thể mướn chỗ này để họp mặt, làm đám cưới, sinh nhật,..

Cô bạn kể là con gái cô ta mượn trung tâm này để làm đám cưới. Quá đẹp! Ngay biển. Mình xem giá thì đâu $5,600 cho 10 tiếng và ngày chủ nhật thì $3,600. Chỗ này chứa được 150 người. Ai muốn tổ chức hội họp thì mượn chỗ này là hết xẩy. Xem thêm tin tức thì mình thất kinh khi thấy tấm ảnh chụp đại gia đình gốc Nhật Bản, 136 người, khi xưa làm chủ khu đất này, trồng trọt. Trong thời gian đệ nhị thế chiến thì họ giam người gốc nhật, ra tù thì đất đai bị chiếm. Sống sót là may nên không dám đòi. Mỹ trắng chiếm xây sân golf, trung tâm nghỉ dưỡng, giàu xụ lên. Chán Mớ Đời 

Đèn bên đường, sử dụng năng lượng mặt trời

Mỗi lần chạy lên sân bay, cứ thấy đường Sepuvelda, nhưng không biết là ai, nay mới biết là đại điền chủ ở vùng này. Điểm hay là khu vực này là đất tư nhân nhưng thành phố bắt buộc cho người dân đi dã ngoại dọc bờ biển, nhất là cấm một khu vực gần biển không được xây dựng. Khác với Đàlạt, xây cất, khai thác một cách man rợ. Có anh nào trên mạng gửi cho mình tờ báo Việt Nam, cho biết Suối Vàng hết nước, người ta ngưng bơm điện ở Đơn Dương. Đàlạt sẽ thiếu nước uống. Có thì giờ mình sẽ kể vụ này.

https://www.msn.com/vi-vn/news/national/rốn-nước-đà-lạt-đang-chết/ar-BB1fZ3mm?li=BBr8RiP

Có ông mỹ, ngày nào cũng đem con rùa ra biển đi bộ, ông ta để xà-lách trên lưng để cho nó ăn. Con rùa to kinh.

Đi bộ dọc bờ biển, đi ngang trung tâm nghỉ dưỡng 5 sao Terranea, địa điểm cũ của Sea World . Chỗ này xa xa lộ, gây ùng tắt giao thông nên họ chuyển về San Diego, biến chỗ này thành trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp rất đẹp. Họ bị bắt buộc cho dân tình đi ngang khu nghỉ dưỡng, tham quan khu vực này. Rất đẹp. Có dịp mình trở lại đây để ăn cơm ở mấy tiệm ăn của khu nghỉ dưỡng này. Sinh nhật Mụ vợ sắp tới.

Trung tâm nghỉ dưỡng Terranea mà người dân thường, có thể vào đi dọc bờ biển

Sau khi đi bộ 4.5 dậm thì lên xe, anh chồng chở vào trung tâm đánh cù của ông Trump. Vùng này có vấn đề là đất hay bị nức, sạt lở, chạy xe dọc đường thấy mấy ống nước to đùng đều được trang bị, nối kết trên mặt đất. Khi trung tâm này mới khánh thành thì đất gần biển bị lở nên thành phố cấm hoạt động. Sau đó ông Trump mua với giá bèo, sửa chửa lại, nay hoạt động bình thường. Kiến trúc không đẹp lắm.

Cái nồi nấu mỡ cá voi với những cái vá, môi to đùng

Chạy ngang tiệm ăn peru, anh chồng chạy vào lấy đồ ăn đem về nhà ăn ngoài vườn. Ngon và vui. Sau đó thì chạy về nhà. Hai mẹ con dẫn nhau đi ăn cơm tàu ở đây, hai cha con ở nhà xem truyền hình.

Sáng nay mới 4:00 sáng, cô em mình gọi từ Việt Nam, để bà cụ nói chuyện. Nhìn mẹ sao thấy thương. Một đời hy sinh cho em út, rồi cho chồng cho con. Sau phải trả nợ cho mệ ngoại, cho chồng, nuôi con trong khi chồng học tập cải tạo 15 năm.  Nay mới hưởng chút ít gì hạnh phúc. Thôi ngưng đây, phải lên vườn làm Ông Đạo Bơ.

Sơn Đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng

Nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen

Nguyễn Hoàng Sơn