Những bông hồng Văn Học #8 “Con đường tình ta đi”

 Đi chơi ở Mễ Tây Cơ, thấy tan trường, có nhiều cặp học sinh, đi cạnh bên nhau trên vỉa hè, mặt mày vui vẻ sau mấy tiếng học trong lớp khiến mình lại nhớ đến một thời còn đi học trung học tại Đà Lạt, cũng vui vẻ khi đi đến trường hay tan trường, bên cạnh đối tượng một thời. Ghi lại đây để ghi nhớ một thời con tim bất chợt thổn thức như Mai Thanh nói một thời của “Les Amourettes.”

Qua Văn Học, mỗi sáng đi học, thay vì chạy xe máy tốn xăng, mình đi bộ từ nhà ở đường Hai BÀ Trưng, đến khu NỮ Công Gia Chánh thì có Huỳnh Kim Sang đứng đợi, với tên hàng xóm của hắn, Hoà Rổ, đào binh, hay đánh lộn dùm nhóm học sinh Việt Anh. Hai đứa đi chung đến trường, lâu lâu gặp Vũ Văn Tùng ở ngay Cẩm Đô, đứng đợi, đi chung. Sau mùa hè đỏ lửa, Việt Nam Cộng Hoà đôn quân, Sang đi Đồng Đế, mới gặp lại nhau sau 50 năm tại Houston.  Buồn Đời mình đi học với Phạm Anh Tuấn, nhà ở xóm ông Ba Tây, trên đường Thi Sách. Anh chàng này hình như khai trụt tuổi vì già dặn hơn mình. Nay làm thuế ở Cali, có nói chuyện nhưng hắn không muốn gặp lại nhau. Cứ để dĩ vãng trôi theo quá khứ một đời người.

Sáng, hắn đi ngang nhà mình rồi hai thằng đi bộ đến trường qua ngõ đường Thi Sách, băng qua Nhà Xác, hơi rợn tóc gáy nhưng đi chung với tên này nên cũng yên tâm. Mình nhớ sau Mậu Thân, em mình đau nên nằm trên bệnh viện nhi đồng. Tối mình lên ngủ với em thì đi ngang nhà xác, sợ thấu xương. Từ nhà xác, đi ngang nhà thờ nhỏ của mấy bà sơ, rồi quẹo đến đường Hải Thượng, chỗ ty Quan Thuế rồi xuống đường đến Hoàng Diệu. Con đường này rất đẹp vì có cây thông reo vi vu, không xình lầy, bụi bặm như đường Hai Bà Trưng. Nếu không vì Cái Bớt Một Thời, thì chắc mình sẽ không đi học theo đường Hai Bà Trưng.

Chơi với Phạm Anh Tuấn thì khám phá ra tên này nghiên cứu tử vi, xem tướng, bú xua la mua. Những thứ mà mình chưa bao giờ nghe đến. Hắn xổ toàn chữ Hán khiến mình đã ngu lại càng ngu bền vững. Mình phục đám học chương trình Việt quá xá. Mình học việt văn cứ lộn thơ đường luật chi đó với lục bát trong khi chúng thì nói về Nguyễn Bính, Huy Cận,… hắn thích ca sĩ Xuân Sơn hay Sơn Ca hát bản Trăng Sáng Vườn Chè, hắn cứ hát theo anh chưa thì đổ thì chưa động phòng. Hắn cứ ngập ngừng thì chưa thì chưa động phòng. Rồi cười ré lên như người bị động kinh. Được cái hắn cho mình hoa hồng về trồng ở nhà. Hắn kêu mình uống trà bỏ thêm rau thơm vào uống thấy thơm thơm. Hắn chỉ mình cách trồng cà chua và đậu hào lan. Một hôm có một cô gái xấu chạy vào sân xin mình đoá hoa, mình tính để dành tặng cho cô nào mình thích nên từ chối. Sáng hôm sau, ai ăn cắp mất tiêu. Cô nào khi xưa, ăn cắp hoa thì làm ơn báo cho em biết. Em hết căm thù rồi. Cô này nhà đâu trên đường Calmette. Rút kinh nghiệm từ đó, em không trồng hoa nữa, chỉ cà chua và đậu.

Sau này mình đọc bài thơ này được cải biên.

Đêm qua tác nước đầu đình, gặp thằng phải gió nó đè em ra. Em la mà nó chẳng tha, nó đem nó đút cái mã cha nó vào. Bây giờ em đã có bầu, như chim vào lồng như cá cắn câu. Mình đọc cho đồng chí gái khiến cô nàng vui lắm, hỏi tìm ở đâu. Mình có chế một chút.

Hắn giải thích về tướng số học, lấy vợ phải lấy ai có khuôn mặt ra sao, lông mày, mũi sóng dọc dừa, đít lồng bàn, lưng ong đủ trò. Hắn có đưa mình cuốn sách của ông Vũ Tài 6 về đọc, bồi dưỡng thêm về tử vi để xem tương lai mình sẽ đi về đâu nhưng tiếng Việt mình, dạo ấy chưa thông nên đọc được 1 trang là ngộ Thiên Không nên ngáp, trả lại hắn. Có lẻ vì vậy mình mới ế vô cực sau này. Chớ biết tử vi là cứ xem tử vi mấy cô, cô nào mình thích thì cứ bói là lấy chồng như mình là lấy vợ ngay như tên bạn học xưa, giải thích cho mình lý do hắn lấy vợ sớm.

Tên này khi xưa, bảo mình phải lấy vợ với tướng mệnh phụ như thế này, vượng phu như thế kia, ích tử như thế nọ. Nay nghe kể vợ hắn dữ như Chằn, không cho hắn liên lạc với bạn xưa Đàlạt. Có tên gốc Đàlạt quen, đến văn phòng hắn để khai thuế hàng năm, kể mụ vợ hắn cấm hắn nói chuyện với khách hàng. Hắn gửi mình số điện thoại của tên Tuấn này, đề “vợ khùng”. Kinh. Mình gọi hắn, nói chuyện được 2 phút thì vợ hắn nói bên cạnh, ngưng. Hắn nói sẽ gọi lại và từ 15 năm nay, chim vẫn chưa về núi Nhạn. Có nhiều tên quen khi xưa, mình có điện thoại nhưng mỗi lần hẹn uống cà phê là vị chi vào giờ chót kêu bạn.

Lên 12B thì tên này, di tản giáo dục qua trường Việt-Anh, theo bộ tam-sư, 3 ông thầy Viêm Bình Bào, nổi tiếng dạy luyện thi Tú tài. Hắn rủ mình đi theo nhưng mình quyết tử thủ ở Văn Học như tướng Lê Văn Hưng ở An Lộc, dù bị T-54 Việt Cộng san bằng bình địa như Stalingrad thêm thầy Chử Bá Anh cho mình học bổng. Ba vị giáo sư này nổi tiếng dạy luyện thi tú tài nên rất đông học sinh các trường Đàlạt, ghi tên học luyện thi ở Văn Học. Nói cho ngay là học sinh các trường khác như Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân đến học luyện thi Tú tài nên khi đậu là Văn Học hưởng tiếng lây. Đa số các học sinh của hai trường công học giỏi vì phải thi vào trường, ai rớt thì phải học trường tư. Xem như dân học trường tư là không được giỏi lắm.

Dạo ấy, con trai rớt tú tài là đi quân dịch nên ai cũng lo học để đậu. Xong đại học cũng phải đi lính cho nên HỌC là một cách hoãn dịch, dời ngày ra trận, cải số tử trận. Học ở trường rồi học luyện thi, học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm, đưa đến tình trạng giáo dục được định hướng kinh tế thị trường, tiên học phí hậu học văn. Đi đâu cũng thấy các biểu ngữ “lớp luyện thi, lấy lại căn bản,...” khiến thầy Tạ Tất Thắng có lần kêu, anh có căn bản đâu mà lấy lại căn bản. Phải gọi là dạy để có căn bản thay vì lấy lại căn bản.

Các trường giàu nhờ làm chứng chỉ giả, học bạ giả, luyện thi, đủ trò. Học sinh ghi tên vô ngồi như cá mòi, một lớp hơn 150 học sinh,... học sinh các trường Đàlạt, đổ xô về học các lớp luyện thi. Các chủ tịch khu phố, phường trưởng thì làm giàu nhờ ký giấy khai sinh giả, tên nào rớt thì chạy giấy tờ, khai trụt tuổi để học lại. Nhiều tên mới năm ngoái, gọi là Lê văn Hai, năm sau vào lớp thầy điểm danh, đọc tên Lê Văn Sáu, dạ có em. Hoá ra lấy giấy khai sinh của đứa em, đi học. Khi đi thi, có màn nộp tiền cho trường để được nộp học bạ giả,... kỳ trước về Đàlạt, gặp anh bạn học cũ, kể đủ thứ chuyện ngày xưa. Anh nào nhờ anh ta hỏi thầy nào để ký giấy tờ. Thầy nào ký chứng chỉ giả,… ngày nay thì con kinh hơn nữa, học chưa xong đệ nhất cấp, bay cái vù lên ngôi tiến sĩ. Chán Mớ Đời 

Nhìn lại mình thấy, lý do Việt Nam Cộng Hoà thua trận. Ngoài Bắc, Ông nội mình bắt ông chú mình đi bộ đội vì sợ trong làng đàm tiếu. Trên nguyên tắc, là con trai độc nhất (vì gia đình tưởng ông cụ mình, đã bị việt minh giết đêm hôm ấy), chú mình được miễn đi bộ đội nhưng ông nội vẫn bắt ông chú ra trận vì đã từng bị đấu tố. Ông chú lên đường, bỏ lại vợ con, vượt Trường Sơn thì bị B52 dập chết, được phong làm liệt sĩ.

Đó là ngoài bắc, còn trong nam thì thanh niên không được khuyến khích, tuyên truyền theo kiểu đường ra trận mùa này đẹp lắm. Ai nấy cũng sợ bỏ xác ngoài mặt trận như ông Miên Đức Thắng, hát đồng dao hoà bình rồi ngày nay chạy qua Đức quốc sống, hết ca mẹ ơi con sẽ về dù chân con này đã cụt. Mình có mấy bạn quen, rớt Tú tài, đi lính chết. Các gia đình khá giả thì chạy tiền lo giấy tờ giả cho con, nhà nghèo thì đi lính chết. Hồi đầu năm, mình có về Việt Nam, ghé viếng nghĩa trang của quân đội Việt Nam Cộng Hoà, ở Biên hoà, thấy đề trên mấy cái mồ, binh nhì, binh nhất chết vào tuổi 19, 20, thấy thương ghê.

Về tuyên truyền, miền nam dỡ hơn Việt Cộng. Ngay chính mình, cũng dọt đi Tây, không muốn tham gia cuộc chiến. Mình nhớ anh chàng hàng xóm tên Cường, cư xá Pasteur, hơn mình 1 tuổi, hồi nhỏ hay chơi với nhau. Sau này thấy anh chàng đi Võ Bị, được 1 năm thì tan hàng. Không biết nay ở đâu, về Đàlạt thì nhà hắn có người khác đến ở.

Mình không rõ lý do, đùng một cái 3 ông thầy này chạy qua trường Việt Anh. Khá nhiều học sinh Văn Học cũng di tản theo tam sư này. Mình có học lớp hè trước khi vào năm 11B tại trường Việt Anh với 3 ông thầy này. Có thể trường Việt Anh trả lương cao hơn. Có dịp mình sẽ hỏi mấy thầy này. 

Trường Việt-Anh, của gia đình Võ Đình Dung. Nếu mình không lầm là do con trai của ông ta thành lập, sau này cho thầy Lê Phỉ mướn. Mấy khu đất xung quanh ấy đều của ông bà Võ Đình Dung, thầu khoán, đã xây dựng nhà ga Đàlạt và dãy nhà xung quanh khu Hoà Bình. Người đã tặng đất để xây chùa Linh Sơn và Linh Quang.

Có ai tải hình thầy Lê Phỉ ngày nay. Thầy mới mất năm ngoái

Trường tuy rộng lớn nhưng ít học trò hơn Văn Học. Khi bộ Tam-sư di tản chiến thuật sang thì học sinh vào đông như quân Nguyên. Mình có học lớp Nhật-ngữ với ông thầy tu, tu nghiệp bên Nhật Bản về. Hình như tên Trang. Dạo ấy trong lớp nhật-ngữ, mình học chung với mấy ông thầy, hình như có ông Nghiêm Phú Phát nữa. Dạo ấy, có phong trào đi học nhật ngữ. Mình theo học vì Đào Văn Quý rủ, thêm có anh Vui, con bà Cháu bán mắm ở Ấp Ánh Sáng, đi du học bên Nhật Bản nên mình cũng thử để xem, sau này có đi du học được không. Con bà Thường, hàng xóm cũng đi du học bên Nhật Bản, sau về Sàigòn dạy Nhật ngữ.

Dạo đó, ông Nguyễn Cao Kỳ không cho đi du học tại Pháp vì thiên tả. Sinh viên qua đó là theo Việt Cộng nên chỉ cho đi Ý Đại Lợi, Đức quốc, Nhật Bản. Trường này, ban đêm thì có cho Hội Việt Mỹ mướn để dạy anh văn, mình có học vài lớp ở đây vì gần nhà.

Thằng Tuấn chạy qua Việt Anh, mình lại đi học ngõ đường Hai Bà Trưng. Đi đến góc Cẩm Đô thì Vũ Văn Tùng, phó trưởng lớp, đứng đợi mình ngay quán hớt tóc, rồi hai thằng đi chung, để nghe hắn báo cáo thông tin về Hàng Thị Ngọc Hiền, mối tình say nắng của hắn. Mình ngạc nhiên nhưng không hiểu tâm trạng của hắn, cứ gật đầu ừ ừ cho đến năm 1986, mình sang Hoa Kỳ chơi, được anh bạn học cũ, Chử Tam Anh giới thiệu một cô sinh viên đại học Boston, bị tiếng sét ái tình lần đầu. Về lại Anh Quốc, mình cứ như người đi trên mây. Đi đứng cứ cười cười đâu đâu như kẻ mất hồn mất vía.

Năm đó, mình được thầy CBA phong chức trưởng lớp, Vũ Văn Tùng làm phó nên hay gặp nhau để bàn vụ triển lãm của lớp. Hắn kêu Lê Việt Quốc, em Lê Việt Cường, nghe nói nay ở Vancouver, vẽ các bản triển lãm. Tên này có hoa tay, vẽ chữ Hippie dạo đó rất được ưa chuộng.

Sau vụ tổ chức văn nghệ “tiếng hát học trò”, đi picnic ở thác Datatanla, có dịp gần gũi các cô và đối tượng, xem như quen biết, bớt ngại ngùng khi đối diện các cô nhất là đối tượng của mình. Gặp nhau trên sân trường thì cười với nhau hay hỏi vớ vẩn vài câu ngu ngu không thể tả. Mình bắt đầu nói chuyện bớt khớp cơ với các cô trong lớp hay lớp khác. Gà nòi bắt đầu mọc cựa.


Con đường tình ta đi từ góc cầu Cẩm Đô, chỗ dãy nhà của gia đình Vy Nhật Tảo, ngã ba, đến trường đầy bùn lầy, đất đỏ, để lại cho mình rất nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi học trò. Nay về thì nhà cửa xây cất đầy, chỉ thấy toàn là khói xe. Cận cảnh là trường Việt Anh. Nghe kể Vy Nhật Tảo ngày nay là một nhạc sĩ nổi tiếng  tại Việt Nam. Mình có chơi với hắn hồi nhỏ đến khi nhà hắn xây dãy nhà to đùng lên thì hết đến nhà hắn. Nghe Phi Liên-Xô có gặp hắn tại Sàigòn, chụp hình cho mình xem mặt hắn. Mình có đọc bài báo kể về hắn, hắn nói nhờ biết đánh đàn mà sau 75, được đảng thâu dụng. Lần trước C về Đà Lạt, mình kêu xe Grab chở về 47 Hai Bà Trưng thì họ đậu lại ngay nhà Hạnh Ù, trước tường Thăng Long cũ khiến mình thất kinh. Hóa ra nay nhà mình họ đổi số lên mấy trăm. Kinh thật

Một hôm, đang đi tới góc Cẩm Đô và Hai Bà Trưng, không thấy Vũ Văn Tùng nhưng lại thấy Cái Bớt Một Thời đang từ cầu Cẩm Đô, băng qua đường Hai Bà Trưng. Tim mình thổn thức, đập bình bình như tiếng trống Tây Sơn. Ra đường gặp gái, đúng giờ Hoàng Đạo. Có tiếng nói nào đó, kêu mình đi nhanh lên để bắt kịp cô nàng, bất chấp sự nhát gái trời sinh của mình, 7:46. Cô nàng như ông sư khất thực, đi đếm từng bước, từng bước thầm, chân đi trong chánh niệm để làm nhiều tên say đắm, bức tóc bức tai như tên Paul Hào mà ngày nay, vẫn còn còm bú xua la mua, hít hà khi nghe mình kể về Cái Bớt Người Xưa.

Hôm trước, có mấy ông thần kêu mình kể về cái bớt một thời, giúp họ nhìn về một không gian, dung dịch khi xưa, lên chùa Linh Sơn, ngồi nhìn xuống nhà nàng. Mình viết theo đơn đặt hàng, khi nào có duyên gặp nhau thì nhớ mời em tô phở nhé.

Mình đi nhanh lên đến gần cô nàng chào một cái. Cô nàng, quay sang tỏ vẻ ngạc nhiên rồi chào lại với một nụ cười toả nắng, như ảnh quảng cáo kem đánh răng Perlon, ở bến xe đò Sàigòn-Đàlạt, tươi hơn hàm răng anh 7 chà da đen Hynos. Rồi 2 đứa cứ như thế đi chung đến trường. Hình như cô nàng hỏi nhiều hơn mình, mình thì chỉ trả lời nhát gừng vì xúc động, được đi bên cạnh người đẹp, thay vì lọt tọt theo sau như ông Phạm Thiên Thư, theo chân Hoàng thị Ngọ về. Hay anh bạn đi theo Nguyễn Thị Lượm khi xưa mà mình hẹn gặp ở nhau tại mộ Hàn Mặc Tử tỏng chuyến đi Quy Nhơn vừa qua.

Mình mang dép lại cố đi nhanh để bắt kịp cô nàng nên phụp, một cái coi dép bị đứt nên phải lê cái chân, từ Cẩm Đô đến trường bên người đẹp. Lại sợ cô nàng phát hiện ra cái chân đi cà khiển vì chiếc dép. Tới trường, thì đám con trai đứng ở quán bà Cai, ngó mình chưng hửng, sánh vai cùng người đẹp lên thang cấp. Mặt mình vênh vênh váo váo lên như bộ đội Uncle Lake vào Sàigòn, bước lên thang cấp mà sợ người đẹp khám phá cái dép bị đứt coi, lết lết cái chân.

Ông Nguyễn Nhược Pháp có làm bài thơ Đi Chùa Hương, kể cô gái đi trước không dám đi mau, sợ chàng trai đi sau chê:

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.

Mình leo lên mấy thang cấp, không dám đi mau, sợ đứt luôn coi dép kia, chớ chả sợ cô nàng chê hấp tấp không giàu. Lên hết thang cấp, đi vào sân trường, mấy tên học chung lớp nhìn cảnh tượng, kêu Á Đù. Vào lớp thì mấy tên xúm lại hỏi, thằng chửi thề, thằng hỏi bú xua la mua. Mình không nhớ gì cả. Chỉ biết hôm ấy hạnh phúc lắm, tràn trề, cười hề hề, lòng mình cứ lâng lâng như chiếc máy bay lên thẳng khi chúng chửi hay hỏi gì đó.

Dạo ấy, đường Hai Bà Trưng, được chính phủ Đức tài trợ làm lại hệ thống ống nước quá cũ mà dân cư lại đông sau Mậu Thân. Ông cụ mình có trách nhiệm cai quản công trường, đặt hệ thống ống nước mới ở Đàlạt. Nói như thời tây, ông cụ mình là Xu (surveillant), dân gian gọi là cai công trường.

Vấn đề là ty công quản nước, chỉ có một đội thợ làm. Họ phải lo bắt hệ thống nước vào nhà thị dân nữa. Dinh tỉnh trưởng, ở trên đồi cao nên nước lên không nổi, sau này ông cụ nghĩ cách làm château d’eau thuỷ đài nên bơm lên đó ban đêm, khi thị dân không xài, rồi cả nhà ông Đoàn có thể sử dụng cả tuần. Sau vụ đó, ông Đoàn khoái ông cụ, kêu ra ứng cử hội đồng thị xã, bảo đảm 100% thắng cử. Ông cụ mình kể; khi đi lo vụ bầu cử ở các phòng phiếu, xe nhà binh đến lấy thùng phiếu, đã có thùng khác để đổi rồi, đầy phiếu của ứng cử viên chính quyền. Chán Mớ Đời 

Đang làm đường Hai Bà Trưng thì thợ lại bỏ đó, chạy đi bắt ống nước vào nhà dân, họ lại được tiền boa của nhân dân hoan hô. Do đó công trình cứ để đó. Sau 75, ông cụ mình tá hỏa Tam tinh vì các ông thợ này toàn là nằm vùng.

Mùa mưa đến là xình lầy đất đỏ hay bụi đỏ như ông Phạm Thiên Thư kể. Khi đi bộ trên đường này, phải cẩn thận, nhất là mang dép, phải lấy mấy ngón chân ép sát đôi dép nếu không thì bùn đất đỏ bắn lên quần như ông Nguyễn Tất Nhiên, kể đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa. 

Cứ thế mỗi ngày đi học, mình canh đúng giờ để đi học. Cứ đến chỗ nhà thầy Thành Bắp Sú, là thấy cô nàng, từ cầu Cẩm Đô đang rẽ sang đường Hai Bà Trưng, ngó về phía tay phải xem chừng có thấy bóng dáng Sơn Đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng sơn đen. Khi thấy bóng dáng cô nàng thì mình làm tính; hai động tử đi trên đường Hai Bà Trưng, động tử Cái Bớt Người Xưa đi trước 100 mét, động tử Sơn Đen đi sau. Hỏi Sơn đen cần đi với vận tốc nào, để bùn không bắn quần, bắt kịp động tử Cái Bớt Người Xưa. Trong khi cô nàng làm ông sư khất thực, đi trong Chánh niệm từng bước chân, chậm chậm lại trên con đường lầy lội, xình đất đỏ, để đợi mình bắt kịp. 

Bài toán hai động tử thiếu 2 yếu tố: động tử Cái bớt Người Xưa, khi thấy Sơn Đen thì giảm tốc độ như ông sư đi khất thực, đếm từng bước ngắn trong chánh niệm, còn Sơn Đen thì gia tăng tốc độ mỗi bước trên con đường tình ta đi nên đáp số luôn luôn gặp nhau tại trường Thăng Long cũ. Và từ đó sánh vai đi đến trường. Nhiều khi hai đứa cùng đi khất thực nên đến trường là nghe chuông reo vào lớp. Cứ độ 7:45 là hai động tử gặp nhau, từ trường Thăng Long cũ đến trường độ 200 mét nhưng mất 15 phút bước đi trong chánh niệm. Kinh

Nếu mình đi đến Cẩm Đô, nhìn qua trái thấy bóng dáng cô nàng ở cầu Cẩm Đô thì đứng lại đợi, không cần phải làm tính hai động tử, rồi cùng nhau đi chậm chậm như ông sư khất thực, chậm chậm vì sợ bùn bắn lưa thưa. Mà đúng vì khi chánh niệm đi từng bước một thì bùn mới không bắn lên quần. Và cứ thế, mỗi ngày mình phải làm tính hai động tử hay cô nàng thấy mình xa xa thì chánh niệm các bước chân của người khất thực. Nhờ vậy mà mình được tiếng là giỏi toán khi xưa. Nếu mình không lầm, cô nàng hay bận áo dài trắng, chỉ đổi áo len, khi thì máu đỏ, khi màu turquoise, khi thì vàng xanh lẫn lộn. Mái tóc Stones.

41 năm sau mới gặp lại nhau tại Suối Vàng. Kinh

Một hôm trời mưa, nên mình lấy xe Honda chạy lên trường. Chạy giữa đường thì gặp cô nàng nên thắng lại, kêu lên mình chở đi cả ướt. Cô nàng lên yên ngồi rồi mình chạy, trong khi đó tên Nguyễn Mơ, học ban C, đi phía sau cô nàng, lại tưởng mình ngừng lại đón hắn nên hấp tấp chạy đến. Vào lớp hắn chửi mình trước cả đám. Mình bất chấp. Khi đã được chở người đẹp thì không gì sánh bằng. Hạnh phúc cực đỉnh.

Cứ thế, tan trường ra về, nếu thấy cô nàng phía trước thì mình lại làm tính hai động tử còn cô nàng thường đi với một cô bạn, còn mình thì hay đi với thằng Nguyên. Thằng Nguyên thì béo béo đi chậm nên mình phải dọt nhanh để tránh cảnh em tan trường về, anh theo nàng về của ông Phạm Thiên Thư. Mình chỉ muốn đi cùng dù có phải khất thực, bụng đói nhưng đi bên đối tượng là một vùng trời bình yên. Lâu lâu cô nàng nhìn mình cười toả sáng như mặt trời cách mạng. Kinh

Hôm trước, mình nói đồng chí gái có nụ cười toả nắng như mặt trời cách mạng khiến mụ vợ ngơ ngác, hỏi nụ cười cách mạng là răn. Mình nói chả biết nhưng nghe lạ lạ, khiến mụ kêu Chán Mớ Đời .

Một hôm, ra về, thấy cô nàng đứng ở cổng trường, đợi mình rồi nhắn là sau cơm trưa, ghé nhà cô nàng. Đúng giờ hẹn, mình chạy lại nhà cô nàng. Vừa đậu xe trước nhà thì thấy cô nàng mở cửa chạy ra khiến tim mình rộn ràng, tinh tú quay cuồng. Nụ cười hàm tiếu trên môi, chưa được kịp hé nụ thì mình thấy ông bố của cô nàng chạy theo lên mấy thang cấp, la hét cái gì không nhớ. Cô nàng nhảy lên yên mình rồi kêu chạy đi. Hình như ông bố làm công chức vì dãy nhà này là cư xá công chức.

Mình lật đật rú ga chạy nhưng lại lên dốc chùa Hàm Nghi nên rất chậm vì mới đề-pa trong khi ông bố chạy theo sau. Kinh. Từ đó mình sợ đến ngày nay, không dám đến nhà cô nàng nữa. Dạo ấy, ông Phạm Duy có làm bản nhạc nói về tâm sự người con trai thời loạn, lên đường vào quân ngủ, để lại con đường tình ta đi với bàn chân nhỏ bé. Con đường của mình đi học, đầy bùn xình nhưng sao quá đẹp của thời ấy, khi phát hiện ra Cái Bớt người Xưa.

Hết niên khoá, mình học thi tú tài. Đậu rồi xin du-học, biến khỏi Đàlạt, dung dịch không gian của thời thơ ngây để 41 năm sau, mới gặp lại cố nhân. Nhìn nhau lại rất vui, cô nàng vẫn đẹp như xưa, cuộc sống sung túc. Lâu lâu có liên lạc, cô nàng kể là đều lưu lại các bài mình viết. Mình không ngờ bài viết mình được Facebook nhắc lại, đã khiến hơn 600 người đọc trong một ngày. Kinh

Sau 46 năm, nhiều tên vẫn nức nở nghe nói về cô nàng. Có tên kêu: “vẫn còn đẹp bạn ơi”. Âu đó là một an ủi của đời người, mấy chục năm sau vẫn còn có người nhớ đến mình. Thêm lại có tên Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn tròn trắng, nhà sơn nghèo dang nắng Sơn đen, kể lại chuyện xưa.

Mình cảm ơn các bạn học cũ, các đối tượng một thời, Cái Bớt Người Xưa đã xem mình như một người bạn đặc biệt, đã cho mình 2 năm học 11 B và 12 B tuyệt vời, đầy ắp kỷ-niệm, của thời mơ mộng về tương lai, thầy Nguyên đã khuyến khích mình đi Tây, đã thay đổi cuộc đời mình. Nếu mình không sang trường Văn Học thì có lẻ cuộc đời mình có một kết cục khác.

Không gian ngày ấy đã cho mình nhiều khát vọng của tuổi thơ về cuộc đời, đã giúp mình như nhân vật Marius của nhà văn Marcel Pagnol, mơ được làm cánh buồm ra khơi, chu du khắp nơi để thỏa chí tang bồng mộng mơ của mình. Từ một cậu bé của thị xã nhỏ bé, mình đã trở thành mây lạc đàn tha phương, như con chim lạc đàn, lữ thứ khắp bốn phương trời, để rồi dừng lại khi phát hiện mối tình hữu nghị của đồng chí gái, một người vợ tuyệt vời.

Mình ngồi viết lại, không ngờ lại có nhiều kỷ niệm tuổi thơ dù chỉ học có 2 năm ở trường Văn Học, hơn 10 năm học trường Tây. (còn tiếp)

Sơn Đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng

Nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen

Nguyễn Hoàng Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét