Những bông Hồng Văn Học #7 “chuyện tình buồn”

Dạo mới sang Văn Học, vào lớp thì có màn cả đám hát “Ngọ tan trường về, trường tan Ngọ về,...” khiến mình ngơ ngác như bò đội nón. Sau mới hiểu là họ chọc một cô học chung tên Lê Thị Ngọ. Cô này đỏ mặt nhưng sung sướng vì được đám con trai chấm toạ độ. Ngô Văn Thuỷ giải thích có ông nào tên Phạm Thiên Thư, mê một cô học chung trường tên Hoàng Thị Ngọ, làm bài thơ được ông Phạm Duy phổ nhạc và ca sỹ Thái Thanh hát “Ngày xưa Hoàng thị”. Do đó đám con trai chọc cô nàng tên Ngọ chớ không phải Hot girl.

Mình nghe giải thích thấy phê quá nên về nhà, cố gắng nghe nhạc đài Sàigòn, 2 tuần liên tiếp để được nghe bài này. Dạo ấy không có YouTube nên nhạc nhiếc gì phải đợi radio. Đài phát thanh Đàlạt có màn nhạc yêu cầu, để giới trẻ viết thư, yêu cầu để tặng ai đó. Văn Học có tên học chung lớp mình, cứ tuần nào cũng viết thư, yêu cầu nhạc để tặng các bạn của lớp Văn Học. Mình nghe phát ngôn viên đọc đến lời yêu cầu của hắn thì cảm thấy ấm lòng. Có thể hắn tặng cô nào nhưng không dám nói rõ nhưng mình được tặng ké nên cũng vui. Tên này, ngày nay hát karaoke rất chiến đấu nên mình gọi hắn là Ca sĩ ngân hàng.

Trước khi sang Văn Học thì mình nghe toàn nhạc của đài quân đôi như:

Bình Long quê hương tôi, nằm trên máu lửa buồn

Bình Long thân yêu ơi, Bình Long ai chết thảm thương

Thương rất nhiều đồng bào vô tội ngã gục

Và nợ máu trả bằng máu đày xác giặc đầy đường

Bình Long quê hương tôi, mồ chôn xác giặc ngông cuồng,... 

hay khi Thuỷ Quân Lục Chiến chiếm lại Quảng Trị thì cứ nghe

Cờ bay cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu,... những bài hát của Mùa Hè Đỏ Lửa. Dạo ấy, mỗi sáng mình nghe phóng viên Nguyễn Tiến tường trình từ Bình Long, An Lộc rồi đến lính đánh qua Thạch Hãn. Sau này đọc những gì ông Võ Nguyên Giáp viết về Quảng Trị và Huế thì mới hiểu ông ta nướng quân ra sao. Đảng ra chỉ thị phải lấy lại Quảng Trị nên mỗi đêm xuồng của bộ đội bơi qua sông bị lính Việt Nam Cộng Hoà giết khơi khơi trên 100 người. Kinh

Sau này, đọc tài liệu của Việt Cộng, mới biết miền nam kêu đã chiếm lại Quảng Trị nhưng thật ra chỉ có một phần, còn phần kia thì Việt Cộng chiếm đóng đến 1975 luôn.

Đài phát thanh Đàlạt dạo ấy, mỗi tối thứ 5 là có chương trình Nhân Dân Tự Vệ. Nhạc mở đầu của chương trình là:

Giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh. Vận nước ta gặp hồi gian nguy

Anh em ta ơi cùng nhau kết đoàn chống giặc không gì hay hơn

Nhân dân tự vệ  nhân dân tự vệ cầm súng cầm dao gậy gộc xuống đường...

Nói chung đầu óc mình còn thơ ngây, chưa biết gái gú, yêu đương là gì đến khi sang Văn Học, gặp lại thằng Sang và quen Ngô Văn Thuỷ. Chúng biến đầu óc ngây ngô của mình thành tên dại gái đến giờ. Kinh

Trường Văn Học Đàlạt , nơi mình có nhiều kỷ-niệm một thời biết yêu và một thời để mỉm cười . Không biết bao nhiêu cuộc tình chớm nở tại đây và thành tựu? Mình biết hai cặp lấy nhau. Đây là cầu thang lên trường, tụ điểm của học sinh nam nữ gặp nhau. Nếu gặp đối tượng mình thì nói to hơn hay cười khúc khích lớn hơn như đám gà trong chuồng.

Mình được chúng bồi dưỡng một thể loại nhạc khác, êm diệu hơn, đượm mùi thơ thiếc nên cuộc đời mình bước sang một trang sử mới, cần phải học tập, bồi dưỡng thẩm âm mấy loại thể nhạc “cải cách” này thay vì cải lương. Thời tây, loại nhạc Việt, ảnh hưởng của nhạc tây phương được gọi là nhạc cải cách (musique rénovée ) hay Nôm-na là Nhạc tây điệu ta.

Hồi bé, mình mê cải lương lắm. Mỗi lần có gánh cải lương từ Sàigòn lên hát tại rạp Ngọc Hiệp, bà dì mình hay chị người làm đi xem là kéo mình đi theo để tối về khỏi sợ ma nên ghiền cải lương từ đó.

Nói đến cải lương khiến mình nhớ đến bà Hai hàng xóm. Bà này người nam nên hay mở đài phát thanh Sàigòn mỗi ngày để nghe truyền thanh cải lương. Một hôm, có gánh hát Hương Mùa Thu lên diễn ở rạp Ngọc Hiệp. Dạo ấy, gánh hát mướn chiếc xe Lam, rồi gắn cái loa, mấy bản panneau hình ảnh đoàn hát, kép và đào, rồi chạy khắp Đàlạt để rao và thảy truyền đơn chương trình hôm đó. 

Con nít như mình chạy theo để lượm, té học gạch trên đường. Bà Hai kêu mình chạy xuống đường xem họ hát tuồng gì rồi về báo cáo. Thường xe bắt đầu ở rạp Ngọc Hiệp, bên đường Phan Đình Phùng là ở khi nhà mình đã nghe oang oang rồi nên con nít chạy xuống đường, đứng đợi. Mình chạy xuống đứng đợi xe chạy từ Số 4 xuống. Khi thấy xe lam chạy qua thì ráng đánh vần tuồng cải lương rồi chạy theo xe lam đến xóm Địa Dư rồi về báo cáo cho bà Hai. Mình hãnh diện như đã thành công một cuộc hành quân đặc biệt, hồ hởi kêu họ hát tuồng “Hai lan thu hen” khiến bà Hai ngọng, mặt như bò đội nón. Con Thuý, hàng xóm kêu đồ ngu, lanh chanh báo cáo là họ hát tuồng “Hai Lần Thu Hẹn”. 

Hoá ra mình học trường Tây nên đọc tiếng Việt không có dấu, bị gái trường việt chửi đồ ngu. Nghe kể mình nói tiếng Việt dạo ấy như mấy đứa con mình ngày nay ở Hoa Kỳ, chớt chớt. Mình đã là việt kiều từ bé. Chán Mớ Đời 

Nói là học trường Tây nhưng mình không biết gì về nhạc tây, hit parade cả, chỉ nghe “tình anh bán chiếu” của Út Trà Ôn là phê. Cứ nghe ông ta lên xuống một câu sướng mê tơi, lạnh xương sống, rùng mình như ngày nay giới trẻ chơi thuốc lắc. Ông ta khóc thương cô gái năm xưa, đặt chiếu ở chốn loan phòng, rồi bỏ kinh ngã 7, theo chồng về Bạc Liêu. Mỗi lần về Việt Nam, cứ định đi viếng kinh Ngã 7 này mà chưa có dịp. Hy vọng năm nay về ăn Tết với bà cụ lần đầu tiên sau 47 năm, sẽ có dịp đi viếng nơi “tình anh bán Bơ”.

Chiều chiều là nghe cải lương trên đài phát thanh Sàigòn từ nhà bà hàng xóm, Tuyệt Tình Ca,... Mình biết nhiều tên diễn viên cải lương hơn là ca sĩ tân nhạc. Dạo ấy, chỉ biết ca sỹ Duy Khánh vì dì mình hay nghe “chiều nay có phải anh ra miền trung,,.”. Dạo ấy, Dì mình cũng bỏ HUế ra đi nên tâm tình vẫn nhớ về quê hương như mình vẫn đau đáu về Đàlạt. Có bài hát mà mỗi lần mình cất giọng lên là bị đồng chí gái chửi “quê em nghèo lắm ai ơi, mùa đồng thiếu áo, hạ thời thiếu ăn, trời hành cơn lụt mỗi năm, cứt nổi lềnh bềnh chảy đầy sông Hương

Ngày nay, lái xe mình cũng hay mở cải lương nghe, vẫn thấy phê như xưa khi nghe Út Trà Ôn làm vài câu vọng cổ. Chỉ khi nào lái xe với vợ thì mới nghe mụ vợ hát Suối Tóc Văn Phụng, bú xua la mua.

Vợ mình gốc Các Mệ nên mình hay gọi là Mụ Vợ, khiến nhiều người kêu mình mất quan điểm lập trường cách mạng của người chồng nhân dân. Mệ thường để gọi mấy ông thuộc dòng hoàng tộc, như vua Bảo Đại, trước khi lên ngôi, thường được gọi là Mệ Vững. Người Huế hay kêu “Mụ Vợ”, từ để chỉ bà vợ, xin nhắc lại Bà vợ rất cung kính,  “Mụ vợ tôi” là người vợ của tôi, có nơi hay gọi “Nhà Tôi” như ông cụ mình. Chồng thường gọi vợ là “Mụ mi” như dân mình nam gọi “Mình ơi”. Có lẻ khi mình viết có người thấy phản cảm vì sau này người ta dùng “Mụ” để chửi nhau.

Thật ra, “danh xưng Mệ có từ đời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khóat (1738-1765) vì Võ Vương sinh nhiều con trai nhưng khó nuôi, chết sớm, nên dùng cách gọi con gái để ma quỷ khỏi làm hại. Người xưa tin rằng con nít sinh ra, nhất là con trai, nếu xinh xắn mà lại mang tên hay, tên đẹp thì dễ làm cho ma quỷ chú ý, ham thích, mà bắt đi. Vì vậy, phải chê xấu, phải dùng tên xấu để gọi ở nhà, còn tên chính thức chỉ dùng khi trưởng thành. Từ đó trở thành nề nếp, hễ con vua cháu chúa, trai, gái gì cũng gọi là Mệ hết. Ban đầu thì người ta dùng chữ Mệ để gọi con của các ông hoàng bà chúa, và dùng chữ Mụ để gọi con của các Mệ, nhưng về sau thì dễ dãi, muốn gọi Mụ hay Mệ đều được cả.” 

Mẹ của đồng chí gái thuộc dòng Tôn Thất nên mình gọi cô nàng là Mụ. Mấy bác không hiểu nên cứ kêu em mất quan điểm lập trường cách mạng, bị thế lực thù địch bôi bác, làm nhơ danh của một người chồng nhân dân thời A còng. Chỉ có người gốc Huế chạy mới hiểu.

Có lần, trong lớp, ngồi đợi thầy vào, có tên Phụng, nhà đâu ở Cầu Đất lên Đàlạt học, đứng dậy hát bản “Tôi Muốn”, nghe phê. Tuần đó, đài phát thanh Đàlạt có phát thanh bài này vào buổi trưa, mình nghe Elvis Phương hát. Mình khoái nhất là đoạn “tôi muốn thấy tình yêu ban đầu” phê không thể tả. Không hiểu sao, ông nhạc sĩ nào lại cảm nhận được tâm tình và nói lên hoài vọng của mình vào dạo ấy.

Ở xóm dưới đường Hai Bà Trưng, đối diện nhà ông Ngọc, cạnh nhà ông Sâm, có thằng H, nhỏ hơn mình 1 tuổi. Khi xưa hay bắn bi với nhau. Sau này nó học Trần Hưng Đạo, nghe nói đánh lộn, vác cây súng rouleau của bố nó làm cảnh sát, lên trường bắn tên nào, bị đuổi nên qua Văn Học. Qua đây, thì hắn bị tiếng sét ái tình với cô em gái của một tên học chung với mình khi xưa ở Yersin. Mình thấy tên H này sao giỏi quá, khi xưa bắn bi thua mình xiểng niềng mà nay lại biết tán gái, oai ra phết, nói chuyện với cô nàng trước khi vào lớp hay trong giờ ra chơi trong khi mình thì chỉ biết nhìn trộm đối tượng. Nếu lỡ đối tượng bắt gặp ánh mắt cuồng si dại khờ của mình thì vội quay đi như kẻ ăn vụng bị bắt gặp, nhát chém hư vô. Chán Mớ Đời

Hình lấy trên trang nhà Văn Học Đàlạt , chụp khi đi cắm trại. Có vài người mình biết. Có cô Lê Thị Ngọ mà con trai hay hát Ngọ tan trường về,... 3 cô trong ảnh mình biết đều đã qua đời. kinh. Có 3 tên khác quen thì chỉ gặp lại một tên tại Hoa Kỳ.

 Ai ngờ một hôm nghe thiên hạ kể nó chết vì tình. Bố mẹ cô nàng không nhất trí về mối tình hữu nghị của hắn và cô nàng, cạo đầu cô nàng để không dám ra khỏi nhà, rồi đưa ra Quy Nhơn. 43 năm sau, cô này gọi điện thoại mình, mới được nghe thêm tình tiết vụ này. Cô ta vẫn còn bị ảnh hưởng tâm lý về vụ này. Tên này chới với khi không biết tìm động hoa vàng ở đâu nên lấy súng của bố tự xử luôn. Cô ta bị gia đình đưa ra Quy Nhơn nên không biết người tình đã qua đời đến sau này qua mỹ mới được tin từ bạn bè. Hôm trước, mình cos cho số điện thoại của người bạn học rất thân với cô ta, khiến hai người vui lắm vì xa nhau từ trên 50 năm, được nói chuyện lại qua điện thoại.

Với thời gian thì mới hiểu vấn đề này vì người anh, học chung với mình khi xưa, ăn cơm trước kẻng nên phải cưới vợ sớm. Nay đến phiên cô nàng cả gia đình lo, cách ly hai người, đưa cô nàng ra Quy Nhơn. Cô nàng sau 43 năm, lập gia đình, không có con, vẫn nhớ đến tên hàng xóm mình, kể mỗi khi đến chơi nhà hắn, nghe tiếng mình vào nhà là trốn vì sợ mình mách lại bố mẹ cô nàng. Cô nàng nói như vậy thì mình cứ để cô ta tin như vậy vì mình không có thân với tên này. Hồi nhỏ có vào nhà hắn chơi ở dưới suối, bắn bi nhưng lớn lên thì không. Có gặp hắn ở Văn Học thì có chào hỏi vớ vẩn. Cô ta nhầm với ai tên Sơn nhưng mình không muốn cãi. Đồng chí gái dạy mình là không bao giờ cãi với đàn bà.

Dạo ấy, mình thích “tôi muốn thấy tình yêu ban đầu” nhưng qua vụ tên hàng xóm khi xưa, là ớn lạnh. Vi rút tình yêu như trái phá con tim mù loà mà ông nhạc sĩ nào rêu rong nên không dám yêu sống chết. Được thể, ông bà cụ kêu lo học đi, yêu đương chết như thằng hàng xóm. Mình lại được thầy Nguyên khuyến khích đi du học nên định hướng Paris có gì lại không em?

Dạo ấy, xóm mình cũng có một vụ ăn cơm trước kẻng khác, bố mẹ lo đám cưới như chạy tang. Cô dâu mới ngày nào còn lên nhà mình với bà mẹ, bổng nhiên đi lấy chồng dù chưa học xong đệ tam. Gia đình chị ấy lại kêu đám cưới cô chị khiến tên hàng xóm mình, trồng cây si cô chị rụng rời chân tay, mặt xanh như đít nhái. Hắn thất tình đến khi ngày nhà em pháo nổ, tâm hồn hắn rướm máu. Hắn cứ qua nhà mình, kêu mở cái máy TEAC để nghe bản nhạc Cô Láng Giềng của Hoàng Quý.

Dạo ấy lại có bản nhạc được phổ từ thơ của ông thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên. Hình như “chuyện tình buồn”

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mải
Đời chia như nhánh sông
Phong thư tình ngây dại
Và vai môi rất mềm
Những hẹn hò quấn quít
Trên lối xưa thiên đàng
Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn
Ngày nhà em pháo nổ
Tâm hồn anh nhuốm máu
Ôi nhát chém hư vô
Ôi nhát chém hư vô

Mình thấy hắn đau khổ lại càng thất kinh, hết dám đụng đến yêu đương ái tình. Hoá ra cô em đi lấy chồng mà thiên hạ lại tưởng cô chị. Tên hàng xóm mừng như chết đi sống lại, tự hứa sẽ học để đậu tú tài như để cảm ơn trời Phật đã không cho người hắn yêu thầm trộm nhớ đi lấy chồng. Kinh

Đậu tú tài xong thì mình có nghị định của Việt Nam Cộng Hoà cho đi du học. 48 tiếng đồng hồ sau khi có sổ thông hành, chiếu khán của toà đại sứ, mình bay về Sàigòn với ông cụ rồi vài ngày sau lên máy bay, về vùng trời vô định, đời mình bước sang một trang sử mới, đến gần 2 thập kỷ mới trở về Đàlạt. Hơn 4 thập kỷ sau mới gặp lại đối tượng một thời. Kinh  (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn