Cô tôi

 Hôm qua, cô em mình ở Việt Nam, nhắn tin, báo cô Tân đã mất. Hai cô em mình sẽ thay mặt gia đình, bay ra Hà Nội đi đám. Cô Tân là cô út trong gia đình. Xem như thế hệ của ông cụ mình đã ra đi hết. Lần cuối mình gặp cô, cô bệnh già, cũng có tính tình gia truyền.

Mình đến thăm, thấy cô đang nằm rên hừ hừ, kêu đau lắm nhưng khi mình lì xì cho cô thì bổng nhiên cô ngồi dậy, người thấy khoẻ hẳn ra, kể về người con nuôi, năm Ất Dậu, gia đình chết hết, ông bà nội đem về nuôi rồi đến khi Cải Cách Ruộng Đất, từ trung nông, ông bà nội được thăng chức, đội lên cấp Phú nông và người con nuôi đấu tố kiểu đấu lưng, không dám đấu trước mặt mà đứng sau lưng, để đấu tố theo chỉ thị của đảng và nhà nước. Người nào mà gian ác thì đấu tố trước mặt, còn người mà thương người bị đấu thì đứng phía sau để đấu cho cán bộ xem.


Ông cụ mình có cái bệnh trầm kha của gia đình. Khi mình về Đàlạt, hỏi ông cụ có khỏe không, ông cụ kêu mệt lắm, già rồi. Mình hỏi đi ăn phở nhé thì ông cụ đứng dậy, đi phăng phăng lên dốc trước mình. Làm bát phở xong là nói chuyện rao rao. Em út mình ở Đàlạt cũng thế, bị cái DNA này nên khi hỏi thăm là các cô than chợ đò ế ẩm lắm anh ơi như thể sợ mình mượn tiền. Hỏi mấy người khác thì lại nghe làm ăn khá lắm. Khi gặp em mình mà nghe họ than là mình mừng vì đang hát quan họ Quảng Ninh.

Ông cụ mình có 3 người em, 2 trai 1 gái và người chị đầu. Mình chỉ gặp mặt được hai người con gái của ông bà nội còn 2 chú đã chết từ lâu. Một ông thì bị Tây bắn chết khi đi học về trên đường làng còn một ông thì bị bom B52 dập chết trên đường mòn Uncle Lake, khi vào nam giải phóng ông cụ mình khỏi ách nô lệ của mỹ-ngụy. Đồng đội của chú thì tống ông cụ mình vào trại cải-tạo 15 năm, nhằm giải phóng tư tưởng chạy theo mỹ ngụy. 

Ông cụ mình về thăm quê, bị du kích, rình và vây nhà để giết như nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang kể trong bản nhạc Người Anh Vĩnh Bình. May là trốn thoát được, nếu bố mình mà theo du kích thì cuộc đời mình chắc cũng như mấy người em của mình ở quê, dù mấy ông chú họ đều là đảng viên. Chán Mớ Đời . Mình thì không thích mấy ông chú họ lắm vì họ quen tuyên truyền nên cứ gặp mình là xổ ra toàn là những gì đâu nhưng vẫn phải gật đầu.

Mình gặp cô Tân và cô Bặm lần đầu khi về quê lần đầu tiên. Lần nào về quê mình đều ghé thăm cô. Cô trông giống bà nội trong ảnh nên khi gặp cô, mình cố tìm chút gì hình ảnh của nội vì không bao giờ gặp mặt. Mình biết mặt ôn mệ ngoại nhưng ông bà nội thì không, vì khi mình về Việt Nam lần đầu tiên thì ông bà đã mất.

Nhớ lần đầu tiên về quê, mình đi xe máy từ Hà Nội về quê, nhờ em họ của đồng chí gái đưa về. Đồng chí gái có người cậu ruột đi kháng chiến làm sĩ quan tuỳ viên cho Võ đại tướng. Sau 1975, vào nam thăm nhà, kêu gọi con cháu đi được thì vượt biển hết. May nhờ ông cậu theo Việt Cộng mấy chục năm báo tin nên đại gia đình đồng chí gái đều ở ngoại quốc hết.

Vào làng hỏi đường, mình thấy một cái quán bé tí ti độ 1 mét dài 2 mét, có một cô con gái, nên hỏi đường. Cô bé bổng nhiên la to lên, mẹ ơi anh Sơn anh Sơn khiến mình như bò đội nón. Cả dòng họ bỏ việc cầy cấy, chạy lại thăm mình. Hoá ra, khi mình làm đám cưới có gửi vi-đeo về cho nhà thì ông bà cụ mình có ra quê đem cho họ hàng xem nên cả họ đều biết mặt mình. Chán Mớ Đời 

Chồng cô mất sớm trong thời chiến tranh, cô ở vậy nuôi con. Cô có 3 con; 2 trai một gái. Người con trai tên Tiến đi cửu vạn ở bên Lào thì phải. Có cô vợ người Thanh Hoá, ở nhà săn sóc cô. Mới gặp cô em dâu thì lúc đầu mình chưa quen giọng Thanh Hoá nên rất khó hiểu nhưng cô nàng kể chuyện thì thấy thương người Việt mình chân quê.

Mình đoán là người em của mình đi cửu vạn ở vùng Thanh Hoá rồi phát hiện ra mối tình hữu nghị Thanh Hoá và Sơn Tây nên đăng ký quản lý đời em, đem về quê săn sóc mẹ chồng, còn anh ta thì tiếp tục cuộc đời làm Cửu vạn, mỗi năm về thăm một lần.

Đi làm Cửu vạn ở đâu, anh ta đem về một cô khác. Cô vợ Thanh Hoá, cầm kéo đâm cho một nhát kiểu nhân vật Loan trong “Đoạn Tuyệt”. Công an nhốt tù vài ngày rồi thả, kêu sợ chưa dạ sợ thì ký vào đây. Cô nàng kêu không biết đọc khiến mình giật mình. Mình chỉ tưởng thế hệ của mệ ngoại mình và mẹ mình là mù chữ, không ngờ 45 năm sau ngày Việt Cộng thống nhất đất nước vẫn còn nạn mù chữ.

Hỏi cô em gái, con của cô mà mình vẫn liên lạc để biết tin tức về quê. Khi nào có giỗ hay ai chết thì cô em đều báo cáo cho mình. Cô em này kể học xong cấp 2 thì nhà không có tiền đóng học phí nên ngưng học, ở nhà đi làm Cửu vạn như anh mình. Nay có chồng có con, mới gả chồng một cô con gái. Lâu lâu cứ thấy đi cấy lúa thấy thương cho thân phận dân quê, sau 45 năm vẫn chưa thay đổi, ngoại trừ có điện nước về thôn.

Sống tại miền bắc, bố mẹ là trung nông, bị đấu tố thì lý lịch không khá, bị nhiều ảnh hưởng nhất là ở quê. Cô mình chắc không được đi học. Mình cũng không gặp cô được lâu khi về quê. Phải quay lại Hà Nội để nghỉ vì ngại ở quê, không an ninh. Chỉ có lần mình nghe lời cô em, ngủ lại nhà ông bà một đêm. May quá đêm đó có trăng nên đẹp, mới thấm thía trăng ở miền quê ra sao.

Đang mơ màng ngủ thì nghe tiếng oang oang, “trần văn nhật, sinh 1930, đã chết,...” mình ngơ ngác như bò đội nón, chạy ra sân thì khám phá ra cái loa của xã đang rêu rao danh sách những người của xã đã chết tại Điện Biên Phủ, 60 năm về trước. Kinh. Hết dám ngủ lại làng, tối sau, qua nhà cô em ngủ, xa cái loa vì nghe nói ai cóp tiền thì cho họ tiền để họ xoay cái loa hướng khác.

Người cộng sản chỉ tự ru ngủ về quá khứ của họ, không có viễn kiến về tương lai dân tộc. Tân Gia Ba đang lo làm sao 50 năm tới, họ sẽ không bị bỏ rơi lại sau thế giới. Việt Nam chỉ lo cho tiền còm các gia đình liệt sĩ. Chán Mớ Đời 

Mấy hôm nay, tối mình đều tụng kinh cầu siêu cho cô thoát được kiếp người. Chồng chết sớm nhưng vẫn không chấp nối, như đa số phụ nữ ở làng mình biết như vợ của chú mình, chết trận ở miền nam, ở vậy nuôi con đến ngày ra đi.

Nguyễn Hoàng Sơn