Ai-phôn tui-phôn

 Facebook nhắc đến bài mình viết mấy năm về trước về điện thoại di động khiến mình chợt nhận ra chúng ta bị lệ thuộc vào của điện thoại di động. Ra đường là phải có nó nếu không là mệt, như người trong sa mạc, không biết cầu cứu ai.  Không có nó là đời mất vui, như con người thiếu nước trong sa-mạc. Nói một cách yếm thế hơn là nô-lệ cho cái điện thoại. Có thể trong tương lai, chúng ta sẽ không còn sử dụng điện thoại di động, thay vào đó là một cái chip siêu nhỏ được cài đặt trong người.

Vào quán ăn, mình thấy cảnh quen thuộc cả gia đình, mạnh ai nấy cầm cái điện thoại trong khi chờ đợi, thậm chí khi ăn họ cũng dán mắt vào cái điện thoại. Như bài hát thủa nào “chúng ta yêu nhau tuy xa mà gần, tuy gần nhưng cách xa...” sự liên hệ của con người qua điện thoại di động. Khi xưa, khi cần gọi mấy đứa con trong phòng xuống ăn cơm thì dùng interphone nay thì phải nhắn tin qua điện thoại.

Cho thấy con người liên lạc với nhau rất nhiều nhưng qua nhắn tin. Dần dần cuộc sống sẽ mất đi khoảng cách, không gian và thời gian. Sẽ không có ngày, có đêm, cuộc sống càng nhanh chóng, fast lane cho vận tốc siêu thanh, đúng hơn là vận tốc của chip điện tử. Chúng ta chỉ sống qua cái điện thoại, không có nó là không có cuộc sống.


Khi xưa, vào quán phở thấy ông chồng cần tờ báo biếu quảng cáo, nhặt ở chợ, hay báo trong tiệm phở để cập nhập tin tức thay vì nhìn mặt mụ vợ đang theo thể loại mùa thu đến, mất đi cái nụ cười thanh xuân khi mới quen nhau.

Người ta cho rằng, chúng ta mê hay nghiện điện thoại vì sự chán chường của cuộc sống. Do đó con người hay mở điện thoại di động để xem có gì mới lạ, kích thích cuộc sống của họ hay không. Mở Facebook để xem có bạn nào mới đăng tấm ảnh nào hay có ai xem ảnh mình mới xeo-phì tô mì gà mới ăn. Thậm chí có người cứ lấy hình chụp món ăn của ai rồi tải lên mạng, như thể mình mới làm, đẻ câu Like. Thậm chí lấy hình ảnh của ai đó rồi xoá tên người đăng, bỏ tên mình vào như thể mình vừa làm tô mì. Tạo dáng xeo-phì.

Khi khám phá ra có điều gì lạ, nhấn like hay có nhiều like về tấm ảnh của mình, chúng ta nhận được cảm giác thích thú và từ từ chúng ta đâm nghiện những khoảnh khắc tạo dopamine ấy.

Trong xã hội đông đúc đến hơn 7 tỷ người mà người ta tính đến năm 2050, dân số thế giới sẽ lên đến 9 tỷ người. Chúng ta không là cái gì cả. Chúng ta chán chường vì không được ai biết đến, vô danh nên cố tạo ra sự duyên dáng, dùng photoshop để vượt qua số phận. Cái mặt như cái bánh bao nhưng chúng ta vẫn làm dáng làm duyên để đạt triệu LIKE. Kinh

Đang viết đến đây thì mụ vợ đi ngang kêu chán chường quá. Mình kêu chán thì lên vườn sẽ hết. Mụ vợ kêu nghe ôn nói làm tui càng chán hơn nữa.

Khi xưa, chúng ta ở trong một cái làng nhỏ nên chúng ta phải thoả hiệp hay lắng nghe sự đối thoại với người hàng xóm hay bạn bè. Ngược lại, ngày nay chúng ta có bạn bè trên mạng, có cùng chí hướng, yêu thích về một vấn đề nào đó. Chúng ta chỉ làm quen với những người có cùng chính kiến, sở thích,..nên chúng ta không cần phải đối thoại, lắng nghe những ý kiến khác biệt. Dần dần chúng ta nghĩ chúng ta đúng vì những người bạn trên mạng đều đồng ý, nhất trí với mình. Chúng ta không màng đến sự thoả hiệp, thương lượng hay lắng nghe người đối thoại, đưa đến tình trạng cực đoan.

Chúng ta chứng kiến những sự việc, thay vì làm cái gì đó thì lại móc điện thoại ra quay. Các cảnh học sinh đánh nhau, không đi báo thầy cô hay hiệu trưởng, cứ quay vô-tư để tải lên mạng được triệu Like. Dần dần cuộc sống của chúng ta bị điều kiện hoá bởi cái điện thoại cầm tay. Nhiều khi ngồi ăn với vợ con. Mụ vợ và con gái cứ kêu khoan, không cho ăn vì phải để họ chụp hình câu Like, khiến mình nổi điên. Cấm không được đem điện thoại vào bàn. 

Vợ chồng con cái gặp nhau một lần sau 1 ngày làm việc, cần có thời gian, không gian để trao đổi, bồi dưỡng sự liên hệ, tình cảm với nhau. Nay cứ lấy cái điện thoại làm chính.

Trong vụ bầu cử vừa qua, đã nói lên sự ảnh hưởng của mạng xã hội về con người chúng ta. Vợ chồng cãi nhau, bạn bè không thèm nhìn mặt nhau, vì bất đồng chính kiến với mình. Chúng ta cứ rêu rao tự do ngôn luận nhưng không để cho người bất đồng chính kiến bầy tỏ quan điểm của họ. Không khác những chế độ độc tài của Việt Cộng, Trung Cộng hay quân phiệt.

Các nhà tâm lý học khuyến cáo về tình trạng lệ thuộc vào điện thoại thông minh. Họ cho rằng tỷ lệ bệnh trầm cảm và tự tử gia tăng. Trẻ em bị bạn bè chửi bới chi đó trên mạng là tự tử. Người lớn chắc cũng vậy, ai đó mắng mình thì cảm thấy nhục nhã rồi tự vận.

Chúng ta cứ tìm kiến những cảm giác thích thú dopamine nên cứ xét điện thoại hoài làm mất hết sự chú ý vào công việc học hành nên tình trạng ADD gia tăng rất nhiều. Sự việc này sẽ cản trở năng suất làm việc của chúng ta. Nhất là học sinh về việc học hành.

Về sức khoẻ thì mỗi ngày mất 8-10 tiếng trên điện thoại sẽ làm chúng ta bất bình thường, cũng như chơi game điện tử,.. các hoạt động này đưa đến đau cổ, đau lưng,...


Quan trọng nhất là mất ngủ. Đồng chí gái có vấn đề khó ngủ, cứ lướt mạng trước khi đi ngủ nhưng không bao giờ nghe lời chồng. Mình thì tập xong, ngồi thiền một tí rồi ngủ tới sáng. Khỏe ru.

Điện thoại bên thoại bên Úc Đại Lợi đều phải ghi cho người tiêu dùng biết là các làn sóng từ trường,  phóng xạ “có thể” làm họ bị ung thư. 1/2 ong ở Hoa Kỳ chết vì các cột điện phát sóng tưng tự 1/3 chim ở Hoa Kỳ cũng chết hay biến đi đâu nhưng các công ty điện thoại không cần phải cảnh báo cho khách tiêu dùng. Mình phải mua cái đò bọc điện thoại để tránh bớt phóng xạ. Chán Mớ Đời 

Mình cài hệ thống là không nhận điện thoại sau 7 giờ tối. Chuyện quan trọng của thiên hạ chưa chắc là chuyện quan trọng của mình. Làm nghề cho thuê nhà, mình quen rồi. Cái gì hơi lộn xộn là họ gọi mình dù 12 giờ đêm nên không bao giờ bắt máy. Sáng ra gọi họ lại thì mọi việc đã yên ổn.

Dạo này mình tìm cách bớt lên mạng, bớt tò mò, xem có ai đọc bài của mình. Sáng ra, tải một bài lên rồi chiều xét lại. Xong om

Mình xoá khá nhiều mấy cái App có chức năng mà mình ít khi dùng. Thêm nữa, dạo này là mùa Bơ nên phải lên vườn, hái bơ cho thiên hạ đến lấy. Lên xe, mình cũng không mở các chương trình hội thoại hay radio thì thấy đầu óc thoải mái hơn, không cố gắng tìm hiểu môn này, môn nọ.

Có lẻ làm vườn, thiên nhiên đã giúp mình trở lại bình thường?

Khi nào cảm thấy trống vắng thì mình tập thở. Khi tập thở thì đầu óc bổng nhiên an vui. Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn