Những bông hồng Văn Học #5 “khoẻ vì nước”

 Sau mùa hè đỏ lửa, thằng Sang và vài tên sinh 1955 trong lớp bị đôn quân, lớp 11B mất đi độ chục tên. Lúc đó mình mới hiểu lý do mấy tên khai trục tuổi đều rút tuổi xuống 3 đến năm tuổi. Mình về gặp lại mấy tên học chung khi xưa, chúng chào mình rồi xưng tên khác khiến mình như bò đội nón. Hỏi ra thì mới biết lấy giấy khai sinh của em đi học. Không khí lớp học mất vui được vài ngày thì có một nữ sinh từ Song-Pha vào học. Đám con trai lại nhao nháo lên vì cô nàng khá xinh, tên Khúc thị Xuân Dung, con cháu Khúc Thừa Dụ, nói giọng bắc. Vì dân Song-Pha nên mình gọi “người đẹp Song Pha” khi nói chuyện với đám con trai trong lớp để khỏi nhầm lẫn với mấy cô có cùng tên khác trong trường. 

Ai ngờ sau này về, vẫn nghe nhóm học chung gọi cô nàng là Người đẹp Song Pha. Mình có gặp lại cô nàng ở Sàigòn với nhóm học chung khi xưa. Cô nàng không nhớ mình như bao nhiêu người khác. Thật ra, dạo ấy có nhiều đám con trai hay chọc ghẹo hay nói chuyện với mấy cô nên sau này ra đời, sinh sống tại Đàlạt nên họ thân nhau đến ngày nay. Mình nhớ người đẹp Song Pha hay ngồi hát trong lớp với đám bắc kỳ trong ấp Du Sinh nên về Sàigòn gặp lại thì có tên Bùi Mạnh Hùng ở ấp Du Sinh ngày xưa. Ngày nào hắn với tên bạn, cũng kể về đi gác nhân dân tự vệ.

Cô này khiến thằng Tài bị ăn đòn của lính 302. Có thằng Châu mê người đẹp Song Pha, nổi điên khi phát hiện một tên trồng cây-si khác trong lớp cũng chấm toạ độ KHúc thị nên hai thằng choảng nhau. Tên Tài, muốn làm anh hùng Lương Sơn Bạc nhảy ra can nên thằng Châu, nếu mình không lầm có học với mình ở Petit lycée, nhà ở đường HÙng Vương, gần đến đường Huyền Trân Công Chúa, có cái hẻm bên tay trái, kêu lính 302 đến khệnh ông thần Tài nhà ta. Từ đó anh chàng cứ đeo theo súng và lựu đạn để phòng thân.

Một hôm, thầy Nguyên, làm chủ nhiệm của lớp 11B, kêu phải bầu trưởng lớp. Thầy ghi tên mình lên bảng và hỏi ai khác muốn ứng cử. Có một cô tên Hường, hàng xóm ở Thi Sách (đã qua đời) và một tên nào khác ghi tên ứng cử. Bà con bầu bán ra sao thì hai người về đầu, được bầu lại và cuối cùng mình được đắc cử chức trưởng lớp. Kinh

Làm trưởng lớp chán như con gián vì mất thì giờ. Thầy Chử Bá Anh kêu có đại hội thể thao học sinh liên trường. Cứ hai năm thì Đàlạt tổ chức đại hội thể thao liên trường. Có năm đá banh, Văn Học thắng giải thì đám học sinh Trần Hưng Đạo, kéo đến trường, bạo động, kêu Văn Học ăn gian. 

Theo thứ tự, người cầm bảng tên trường, cầm cờ, rồi đến các cô ách ê một hai đàng trước bước theo sau là đám con trai. (Hình lấy từ trang nhà của Văn Học Đàlạt )

Dạo ấy mình chưa sang Văn Học, chỉ nghe kể. Năm đó cô Vi Khuê mới mở trường trung học ở Chi Lăng, đường Phan Chu Trinh, tên Văn Khoa. Học trò Văn Học, ở khu vực đó, có thể đổi về đó học, để khỏi phải đi xa. Có hai ông thượng, to cao lắm, đá banh giỏi của trường Văn Học, đổi về học Văn Khoa. Năm đó, thi đấu thì chỉ có trường Văn Học ghi tên lại có thêm cầu thủ là học sinh Văn Khoa. Mình nhớ có xem trận đấu đó. 

Trước khi ra sân, trường Trần Hưng Đạo nhìn tướng hai ông thượng to cao, nên ớn, kêu xuất trình thẻ học sinh. Hai ông thượng có thẻ học sinh Văn Khoa nên trọng tài không cho vào sân. Thầy Chử Bá ANh chạy đi đâu thì một lát sau trở lại với hai thẻ học sinh Văn Học. Thế là hai ông thượng được vào đá và Văn Học đoạt chức vô địch. Trường Trần Hưng Đạo thường là vô địch mỗi năm, nay bị thua nên tức, hôm sau rủ nhau đến trường Văn Học phá thối, quăn lựu đạn khói, khiến học sinh bỏ chạy có cờ. Chán Mớ Đời 

Về an ninh cứu hoả, thường người ta thiết kế một đường thoát lửa. Trường Văn Học theo mình nhớ thì chỉ có chỗ đi vào là cổng trường còn phía sau thì không có cửa thoát cháy. Nghĩ lại thì lở có lửa cháy ở ngay cổng trường là mệt, không biết chạy đâu.

Theo Tùng Trương thì có cửa phía sau “ Học sinh đi học bằng xe gắn máy thì đi ngõ sau ( phía Hải Thượng ) có chỗ để xe và phía sau này có chỗ để tè như bạn nói .

Cô Bích Thủy nhà ở đường Phan Đình Phùng , cô ấy đẹp .” 

Có hai người tên Bích Thuỷ, được xem là hoa khôi Văn Học, niên khoá 69-70 tên Phạm thị Bích Thuỷ (hai bà trưng) và niên khoá 74-75 là Phan thị Bích Thuỷ (ngã ba chùa). Còn những Bích Thủy khác thì em không biết.

Em kể chuyện đời xưa, bác này thấy sai thì cứ cho em biết để ghi lại thêm. Cảm ơn trước.

Đại hội thể thao liên trường thì có màn xếp hàng đi diễn hành. Thế là mình trưởng lớp phải ghi tên vào đội diễn hành. Cái khổ là họ hay để những tên nào cao đi đầu, mà mình thuộc dạng cao nên được xếp đi hàng đầu. Mình rất vụng vệ, không theo nhịp được. Cứ nghe còi huýt rét rét. Một hai một hai đàng trước bước là đi chân trước chân dài đàng trước bước. Bị thầy CBA la hoài, muốn bỏ cuộc. 

Cứ ngày thứ năm nào cũng phải mất 2 tiếng học, sau 10 giờ là phải lên đường Hải Thượng, nơi ty quan thuế để tập dợt. Ngày cuối thì có xe nhà binh chở ra đường Trần Hưng Đạo để tập dợt. Mình có cố gắng nhưng chịu vẫn đi không theo nhịp. Mình khám phá không thuộc dạng hoà nhập với thiên hạ, cứ làm khác thiên hạ. Cả đời đều làm ngược đời. Tên bạn học Chử Tam Anh, hắn kêu mình lạ, người Việt mình ra hải ngoại, theo học toàn kỹ sư và bác sĩ trong khi mình thì học kiến trúc, nay làm nông dân. Thương đồng chí gái, lấy chồng kiến trúc sư, nay người ta gọi bà nông dân.

Ngoài ra, còn có vụ thi hát ca đoàn, trường Văn Học thành lập ca đoàn gồm ban A, C, B. Mình phải tham gia ca đoàn nên chiều lại, phải bò đến trường để tập hát với ông thầy Ẩn với cái đàn accordeon. Như đã kể, mình không có khiếu về văn nghệ, hát hò nên cứ cất tiếng lên là ông thầy kêu sai rồi, và cấm mình không được hát. Cứ nhép nhép miệng là được rồi. Có một tên gây nhiều ấn tượng với mình là Tuấn, học dưới một lớp nhưng hát rất hay. Hình như bà con chi đó với tiệm may Hoàng Nho.

Đại hội thể thao liên trường thường được khởi đầu bằng buổi khai mạc, có cuộc diễn hành các trường tư và công tại Đàlạt. Các trường đứng xếp hàng trước sân vận động theo thứ tự ABC, trên đại lộ Thống Nhất. Khởi đầu trước cổng vào sân vận động, kéo dài đến tiệm ăn Đào Nguyên. Văn Học đứng áp chót, trước trường Việt Anh. Xem hình 

Hình này do ông Bill Robie, chụp khi tham chiến tại Đàlạt. 

Học sinh đi diễn hành, bị bắt đứng ngay cổng vào sân vận động, nối đuôi nhau đến tiệm ăn Đào Nguyên. Cảnh sát không cho chạy xe vào khu này nên dạo ấy bỏ xe ở nhà đi bộ ra đây. Các môn thể thao thì được thi đấu tại Thao Trường như võ thuật, còn bóng rổ thì tại trường Tân Sanh, các trường Lasan...Đá banh thì tại sân vận động, chạy bộ thì sân vận động,..

Thao trường được xây dựng thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà, sau 75, Việt Cộng phá tan.

Thầy CBA mượn áo veston trắng của ty thanh niên, kêu mấy tên nam sinh như mình ráng kiếm quần đen, vào áo sơ-mi trắng. Lúc bận vào đi diễn hành, thiên hạ ở hai bên đường kêu sao giống bồi Chic Shanghai. Sean Connery bận đồ smoking, tuxedo trắng trông sang trọng, mình cốt nông dân làm vườn bận vào được nâng cấp lên hàng bồi tiệm ăn Chic Shanghai. Chán Mớ Đời 

Sân vận động, khán đài bên trái, bên phải là cổng vô. Đoàn diễn hành đi vào từ cổng, quẹo phải, đi ngang khán đài danh dự, chào một cái, rồi tiếp tục đến cồng rồi rẽ vô sân vận động, đứng theo chỗ do ban tổ chức chỉ định

Các cô thì bận áo dài màu vàng, màu của đoàn văn nghệ Tiên Rồng do ông Nghiêm Phú Phi đảm trách. Nếu mình không lầm, năm ấy, đối tượng của mình, cầm bảng tên trường đi đầu. Hình như ai đẹp nhất trường, được cầm bảng. Mình có gặp một chị tên Bích Thuỷ tại họp mặt Văn Học ở San Jose. Nhà chị đâu ở gần trường Đa Nghĩa. Chị định cư tại Đức quốc có bay sang dự, rất đẹp. Chị ta cầm bảng trường hai năm trước đó.

Hôm ấy trời lạnh mà họ cứ bắt học sinh đứng ngoài trời, không có áo len. Cuối cùng thì đại tá tỉnh trưởng Tuyên Đức và quan khách đến. Học sinh mới được ách ê đi vào sân vận động trong tiếng nhạc kèn đồng Khoẻ Vì Nước bánh ướt tôm khô, chè đậu đen năm cắc mười tô, đi ngang khán đài danh dự rồi, về chỗ mình đứng trên sân vận động để nghe lời huấn từ của mấy quan nhớn. Chả ai nghe, lạnh run, mấy tên nháo nhác, nhìn kiếm đối tượng của mình.

Hình này chụp, chú thích là ngày lễ quốc khánh  nhưng mình nghĩ là đại hội thể thao vì phía sau nhóm học sinh trường Adran, có một nhóm bận quần Short , áo maillot . Khúc này sắp đến khán đài danh dự.Hình của trường Lasan Adran trong ngày khai mạc, diễn hành tại sân vận động. Bộ đồ vét, cà-ra-vắc. Mình có mấy tấm ảnh của trường Yersin nhưng không biết để đâu. Chưa lục lại được. Sau khi đi qua khán đài danh dự, có đội kèn đồng thổi tò te, các đội diễn hành được cho về đứng trên sân, nghe diễn văn Khoẻ Vì Nước.

Sau lễ khai mạc thì các môn thi đấu bắt đầu. Mình nhớ có thằng Trung thì phải, quen hồi nhỏ, sau này lớn lên nó đâm thích chạy bộ, tập với anh Liêm, ở cư xá Địa Dư, anh của anh Xuân, đá banh. Ngày nào cũng thấy nó chạy bộ vòng quanh bờ hồ. Hình như năm đó nó là vô địch chạy bộ. Tên này hay rủ mình chạy bộ với hắn nhưng lười vì đang cố tâm học môn ái-tình-học, ngắm gái-học.

Xe nhà binh chở cả đám ca đoàn Văn Học lên trường Bùi Thị Xuân để hát thi. Mình được ông thầy dạy nhạc, kêu không được hát, chỉ hát nhép nhép như ca sĩ lên sân khấu ngày nay. Mình đứng phía sau nên không ai thấy, cứ ngáp ngáp như cá sắp chết. Kết quả: ca đoàn Văn Học về áp chót. Nếu ông thầy dạy nhạc không ganh tị với giọng ca tê-no của mình, cho mình hát thì chắc trường sẽ về chót. Chán Mớ Đời 

Chử Nhị Anh, người đã thực hiện cuốn “Mực Tím Sơn Đen”, gồm 100 bài mình viết về Đàlạt khi xưa, bên tây, bên Mỹ,....

Đá banh thì Trần Hưng Đạo vô địch năm đó còn mấy môn khác thì mình không nhớ. Nói chung thì qua vụ đại hội thể thao thì mình giác ngộ cách mạng là không có khiếu về âm nhạc, đi duyệt binh nên bỏ mộng đời binh nghiệp. Thầy Nguyên kêu ráng đi du học nên bắt đầu học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm. Hết dám làm học sinh tiên tiến, xung phong tham gia mấy sinh hoạt của trường.(còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn