Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà


Mình không rành chính trị, chỉ nhận thấy chính phủ Obama sắp sửa bán vũ khí cho Việt Nam nên gần đây nhận được rất nhiều điện thư, video,.. nói về Việt Nam, nhất là giai đoạn Sàigòn đầu hàng vô điều kiện vào cuối tháng tư năm 1975. Không biết chính phủ Obama đang giải độc công chúng Mỹ về chiến tanh Việt Nam, trước khi bán súng ống cho kẻ thù cũ hay chỉ là một chuyện tình cờ.

 

Tuần vừa rồi, mình và đồng chí gái đi xem suất tối, cuốn phim tài liệu về những ngày cuối cùng tại Việt Nam (last days in Vietnam) do đài truyền hình PBS thực hiện, đạo diễn là Rory Kennedy, con gái của bộ trưởng Robert Kennedy, em trai của JFK, bị ám sát khi tranh cử tổng thống. Một điểm lạ là bố và bác của bà Kennedy là những người chính thức can thiệp vào chiến tranh Việt Nam rồi đến phiên người con làm cuốn phim kết thúc cuộc chiến mà đến ngày nay vết thương để lại sau cuộc chiến vẫn chưa được nguôi ngơi giữa hai dân tộc. Có một điểm tương đồng là hai anh em nhà họ Kennedy và hai anh em nhà họ Ngô đều cầm quyền vào dạo đó rồi cả 4 đều là người công giáo, bị thảm sát.

 

Hình như rạp chiếu bóng biết hai vợ chồng mình đi xem nên họ không bán vé cho ai hết nên tụi này coi phim chỉ có mình với ta tuy hai là một. Trong tuần nên ít ai coi xi nê, xa khu người Việt, nhất là phim tài liệu về đề tài mà người Mỹ rất muốn quên nhưng vì ngày chót chiếu ở rạp gần nhà nên phải đi. Gần khu người Việt thì sẽ chiếu đến cuối tuần.

 

Như mình đã từng nói, mình chỉ có nhận thức được chiến tranh Việt Nam trong cuộc tổng công kích Mậu Thân còn ngoài ra mình như một kẻ ngoại cuộc, đứng bên lề nhìn cuộc chiến xảy ra. Đậu tú tài xong thì đi du học. Ngày Sàigòn thất thủ, mình không biết, đến khi ông tài xế taxi nói thì mới biết. Vợ mình thì kinh qua những hệ lụy của chiến cuộc, những bắn phá của du kích tại Hội An, lang thang chợ trời để tìm cách sống sót trong thời cộng sản chiếm, rồi vượt biển cho nên hai vợ chồng kinh qua lịch sử cận đại Việt Nam hơi khác nhau.

 

Vợ mình thì đã trải qua cuộc bể dâu của thời bao cấp nên không muốn nghe hay nói đến Việt Nam, chỉ muốn chôn nó vào quá khứ, không muốn trở lại Việt Nam dù để thăm viếng bà con. Trong khi mình thì còn gia đình tại Việt Nam nên vẫn đau đáu, ngóng nghĩ về nơi chôn nhau cắt rún. Gia đình bên vợ thì vượt biển và nay đã đoàn tụ hết bên Mỹ nên đồng chí gái nhất quyết không về Việt Nam đến một hôm nhận được cú điện thoại từ Việt Nam, một người bạn học khi xưa ở Hội An, tiếp theo những điện thư của những người bạn khác, mất tăm tích từ 75 mới đổi ý.

 

Thật ra mọi người Việt đều làm chứng nhân trong cuộc chiến nhưng khác nhau từ góc độ, không gian và thời gian. Đồng chí gái nói lần đầu tiên xem được những hình ảnh của những ngày tháng cuối cùng của VNCH. Dạo đó, cô nàng mới 15 tuổi cho nên cũng không biết nhiều, gia đình mới từ Hội An, dọn về ở Sàigòn được 1 năm thì mất nước. Mình có một tên bạn hàng xóm, gia đình dọn về Sàigòn năm 73, bị VC pháo kích chết ngoài đường phố Sàigòn khi đi xem cuộc di tản.

 

Trên diễn đàn Yersin, có vài người đã coi cuốn phim kể trên và ghi lại cảm tưởng của họ trong thời gian đó, người thì hiểu thêm về Việt Nam. Có người chỉ muốn quên, chôn những hình ảnh đau thương ấy vào quá khứ. Có người cám ơn lòng tốt của nhân dân Hoa Kỳ, đã cưu mang gia đình họ trong thời gian đầu rời khỏi Việt Nam. Bài học đầu tiên khi xa Việt Nam là học đứng xếp hàng, đợi đến phiên mình để lấy thức ăn, khác với chen lấn, xô đẫy như ở Việt Nam.

 

 Mình có cô bạn học cũ, kể khi đi di tản thì cả nhà chia làm 2 để đi ; cô ta và bà mẹ, chị em gái đến Mỹ còn ông bố và anh em trai đi riêng thì mất tích luôn. Vợ mình có cô bạn học ở Trưng Vương kể; ông bố làm nhà ngoại giao từ Úc đưa gia đình về Sàigòn ở tạm trong khi ông bố được chính phủ VNCH bổ nhiệm đi Pháp nên đi trước, chuẩn bị đón mấy mẹ con sang Tây.

 

Lúc di tản, bà mẹ đem mấy đứa con ra phi trường thì chỉ còn 2 chỗ trên máy bay nên quyết định cho người anh đi với bà, còn để hai cô con gái ở lại với bà vú, sẽ tìm cách đưa đi sau. Hai chị em ở lại, không rành tiếng Việt vì ở ngoại quốc lâu năm. Sau 30/4/ 75, bà vú bỏ trốn về quê với tiền bạc của bà mẹ để lại. Hai chị em ra chợ trời buôn bán đến mấy năm sau mới được đi Pháp vì có sổ thông hành của Pháp. Ngày nay, cô ta vẫn còn căm bà mẹ đã bỏ rơi lại để đưa người con trai đi, nhất là ông anh ngày nay là chuyên gia nghiện sì ke, ăn bám mấy chị em.


Nhân vật trong cuốn phim gây ấn tượng nhất cho mình là ông Richard Armitage, thuộc lực lượng đặc biệt của hải quân Hoa Kỳ, được bộ quốc phòng Mỹ gửi đến Việt Nam 6 ngày trước khi Saigon đầu hàng. Chỉ huy trưởng của chiến hạm Kirk kể rằng; ông ta nhận chỉ thị của tư lệnh Hải quân là phải tuân theo chỉ thị của ông Armitage khi trực thăng chở ông ta đáp xuống chiến hạm. 

 

Trong mấy ngày cuối cùng ở Việt Nam ông ta đã "ra lệnh" cho một sĩ quan hải quân VNCH (Kiem Do)  giúp ông ta đưa các chiến thuyền của VNCH ra bến tàu Bạch Đằng để di tản hoặc phá hủy thì khám phá mấy con tàu được điều động  với 30,000 người dân di tản và ông đã lấy quyền chỉ huy trên chiến hạm Kirk, để tiếp tế lương thực và kéo hết các Tàu chiến VNCH, chở người di tản vào quân cảng Subic, Phi Luật Tân. Vị sĩ quan VNCH kể; ông ta đã làm việc hơn khả năng của mình vì các vị chỉ huy của ông ta đã ôm gói bỏ chạy. Mình đoán là bộ quốc phòng Hoa Kỳ đã cho các toán lực lượng đặc biệt về không quân và thiết giáp..., sang Việt Nam để tìm cách phá hủy máy bay, xe tăng, súng ống.... nhưng không nghe nói đến.

 

Ông Armitage, sau làm cố vấn cho tổng thống Bush và làm thứ trưởng ngoại giao cho ông tướng Collin Powell, có tạo nên một xì căn đan lớn khiến ông Scooter Libbi phải đi tù vì không khai ra tên người đã nêu tên bà Valerie Palme, vợ của đại sứ Mỹ tại Nigeria là nhân viên của CIA để kiếm cớ đổ bộ vào Iraq, để lật đổ Sadam Hussein. Ông ta nói thông thạo tiếng Việt. Có người nói ông ta có chân trong chiến dịch Phụng Hoàng.

 

Cuối cùng có cảnh các thuyền chở người Việt di tản sang Phi Luật Tân nhưng không được vào lãnh thổ của xứ này vì chính phủ Marcos, mới công nhận chính quyền mới ở Việt Nam nên tất cả làm lễ hạ kỳ VNCH và dương cờ Hoa Kỳ lên để được vào vịnh Subic.

 

Trong chuyến di tản này, có hai con tàu nổi tiếng nhất là Trường Xuân và Việt Nam Thương Tín. Chủ nhân tàu Trường Xuân là ông Trần Văn Trường, cho phép tàu chở 4,000 người di tản nhưng tàu bị đặc công của VC phá hoại, may có chiếc tàu Song An kéo ra biển, chạy vật vờ, đói khát, sau được một tàu buôn Đan Mạch cứu, được kéo vào Hong Kông để sửa chữa nhờ vậy mà chủ tàu mới bán được sau này nhờ có vốn mở các khách sạn ở thành phố New York. Năm 2001, sau vụ khủng bố 9/11, ông ta có đóng góp 2 triệu đô cho nạn nhân, nghe nói ông ta mới qua đời vài năm trước đây.

 

Tàu Việt Nam Thương Tín thì đã chở 600 người sang Guam nhưng lại có 1,600 người đã di tản đến đảo nhưng đòi trở về Việt Nam. Người Mỹ tôn trọng Ý nguyện của họ nên cho chiếc tàu này chở những người muốn hồi hương. Nghe nói bị bắt hết không hiểu số phận của họ ra sao.

 

Khi coi một cuốn phim Tài liệu về lịch sử, chúng ta thường đặt những "Nếu"như nếu ông Nixon không từ chức thì cuộc diện của chiến tranh Việt Nam có tiếp diễn. Nếu đại sứ Martin nhận thức vấn đề thì có thể số người được di tản có lẻ nhiều hơn. Gần đây, mình đọc được Tài liệu; ông Nixon trước cuộc bầu cử năm 1968, đã phái người của ông ta sang Việt Nam, yêu cầu ông Thiệu, không đồng ý Hoà đàm về ngưng bắn vì dạo đó, ông tổng  thống Lyndon Johnson đang mật đàm với Hà Nội để ngưng bắn. Hà nội bị tổn thất rất nặng sau 2 vụ tổng công kích miền nam bị thất bại nên muốn ngưng bắn để cũng cố lại lực lượng. Ông Nixon hứa với ông Thiệu là khi Đảng Cộng Hoà lên nắm quyền sẽ giúp vũ khí nhiều để đánh bại Hà nội. Nay mình mới hiểu tại sao thủ tướng NCK, dạo đó tuyên bố: Bắc Tiến.

 

Có một vấn đề mà ít ai nói đến là giá dầu lửa thời đó. Năm 72, có cuộc khủng hoảng dầu lửa. Dân chúng Mỹ xếp hàng dài nhiều cây số để đổ xăng, giá xăng lên nên số tiền viện trợ cho VNCH không đủ cung ứng cho cuộc chiến tranh. Mình nhớ ông cụ mình làm công chức, có công xa nhưng phiếu xăng bị hạn chế. Lạm phát gia tăng, gạo đường,... , lên giá trong khi chính phủ kêu gọi thắt lưng buột bụng trong thời kiệm ước. 

 

Ngược lại khối Liên Xô sản xuất dầu hỏa và giá một thùng dầu thô dạo đó lên trên $100 nên tiền bạc của phía Cộng sản thặng dư nên họ cung cấp nhiên liệu và vũ khí cho Hà Nội rất nhiều. Binh lính VNCH được ra lệnh phải tiết kiệm súng đạn,..., nên khó mà tiêu thổ đánh lại các sư đoàn chính quy của Hà Nội gửi vào. Đọc "nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh thì được kể là nhiều đại đội VC, chết rất nhiều, chỉ còn vài người. 

 

Ông Võ Nguyên Giáp kể trong cuộc tổng công kích Mậu Thân đợt 2, Bộ chỉ huy trung ương ra lệnh cho ông ta phải chiếm thành Quảng Trị bằng mọi giá dù ông ta không đồng ý, kể mỗi đêm chèo xuồng qua sông Thạch Hãn, lính Hà Nội chết tối thiểu trên 100 người. Có trên 200,000 hồi chánh viên, cho nên theo mình vấn đề dầu hỏa lúc đó rất quan trọng, là nguyên nhân đưa đến sự đầu hàng của VNCH chớ không phải lính VNCH không có khả năng chiến đấu như đã được tuyên truyền. Sau này mình có đọc nhiều tài liệu hay hồi ký của người miền Bắc, nói về cuộc chiến.

 

Mùa hè đỏ lửa với Bình Long anh dũng, bị bao vây nhưng lính VNCH vẫn tử thủ rồi được giải vây nhưng vào năm 75, mất Phước Long vì không có tiếp tế đạn được, nhiên liệu,... Rồi đến Cao Nguyên, Đà Nẵng,…

 

Ngược lại, vào cuối thập niên 80, Liên xô và Đông Âu xụp đổ vì giá dầu hỏa dạo đó xuống đâu $30/ thùng dầu thô nên họ phải rút quân ra khỏi Á Phu Hản rồi không tiếp tế nhiên liệu cho các nước chư hầu nên đế quốc của họ bị tan rã. Lí do đó khiến Hà Nội bỏ Liên Xô để quay lại với Tầu.

 

Mấy tuần nay, giá xăng xuống nên ông Putin đã cho rút trên 10,000 binh lính ra khỏi Ukraine. Các kinh tế gia ước tính là nước Ba Tư mà muốn quân bình ngân sách quốc gia thì họ cần giá dầu thô lên $180/ thùng, nước Saudi Arabia thì cần $120.00/ thùng còn Nga Sô của ông Putin cần $110.00/ thùng hay $30.00 hơn giá thị trường hôm nay. Người ta nói chính phủ Obama đang lũng đoạn thị trường dầu thô để ép Putin vì với kỹ thuật Fracking, Hoa Kỳ ngày nay đã không cần nhập cảng dầu hỏa và có thể xuất cảng dầu thô nên sẽ giúp phục hồi kinh tế Hoa Kỳ. Nước Maroc, đang có chương trình thu hoạch năng lượng mặt trời trong sa mạc Sahara, có tiềm năng sẽ bán cho Âu Châu.

 

Dạo đi làm ở New York, mình hay được các đại học miền Đông Bắc, mời tham gia và trả tiền các hội thảo về chiến tranh Việt Nam, như MIT, NYU, Princeton, Yale, Brown Univ.,.. Thường thường là gặp nhóm phản chiến của Mỹ cũ nhưng khá vui vì họ nói về cách mạng xã hội...., còn mình thì cứ đem kinh tế dầu hỏa ra mà nói thêm vụ Liên Xô bị tan rã, dẫn chứng bởi những kinh tế gia của Liên Xô. Ở miền Đông Bắc, có vài tên Việt kiều yêu nước mà sau này đọc những tài liệu thì mới ghê tởm đám thiên tả, dân chủ như TerryMcAucliffe sau này có thời làm chủ tịch Đảng dân chủ Hoa Kỳ,.... Họ cho học bổng những người con của thành viên mặt trận giải phóng miền Nam hay nhà đối lập như con bà Ngô Bá Thành, chủ tịch hội phụ nữ đòi quyền sống,..., sau đó dùng những sinh viên này để định hướng dư luận Hoa Kỳ như NBL ở Boston, NTN ở New York,…

 

Thay vì làm con chim Đà điễu, núp đầu dưới cát, không nhận mình là người Việt, mình tìm sách, tài liệu để đọc về chiến tranh Việt Nam để giải mã cho VNCH, cho bao nhiêu người đã nằm xuống cho miền Nam tự do. Sự ra đi của trên 2 triệu người Việt vào những năm 70-90 đã làm thế giới kinh động, về sự nhầm lẫn của họ khi xuống đường chống chiến tranh Việt Nam. Chúng ta có bổn phận lên tiếng để định hướng lại lịch sử của cuộc chiến tranh để sau này con cháu không trách móc.


27/4/1975, 300 sinh viên Việt Nam  đi tuần hành, để tan cho Việt Nam Cộng Hoà 

NHS