Những bông hồng Văn Học #6 “Tiếng Hát Học Trò #2”

 Tổ chức nấu chè bán, văn nghệ “Tiếng Hát Học Trò” xong thì các cô báo cáo tài chính, cho biết lời và cả đám quyết định dùng số tiền đó để tổ chức buổi picnic dã ngoại ở thác Datanla. Mấy cô lo bánh mì, cơm trưa và nước uống còn con trai thì được bố trí đem xuống thác đồ ăn thức uống. Khổ cái là thác chơi vơi, để xe trên đường thì sợ chúng ăn cắp nên không thằng nào dám đem xe đi, đành phải xách tay, đi bộ 3, 4 cây số. Lạ khi có con gái thì mấy tên hết than thở mệt bá vơ hay cãi lời trưởng lớp. Tên nào cũng hồ hởi xung phong lao động hết, để được làm người hùng tiên tiến trước mấy cô. Thường mình nhờ chúng làm gì trong lớp, là có đứa kênh sì-po nên mình cứ nhờ mấy cô ra lệnh chúng. Mình khám phá ra cách dĩ nữ trị nam, dễ lãnh đạo. Kinh Khi xưa, không thằng nào có máy chụp hình nên không có hình lưu niệm. Lấy tạm trên mạng thác Datanla ngày nay 

Hồi mình nhỏ thì nhớ người lớn dẫn đi thác Prenn, Cam ly khi có người quen viếng thăm. Lớn lên thì có chạy xe ra thác Cam Ly, viếng thăm lăng Nguyễn Hữu Hào, bố của bà Nam Phương Hoàng Hậu. Mình nhớ chỗ này ngây ngất, phải leo đâu cả 100 bật thang cấp. Nếu không lầm mình đến đây với thằng Bi, hàng xóm. Hơi ớn ớn vì không có ai cả, sợ Việt Cộng nằm vùng ra tóm cổ. Mình nhớ khung viên này rất đẹp.

Thác Cam Ly thì hôi thối không tả nổi. Lý do là bao nhiêu rác của thành phố, đều được thả xuống suối, chảy về thác này, thêm nữa gần đó có bãi rác Đàlạt. Mình nhớ thầy An, năm 11B, kêu các anh chị nào yêu nhau, thì đưa nhau vào thác Cam Ly, đem theo hộp sơn của công ty Bạch Tuyết, lấy cái cọ, viết tên hai người lên đá, một mũi tên bắn xé trái tim. Nắm tay, thề mối tình hữu nghị của đôi ta sẽ đời đời bền vững như hãng sơn Bạch Tuyết, chừng nào hãng này xụp tiệm thì tình ta mới thôi. Ai ngờ 2 năm sau, Việt Cộng vào, hãng sơn Bạch Tuyết bay mất như các cơn mưa phùn Đàlạt. Bao nhiêu lời thề trai gái ở thác Cam ly tan theo mây sương cao nguyên.

Lớn lên thì bạn bè hay nói đến thác Datanla, hình như họ phát hiện sau này và giới trẻ Đàlạt hay đi dã ngoại tại đây vì thác nước gần nhất thị xã, lại miễn phí, không có vụ thu tiền vé vào như ở Prenn. Thác này dạo ấy còn trinh nguyên, chưa được khai thác du lịch như thác Prenn, có nhà dù, tiệm ăn. Thác này chỉ đến, rồi đi bộ xuống suối rồi lội dọc theo bờ suối, đến cái thác to đùng. Hình như năm mình học lớp 12, có vụ cặp nào dẫn nhau đi thác Prenn rồi cô gái bị hiếp dâm, bị giết thì phải. Thời đó ít an ninh nên đám bạn ít dám đi xa một mình. Có tổ chức picnic đi cả nhóm thì mới dám đi.

Mình nhớ chạy qua 4 cột trụ này, đậu xe dưới mấy thang cấp rồi leo lên mấy thang cấp. Oải lắm Bia thứ nhất đặt phía sau lăng, trong nhà bia hình tháp có bốn mái. Bia có chiều cao 2,45m, chiều rộng 1,43m, trán bia dày 26cm, thân bia dày 20cm. Trên văn bia có tất cả 215 chữ. Theo tác giả Hà Đình Nguyên, trên mặt bia này có 5 từ khắc đài là “Hiền khảo”, “Tiên nghiêm”, “Thiên tử”, “Thiên chúa” và “Bảo Đại”. Hai chữ “Thiên tử” được khắc đài cao hơn các chữ khác.  Bia thứ hai có chiều cao 2m, trán bia rộng 1m, dày 26cm, thân bia rộng 80cm, dày 20cm. Nội dung cũng giống như văn bia thứ nhất nhưng khắc theo thể Khải thư, có một vài chữ theo thể Lệ thư, được dựng ở trước sân chầu của lăng mộ. Văn bia này cũng có 215 chữ, khắc theo hàng dọc từ phải sang trái nhưng được phân thành 16 hàng, khắc đài bốn chữ “Hiền khảo”, “Thiên tử”, “Bảo Đại”, “Thiên chúa”. Cũng theo ông Hà Đình Nguyên, nội dung của hai văn bia này chia làm bốn phần: Phần đầu nói về nơi phát tích của dòng họ ông bà Nguyễn Hữu Hào; Phần thứ hai ghi về phẩm chất đạo đức của ông Nguyễn Hữu Hào và sự vinh hiển vẻ vang của dòng họ Nguyễn; Phần thứ ba nói về sự kiện vua Bảo Đại ban cho Nguyễn Hữu Hào “Công tước”, ca ngợi vẻ đẹp núi non - nơi xây dựng lăng mộ, ca ngợi nước Chúa là nơi tìm về của trăm đời con cháu họ Nguyễn và tấm lòng ngậm ngùi tiếc thương của con cháu đối với người quá vãng. Phần cuối của hai văn bia đều có ghi rõ ngày, tháng, năm Âm lịch và năm Dương lịch lấy từ năm Thiên Chúa giáng sinh, người lập bia là hai cô con gái của ông Nguyễn Hữu Hào. (Trích trên mạng theo thuthachViệt.com )
Lăng ông Nguyễn Hữu Hào, bố của bà hoàng hậu Nam Phương, gần thác Cam ly

Học sinh thuộc ban tổ chức lớp 12B và 12C thêm mấy ca sĩ nghiệp dư của các lớp khác, được mời hôm văn nghệ “tiếng hát HỌc Trò”, không nhớ bao nhiêu người nhưng độ 30 mạng. Cả đám hẹn nhau đâu ở Khu Hoà Bình rồi lên đường với tinh thần đường không vì ngăn sông cách núi nhưng khó vì lòng người ngại núi leo đèo. Xem video ngày nay do Ken Trần chuyển.

https://fb.watch/52rx_us8wZ/ 

Khi mọi người đến đông đủ thì cả đám bắt đầu đi xuống thác, rồi lội qua, đi lòng vòng lên phía bên kia. Lâu quá nên không nhớ rõ. Chỉ nhớ là mình đi trước, mấy cô theo sau, rồi đến lúc có dốc leo lên cao thì mình đứng lại, ga-lăn đưa tay cho mấy cô nắm để mình kéo lên. Đến khi đối tượng một thời đến thì mình kéo lên rồi nắm tay đi luôn đến một chỗ phải bỏ tay ra. Sau đó hết dám nắm tay lại. Chán Mớ Đời 

Dạo ấy có cuốn phim Việt Nam, chiếu ở rạp Ngọc Hiệp có cô gái xinh xinh tên Lan thì phải, nắm tay với anh học trò nghèo tên Dũng thì phải, khi trường đi cắm trại rồi cô ta hát bản gì “nằm vắt tay lên trán ta nghĩ đến chuyện cuộc đời, ngồi bấm đốt ngón tay ta nghĩ đến chuyện ngày mai,...” khung cảnh ở Datanla ngày hôm ấy như vậy. Không biết có phải phim tên “tiếng hát học trò”. Xem gần 60 năm rồi. Kinh

Lâu quá mình không nhớ rõ trưa ăn uống ra sao. Chỉ nhớ là khi về thì lết bộ về nhà mất 10 cây số, oải lắm. Cả đám đi è è chậm như rùa, đến khu Hoà BÌnh mới chia tay. Đó là lần chót mình đến thác Datanla. Sau này về Đàlạt thì không muốn ghé lại vì được du-lịch-hoá một cách man rợ. Hết còn thiên nhiên như xưa. Thêm nữa một khi đã viếng thăm thác nước Niagara, nằm giữa Hoa Kỳ và Gia-Nã-đại thì hết muốn đi viếng các thác khác nữa. 

Thác Prenn ngày xưa

Chỗ này nếu mình không là từ cổng vào

Mình viếng thác này với vợ chồng thằng Nguyên. Năm đó, mình và gia đình đi chơi ở Florida, rồi lái xe lên Boston, tìm lại nơi đã phát hiện ra mối tình hữu nghị sông liền sông núi liền núi, rồi chạy lên thác Niagara, hẹn với vợ chồng Nguyên ở đây.

Không ngờ đó là lần cuối gặp nó vì thường cứ 2 năm vợ chồng hắn ghé Cali chơi ở nhà mình. 6 tháng sau, hắn bị ung thư qua đời. Rồi lại nghe Chử Tam Anh qua đời. 2 tên mà mình viếng thăm năm đó, 6 tháng sau rũ nhau lăn ra chết. 2 tên bạn học thân nhất Văn Học bỏ cuộc chơi. 

Sáng thứ hai vào lớp sinh ngữ, mình bị mấy cô ban C chửi như tát nước vào mặt, kêu, không kéo người ta lên, nắm tay người đẹp rồi đi luôn. Mình nhớ Chị Hai, nay đã qua đời, đi phía sau đối tượng của mình, nên khi mình kéo đối tượng lên, thì cô nàng dang đưa tay để mình kéo lên như mấy cô đi trước nhưng không ngờ mình nắm tay đối tượng rồi bỏ đi luôn nên chửi. Đúng nhưng mình không để ý lắm. Mình quay lại kéo tay mấy cô lên là có chủ đích là nắm tay người đẹp chớ có phải để nắm tay mấy bà đâu mà chửi bới. Mình thuộc thành phần nông dân, đâu có biết ga-lăn hay ga-ngồi gì đâu. Chán Mớ Đời 

Nhờ đi thác Datanla mà mình bắt đầu làm quen và nói chuyện với đối tượng một thời. Tan trường thì hay gặp nhau ở cổng trường, tuy bụng đói meo vì không ăn sáng, đi với nàng đến Ngã Ba Chùa, nếu có cô bạn nào đi chung thì đến tiệm thuốc tay Lâm Viên thì mình rẽ về đường Hai Bà Trưng rồi mình theo vườn ông Ba Đà về. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn