Thế là xong! Cô tôi được chôn ở quê chồng, Đồng Lư, hôm nay. Hai cô em gái bay từ Đàlạt ra quê, dự đám táng của cô. Mẹ mình lớn tuổi, nên mấy người em không cho đi. Nghe nói có trên 100 người trong họ để tang cô. Họ nói nếu ông cụ mình mà được chôn ngoài quê thì sẽ có trên 300 người để tang. Ông cụ là trai trưởng của dòng họ nên mình hơi run. Về quê thì được lên chức trưởng gì đó. Chán Mớ Đời
Nói thật về quê, mình không biết ai là ai. Cứ người nào nhắc tuồng thì chào chớ không biết tình hình, họ hàng ra sao. Chán Mớ Đời
Cô là vợ liệt sĩ nên có mấy quan nhớn đến đọc điếu văn, trước khi di quan. Nhìn xe đám ma khiến mình nhớ đến chiếc xe đám ma ở Đàlạt. Bên này họ cũng có làm nhưng chỉ đưa đi một quãng, từ nhà quàn ra nghĩa địa bên cạnh, độ 100 thước chớ không có vụ kéo đẫy đi mấy cây số như Đàlạt khi xưa.
Nghe cô em mình kể phong tục ở quê. Khi xe đưa tang đến cầu thì có mấy bà chận lại, hát chèo gì đó, để đưa cô lên đò qua sông. Phải dúi tiền cho họ, thì họ mới cho đi. Văn hoá của người Việt mình là chủ nghĩa thời cơ. Người ta đi đám cũng nhảy ra chận đường không cho đi, sợ trễ giờ lành tháng tốt, đành phải bỏ tiền vào thúng, xin nhắc lại vào thúng.Đoàn người đưa cô đi về chốn xa xăm, trên đường quê. Hai bên đường là đồng lúa. Khi mình về, mới cảm nhận được quê cha đất tổ.Mình định về hưu thì về quê ở. Cứ xem đám cưới hay đám ma nào ở quê thì chạy chận lại, hát Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, thiên hạ lì xì tiền ăn hưu. Hát chèo, gõ mõ phải đeo khẩu trang. Chán Mớ Đời
Cô gái Việt Nam ơi!
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi
Tôi biết tình cô u uất lắm
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi
Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha
Khi cô vui thú, là khi đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già
Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi
Tôi đến đây tìm lại bóng cô
Trở về đường cũ, hái mơ xưa
Rau sam vẫn mọc chân rào trước
Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ
Dãi lúa cô trồng nay đã tươi
Gió xuân ý nhị vít bông cười...
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
Trong một làng con, đã héo rồi!
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi
Nguồn: Hồ Dzếnh, Quê ngoại, NXB Hoa Tiên, Sài Gòn, 1969
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét