Bài thơ Chửi mất vợ

 Dạo này, trên mạng thiên hạ nức nở vì có một bài thơ chửi mất gà, đoạt giải nhất. Tác giả bài thơ nói mẹ ông ta, quán triệt lập từ trường cách mạng nên mỗi lần mất gà là cầu nguyện cho gà của bà bị làng xóm cưỡng chế, sinh đẻ cho nhiều gà, giúp gia đình ăn cắp gà của bà giàu có, hạnh phúc hơn,....nhờ vậy mà con gái của bà có đến 4 gia đình muốn cưới về làm dâu vì tính nết nhân văn, con người mới của xác hội chủ nghĩa, chia sẻ với tha nhân của bà mẹ.

Cos nhiều người nhại theo bài theo đoạt giải nhất như một loại văn mẫu mà ngày nay, thầy cô khuyến khích học sinh mua về để chép lại khi làm tiểu luận. Có một bài mình rất là thích, xin phép tác giả tải về đây:

ĐỨA NÀO TRỘM VỢ TAO

(Thơ dự thi)

 

Đứa nào trộm vợ tao

Tao cảm ơn rất nhiều

Ơn cả sáng cả chiều

Cả đêm khuya gà gáy

Xin tạ mày ngàn lạy

Biếu thêm một cặp bò

Hai bồ thóc trong kho

Một cặp heo nái, nọc

...!

Giờ đây tao nằm khóc

Thương cảm cái thân mày

Bởi lẽ kể từ đây

Nhà mày là địa ngục!

NÁT BÀN THƠ 


Cho nên mình hiểu và thông cảm ông Phạm đình Chương bị thiên hạ cưỡng chế mất bà vợ, làm bản nhạc, rên rỉ, cảm ơn họ đã cướp vợ mình, bỏ túi cả triệu bạc. Ông cưỡng chế vợ của ông Chương này, cũng làm bài hát, cũng bán chạy, kiếm khối tiền.


Ông Nguyễn Công Hoan, nhà văn mà mình thích nhất, có viết về vụ trộm gà rất nhân văn, và từ đó thiên hạ dựa vào bài của ông để chế lại những câu chuyện mất gà. Mình khi xưa và thằng Khánh Ù, con ông Phúc, trên đường Thi Sách, nhỏ hơn mình một tuổi, rủ nhau đi ăn cắp buồng chuối La-Ba của bà làm vườn mà gần đây có ông thần nào, cho biết là ở số nhà 49C Hai Bà Trưng khiến mình thất kinh, vì ngay chỗ vườn của bà bắc kỳ, làm vườn nuôi heo gần xóm mình.


Nhờ bà ta mà mình hiểu được heo nọc, heo nái hủ hoá thế nào theo tinh thần, đạo đức cách mạng nông dân vì lâu lâu thấy ông Ba Nọc, dẫn con heo nọc của ông đến nhà bà bắc kỳ làm vườn để cho heo nó lẹo nhau. Không ngờ hồi nhỏ, đám con nít trong xóm được xem phim con heo, hủ hoá, mất lập trường cách mạng, không bị kiểm duyệt gì cả. Cứ đứng ngoài đường ngay hàng rào, nhìn vào trong chuồng heo. Mình có kể vụ này rồi. Kinh


Bài chửi mất gà, mình có chế lại thành bài chửi mất chuối của bà Nam Định. Viết đã lâu, nay tải lại cho các bác đọc.


Hồi bé, trưa mình không ngủ, cứ đi vòng vòng, cà lê hết xóm trên rồi đến xóm dưới, hay mò mẫm ra chợ để hóng sự chuyện Thiên Hạ. Chuyện kiến cắn chim hay mèo cãi lộn với chó, mình đều quan sát để Ý ngay cả chó dính lẹo nhau, hủ hoá, mất căn bản lập trường cách mạng, tư tưởng Uncle Lake. u chầu u chầu đến mờ cả mắt, mắt bị mụt lẹo, khiến mình bị cận thị cả chục độ. Con chó trong xóm thường ngày thấy mình từ xa là đã sủa vì có ăn thịt chó hai lần khi xưa mà khi gặp chó cái là mặt nó cứ đực ra, không sủa không rống chi cả ngay cả con nít ném đá nó cũng đờ cái mặt ngu lâu như chó. Sau này,  lớn lên mình gặp gái cũng đứng chết trân như Từ Hải, mặt đực ra như chó tháng 6.

 

Có lẻ dầm mưa dãi nắng đi hóng sự nên da mặt mình đen đen như Kampuchia mà cô giáo dạy việt văn hay nói. Sau này lớn lên thì có mua một cuốn sổ để ghi chép chuyện xe cán chó nhất là khi mấy bà ngoài chợ chửi nhau như nói lên, đại diện cho nền văn hoá miệt chợ qua văn chương bình dân truyền khẩu. 

 

Cái hay là nền văn hoá chửi đồng, chửi chợ rất hoành tráng vì mấy bà này theo sự hiểu biết của mình thì ít có học nhưng họ chửi rất hay, chửi có duyên, chửi rất tinh tế, có tính nhân văn của hoa đồng cỏ nội, chửi thâm thuý, giàu chất thơ văn chỉn chu, và vững lập trường nhất sĩ nhì nông tam công tứ cổ... trong khi những thằng như mình, học trường tây chỉ biết chửi hai tiếng Đờ Mờ là xong. Uổng phí tiền bố mẹ cho đi học.

 

Ở đây nếu bàn về sự sáng tạo của phụ nữ Việt Nam trong văn chửi thì mình biết không có khả năng như các nhà ngôn ngữ học của làng Phây Búc này nên chỉ ghi chép lại để không mang tội về làm mất đi, mai một di sản văn hoá cổ truyền Việt Nam của thời thơ ấu. 

 

Trong xóm thì hay xẩy ra chuyện vợ lớn đánh ghen vợ nhỏ ở chung nhà hay bà làm vườn hay có trò gà mái xổ chuồng, hàng rào đi kiếm đồng chí trống như Thuý Kiều đi tìm Kim Trọng nên hay nghe bà ấy, gốc Nam Định chửi rất hay, có vần có điệu mà sau này mới biết là bà chửi bài "chửi mất gà" của dân gian mà cả ba miền Nam Bắc Trung đều có bản riêng của mỗi địa phương. 

 

Bà làm vườn gốc Nam Định hay đứng trên đường Thi Sách, gần nhà ĐGL. Đầu đeo cái khăn mõ quạ, hàm răng đen, mồm nhai nhoàm nhoàm trầu cau, lâu lâu nhổ cái toẹt bãi trầu xuống đường như bị tức hộc máu, lấy tay quẹt cái mõm. Tay xăng hai cái ống quần, đứng chống nạnh rồi bắt đầu chửi khai vị.


Có lẻ bà ta sinh ra vào thời tây nên biết cách chửi khai vị rồi đến món chính, sau đó mới đến Phoo-mát , món tráng miệng.

 

Không biết bà có đi học hay không nhưng văn bà chửi soạn theo thể biền ngẫu, nghĩa là đối nhau từng cặp. Kiểu như "mày ăn gà nhà bà thì con cháu mày hộc máu toi, mày vặc lông gà nhà bà thì tổ tiên nhà mày nghẹn họng mà chết...." Cứ mỗi lần nghe bà chửi đổng lên là dù đang ăn cơm, mình cũng cầm bát cơm chạy ra đường, vừa ăn vừa theo dõi màn lai chim, trực tiếp truyền hình, để nghe như sợ mất đi bài chửi dân gian.

 

Hình như bà ta cố ý, đợi thiên hạ ăn cơm trưa mới chửi. Người ta nói “trời đánh tránh bữa ăn” nhưng không thấy ai nói “bà chửi tránh bữa ăn”. Có lẻ cả buổi sáng làm việc ngoài vườn, thái bắp chuối nấu cám cho heo ăn nên trưa mới rảnh, mới mở cái loa phường, làm đài phát thanh nhân dân, báo cáo tình hình trong xóm, tin tức chiến sự và khí tượng.


Bà ta chửi khai vị tại nhà cho ấm giọng. Sau đó mới vào món chính, đi vòng vòng khắp xóm, vác theo cái xoong và cái ống thổi lửa dùng khi nấu cám heo.

 

Bà ta cầm theo cái nồi với cái ống thổi lửa vì hay nấu cám cho heo ăn, vừa đi vừa khỏ cái nồi boong boong, như Giuletta Masina  trong phim La Strada. Bà đi từ xóm trên, khúc nhà mình xuống xóm dưới chỗ nhà ông Ba Tây để chửi mà không có lắp. 


Cô giáo mình khi xưa, dạy ca dao tục ngữ, bắt học trò làm câu ca dao tục ngữ hay thơ đường luật Trắc Trắc bằng bằng chi đó mà mình ngồi hàng giờ không rặn ra được một câu, một chữ trong khi bà này cứ khỏ nồi nấu cám heo mà làm khối câu lúc đó mới hiểu nấu sử sôi kinh cho heo ăn, giúp con người xuất khẩu thành thơ. 

 

Chỉ có một lần duy nhất khi bà chửi, mình không dám hó hé ra đường. Dạo ấy, thấy buồng chuôi nhà bà to lớn rất hấp dẫn. Mình sai thằng Khánh Ù, nhảy qua hàng rào nhà bà ta chặt trộm buồng chuối vào ban đêm. Đem về nhà dú mà quên nguyên tắc chính là phải phơi nắng trước.


Trưa hôm đó nghe bà ta cầm cái nồi đi từ đầu đường Thi Sách, vừa gõ vừa chửi. Mình ngồi trong nhà, nuốt không nổi miếng cơm vì biết bà ta đang chửi mình và thằng Khánh Ù. Tên này, nhờ ăn cắp buồng chuối, sau này làm đến chức hiệu trưởng trường trung học nào ở Đàlạt.

 

Bà ta chửi xong ca của mình thì ngưng để con Yến, con gái của bà ta, lớn hơn mình một tuổi, học trường Bùi Thị Xuân, chửi tăng ca, tiếp nối con đường cách mạng chửi đổng. Con này thuộc loại gái mồm mép, lại học ban toán nên nó đưa phân tích, lũy thừa vào văn chương truyền khẩu, môn “chửi-học” do mẹ nó truyền lại. Dạo ấy còn học trường tây nên mình chả hiểu nên phải ghi lại. Con này thừa kế cái mồm của mẹ nó nên cũng khá chanh chua. Hình ảnh con Yến khiến mình rất sợ muôn thở gái Bắc.

 

"Tiên sư đứa nào ăn cắp buồng chuối nhà bà”. Con này hơn mình có một tuổi mà dám tự xưng là bà. Chuối ở nhà bà là trái tiên, quả Phật. Chuối về nhà mày thành con rắn, con sâu. Bà... bà... bà... Mẹ cho con xin ly nước để con chửi tiếp... nó ngừng lại để lấy cái ly nước từ bà mẹ, tu một cái ực rồi tiếp tục làm toán đại số bằng mồm. Trong khi con này chửi tăng ca thì mẹ nó chạy vào bỏ thêm củi cho nồi cám lợn.

Hình ảnh này tương tự nơi gần chuồng heo ngày xưa của bà bắc kỳ nấu cám heo.

Nó cầm cái nồi cám heo, gõ 3 cái boong boong boong rồi cất giọng lại “Bà chửi theo kiểu toán học cho mày nghe nhá... Bố mày là A, mẹ mày là B, bà cho vào ngoặc, bà khai căn cả họ nhà mày... Bà rủa tiên sư nhà mày ăn miếng rau, tiền sư nhà mày ói ra miếng thịt, bố mày tắm trong ao, bố mày chết chìm trong chậu.... Con này có học nên lối chửi của nó rất khoa học, có vè có đối, tuy bị nó chửi vì tội ăn cắp buồng chuối của nhà nó nhưng mình phải phục tài năng của nó nên lấy sổ chép lại.

 

Con Yến tiếp tục “ Bà khai căn cả họ nhà mày, xong rồi bà tích phân n bậc, bà bắt cả hang, cả hốc, ông cụ, ông nội, cả tổ tiên nhà mày ra mà đạo hàm n lần.” Con này mất dạy, nó đem cả tổ tiên mình và thằng Khánh Ù ra chửi đạo hàm khiến mình nhớ đến thằng Biểu, con tiệm vàng Kim Thịnh, ở đầu đường Minh Mạng, cũng hay chửi nhưng bằng giọng Huế rặc khi xưa. Có dịp sẽ kể về tên này khi xưa có dạo học chung. Mình mới liên lạc lại được với hắn. Em hắn kêu về Đà Lạt, sẽ nấu bún bò cho mình ăn, và nghe thằng anh nói chửi. Để hôm nào mình kể chuyện nó chửi bằng giọng Huế.

 

Ái chà chà....mày tưởng à. Mày tưởng nuốt được trái chuối nhà bà là mày có thể yên ổn mà chơi trò "cộng trừ âm dương" hủ hoá trên giường với nhau à.... Bà cho trị tuyệt đối hết cả họ chín đời nhà mày. Cho chúng mày biết thế nào là vô nghiệm, cho chúng mày không sinh, không đẻ, không duy trì được nòi giống nữa thì thôi... 


May mồm con Yến không gặp giờ linh nên sau này mình vẫn có con, chắc nó không giỏi toán nên khai căn đáp án không đúng. Bà sẽ nguyền rủa cho chúng mày đời đời chìm đắm trong âm vô cực, sẽ gặp tai ương đến dương vô cùng. Cho chúng mày chết rục trong địa ngục, cho chúng mày trượt đến vô cực của sự vô hạn tối tăm... "....... nhờ ông thần ở căn nhà 49 C Hai Bà Trưng, có còn liên lạc với gia đình này không, để em xin lời tạ tội.

 

Mình với thằng Khánh Ù chỉ biết ngậm cay nuốt đắng, không nói với nhau lời nào nhưng hai thằng giác ngộ cách mạng tuy hơi trể, biết thế thà đừng ăn cắp buồng chuối thì khỏe hơn. Cái khốn là buồng chuối bỏ vào lu gạo để dú cho chín. Một tháng sau vẫn không chín lại teo lại rồi hai thằng hè nhau, đem buồng chuối quăn lại trong vườn của bà làm vườn Nam Định. Lại nghe chửi một lần nữa nhưng mình sợ quá nên không còn thong dong lấy bút ra ghi lại.

 

Con CÒ Đào mới cho số điện thoại của tên Khánh ù này. Hôm nào về Đàlạt, gọi hắn thử xem còn nhớ mấy trận chửi này không. Mình chỉ biết là sau này, gặp gái bắc kỳ là chạy làng trước nhất là dân học ban Toán. Kinh

 

Viết đến đây thì mình thấu hiểu thêm về cơ căn của mình, sinh và sống lên tại ngoại ô của Đà Lạt, tuy không phải là chốn ít người qua lại như Thái Phiên, Đơn Dương, Đức Trọng,... Nghĩ lại thì mình đã sống 18 năm trong không gian nữa tỉnh nữa quê, nên bị ảnh hưởng rất nhiều. Không ngờ Văn hoá này vẫn đeo theo mình suốt gần 50 năm qua. 


Ai thích nghe chửi nữa thì cho em biết. Phạm Duy có làm con đường cái quan nên em tính sẽ sưu tầm thêm về cách chửi của mấy miền khác như Quảng Nam để viết lại. Hôm nào sẽ kể về bà Sở, bạn hàng của bà cụ, gốc Quảng chửi cũng thuộc loại cực đỉnh ở chợ Đà Lạt.

 

Em có tìm ra bài chửi mất gà giọng HUế. Để hôm nào hết hái bơ bán, em sẽ kể lại. Xin đón xem.


Nguyễn Hoàng Sơn