Du ký Nhật Bản #1

 Cách đây 2 năm, mình đưa mẹ mình về lại Đàlạt vì mẹ không thích cuộc sống tại Hoa Kỳ, dù có thẻ xanh, thẻ an sinh xã hội, thẻ y tế,... trên đường về, mình có đưa mẹ thăm viếng Nhật Bản 1 tuần, thủ đô Đông Kinh, các thành phố Kyoto, Hiroshima,.. nhìn lại thì có lẻ thời gian ở Nhật Bản với mẹ tuy ngắn ngủi nhưng để lại cho mình nhiều dấu ấn rất tuyệt vời. Mình khuyến khích mấy người em, nếu có thời gian, nên đi chơi với mẹ vì một mai kia, sẽ không còn cơ hội dù lúc đó trở thành triệu Phú, chỉ còn lại nhiều luyến tiếc thậm chí ân-hận.

Hai mẹ con, dắt nhau đi thăm viếng các nơi, xem hoa Anh-đào nở rộ khắp nơi ở Nhật Bản. Ngoài ra mình được mẹ kể lại thời thơ ấu, tại Huế, rồi vào Đàlạt, làm ô-sin để kiếm tiền giúp mệ ngoại nuôi mấy người em ăn học tại Huế. Rồi lấy chồng, có con, khổ vì con, vì chồng, rồi Việt Cộng vào thì khổ với thiên đường mù, nuôi chồng học tập 15 năm và đàn con dại. Nay mới thoải mái khi con cái đều lớn hết, không còn bận lo nữa.

Mẹ và hoa Anh Đào tại Đông Kinh

Nếu không có chuyến đi này thì có lẻ mình không hiểu mẹ nhiều. Mình hy vọng trong tương lại sẽ có dịp đưa mẹ đi chơi nhiều nơi khác, sẽ tạo nhiều kỷ niệm với mẹ. Mình có kể vụ này nhưng dạo ấy không tải hình ảnh của mẹ được. Nay Facebook nhắc đến nên mình tải lại trên bờ lốc với hình ảnh để được nhìn lại nụ cười của mẹ. Như bài hát Gánh Mẹ

Cho con gánh mẹ một lần,
Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con.
Cho con gánh mẹ đầu non,
Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời...
Ngày xưa mẹ gánh à ơi!
Con xin gánh lại những lời mẹ ru.
Đường đời sương gió mịt mù,
Vì con hạnh phúc chẳng từ gian nan....

Mẹ mình thời con gái xứ Huế, còn mơ mộng, khi vào Đàlạt. Con gái mình cũng tựa tựa bà nội nó. Ăn nói rất hay, có khiếu buôn bán.

Nhật Bản  2019

 

Chuyến đi về Việt Nam kỳ này để lại cho mình nhiều kỷ niệm rất đẹp. Quá cảnh tại Nhật Bản 6 ngày nên mình bốc đồng mua vé hạng thương gia cho hai mẹ con đi. Về tăng tiền thuê nhà trả nợ sau. 

 

Đi hạng thương gia làm mình nhớ lần đầu tiên đi Tây bằng máy bay. Gốc nông dân đi máy bay lần đầu như mấy anh nông dân ý trong phim “Made in Italy” mà mình đã xem ở rạp Ngọc Lan. Cứ nhìn xung quanh, xem Tây đầm họ làm ra sao để bắt chước. 

 

Cứ xem thiên hạ làm sao thì làm theo đó như bài học anh ngữ vỡ lòng “ you đu sao ai đu theo”.

 

Cái ngạc nhiên thứ nhất là có phòng đợi riêng sau khi check in, không phải đợi chờ lâu rồi qua khám an ninh nhanh chóng với chữ to đùng “Priority”, ít phải đợi chờ lâu. Mấy chỗ bình dân thì thiên hạ chiếm dành, giả bộ ngủ dài trên mấy cái ghế.

 

Vào đây ăn mệt nghỉ, không phải đi vòng vòng như mọi lần để xem hàng nào ngon và rẻ. Cứ xuýt xoa, so với giá ngoài thành phố. Ở phi trường quên sân bay thì chả có cái nào rẻ cả còn ở trong phòng đợi của thương gia thì thấy cái gì cũng ngon. Họ cho ăn muỗng nĩa, dao kéo đều bằng inox cả, không như ở ngoài bằng nhựa. 

Mẹ được ăn ngon trong phòng chờ đợi lên máy bay, muốn gì thì lấy, lại thêm uống Champagne.

Ngồi nhìn xung quanh, các hành khách khác ăn rất từ tốn, không như mình được huấn luyện ở nhà 11 anh em, phải tranh thủ ăn cho nhanh cả mấy đứa em ăn hết như bộ đội bác hồ thi đua ăn bo bo. Ăn theo quy trình tập thể dân chủ, nghĩa là ăn chậm thì đói, ăn nhanh thì ít đói. Mình chợt giác ngộ cách mạng hình ảnh con Hương, con bà Duy, hàng xóm ngày xưa và đám bạn. Chúng ăn từ tốn trong khi mình và mấy tên trong xóm đứng coi cọp, ngoài cửa sổ xem chúng ăn bánh Tây rồi bị bà Duy ra, cầm cái chổi xua đuổi cả đám như ăn mày dù chỉ xem lén thôi. 

 

Bà cụ mình tường như cũng thắc mắc như đứa bé lạc vào mê cung, không trả tiền hay phải trả tiền vì thèm mấy thứ bên bàn này, rồi hỏi bên ni có trả tiền hay không con. Khi nghe nói không trả tiền thì kêu “răn mình không làm một chút xâm banh hè”.

 

Nhìn mẹ uống champagne, nhai ào ào mấy món ăn Tây, miệng u chau u chau không ngớt, như tầm nói ngon ngon. 

 

Được lên tàu bay trước thiên hạ, không phải xếp hàng đợi chờ. Lên máy bay lại được chào mừng bởi các tiếp viên rồi họ dẫn tới tận ghế của mình, lấy áo của mình đem đi máng chỗ nào. 

Mẹ xem phim ở hàng ghế thương gia.

 Mỗi lần hỏi mình là cứ kêu “ mít tờ Nguyễn”, sau đó họ đem lại cái khay có cái khăn mát để mình lau mặt rồi đem chai nước đến. Mình thấy bên cạnh có cặp mỹ già, gốc Do Thái nhưng ông chồng có vẻ yếu, để mấy chai nước phía trước, có cái hộc nên cứ you đu sao ai đu theo, bỏ chai nước vào đấy. Hoá ra chúng đã bố trí hết, mình là nông dân nên I tờ về mấy thiết bị này. 

 

Chưa kịp cài dây ăn toàn thì cô tiếp viên đem lại cái áo len cho mình bận vì đang bận áo cánh. Áo rất nhẹ lại rất ấm để tránh bị lạnh hai cánh tay vì máy điều hoà. 

 

Nhìn qua cửa sổ thì không thấy cái nắp đậy lên đậy xuống như hạng “thương huyền” (thường). Hạng “thương gia” thì chúng có cái nút vặn qua để tăng giảm ánh sáng vào, từ từ ra màu xanh để dễ ngủ. 

 

Vừa lau mặt xong thì tiếp viên trưởng đến chào mít tờ Nguyễn, nhân danh hãng hàng không Nhật Bản, cảm ơn đã chọn du hành cùng công ty chúng tôi, xin kính chúc ông và bà cụ một chuyến bay vui vẻ. Mình thì cứ hai arigato á ri gà béo mút mùa lệ thủy. Lịch sự ra phết. 1 năm Nhật ngữ tại trường Việt Anh, giờ chỉ nhớ như rứa.

 

Sau đó, cô tiếp viên đặc trách phục vụ mình, bà cụ và cặp vợ chồng mỹ già đến hỏi muốn ăn loại nào: thực đơn Nhật Bản hay Tây phương. Mình chơi Nhật Bản cho đúng không gian và khửu gian. 

Phần ăn trên máy bay. Họ kêu muốn ăn gì thêm thì cứ báo cho họ biết. Cứ vô tư kêu họ nhưng thật ra ăn một phần là mệt rồi.
Con chim tượng trưng cho công ty hàng không Japan Airline để đôi đũa.

 Họ hỏi uống gì thì mình kêu nước còn bà cụ nghe đến Champagne thì kêu rượu rồi phán uống cho nó sướng đời. Mẹ kể khi xưa sinh con ra mạ đều để dành một chai sâm banh để uống đến khi Việt Cộng vào thì khổ ơi là khổ. Thời quốc gia thì đánh vần Khổ là Ca Hát Ô Khô Hỏi Khổ còn thời cách mạng thì Khờ Ô Hỏi Khổ thời mô cũng khổ nhưng thời quốc gia thì còn ca còn hát được thời cách mạng thì khổ quá thành khờ luôn. Chán Mớ Đời 

 

Sau đó họ lại đem đến cái khăn ấm để lau tay rồi trải khăn bàn để chuẩn bị dọn đồ ăn. Trong thực đơn thì họ có nói là có những món khác thì cứ hỏi lúc nào cũng được như phô mát…thịt nguội, bánh Tây….

 

Họ đem đồ khai vị đến rồi món ăn chính rồi tráng miệng, tráng mồm. Ăn mệt nghỉ. Sướng hơn là lần đầu tiên đi Tây. Vừa uống hết trà xanh là họ châm thêm liền. Không như mấy tiệm ăn Việt hay tàu ở bôn sa, cứ phải dơ tay lên chúng chả thèm lại dù thấy mình gọi. 

Lại ăn tiếp, ăn đến căng cái bụng.

 Mình thấy họ in tên tuổi các hành khách trên tờ biểu đồ các ghế nên tiếp viên biết tên mọi người. 

 

Mình thấy mẹ mình cứ u châu u châu nhiều rứa hỉ. Ăn chặp hồi no quá, mẹ lại kêu con ăn dùm mạ đi con, cả bỏ uổng. Nhà mình không có vụ bỏ cơm mứa từ mấy đời nay, lúc nào cũng tận cùng bằng số không, thậm chí còn liếm qua liếm lại, mình nói ăn không hết thì thôi, đừng có ráng. Chán Mớ Đời 

 

Ăn xong thì họ lại đưa khăn ấm để lau mồm lau tay, tường như 30 phút trước đây tay và mặt mình đã lấm bụi trần gian.

 

Mình vào phòng vệ sinh thì đã thấy họ để bàn chải đánh răng và Lísterine thôi thì đánh răng cho vợ vui. Về lại chỗ thì họ đã xếp mền của mình lại cho gọn. Lại phải tháo ra đắp lại. Sướng thật. 

 

Về Việt Nam có ông vua cà phê tuyên bố khi bị bà vợ đâm đơn ly dị: “có tiền nhiều để làm gì?”. Ông này giàu có nên hỏi vớ vẩn, nông dân như mình thì dễ trả lời. Giống nhà giàu chúng hay đặt những câu hỏi vớ vẩn, như để khẳng định mình là nhà trí thức thuộc trường phái hậu vớ vẩn. 

 

Nhớ trong lúc đợi người ta đem xe Lăn lại, đẩy bà cụ đi. Mẹ mình hỏi chớ đi chi hạng sang tốn tiền con. Rồi hỏi tốn bao nhiêu con. Mình nói đừng có lo, để người thuê nhà lo. Rồi cuối cùng mẹ hỏi hoài đành nói sự thật thì mẹ mình, mặt tái nhợt xanh như đít nhái rồi thò tay vào cái xách tay, lấy chai dầu con ó ra, quẹt quẹt để lấy lại bình tỉnh. Cả đời mẹ mình không bao giờ Mơ đến một ngày tốn một số tiền mà mẹ có thể tiêu xài cả mấy năm trời. 

 

Mình thì cũng thuộc dạng trùm sò nhưng chơi ngon chuyến này nên vô tư. Tiếp viên không bao giờ đem ra hai thứ để phục vụ hai người một lúc. Cứ xong người này rồi hỏi có cần chi thêm không mới đi lấy đồ cho hành khách khác.  

 

Cao điểm vẫn là mấy ngày ở Nhật Bản với mẹ. Mới khám phá mình vô tình không để ý những thèm khát của mẹ rất bình thường như được chụp hình với hoa, với cảnh. Mọi lần đi với gia đình mình thì cứ kêu đứng vào chụp hình chung. Không có cái nào cá nhân cả. 

 

Mẹ cứ u chau u chau trên xe lửa, quan sát ngoại cảnh rồi kêu xứ họ đẹp quá. Nhà ở quê, thành phố nhỏ đều được xây một màu, không sơn đủ loại màu như ở Việt Nam hoặc nhà cao 3-5 tầng hoành tráng bên cạnh căn nhà mái tôn lụp xụp. 

 

Ngạc nhiên thứ 2. Đến nay, ngồi trên phi cơ bay về mỹ, mình cũng không ngờ mẹ đi được 11.1 dậm đường trong một ngày với mình. Mấy ngày kia thì trung bình 7-8 dậm. Hy vọng mình có thể đưa mẹ đi chơi ở Ý Đại Lợi một ngày nào đó. La Mã và Venezia. Mấy chỗ này hơi mệt vì quốc tịch Việt Nam phải xin chiếu khán đủ trò. Xin chiếu khán cho mẹ Đi Nhật Bản không đã Trần ai. 

 

Mẹ nói đi chơi vui, nhìn cảnh đẹp nên quên mệt chỉ có hôm leo núi Inari thì hơi oải. Đi tới phân nữa thì kêu trên nớ chắc cũng như ri đây. Gặp mình thì lại nói trên nớ mới đẹp, rứa là phải leo thêm. Không biết trong bụng mẹ có chửi thằng con không. Gặp một cặp Úc đang ngồi nghỉ, mẹ chỉ mình rồi nói với họ maman. Tường như hãnh diện làm mẹ Sơn Đen. Cũng ba xí ba tú tiếng Tây. Vui như bà đầm a na mít. 

 

Rồi được mẹ kể về ngày xưa, thời con gái được nhiều người theo. Hãnh diện lắm để rồi mỗi năm mỗi sản xuất con đông con đàn, rồi quên hẳn những đòi hỏi riêng tư của mình để buôn bán kiếm tiền nuôi con. Cho mình đi du học còn mình thì học chả giỏi, trời lại ị trúng đầu, đậu đúng tiêu chuẩn đi du học nên được đi Tây mà khi xưa, là giấc mộng trầm kha như đi lên trời. 

 

Hôm đưa mẹ lại studio chụp hình kimono thì mới phát hiện là mẹ quên không hỏi tốn bao nhiêu rứa con. Lại còn đòi chụp thêm kiểu khác. Nụ cười mẹ quá đẹp trong cái áo kimono. Mẹ cứ ngắm hoài từ trên taxi đến khi ngủ. Cứ kêu dễ thương hỉ. Nhìn mẹ vui thấy Đời không gì hạnh phúc hơn như ai đã từng nói: “đổi thiên thu để thấy nụ cười của mẹ”. Chỉ tiếc là mẹ mệt sau 8 dậm đường lết theo thằng con nên để mẹ ngủ nên khi ra studio thì quá trễ để họ làm tóc và make up cho mẹ như người Nhật Bản.

Mẹ làm cô gái Phù tang
 

Có anh bạn ở Sàigòn, nói em còn nợ mẹ em chớ anh không còn mắc nợ vì má anh quên, không đòi nữa. Mẹ anh ta đã trả nhớ về không. Còn nợ mẹ cha cũng là một diễm phúc của đời người. Mình chỉ mong được trả nợ cho mẹ hoài vì là một diễm phúc của đời người.

 

Kỳ này đến Nhật Bản thì thấy khá nhiều thay đổi. Nhật Bản đang ráo riết lo tổ chức thế vận hội 2020 nên tương đối khá hơn trước. Họ có mấy quầy Thông tin, các nhà ga xe lửa đều có những chỗ này nên dễ hỏi thăm. Họ nói được tiếng anh nên cũng mừng. Kinh nghiệm lần sau là dành chỗ xe lửa sớm rồi có thể đổi giờ giấc sau. Kỳ này mình mất khá nhiều thì giờ đợi chờ ở nhà ga. Sợ mẹ đi không được nên phải lo thêm thời gian di chuyển. 

 

Mình tính tháng 9-10 này cho mẹ đi Hàn quốc để xem mùa thu rồi sang năm đi Ý Đại Lợi và Pháp quốc lại. Chắc đi hạng cá kèo cho nó lành. 


Năm ngoái, mình có cho mẹ và cô em đi chơi xứ HÀn trước khi bệnh dịch phát sinh mạnh khắp thế giới.

 

Xong om

 

Nguyễn Hoàng Sơn