Thái Cực Quyền 8 thức 62 phút

Tuần này, mình đi bài Thái Cực Quyền 8 thức của Dương gia được hơn 62 phút khiến mình ngộ được vài điều nên ghi lại. Trước nhất là cảm ơn anh chị Quang đã cùng đồng hành, đợi mình đi xong bài quyền.

 

Sau hơn 12 năm tập ở Đông Phương Hội, mình có ngộ vài điều nhưng quan trọng nhất là lần đầu tiên, khi tập Vịnh Xuân Quyền, đi bài Tiểu Niệm Đầu dài 45 phút. Khi đi chậm thì mới nhận ra các lóng xương của mình như những khất, răng cưa của cái máy đồng hồ. Cứ xoay từ từ rồi khất này leo lên khất kia để kéo cái kim đồng hồ chạy lên.

 

Từ đó, mình bỏ không đọc sách báo về võ thuật nữa, chú tâm tập luyện, lắng nghe cơ thể bên trong của mình. Nói như ông Nhất Hạnh là tập quán Chánh Niệm. Tương tự tin tức hàng ngày mình cũng không theo dõi nhiều lắm, chỉ lướt qua để xem có gì quan trọng hay không rồi kiếm tài liệu ngoài luồng đọc.

 

Mình nhận thấy các bài viết về võ thuật đều chép lại từ những sách báo khác, rồi tác giả xào nấu thêm tỏi thêm hành gia vị chớ phải là những trải nghiệm của chính bản thân họ. Do đó mình ngưng tìm kiếm tài liệu đọc mà tập luyện dưới sự hướng dẫn của Khoa.

 

Trên thực tế 12 năm qua, Khoa cho mình tập lòng vòng vì cơ thể chưa đủ khả năng để đi chậm lại. Phải tập một thời gian cách chuyển lực, đưa tay lên ra sao, như vòng cung để dần dần mới ngộ được hàm hung bạt bối. Cho nên không có cách tập nào sai cả mà sử dụng ấy như một con đường đi đến đích nhanh hơn, phải lòng vòng rẽ phải hay trái vì lối đi trước mặt bị gián đoạn.

 

Phải nói đến phần tập nội công Hồng Gia, thiên hạ đến trễ nên thông thường mình tập phần này đến 70 hay 80 phút. Cũng đi rất chậm để ý đến xiết chân, hàm hung bạt bối, lưng ra sao và hơi thở nên nhờ đó khi đi Thái Cực Quyền mình mới để ý đến chân tay, hơi thở khi chuyển động lực từ chân này sang chân kia,…

 

Lần này mình đi bài Thái Cực Quyền 8 thức vì tập qua Zoom nên khó đi 24 thức hay Thái Cực Quyền Trần-gia 13 thức. Mình theo lời dặn dò của Khoa, cố để ý đến “hàm hung bạt bối” , khi nào ưỡn ngực, khi nào cụm co cơ thể lại, khi bung ra được bơm hơi, căng đều, nhất là thả rớt cái thân xuống. Rất mỏi, chỉ muốn đi cho nhanh nhưng phải kềm hãm lại ý định này, giúp mình thêm được cái ý chí không bỏ cuộc.

 

Mình sẽ ráng cố gắng, giai đoạn tới tập về hơi thở vì hay bị đứt quãng. Khoa nói mình ráng mài hơi thở nhưng khi mệt, mồ hôi ra như tắm thì chỉ muốn ngưng.

 

Trong lớp mọi người đã đi bài quyền được 15 phút và 2 lần trong buổi tập nhưng Khoa giải thích là nên tập đi 1 lần 20 phút thay vì 2 lần 15 phút. Giúp ý chí mình mạnh hơn vô hình trung sẽ giúp tạo thêm các neuron mới trong não bộ, rất cần khi về già.

Hôm nay mình có đọc một bài nghiên cứu về mất sức chịu đựng sẽ chết sớm. Khi đau ốm, con người chỉ muốn chấm dứt nổi đau, không muốn chống chọi lại và từ từ chỉ muốn chết và sẽ được toại nguyện. Người ta lý giải nào là số phận, trời kêu ai nấy dạ,… khoa học đã chứng minh khi tinh thần không ổn thì khó mà hoàn tất được các dự tính.

 

Mấy năm trước mình bị gãy xương khi leo núi thì ngộ ra một điều là sức khoẻ đều do mình tự lo. Bác sĩ, gia đình chỉ hổ trợ. Khi nghe tin mình bị tai nạn, bạn bè có điện thoại hỏi thăm sau đó thì châu về hiệp phố. Mình không có ai khác để tỉ tê, than vãn nên phải lết đến câu lạc bộ thể thao mỗi sáng từ 5 giờ sáng để tập đi bộ trong hồ bơi. Mình nhận thấy cái chân bị gãy, bị teo lại, mất hết cơ bắp do đó phải đi bộ, bơi lội cả năm mới lấy lại cơ bắp như xưa. Sau 6 tháng mình đi lại bình thường và đi tập lại đều đặn.

 

Khi đau hay mỏi chúng ta chỉ muốn cái đau chấm dứt ngay. Do đó, dạo trước mình đi Thái Cực Quyền lúc nào cũng được 15 phút, dù khởi đầu rất chậm nhưng đến lúc gần cuối là đuối nên làm cho qua, không còn chánh niệm về hơi thở, cử động của mỗi thức.

 

Vì cứ dừng ở 15 phút nên khi đi bơi mình cũng bơi độ 15 phút là oải, phải ngừng. Đến khi mình đi Thái Cực Quyền 8 thức được 30 phút thì phép lạ xuất hiện, mình bơi một mạch 30 phút không nghỉ. Chứng tỏ sức bền, chịu đựng, hơi thở của mình gia tăng.

 

Lúc đó mới nhận thấy khí chạy trong người như khi mới tập Trạm Trang Công, thấy hơi nóng chạy tùm lùm trong người. Rồi một thời gian sau biến mất, do đó không cần theo đuổi các luồng khí bất chợt này. 

 

Khi xưa, các làng mạc được nối kết bởi các con đường nhỏ, với những đường tắt,… sau tất cả được đô thị hoá, tạo nên các quốc lộ rồi đến các xa lộ nên dần dần các con đường mòn khi xưa không được sử dụng nên cỏ mọc hoang, che mất. Sau này với du lịch sinh thái, người ta đi dã ngoại, lần lần tìm ra lại các con đường mòn khi xưa.

 

Theo mình cơ thể của mình cũng tương tự các hệ thống giao thông dẫn đến thủ đô là Tim. Các mạch máu lớn được sử dụng nhiều như các trục lộ giao thông, khiến các mạch máu nhỏ từ từ ít được bơm máu về nên teo lại.

 

Khi tất cả xe đều sử dụng xa lộ thì sẽ bị nghẹt xa lộ nhưng nếu có người chạy đường trong sẽ giải toả được nạn kẹt xe.

 

Khi tập Trạm Trang Công thì đứng một chỗ, giúp máu từ từ di chuyển đến các mạch máu nhỏ, giúp máu bơm đều trong cơ thể, tránh bị áp huyết lên cao vì nếu máu chỉ được bơm theo các mạch máu lớn nên lượng máu được bơm về tim quá nhiều và nhanh.

 

Khi về già chúng ta nên tập các môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, Thái Cực Quyền thay vì các môn thể thao cần sử dụng đến sức mạnh như quần vợt mà ta hay nghe bạn bè bị đột quỵ trên sân.

 

Mình hy vọng đến cuối năm sẽ đi bài quyền này đến 60 phút. Rất châm. Mình bắt đầu viết bài này tuần trước, ai ngờ 1 tuần lễ sau đã làm được. Kinh

 Em chỉ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, đừng có hỏi em tập  gì nhé.

Nguyễn Hoàng Sơn