Hội Trường Hoà Bình Đàlạt

 

Xem tấm ảnh này do một ông lính mỹ chụp thì mình biết là được chụp năm mình học lớp 11B Văn Học. Lý do là được trường cho đi xem xi-nê miễn phí mỗi cuối tháng như để thưởng các học sinh, chăm chỉ học tập và cũng là ngày xui xẻo cho những học sinh bị điểm số không trong học bạ, được gọi vào văn phòng, nằm xuống, nhận lãnh vài cái roi mây nhớ đời.

 


Mình nhớ năm 12B, học trong lớp cạnh văn phòng hiệu trưởng, cứ nghe mấy anh mấy chị vào bị quất đòn, nghe chót chót vang dội qua tường. Có lần đối tượng một thời cũng bị đánh roi mây. Kinh

 

Phim ”Mãnh Lực Đồng Tiền” được chiếu sau phim “Nàng” do Thẩm Thuý Hằng đóng, mà học sinh đều được xem. Cả 2 phim Nàng, Mãnh Lực Đồng Tiền đều do đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện. Mình không nhớ cốt truyện của hai phim này được xem khi học lớp 11B. Nhỏ quá nên cũng chả hiểu gì nhiều, chỉ nhớ có cơ hội nghe nhóm bạn phá phách trong rạp khá vui. 

 

Cứ tới hồi nữ tài tử chính xuất hiện thì mọi người kêu “Chỉ đó” còn nam tài tử chính thì gọi “ảnh đó”.

 

Sau xem phim “Nàng” thì vào lớp, hình như là mình là tên đầu nậu lên tiếng trước, sau đó cả lớp có vài tên bị nhiễm vi rút sơn đen nên nhái theo. Nghĩ lại thì mình cũng thuộc loại phá trong lớp, nhất lại làm trưởng lớp năm 11B và 12B. Năm 12B, chính phủ quân sự hoá học đường nên cụm từ “trưởng lớp” được đổi thành “Liên Đoàn trưởng NHS”, kêu không thể tả.

 

Số là trước khi xem phim chính thức, người ta hay chiếu các phim thử, để quảng cáo. Các phim tây mỹ, tàu thì cha con họ nói tiếng xứ cuả họ nên chả hiểu gì cả. Khi xem phim “Nàng’ thì có phần chiếu thử phim “Mãnh Lực Đồng Tiền”, phim Việt Nam, nói tiếng việt. Họ quảng cáo, nói một sản phẩm của tình yêu,… lâu quá không nhớ hết. Mình vào lớp, trong khi đợi thầy vào, mình hay kêu “Mãnh Lực Đồng Tiền! Một sản phẩm của tình yêu! Thẩm Thuý Hằng trong vai Kiều nữ…”. 


Thế là có vài tên trong lớp bị nhiễm vi-rút này nên lâu lâu ngồi học, phía sau lớp, có tên nào dỡ chứng rống lên câu quảng cáo này. Ngày nay, mình thấy có nhiều người đọc chuyện mình kể rồi như bị nhiễm vi-rút của Sơn đen nên cũng hay dùng các cụm từ “xong om, Chán Mớ Đời,…” như khi xưa, các bạn học cũ.

 

Có lần thầy Nguyên dạy toán, hỏi một tên bị kêu lên bảng, không giải được bài toán, hình như TTT thì phải. Ông thần này tập tạ nên lên bảng cứ gồng dorso cho mấy nữ sinh thấy đôi vai gầy guộc nhỏ. Hắn cứ đực ra khiến thầy nổi cáu hỏi tại sao em không hiểu. Mình buồn đời, buột miệng kêu: “Tại Nhà nó Nghèo Thầy” khiến thầy bật cười rồi cả lớp rú như điên. Đó là lần đầu tiên mình thấy thầy Nguyên cười. Từ đó, cả lớp lâu lâu hay xổ câu “Nhà nó Nghèo”. Sau này về Đàlạt, ca sĩ ngân ngân hàng hay nhắc đến vụ này.

 

Có lẻ Đàlạt chỉ có trường Văn Học là có màn cho học sinh đi xem xi-nê vào cuối tháng. Cứ học hai tiếng đầu xong là cả trường kéo nhau đi bộ lên hội trường Hoà BÌnh. Ai có đối tượng thì hẹn đi chơi với nhau.

 

Hình như dạo ấy, mấy rạp chiếu phim cả mấy tuần lễ, hay cả tháng chỉ trừ phim dỡ, không ai coi thì họ mới đổi phim sớm. Từ ngày qua học Văn Học, mình xem như hết đi xi-nê ở rạp Hoà BÌnh, đợi cuối tháng đi xem chung với trường.

 

Đi xem xi nê với trường có cái thú là có thể la ó, không sợ bị thiên hạ chửi nhất là có nhiều tên muốn nổi tiếng hay nói loạn xà ngầu khiến mình đoán chúng có đối tượng nào trong rạp nên muốn mấy nàng lưu tâm đến chúng.

 

Dạo ấy trong sân trường vào giờ ra chơi, con trai con gái hay tụ họp từng đám nói chuyện thì lâu lâu nghe một tên cười hé hé hay một cô bổng nhiên rú lên như chó đêm 30, để tạo ấn tượng cho đối tượng của họ. Kinh 

 

Khu Hoà bÌnh khi xưa, thời Ngô tổng thống là chợ Đàlạt, mà dân thị xã hay gọi Chợ Cũ. Sau này họ cho xây chợ mới ở dưới khu vườn rau nên khu này được tân trang lại làm rạp xi-nê ở giữa, và xung quanh là các tiệm buôn bán. Mình có xem một bản vẽ thì cho thấy họ tính làm một nhà hát lớn như để nghe nhạc âm hưởng. Cao hơn hiện thời gấp 3 lần, có thương xá ở trên lầu kiểu thương xá Tam Đa, Rex ở Sàigòn nhưng không hiểu lý do nào không thực hiện. Chắc không có người bỏ vốn ra. 

 

Thời chiến tranh, thêm ông Diệm bị lật đỗ nên ít ai dám bỏ tiền ra đầu tư. Đàlat là tỉnh nhỏ nên đại gia cũng không giàu bằng dân Sàigòn nên có lẻ vì vậy mà khu Hoà Bình có vẻ bình thường, một tầng xung quanh cái rạp. Mình nghe nói, chủ tiệm nhà hàng Chic Shanghai là chủ rạp xi nê Hoà Bình. Đa số các người bán vé hay đứng soát vé đều là người gốc hoa ở Đàlạt.

 

Nói đến người soát vé rạp này thì nhớ có lần, đi học về mình ghé chợ lấy đồ ăn mang về. Đang leo lên các thang cấp để lên khu Hoà Bình thì nghe tiếng súng nổ ầm ầm, rồi thấy mấy người lính cảnh sát dã chiến bỏ chạy như điên, từ trên cầu thang chạy xuống chợ. Có người xin mấy bà bán hàng cho họ núp dưới sập. Mình tưởng Việt Cộng tấn công như năm Mậu Thân nên chạy xuống chợ lại. Rồi mình thấy mấy ông lính lực lượng đặc biệt, cầm súng AR-15, rượt bắn. Có hai tên cảnh sát dã chiến, chạy sao té nên bị đám lính lực lượng đặc biệt đến đấm đá như điên.

 

Sau này mới hiểu là có ông lính lực lượng đặc biệt gốc hoa, đứng chơi với người soát vé của rạp Hoà BÌnh, có mấy tên lính cảnh sát dã chiến đòi vào xem, không mua vé. Rồi đánh tên lính lực lượng đặc biệt, khiến tên này chạy về trại, kéo đồng ngủ ra chợ đi lùng cảnh sát dã chiến. Kinh

 

Dạo ấy nghe nói lực lượng đặc biệt là do mỹ trả lương, toàn là người dân tộc thiểu số. Xóm Thi Sách, gần nhà mình có nhà tên Dũng Đầu Bò, người Tày như thầy An, hay đánh bóng bàn với mình. Nhà hắn có mấy người đi lính Lực Lượng Đặc Biệt, chạy xe Jeep Mỹ, đeo súng lạ lắm.

 

Dạo đó có cảnh sát dã chiến đóng ở đường Trần Bình Trọng rất ngang tàn, ăn uống quịt thiên hạ như điên. Sau này thì có lính trinh sát, đại đôi 302 địa phương quân của thiếu tá Phong cũng làm Đàlạt náo động. Mấy ông thần này đánh Việt Cộng rất giỏi trên Núi Voi, về thành phố gặp mấy tên học sinh, sinh viên để tóc dài ăn chơi nên điên tiết lên đánh chơi cho bỏ ghét.

 

Thời chiến dịch Phụng Hoàng, con trai hay tránh đi ngang đây vì có tuần cảnh và hai ông cò lái mô tô Harley như Cò Giao đậu ở đó. Cứ chạy ngang đây là bị chận lại, xét giấy tờ hoãn dịch. Giấy tờ bị nghi ngờ vì có nhiều tên khai trụt tuổi đến 4, 5 tuổi nên cho lên xe, chở ra Thao Trường để thanh lọc. Con trai đi thi tú tài cũng vậy, phải lên nhà thương để khám sức khoẻ trong khi con gái thì không. Con trai bị khám để xem có bệnh sốt rét, hay chi đó, chứng tỏ là nằm vùng được đưa về thị xã hoạt động. Trong lớp mình có hai tên nằm vùng. Khi xưa mình có nghi ngờ nay về Đàlạt thì được chứng minh mình không lầm. 

 

Mình nhớ đi xem xi-nê đầu tiên tại rạp Hoà Bình khi họ mới khánh thành với anh Bình và thằng Đắc, hàng xóm. Hôm đó, họ chiếu phim “Tần Thuỷ Hoàng”. Mình với thằng em kế, ít tiền nên ngồi hạng rẻ tiền, gần màn ảnh, dãy ghế màu đỏ. Rạp có 3 loại vé; loại đắt tiền, gần cửa ra vào màu xanh lá cây, hạng trung bình màu vàng. Coi gần màn ảnh nên sau đó mình bị chóng mặt, nhớ đời.

 

Phim gây ấn tượng nhất mà mình xem tại rạp Hoa Bình là phim “bác sĩ Zhivago” với Julie Christie và Omar Sharif đóng. Phim chiếu cảnh tuyết rơi đẹp nước nở, khiến nẩy trong đầu mình, ước mơ được đi du học bên tây để xem tuyết. Nhớ chị Phương, hàng xóm cho mượn cuốn truyện này do ông Pasternak viết rồi đi xem thì thất kinh, sợ cộng sản từ đó. Sau này, ra hải ngoại mình xem lại phim này không biết bao nhiêu lần, bằng tiếng tây, tiếng đức, tiếng ý , tiếng anh. Có lẻ cuốn phim mình thích nhất, xem hoài mà không chán, nói chung phim của đạo diễn David Lean đều muốn xem lại.

 

Có phim “ngày tàn của đế quốc của La-mã” và “Le Cid” đều do cô đào Sophia Loren thủ vai. Le Cid vì ông tây dạy về Pierre Corneille nên được dịp xin tiền bà cụ đi xem mà không sợ bị rày. Mình chả hiểu gì cả nhưng đôi mắt của cô đào Ý Đại Lợi này, thủ vai Chimène , yêu một tên đã giết bố mình, khiến mình mê tơi, mơ mộng đi ý.

 

Có lẻ kỷ niệm đẹp nhất trong những lần cùng bạn học đến rạp Hoà Bình là buổi trình diễn ca nhạc cuối năm của học sinh của trường thêm phần phụ họa của ban nhạc nổi tiếng Đàlạt lúc ấy là “Rolling Wheels”. Có lần ông thần nào còm trên Facebook của mình, tự xưng là một trong những người của ban nhạc này khi xưa.

 

Mình chỉ nhớ Thanh Tịnh chơi đàn Hạ Uy Di, CNMT hát bản Mammy Blue, rồi ai đó không nhớ hết. Hôm đó, có anh chàng đánh trống của ban nhạc “Rolling Wheels” chơi rất hay khiến ai cũng muốn học đánh trống. Chiều bò đến nhà tên học chung lớp Vi Hoàng Đông Phương để tập chơi. Tên này có dàn trống nhưng không biết chơi, ai cho nên cả đám đến tập ầm ầm nhưng có vẻ hợp với dàn nhạc đám ma hơn là nhạc trẻ nên sau đó ai nấy đều từ giả nghiệp dư này.

 

Nhìn tấm ảnh thì thấy 4 ông phi công trực thăng, chắc đậu máy bay ở gần Thuỷ Tạ rồi lên phố chơi ít tiếng đồng hồ rồi bay đi. Đàlạt có vụ trực thăng rơi trên hồ Xuân Hương và một lần bị nằm vùng Việt Cộng ăn cắp chiếc trực thăng, bay vào mật khu rồi được tháo ra, chở về bắc để Liên Xô nghiên cứu. Mình có kể trong bài Thuỷ Tạ.

 

Nhìn kỹ thì thấy có một tên đứng trên mái nhà của rạp Hoà Bình, không biết đang làm gì. Còn tấm panneau đề tên Phim là do ông thợ vẽ Nguyễn Đình Nghi, chuyên vẽ các bảng quảng cáo Đàlạt. Nếu mình không lầm tiệm của ông ta ngày đường Minh Mạng, cạnh nhà sách Khai Trí, bên cạnh ông bắc kỳ bán bắp rang. Mình hay đứng xem ông ta vẽ cả ngày. Nội vẽ 3 cái bảng xi nê cho 3 rạp xi-nê Đàlạt là đủ sống qua ngày. Cứ ghé lại chỗ ông ta là biết rạp nào sẽ chiếu phim gì.

 

Còn mấy cái biểu ngữ của ty Thông Tin thì nền màu trắng chữ đỏ. Nay thì thấy toàn màu đỏ kinh. Mình đang viết về sự thành lập khu Hoà Bình qua các hình ảnh mình thu nhập được. Ai có tài liệu gì thêm thì cho em xin. Xin cảm ơn trước.

 

Nhs