Những nhà hộ-sinh của Đàlạt xưa


Hôm trước, nói chuyện với anh bạn học cũ Đàlạt. Anh ta kể đang giữ cháu ngoại rồi câu chuyện nhảy qua nhà hộ sinh Trương Thi Lập ở đường Phan Đình Phùng nơi anh ta sinh ra đời. Câu chuyện khơi lại hình ảnh của mẹ mình ngày xưa.

 

18 năm tại Đàlạt, mình chỉ nhớ hình ảnh mẹ mình, một phụ nữ quanh năm mang bầu. Vừa sinh xong hay bị xẩy thai là vài tháng sau, nghe tin dính bầu lại. Mình có gặp một cô mụ Đàlạt khi xưa, kể là mẹ mày kêu đâu có làm chi mô, vừa hết ở cử, ba mày chích một phát là có bầu ngay.

 

Mẹ mình có bầu tổng cộng là 13 lần, sinh được 10 người. Mẹ kể sinh mình ra tại nhà thương của bác sĩ Nguyễn Kim Phán, ở đường Phan Đình Phùng, nên khi thấy tấm ảnh của nhà thương này, bên cạnh trường tiểu học Minh Trí, nhà bảo sanh Tôn Thất Chí khiến mình cảm động. 

 

Cô em kế thì được sinh tại nhà bảo sanh Trương Thi Lập, ở đường Phan Đình Phùng, ngay góc đường Duy Tân. (Xem hình) nhà bảo sanh này ở lầu 1, còn phòng mạch của bác sĩ Lương ở tầng trên. 



Phòng bác sĩ Lương và nhà bảo sanh Trương thị Lập bên tay trái.

Phòng mạch bác sĩ Phán, cạnh trường học Minh Trí, nhà bảo sanh Tôn Thất Chí, màu đỏ, cửa sổ xanh, cách một căn bên trái. hình chụp ngay dốc lên nhà thờ Tin LÀnh, góc khách sạn Mimosa.


Chỗ này có con hẻm nhỏ đi ra phiá sau, có nhà ông giáo Kim, người bắc mà mình có học hè khi xưa ở trường của ông giáo, ngay góc hẻm khách sạn Mimosa, lên đường Hàm Nghi, chỗ nhà thờ Tin Lành. Ông ta có một người con trai tên Ánh, học Yersin trên mình mấy lớp, hình như bị tật ở mắt thì phải, hay chạy chiếc xe Suzuki. 

 

Năm 1992, mình về Đàlạt lần đầu tiên, có gặp lại ông giáo Kim, ngồi ăn phở ở bến xe Tùng Nghĩa khi xưa. Nghe kể ông đi ngoại quốc rồi trở về Đàlạt, sống với một bà khác. Cậu em kế mình thì sinh tại nhà bảo sanh Tôn Thất Chí, ở đường Phan Đình Phùng, ngay chợ Nhỏ, khúc nhà thuốc tây Lâm Viên.

 

Mình nhớ chiều hôm đó, ông cụ mình đi lính, về phép, ghé nhà rồi dắt mình đi bộ từ Ấp Ánh Sáng đến nhà bảo sanh này. Nếu mình không lầm, nhà bảo sanh này được xây bằng gỗ, sơn màu huyết dụ. Mình không nhớ có mấy phòng, chỉ nhớ mẹ mình nằm phòng một người. Có phòng dành cho 2 người, hay 3, 4 người, rẻ hơn. Tối ngủ mà nghe con nít khác khóc thì Chán Mớ Đời.


Mỗi lần mẹ mình sinh thì mình thích đi thăm nuôi vì được mẹ cho ăn cơm ké. Mình nhớ món thịt kho tiêu và chả lụa, ăn với cơm. Ngon chi lạ. Việt Nam mình thì kỵ con trai vào phòng sinh, đủ trò nhưng mình thì chả ngại, cứ có cơm thịt kho tiêu là vui. Mấy bà bạn hàng ở chợ, hay đến thăm, cho chả lụa hay trứng gà để bồi dưỡng.


Sau đó, mẹ mình ở cử 1 tháng. Xức dầu long não, xoa nghệ, gừng nằm trên lò than cả tháng trước khi đi bán ở chợ Đàlạt lại. Không biết nhờ ở cử hay sao mà nay bà cụ mình 87 tuổi, vẫn khoẻ mạnh, đi tập dưỡng sinh mỗi ngày.


Khi vợ mình đi sanh thì ngày hôm sau, y tá bắt đi bộ rồi 2 ngày sau, nhà thương đuổi về. Chả thấy ở cử, ở tú gì cả.

 

Xem ra tất cả mấy người em sau này đều được sinh tại đây vì gia đình mình dọn về đường Hai Bà Trưng, gần hơn. Chỉ có cô Út thì không biết vì mình đã đi Tây. Cô Nhỏ thì được sinh tại nhà bảo sanh của bác sĩ Hoàng Ngọc Đính, ở đường Hải Thượng. Mình không hiểu lý do lại sinh đây, chắc nghe bác sĩ kêu thai ngược chi đó nên sợ. Cô này rất bướng do đẻ ngược.

 

Mình chỉ nhớ có 5 nhà bảo sanh ở Đàlạt khi xưa, 1 ở đường Hải Thượng của bác sĩ Đính, hình như họ Hoàng. 4 nhà bảo sanh (nghe kể Hà Nội gọi là xưởng đẻ) ở đường Phan Đình Phùng: nhà bảo sanh Trương thi Lập, nhà bảo sanh Tôn Thất Chí, Ông thuộc dòng Tôn Thất này có bà vợ làm cô mụ, sau này truyền lại cho hai cô học trò. Gần đó là nhà thương của bác sĩ Phán, nơi mình được sinh ra đời rồi qua khỏi góc ngã ba chùa thì có nhà bảo sanh Hiền Chi, gần khúc ga ra Phan Xứng. Hình như ông Phan Xứng có con trai tên Phan Hiền Huy, học chung với mình khi xưa thì phải. 


Nhớ tới đây, bác nào nhớ có nhà hộ sinh nào khác thì cho em biết để cập nhật hoá thêm. Cảm ơn


Có người cho biết có nhà thương Phương Lan, Bệnh viện Đàlạt khi xưa, có nhà hộ sinh.


Nhs