Cuộc đời mong manh

Hôm nay, trong buổi họp hội Toastmasters của thành phố, mình được trao nhiệm vụ soạn đề tài của ngày nên chọn đề tài “life is fragile” cho có vẻ thời sự một chút. Số là dân Cali nhất là miền nam xôn xao, buồn vì cựu cầu thủ bóng rổ Kobe Bryant tử nạn.

Hình này thấy vui, không nhớ của ai bỏ trên mạng 
Theo thống kê thì 99% người Mỹ đều sợ nói chuyện trước công chúng, hay rất yếu kém khi phát biểu trong các buổi hội họp. Do đó có những tổ chức được thành lập để giúp người Mỹ có cơ hội luyện tập kỹ năng về phát ngôn trước đám đông.

Dạo còn đi làm, mình phải nói chuyện trong các buổi họp và trình bày ý tưởng thiết kế của mình. Một hôm ông xếp kêu mình nên gia nhập hội Toastmasters để luyện tập cách nói trong các buổi họp hay trình bày đồ án. Mình có gia nhập một thời gian rồi ngưng vì con lớn phải chở đi học rồi công việc nhiều nên ngưng. Nay mình gia nhập lại, thấy vui nên kể cho bà con.

Dạo còn làm kiến trúc thì mỗi ngày tiếp xúc với đồng nghiệp nên nói chuyện thì đề tài khá cao cao một tị, sau này mình đi thầu thì nói tiếng Mễ với thợ người Mễ hay anh ngữ với mấy người bán vật liệu xây cất nên chỉ loanh quanh vài tiêu đề về kỹ thuật xây dựng. Nay làm vườn thì không nói chuyện với ai hết, người trừ lâu lâu thấy coyote thì xịt xịt cho nó chạy nên Chán Mớ Đời. 

Gia nhập lại hội Toastmasters thì như trở lại thời làm nghề kiến trúc, khá vui khi được nói chuyện về những đề tài là lạ. Sáng nay, ông kia có xuất bản một cuốn sách nên ông ta nói về sự xuất hiện của chúng ta trên trái đất và sẽ đi về đâu, khá vui, khiến mình phải suy nghĩ cả ngày. Thêm có dịp nói tiếng anh cho chuẩn hơn vì có người sẽ đếm những gì mình lập lại hay sử dụng những cụm từ vô nghĩa như sáng nay, có bà sử dụng cụm từ “without further ado” thì bị sửa vì cho đó là cụm từ trống rỗng thêm nữa có nhiều người lại viết “adieu” thay vì “ado “. Họ dùng từ pháp ngữ để thế một từ anh ngữ, hoá ra vô nghĩa.  

Buổi họp bắt đầu bằng bắt tay và ôm không có hôn như tây đầm. Sau đó, chủ tịch hội khai mạc buổi họp mặt. Giới thiệu người toastmaster, người được chỉ định điều khiển buổi họp đến người đọc lời tuyên thệ trung thành lá cờ Hoa Kỳ,  Pledge of allegiance: "I pledge allegiance to the Flag of the United States of America, and to the Republic for which it stands, one Nation under God, indivisible, with liberty and justice for all," thêm phần cầu nguyện hay nói một câu hay ý tưởng đẹp nào đó.

Mỗi lần họp thì có một từ ngữ mới, họ gọi “word & thought of the day”, được ghi trên bảng để mọi người khi phát biểu, phải sử dụng từ này nếu không thì sẽ được người có trách nhiệm phần này báo cáo khi mãn giờ.

Sau đến phần kể chuyện vui bởi “Joke maker“, giới thiệu các người có nhiệm vụ như xét lỗi văn phạm (grammarian”, rồi đến người đếm những từ như ”ờ à, và,…” hay lập lại hoặc sử dụng những từ không được trong sáng lắm như “Stuff” hay “you know what i mean “ … mỗi lần ai nói câu này với mình thì mình đều trả lời “không” khiến họ bị hụt hẫng.

Mình nhớ có lần xem video họp mặt cựu học sinh Văn Học Đàlạt. Có một anh chàng cầm micro bày tỏ cảm xúc về buổi họp mặt. Anh ta dùng cụm từ “không biết nói gì hơn” đến 14 lần trong 5 phút cầm micro. Thật sự khi diễn đạt ý tưởng rất khó để tìm ra đúng từ ngữ để diễn đạt ý mình muốn nói do đó người ta cần phải viết trước để tạo dựng một cấu trúc để diễn đạt.

Ai không quen, dù đã nói phần nào mình muốn bày tỏ rồi cảm thấy như chưa vừa ý, nên lập lại những gì đã nói trước đây do đó chúng ta cần luyện tập kỹ năng này. Để xem sau vài năm học tập ở hội này, mình có thể nói một lần khi cãi lộn với vợ hay không. Khi cãi lộn người ta vướng phải lỗi lầm là cứ nói tới nói lui.

Giới thiệu tiếp “Teller”, người có nhiệm vụ tuyên bố là được bầu là diễn giả số một trong ngày hay về nhì,.. Ngoài ra còn có người kiểm soát thời gian gọi là “timer”, người này có bổn phận bật đèn xanh của cái máy khi diễn giả bắt đầu và khi gần hết giờ thì bật đèn vàng và khi quá hạn thì bật đỏ. Nếu bị bật đèn đỏ thì không được bầu vì họ muốn mọi người tập nói ngắn gọn trong thời gian được cho phép. 

Cuối cùng thì người tổng kết chung (general evaluator) về buổi họp như buổi họp có được khai mạc đúng 7 giờ, những gì cần được thi hành tốt hơn, trách nhiệm của mỗi người hôm đó ra sao. Cái hay là họ đánh giá diễn văn của mình rất xây dựng. Họ giải thích lý do, khác với lối phê bình của người Việt thường thấy trên mạng xã hội hay báo chí. Cứ phán “ngu”, nói như cứt,…không đưa ra lý do tại sao. Mình nhớ lần đầu tiên sang thăm Hoa Kỳ, có ghé lại thăm anh bạn học M.I.T., anh bạn cho mình xem tờ báo việt ngữ, có ông ca sĩ nổi tiếng một thời ở Sàigòn. Nay ông ta làm bình luận gia chính trị. Trong mục đọc giả viết thì ông này có trả lời “viết như cục cứt, không đầu không đuôi”. Mình và anh bạn ngồi cười khi thấy ông ca sĩ này rất đúng vì cục cứt không có đầu có đuôi.

Theo mình hiểu là người Việt mình không quen sống về duy lý lắm, họ sống về cảm xúc nhiều nên cảm thấy hay thì kêu hay, dỡ thì kêu như cứt,…không có lý luận như người tây phương. Mình nhận thấy trên mạng người Việt đăng thơ của họ làm nhiều hơn là những bài viết. Trên blog của họ thì cũng tải về bài của người khác khá nhiều. Đặc biệt bờ-lốc của mình là toàn những gì mình tự viết do đó mình ít khi ký tên.

Sau màn giới thiệu thì toastmaster (người dẫn chương trình) bắt đầu mời người bình phẩm bài diễn văn, giới thiệu diễn giả và đề tài lên nói chuyện. Diễn giả sẽ lên đứng trước cái bục để thuyết trình về đề tài của mình trong vòng 5-7 phút rồi đến diễn giả thứ 2,…

Sau hai diễn giả thì hai người đặt trách bình phẩm diễn giả lên bục để bình luận và đưa thêm ý kiến giúp họ nói khá hơn lần sau. Thông thường mấy người này là hội viên lão thành nên có kinh nghiệm nhiều để đánh giá bài diễn văn,… tháng sau mình sẽ được cử làm vụ này.

Sau đó thì đến phần “table topics”, đề tài ngắn gọn, diễn giả chỉ có 2 phút để nói về một tiêu đề nào được hỏi. Sáng này mình có trách nhiệm về vụ này. Mình nói về đề tài “cuộc đời mong manh”. Mình dựa trên vụ ông cầu thủ Kobe Bryant bị tử nạn để hỏi mọi người nếu bạn có 1 năm, 3 tháng để sống thì sẽ làm gì,…

Nói đến cần phải làm di chúc, living trust cả một khi mình qua đời thì con cháu ở lại khổ sở vì phải xem xét giấy tờ của mình,… có một bà, vợ của luật sư chuyên về luật gia đình nói, đúng hơn là khuyên chúng ta để lại của cải cho con cháu thì nên chia đều vì nếu không chúng sẽ tranh chấp nhau và sẽ không bao giờ nhìn mặt nhau nữa. Đó là kinh nghiệm của vợ luật sư chuyên làm di chúc gia đình.

Vợ hay kêu mình không biết ăn nói nên đi đâu, gặp ai mình đều câm như hến nhưng đến nay đi họp với hội Toastmasters thì mới hiểu lời nhận xét của vợ rất chuẩn. Mình nói chuyện chán như con gián. Thêm nữa mình đi học thương lượng thì họ dạy chỉ trả lời sau 10 giây nên khi họp mặt, mình ít nói vì quen nghe thiên hạ và đợi 10 giây. Thiên hạ ít khi đợi được 10 giây nên họ lại tiếp tục nói.

Sang Hoa Kỳ mình mới thấy phục tinh thần dấn thân của người Mỹ. Họ chẳng đợi chờ ai cả, muốn làm gì thì tự đứng ra làm. Điển hình muốn luyện tập cách nói trước công chúng, họ tập họp vài người rồi thành lập hội, dựa theo các nguyên tắc của hội chính rồi làm, thay vì phải đợi chính quyền như bên âu châu.

Hy vọng trong tương lai, mình sẽ học được cách viết không lêu bêu về vùng trời vô định, ngắn gọn hơn sẽ bớt chán như con gián. Chán Mớ Đời 

Nhs