Tin bác sĩ nhưng phải kiểm chứng

Mình có đọc câu chuyện của một bà ký giả về y tế, kể về vụ ông chồng bị bệnh và may mắn được lành bệnh. Bà ta khuyên đọc giả nên tin tưởng bác sĩ nhưng phải cẩn thận, cần kiểm chứng lại với ý kiến của bác sĩ thứ 2 hay 3.

Bà ta kể là 9 năm về trước, ông chồng lâu lâu bổng nhiên đơ ra, nói năng không được, sau khi tập thể dục. Đi bác sĩ gia đình thì được chẩn bệnh ông ta thiếu nước nên kêu uống “Gatorade”, một loại nước mà ai chơi thể thao thường uống, có rất nhiều đường và muối để chóng hồi phục. 



Một hôm, đang ăn cơm bổng nhiên ông chồng đơ ra, không nói được và cũng không nghe ai nói gì cả nên bà ta gọi cho bác sĩ gia đình. Bác sĩ không có mặt nên cô y tá giới thiệu một chuyên gia về thần kinh nhưng phải mất 6 tuần mới lấy hẹn được. Năn nỉ quá thì mới vào sớm thì bác sĩ cho đi rọi MRI thì khám phá trong não của ông chồng có cái bướu to đùng như trái banh cù.

Theo National Academy of Medicine thì trung bình, người Mỹ bị chẩn đoán sai ít nhất một lần trong đời. Còn tổ chức bất vụ lợi Primary Care Progress, cho biết mỗi bác sĩ trung bình chỉ gặp bệnh nhân 8 phút, họ như chạy đua từ phòng khám bệnh này sang phòng khác. Bác sĩ rên là bị bón vì không có thì giờ để đi cầu. Mình có anh bạn làm bác sĩ cho Kaiser Permanente, cũng rên tình trạng này.

Bác sĩ mất thì giờ để ghi lại y lý của bệnh nhân vào máy điện toán để theo các thủ tục hành chánh, sợ bị thưa kiện đủ trò nên ít có thời gian với bệnh nhân. Nghe nói họ mất đâu 6 tiếng mỗi ngày phần thủ tục hành chánh. Thêm các công ty bảo hiểm không trả nhiều nên phải tìm cách khác để kiếm thêm tiền như bán sinh tố, hay mở phòng MRI, đủ trò. Nghe anh bạn bác sĩ kể là nay họ cũng không cho phép bác sĩ làm MRI nhiều vì bị lạm dụng. Cứ vào bác sĩ mà tổ hợp có máy MRI là chắc chắn phải chụp hình trước. Mình có anh bạn rên là sợ đi bác sĩ vì chúng cứ bắt mình chụp hình đủ trò, đẻ thêm chuyện để vớt tiền.

Sau khi xem hình ảnh MRI xong thì bác sĩ thần kinh kêu có cục bướu và phải mổ nhưng sẽ hư một con mắt chi đó. Thế là hai vợ chồng khóc như mưa ngâu rồi trời xui khiến họ đi gặp ông Rabbi để tìm ăn ủi nơi thượng đế. Ông này lại kêu nên gặp một bà nào trong nhà thờ do thái, đã bị mổ não.

Họ nghe lời gặp bà này. Bà này nói nên gặp bác sĩ của bà ta cách đây 3 tiếng lái xe. Thấy xa nên ông chồng không muốn đi nhưng cứ đi thử xem sao. Nghe nói muốn hỏi thêm ý kiến của một bác sĩ khác thì ông bác sĩ địa phương không vui. Theo các bác sĩ thì họ rất vui khi bệnh nhân đi tìm một bác sĩ khác vì nếu họ trở lại thì càng tin tưởng vào bác sĩ hơn.

Theo nghiên cứu của bệnh viện Mayo Clinic vào năm 2017 thì 20% bệnh nhân đi viếng bác sĩ khác thì được chẩn bệnh khác bác sĩ trước. 66% có thêm tin tức về bệnh tình của mình, và ý kiến của bác sĩ thứ 2 thường là cách chữa trị khác.

Cái nguy hiểm là phân nữa người Mỹ không màn đến tìm kiến bác sĩ thứ 2 nên nhiều khi bị chẩn bệnh sai. Tiền mất tật mang.

Hai vợ chồng lái xe 6 tiếng gặp bác sĩ kia thì ông ta cho biết là sẽ giải phẫu cách khác, ít ai làm được với phương pháp mới, không gây nguy hại đến thần kinh con mắt. Thế là họ đồng ý để bác sĩ mới giải phẫu và ông chồng khỏi lại như xưa, không bị lộn xộn đến dây thần kinh.

Tuần trước, mình nghe anh bạn quen qua võ thuật. Cách đây 12 năm, anh ta có dạy mình môn “bạch hạc” nhưng mấy năm gần đây, bận nên không liên lạc thường xuyên. Anh này kể là trước khi sang Hoa Kỳ, anh ta đi từ nam chí Bắc để giao thủ các nhà võ, chỉ dưới cơ một người. Lâu lâu có nhận được bài anh ta viết về đông-y hay những suy nghĩ của anh ta về võ thuật. Nghe nói anh ta bị mổ, cắt túi mật khiến mình thất kinh.

Lý do là theo những gì anh ta nói, viết về đông y và võ thuật thì mình nghĩ anh ta phải ăn uống cẩn thận, tập rất nhiều dù không đến Đông Phương Hội. Nghe kể anh ta đau vào nhà thương, bác sĩ kêu mổ để làm tiền nhiều hơn thay vì chữa trị bình thường, mất thời gian hơn.

12 năm trước, anh ta bị trật xương sống khi bê cái thùng nặng, bác sĩ muốn mổ nhưng anh ta sợ bị phế võ công tập luyện từ 30 năm qua nên tìm cách khác. May thay gặp được một anh ở Na-uy, cháu ngoại của ông thành lập bệnh viện Sùng Chính ở Chợ Lớn, biết môn Trật-đả nên kêu anh ta chịu khó bay sang Na-uy ở một tháng trời, để anh ta chữa trị thì lành bệnh. Nay mình hơi ngạc nhiên vì anh ta không còn ý chí như xưa để tìm cách chữa trị bệnh tình của mình, cứ phó mặt cho bác sĩ đầu tiên gặp.

Cho thấy chúng ta cần có nghị lực để chống chọi với đau nhức bệnh tật vì khi bị đau, chúng ta chỉ muốn chấm dứt ngay, bất chấp hậu quả. Anh bạn có thể đi khám bác sĩ thứ hai để xem có phương y nào khác để chữa sỏi trong mật thay vì nghe lời ông bác sĩ đầu tiên là cắt, để nhà thương kiếm tiền nhiều hơn.

Vấn đề là cắt túi mật thì sau này ăn uống sẽ gặp khó khăn. Mình có quen một anh cựu học sinh Lasan Adran, nghe kể anh ta bị ung thư và được chữa lành nhưng nay ăn uống khó khăn.

Chúng ta tin vào bác sĩ nhưng phải cẩn thận như ông tổng thống Reagan có lần nói: “Trust but verify”. Chúng ta phải hiểu bác sĩ chẩn bệnh, vì nhu cầu tài chánh nên cần phải làm cho lẹ, trung bình chỉ gặp bệnh nhân có 8 phút. Mình thì gặp mấy bác sĩ chỉ có 3-4 phút nên phải đọc thêm sách báo khi họ nói về sức khoẻ của mình.

Dạo vợ mình bị mãn kinh, đi bác sĩ gia đình kêu là thiếu máu nên bắt ăn và uống thuốc bổ máu đến khi đi bác sĩ về phụ nữ thì được biết là bị mãn kinh. Theo kinh nghiệm của bà ký giả chuyên về y tế, cho thấy chúng ta cần tìm kiếm thêm ý kiến của bác sĩ thứ 2, thứ 3 vì 66% sẽ có thêm tin tức về bệnh tình và cách chữa trị khác. Xong om

Nhs