Ông Đồ

Nhớ hồi nhỏ, học việt-văn có bài ”ông Đồ” của ông Vũ Đình Liên, khiến mình ngu lâu dốt bền vững từ đó vì không bao giờ thấy ông đồ ở Đàlạt, do đó học nhưng chả hiểu gì cả. Chợ Tết Đàlạt không bao giờ thấy có ông nào bận áo dài khăn đóng, ngồi viết câu đối. Thầy bói thì có thấy.

Thật ra nhiều bài học việt-văn khiến mình ngu ngơ. Những bài nói về làng quê, bờ đê, ruộng nương,… dân thị xã nhỏ bé nhưng chưa bao giờ có dịp về quê, để thấy cây đa, luỹ tre làng. Sau này, khi nói chuyện với con về Việt Nam, mặt chúng cứ đực ra như bò đội nón. Làm sao chúng có thể hình dung, cả nhà mấy anh em chuyền tay, đưa nhau mút mút chung cây kem trong khi chúng chỉ cần mở tủ lạnh là có nhiều loại để lựa.

Mấy chục năm sau, mình mới có dịp về quê nội, mới khải thị những gì khi xưa học đi trên bờ đê, nhìn thấy ruộng nương, ao cá, thấy cây đa lần đầu tiên trong đời. Hình ảnh Chùa Thầy trong sương mù, gây cho mình ấn tượng rất đẹp khó quên về quê cha đất tổ.

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Khi xưa, giấy mực để viết rất đắt tiền nên mình đoán ông đồ cả năm chả viết gì cả, đến khi Tết, có người trả tiền nên mới phóng bút viết loạn cào cào lên vì được trả tiền. Còn Phượng múa rồng bay thì đa số dân quê không biết chữ nên ví von cho vui để tạo dựng cho mình một khí thế là biết đọc chữ.

Tuần rồi, đi chùa Điệu Ngự, thấy gia đình Phật tử tổ chức Tết, tạo dựng các cảnh đầu xuân ở quê nhà nên có người bận áo dài khăn đóng vai ông đồ, ông thầy bói khi xưa chỉ làm tiền 3 ngày Tết, thầy bói thì sống nhờ đầu năm, thiên hạ muốn coi tình duyên gia đạo ra sao.

Ông Đồ và bà Đồ tại chùa Diệu Ngự 2020

Tuổi trẻ của mình thì không thấy hình ảnh này, nay họ lại dựng lại hình ảnh qua những bài việt văn mình học khi xưa. Không biết vì chống cộng sản, mà ông đồ không có giấy đỏ, chỉ viết A B C trên giấy trắng. Chán Mớ Đời 

Ban tổ chức Tết tạo dựng lại những ký ức của thế hệ bố mẹ mình còn thế hệ mình thì chịu, không thấy mấy vụ này nên khó giải thích cho mấy đứa con. Thầy bói thì mình nhớ ở Đàlạt, ngay góc Tăng Bạt Hổ, bên cạnh tiệm cầm đồ Bùi Thị Hiếu, có ông thầy bói bận áo dài đen, khăn đóng ngồi mỗi ngày, cạnh ông sửa giày dép.

Học ca dao thì có:

Số cô chẳng giàu thì nghèo,
Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà.
Số cô có mẹ, có cha,
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.
Số cô có vợ có chồng,
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai”.

Xem ra bói toán chỉ để an ủi người nghe, nịnh họ một tí. Thầy bói có lương tâm thì bốc phét là đầu năm hên cả năm phát Lộc còn gian ác hơn một tí thì kêu đại nạn, phải cúng giải hạn, tế sao rồi mời thầy về nhà cúng kiến, có một mâm cổ cho thầy ăn. Xong om

Dần dần, dưới thời tây thực dân, thiên hạ học tiếng tây, chữ quốc ngữ nên chả cần đến câu đối nên ông thầy đồ thất nghiệp. Thật ra thời tây sang Việt Nam, chỉ có 5% người Việt là biết chữ. Có nghĩa là biết đọc biết viết sơ sơ, còn loại khá khá hơn thì đi thi để làm quan. Ai rớt hoài như ông Nguyễn Khuyến, được bà vợ nuôi suốt 24 năm trời mới đậu tú tài, rốt cuộc chả làm được gì vì thời Tây, họ cần người biết bạt lê  phăng xe nên bù trớt, ngồi nhà làm vài câu thơ cho qua ngày.

Mình có đọc một tài liệu thời vua Tự Đức, nói về sự mất mát kinh tế của các gia đình Việt Nam, muốn cho con đi học. Cứ tưởng tượng học 4 năm đi thi một lần như ông Tú Xương. 4 năm mất toi của vì không lao động. Đến khi đi thi, phải trả tiền tên đi theo hầu, rồi đi xa,... rớt thì học lại, đợi 4 năm sau.

Mấy người biết chữ, thi trượt hoài thì về, kiếm cách mưu sinh như làm nghề ông đồ, dạy trẻ hay làm thầy thuốc Bắc vì biết đọc chữ tàu, cho uống xuyên tâm liên. Mò mò thêm tử vi hay địa lý thì bốc phét thêm, kiếm thêm tiền của dân làng, cũng sống qua ngày.

Nhìn lại mình thấy cái ác của kẻ có học chút chút khi xưa, thay vì giúp phát triển dân trí trong làng, họ dựa vào những chữ thánh hiền học được để làm kế sinh nhai, tạo dựng ra một văn hoá vớ vẩn, thay vì khai trí người dân, họ lại ngu dân hoá để trục lợi nên mới có trò cúng kiến đủ trò. Nay họ bắt chước, làm lễ hội để ngu dân hoá, trục lợi cho cán bộ.

Nếu thầy giỏi thì chắc chắn đã đậu, cuộc đời thầy đã khá nhưng học tài thi phận vì biết được sao tuổi hạn của mình thì có thể biết trước mà tiến tới. Thầy kêu thất đức, thiên cơ bất khả lộ thì đành bó tay chấm  còm.

Ra hải ngoại, người mình có xu hướng hướng nội, những gì khi xưa ở Việt Nam không để ý, nay thì nhớ mại mại rồi làm lại như tạo dựng lại ký ức. Khi đã không rành thì sự tạo dựng lại ký ức mơ hồ, có thể đưa đến những sai trái và thế hệ sau lại bắt chước sai và từ cái sai ấy dẫn đến những sai lầm lớn hơn sau này.

Mình nhớ dạo mới sang Cali, mua cuốn sách của ông nào tự xưng là đại diện cho dòng Tôn thất. Ông ta kể về văn hoá Việt Nam rồi bồi thêm sang mỹ không ăn trầu được thì nên mời nhau bằng kẹo cao su, thay vì “miếng trầu là đầu câu truyện” biến thành “miếng kẹo cao su là đầu câu truyện”. Chán Mớ Đời

Nay ở hải ngoai, ăn Tết xứ người, có lẻ mình hiểu phần nào tâm sự của ông Võ Đình Liên về hình ảnh ông đồ. Khi già chúng ta hay nhớ về ký ức của tuổi thơ, tuổi trẻ, thấy những hình ảnh xưa đã biến mất như ký ức tuổi thơ đã dần dần chìm vào lãng quên của xã hội không ngừng thay đổi theo bánh xe lịch sử.

Xong om
Nhs