Chấp nhận hay nương theo

Hôm qua, có anh bạn linh mục lâu ngày không gặp, ghé vườn mình chơi với một linh mục khác ở giáo phận Riverside. Anh bạn linh mục có xin mình mấy cây bơ nhỏ để trồng trong khung viên nhà dòng nên mình có cấy cho mấy cây đem về.

Mình cho dạo quanh vườn, mỗi cha đem về một thùng bơ 50 cân cho giáo xứ ăn. Sau đó mình mời hai linh mục đi ăn trưa rồi nói chuyện, ôn lại những kỷ niệm của 30 năm về trước, khi mình với anh bạn linh mục cùng sát cánh với các sinh viên vùng đông Bắc, biểu tình chống cưỡng bách hồi hương các đồng bào ở các trại tỵ nạn ở đông Nam Á.

Anh bạn kể dạo ấy có một cô sinh viên Princeton, vượt biển lúc 12 tuổi, ngày nào cũng gọi văn phòng ông dân biểu gốc Do thái ở New York, để mời tham dự cuộc biểu tình với sinh viên và người Việt tại New York trên đại lộ số 5 (Fifth Avenue). Cuối cùng ông ta đành chấp thuận đến vì tò mò. Ông dân biểu kể tôi có biết đến một người họ hồ ở Việt Nam, đó là hồ chí minh, còn Tiffany Ho thì không biết nên phải bỏ hết các họp mặt khác để đến với cộng đồng người Việt, để xem mặt cô sinh viên gốc việt này. Chị này nay là bác sĩ ở miền Bắc Cali.

Nhớ nhóm “Bút Nhóm Lửa Việt”, dạo ấy tổ chức các trại hè với thanh niên và sinh viên vùng đông Bắc, khá vui, nhiều kỷ niệm, những đêm làm báo Lửa Việt ở đại học Princeton,… mình học lại tiếng Việt nhờ tham gia nhóm này, tìm sách báo việt ngữ đọc rồi tập viết cho báo Xuân, rồi sông có khúc người có lúc, mình sang Cali lập gia đình, lâu lâu có hỏi thăm nhau, mỗi năm gửi hiện kim cho nhóm để giúp các công tác thiện nguyện ở Việt Nam hay ở Hoa Kỳ như vụ bão lụt Katrina nhưng hết thời gian để vác ngà voi, lo tu thân tề gia còn bình thiên hạ thì để các người khác lo. Nay thì làm vườn trở về cuộc đời nông dân.

Ngồi kể chuyện những người bạn xưa đi biểu tình chống cưỡng bách hồi hương, nay có một số dựa vào những hoạt động của tuổi trẻ để trở thành các chuyên gia xã hội về cộng đồng người Việt, để xin tiền các hội đoàn nhất là các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ và các Foundation nên cũng không thiết tha gặp lại họ. Mình chống cưỡng bách hồi hương trong khi họ đồng ý để có việc làm cho họ khi đưa các người vượt biển trở lại Việt Nam, họ sẽ nhận tiền của chính phủ Hoa Kỳ hay các tổ chức quốc tế để quan sát xem các người này có bị Việt Cộng làm khó dễ, tạo công ăn việc làm cho họ….

Vợ mình có cô bạn học cũ, hai vợ chồng đều là kỹ sư, nay họ làm việc, gây quỹ toàn thời gian để giúp đỡ người Việt tại Việt Nam, có đời sống kinh tế khá hơn làm kỹ sư nên tụi này cũng hay tránh. Theo phương cách làm việc của các tổ chức vô chính phủ, thì phải trả lương cho người điều hành tổ chức, cứ muốn trả bao nhiêu thì trả,… có vài người mình biết nay đang bị tố vì lạm dụng tiền bạc ngân quỹ. Anh bạn linh mục kể là có ông mục sư nào đó bị một trong những người này dẫn đi xin tiền, nhưng ngân phiếu được ký cho tổ chức của họ nên mục sư đến nay không thấy đồng tiền nào để ông ta có thể giúp nhà thờ ở Việt Nam, dù bị Việt Cộng làm khó dễ.

Mình thì nhất quyết không tham dự mấy buổi gây quỹ của họ, vợ mình vì nể bạn chớ mình thì không. Mình biết có người mỗi năm xin được mấy triệu đô để tổ chức các chuyến du lịch, đưa các cựu chiến binh Mỹ thăm viếng Việt Nam vì đa số bị bệnh tâm thần sau khi từ Việt Nam trở về mỹ, không hoà nhập vào đồi sống dân sự. Ở Hoa Kỳ, làm từ thiện là một nghề chuyên môn, có thể kiếm rất nhiều tiền nếu hiểu biết luật lệ và xin tiền. Các công ty cho tiền để trừ thuế và tiếp thị cho công ty.

Xin tiền thì mướn một chuyên gia chuyên viết để xin tiền (Grant) các cơ quan từ thiện hay chính phủ,... sẽ chia trên số tiền nhận được.

Anh bạn kể là khi bão lụt Katrina xảy ra thì anh ta cùng các người Việt quyên góp áo quần, dụng cụ,... để chở tiếp tế cho nạn nhân. Sau đó thì có một anh chàng, mình có gặp khi xưa ở Boston nay làm luật sư, gọi điện và đề nghị cha cho biết số tiền, chi phí để anh ta khai lại với chính phủ liên bang và đề nghị chia 40/60 chi đó. Anh bạn kêu là muốn chấm dứt cuộc nói chuyện thì tên luật sư trở mặt, hết xưng cha con, đủ trò,...

Hôm qua, báo chí đăng có một tổ chức phi chính phủ ở Pháp quốc, bảo trợ một viện mồ côi ở Đà Nẵng từ bao nhiêu năm nay, nay nghe vụ dịch Corona, họ đột suất về Việt Nam để xem tình hình các cháu mồ côi ra sao thì viện mồ côi vắng như chùa Bà Đanh, hỏi ra thì các em đã được người thân đưa về nhà, vì sợ dịch. Chán Mớ Đời

Nhóm “Bút Nhóm Lửa Việt” có mướn một người đại diện toàn thời gian ở Việt Nam, để lo cho các công việc từ thiện của nhóm chủ trương. Anh bạn là đầu tàu. Người đại diện bị Hà Nội làm khó dễ, nhiêu khê lắm nhưng bảo đảm là xe đạp tặng đến tay các em học sinh nghèo, hay thuốc cho người nghèo, mỗ tim cho trẻ em nghèo,...

Làm việc từ thiện tại Việt Nam rất khó vì bị Mặt Trận Tổ Quốc, và công an theo dõi phá đám. mình có ghé thăm một giáo xứ ở gần Đàlạt, nơi mà tụi này có tặng học bổng cho học sinh Chu-ru và xe đạp. Các em đi học, phải lội bộ 10 cây số mỗi ngày, bụng đói. Khi xưa, mẹ mình đi thăm ông cụ ở trại cải tạo Đại Bình, có lần xe bị lật, các người Chu-ru mời mẹ mình và các bà đi thăm chồng vào ngủ lại nhà họ nên mình lo cho mấy em để trả ơn ngày xưa.

Nói chuyện với mấy cha thì được biết có lần, giáo xứ bên mỹ nào tặng cho 1 tấn gạo. Cha kêu mấy thanh niên thánh thể lên lấy bao nylon để đựng gạo rồi chở lên các buông để tặng gạo thì mới ra cổng nhà thờ đã bị MTTQ và công an chận lại, lập biên bản, kêu nhiệm vụ giúp người dân là của họ. Cha phải ký giấy tờ, cam kết là KHÔNG được tái phạm. Sau đó cha hỏi là nếu nhờ MTTQ và Công Ăn giao gạo cho người trên buông thì tốn bao nhiêu. Họ kê tính ra thì xem như đi đong nữa tấn gạo. Chán Mớ Đời

Chưa kể là lâu lâu công ăn đến nhà thờ để kiểm soát hay chi đó, cứ phải lo nấu ăn đủ trò, sau này cứ đưa tiền cho họ đi ăn ngoài phố cho tiện.

Ngồi nói chuyện về bệnh ung thư của anh bạn linh mục, đã trải qua giải phẫu. Bác sĩ nay kêu xạ trị, sau khi giải phẫu không hết. Anh bạn hỏi bác sĩ, ông là máy định vị của tôi. Ông bảo tôi giải phẫu thì tôi đã nghe lời, nay không hết ông lại kêu xạ trị, làm sao tôi có thể tin ông nữa. Anh bạn kêu; mày còn có gia đình, vợ con, còn tao thì chỉ có giáo xứ nên không có gì níu kéo tao lại như cô em của tao. Cô em cũng bị ung thư ngực, kêu phải phấn đấu để sống vì con, vì gia đình. Ông linh mục của giáo xứ ở Riverside cũng bồi thêm, ít ai hiểu cách suy nghĩ của mấy kẻ thừa sai, hiến dâng cuộc đời theo gương của Chúa.

Tập ở Đông Phương Hội từ 12 năm nay, mình bắt đầu hiểu tư duy của hai vị linh mục này. Khi giao thủ, mình ngại đối thủ lấn lướt, áp đảo mình nên có khuynh hướng chống cự hay tìm cách áp đảo đối phương. Hôm trước, Khoa nhấn hai cái huyệt cùng lúc trên cánh tay của mình, bất ngờ nên mình tự động phản kháng lại thì cảm thấy đau nhức nhối, không làm gì được. Đến khi Khoa kêu mình cứ nương theo như khi luyện tập với Khoa thì khi bị nhấn hai cái huyệt lại thì mình chỉ nương theo nên không thấy đau nhức nhối như lần đầu tiên.

Khi anh bạn linh mục chấp nhận là nương theo căn bệnh thì sẽ ít cảm thấy đau, còn nếu cứ tìm cách cưỡng lại chống chọi thì càng thấy đau hơn như mình đã bị nhấn huyệt lần đầu.

Mình có tóm tắc 5 cuốn sách đã đọc về ung thư trong bài “đừng sợ ung thư”, bác sĩ khuyên là tâm của mình trong thời gian điều trị cần phải bình tỉnh, không nôn nóng vì càng nôn nóng, chống lại thì các tế bào ung thư càng sinh sổi nảy nở, di căn đến khắp nơi. Đó là sự thử thách mà chúng ta cần phải vượt qua. Đông Phương Hội hướng dẫn các hội viên, luyện tập tinh thần để vượt qua các thử thách để khi đau ốm, chúng ta bình tỉnh, chấp nhận sự kiện để trị bệnh.

Anh bạn kêu: “that’s it “, tao đã đi khắp 4 châu theo tiếng gọi của bề trên, làm việc cho nhà thờ ở Do Thái, ở các châu khác, lo cho người Việt tỵ nạn, người nghèo khổ ở Việt Nam,…nay chỉ chấp nhận sự phán xét của Chúa”. Gần 30 năm qua, mình lâu lâu nhận được email, anh bạn linh mục kêu tao đang ở Florida rồi vài năm sau thì đang ở Do Thái rồi khi thì nghe đang ở Việt Nam,…

Mình thấy anh bạn rất can đảm vì ít ai nói đến dọn mình về đất chúa bình thản như vậy nhưng vẫn vui cười, tiếp tục con đường của kẻ thừa sai. Đa số là trách móc Chúa đủ trò,… lạ một điều là mình và anh bạn linh mục nói chuyện với nhau là cứ mày tao. Chán Mớ Đời

Khi xưa, ở Nữu Ước, mình bận bộ đồ vét đen và hay đi anh bạn linh mục nên thiên hạ cứ gặp mình kêu là thầy. Vô nhà giáo dân, họ kêu cha còn hỏi mình là thầy hay cha để họ tiện xưng hô khiến mình bị ế vợ nên phải thoát về Cali mới tìm được vợ.


Cuộc họp mặt ngắn ngủi với anh bạn, giúp mình ôn lại những kỷ niệm ngày xưa, thời còn sinh sống ở Nữu Ước, một thời sống với đam mê của tuổi trẻ. Tham gia các hoạt động của tuổi trẻ, hát vang với bạn bè những bài hát tranh đấu cho người tỵ nạn, mất quê hương. Có một bài ca thuộc thể loại nhạc vào đời của người công giáo mình thích nhất là: 

Gần nhau, trao cho nhau yêu thương tình loài người 
Gần nhau, trao cho nhau tin yêu đừng gian dối 
Gần nhau, trao cho nhau ánh mắt nhân loại này 
Tình yêu thương trao nhau xây đắp trên tình người. 

Cho dù rừng thay lá xanh đi 
Cho dù bầu trời thiếu mây bay 
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi. 

Cho dù đồi hay núi di đi 
Cho dù biển cạn nước bao la 
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi. 

Cho dù mùa xuân thiếu hoa tươi 
Cho dù rừng ngàn thiếu muông chim 
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi


Anh bạn nhắn tin kêu cảm ơn cho tình bạn và bơ, kêu là mấy người ở nhà thờ đòi đi viếng vườn bơ như anh ta kêu không vì mệt quá.

Mình cũng cảm ơn anh ta đã đồng hành với mình trong 5 năm khi mình làm việc tại Nữu Ước. Anh ta là một trong những người đã giúp mình mạc khải  rất nhiều trên con đường đời, có cái nhìn làm thiện nguyện vì cái tâm, giúp đỡ kẻ khốn khổ hơn mình, không vì danh lợi, nhiệm vụ của một người thừa sai dù mình không phải công giáo nhưng anh ta vẫn đón nhận tình bạn của mình.

Cảm ơn Chương.

Ai muốn viếng vườn bơ cửa rèm thì cứ nhắn tin rồi hẹn ngày giờ đến chơi.

Nhs