Fan cuồng 2021

 Dạo này, mình viết mấy bài anh-ngữ, giải thích cho mấy đứa con và mấy đứa cháu bên vợ về đầu tư địa ốc. Thường thì giới trẻ kêu thế hệ bố mẹ không biết gì, nhưng mấy đứa cháu vợ, tuy là bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ,... đều gọi Chú Sơn để hỏi chuyện về đầu tư nên mình phải viết bằng anh ngữ cho chúng. Có thể sau này mình sẽ làm zoom, cho cả đám con cháu như hôm giáng sinh, cả nhà 3 thế hệ họp mặt qua zoom khá vui.

Hôm qua, tình cờ thấy Roth_IRA của thằng con được đâu $15,000 khiến mình mừng vì mới đi làm có một năm hơn mà nó để dành như vậy là mừng. Nói nhỏ với mụ vợ thì mụ la, kêu nó không lo thăng tiến trong công việc mà cứ lo đầu tư. Chán Mớ Đời 

Phần việt ngữ thì mình viết mỗi ngày trên bờ lốc, hôm nào rảnh thì tải lên Facebook một bài là xong om. Ai muốn đọc trước thì lên bờ lốc. Mình đang tự hạn chế lên mạng để có thì giờ chăm sóc mụ vợ. Càng về già càng thương đồng chí gái. Đang chạy đua, bù lại những ngày tháng lo làm ăn, quên vợ nhà. Dạo này, mụ vợ đi làm lại những gở nhà. Cứ 2 tuần làm ở nhà và 2 tuần làm ở sở, hôm qua bò vào sở thì họ đuổi về.




Fan Cuồng 2021

Có lần nói chuyện với chị hàng xóm khi xưa ở Đàlạt, mới tìm lại qua Facebook. Chị kể là “Fan cuồng của em” khiến mình thất kinh vì không biết viết cái gì mà khiến chị ta cuồng Chán Mớ Đời. Chị kể khi xưa cho mình mượn truyện đọc ké, không ngờ nay mỗi ngày lên mạng, xem mình có viết gì trên bờ lốc, tương tự khi xưa đợi ông đưa báo hàng ngày để đọc truyện Kim Dung.

Mình nhớ khi xưa mỗi lần sang nhà chị chơi, thấy chị ngồi học bài, nghe đài “Gươm Thiên Ái Quốc” hay “Mẹ Việt Nam” với giọng cô xướng ngôn viên đọc giọng bắc kỳ “sinh bắt tử nam”, rợn tóc gáy. Chị có người anh đầu đi lính biệt kích, nhảy toán ở đường mòn Hochiminh. 


Sau này đọc hồi ký mấy ông bộ đội, họ cho biết, nghe lén đài miền Nam khiến họ lo sợ cho thấy chiến tranh tâm lý dạo ấy khá mạnh đến khi Mỹ rút quân thì hết tiền, phải dẹp mấy cái đài này. Được phát thanh ở ngoài đảo của Đà Nẵng. Chị đậu Tú tài trước mình đâu 4 năm, về Sàigòn học nên chưa gặp lại từ dạo ấy. Nay ở cách mình cũng 2 tiếng lái xe thêm mùa cô-vi nên không biết khi nào mới gặp lại nhau. Hy vọng 1 ngày gần đây.

 

Sáng nay, mình đi giao mật ong vườn cho một chị quen trên mạng, từng sinh sống tại Đàlạt. Chị ta kể bị dính cô-vi mấy tháng trước, uống mật ong thấy khoẻ nên nhờ mình mua dùm thêm.

 

Chị ta kể là đọc hết ngàn bài trên bờ lốc của mình khiến mình lại thất kinh. Chị đã về hưu nên rảnh rỗi lên mạng, lướt bờ lốc www.Muctimsonden.com  Chị cùng tuổi với mình, đậu Tú tài cùng năm nhưng không đi du học dù gia đình khi xưa sung túc.

 

Mình nhận thấy vài người mỗi ngày đọc độ 5-10 bài của mình. Chị ta nói cùng tuổi cùng thời đại nên những suy tư, câu hỏi mình nêu ra đều tương tự.

 

Chị kể có một bác quen ở Đàlạt khi xưa, mỗi lần gặp nhau thì hai bác cháu nói chuyện về Đàlạt. Có lần bác ấy nói đường Cầu Quẹo khiến chị đực ra như ngỗng ị vì không biết đường Cầu Quẹo là đường nào vì sống tại Đàlạt bao nhiêu năm mà chưa nghe nói đến. Chị ta đoán bác ấy bị lẫn. Ai ngờ đọc bài mình viết về đường Phan Đình Phùng, khi xưa được gọi là đường Cầu Quẹo khiến chị ta hối hận đã nghĩ oan cho bác quen ở Đàlạt. Chị kể khi xưa, gia đình ở đường Nguyễn Trãi, đối diện ga xe lửa, có mấy biệt thự rất lớn. Mình có kể vụ này rồi.

 

Mình có anh bạn học cũ, cho biết những suy tư, cảm nghĩ của mình đều tương tự những gì anh tự vấn nên bỏ công sức làm cuốn kỷ yếu “Mực Tím Sơn Đen” rất công phu. Lựa 100 bài tiêu biểu về các đề tài khác nhau, sửa lỗi chính tả, đủ trò mới lên khuôn được. Nay được bán trên amazon.


Sau này, có 2 anh chàng cùng tuổi, một ở Cali và một ở Việt Nam, xúm nhau lại làm cái bờ lốc, để thiên hạ, tìm bài vở cũ của mình dễ hơn. Có người đặt hàng mình kể về Đàlạt,... làm như mình biết tất cả về Đàlạt, cũng vui. Lại có mấy ông cựu quân nhân mỹ, từng tham chiến tại Đàlạt, yêu cầu dịch ra anh-ngữ. Chán Mớ Đời 

 

Thế hệ mình được xem thế hệ cuối cùng, do Việt Nam Cộng Hoà đào tạo trước 1975. Có lẻ vì vậy hay đặt các câu hỏi về nền giao thoa của hai nền giáo dục khác biệt, đối kháng nhau.

 

Mình thuộc thành phần trời ị trúng đầu nên được đi Tây trước khi Việt Cộng vào, những người ở lại như đồng chí gái, phải tự tẩy não, tự xoá bộ nhớ trước tháng 4 1975, defragment lại phần cứng để thâu nạp phần mềm “con người mới của xã hội chủ nghĩa.” Cuối cùng não bộ chịu không thu nhận được vi-rút cộng sản, đành xuống tàu vượt biển. Vào cái tử để tìm lẻ sống.

 

Nếu suy nghiệm theo nhà Phật, mình thừa hưởng Đức của ông bà, Phước của kiếp trước nên thoát khỏi cuộc đổi đời. Mình là con cả nên bao nhiêu Phước Đức của gia đình đều được mình lấy trọn nên mấy người em sau này không còn Phước Đức của ông bà nên khổ chết bỏ. Cho thấy sự giải lý qua phước đức cũng không đúng.

 

Nếu nghiệm theo thiên chúa giáo thì chúa đã sắp đặt hết cho mình. Nhìn lại cuộc đời thì mình gặp rất nhiều người, họ giúp mình hay nói 1 điều gì đó như một thiên sứ được thượng đế phái đến; để nhắn nhủ mình 1 điều gì rồi biến mất. 


Tặng cho cuốn sách, chia sẻ một điều gì đó như có anh bạn Ngô Văn Thuỷ, rũ đi thăm thầy Nguyên, ngồi nói chuyện, thầy bảo ráng lo học đi du học, cấy trong đầu mình một giấc mơ Marius của Marcel Pagnol, nhìn những con tàu ra khơi từ cảng Marseille, với cánh buồm khát vọng. 


Một chú hàng xóm, kêu vào nhà, cho mượn mấy cuốn sách học làm người của Hoàng Xuân Việt, giúp mình tập các kỷ năng rồi chị hàng xóm cho mượn truyện dịch tây phương đọc, giúp mình hiểu thêm về cuộc đời.


Đó là những sở duyên do người khác tạo, giúp mình trên đường đời.

 

Tình cờ quen ông linh mục tên Leahy, người Gia-nã-đại, ông ta kể về cuộc đời ông ta theo chức năng kẻ thừa sai, nhận lệnh của chúa đi tứ xứ, nói 5, 6 ngoại ngữ, cũng khuyên mình đi du học rồi năm 1973, có ông cậu bà con về Việt Nam chơi. Ông cậu bà con này thương bà cụ mình lắm, hỏi muốn sang tây thì cậu giúp thế là đậu Tú tài xong, bố vợ của cậu, người tây bảo lãnh mình sang pháp. Xong om

 























Cuộc sống đưa đẩy mình đi tứ xứ kiếm ăn rồi định cư tại Hoa Kỳ. Nay trở về nguồn gốc trung nông, không phải bần cố nông, chủ lực thành phần của cách mạng, chăm sóc 1,200 cây bơ nên rảnh rỗi mình ghi lại những câu hỏi về cá nhân cũng như cả thế hệ cuối cùng được Việt Nam Cộng Hoà đào tạo, nếu không có cuộc đổi đời 30/4/75. Kết cục có lẻ khác.


Chị mua mật ong nói sao bài mình viết, ít được ai nhấn like. Mình viết để giải toả những gì lùng bùng trong đầu, nếu ai có cùng cảnh ngộ thì cứ tự nhiên bổ túc. Mình viết không phải để câu Like. Chỉ cần có một người có cùng câu hỏi là vui rồi. 


Mình may mắn chạy trước còn những người bạn còn ở lại, đang học đại học với những giấc mộng tương lai của tuổi trẻ, bị công an vào trường đuổi ra, dành chỗ cho con cán bộ, những người có công cách mạng, tạo ra chủ nghĩa học tài thi lý lịch.


Mình gặp lại những người bạn học cũ, họ ngồi thừ ra nhìn về một chân trời mây đen đã phủ kín xuống đời họ, đóng lại con lộ tương lai từ 47 năm qua. Giấc mơ trở thành một Marie Curie của Việt Nam, của thế giới để rồi bị đuổi học, ngồi nhà Đan len, Đan áo như nhân vật trong cuốn sách “Giờ thứ 25” của nhà văn Constantin Virgil Gheorghiu mà chị hàng xóm đã cho mình mượn đọc khi xưa.


Như nhân vật bác sĩ Zhivago của nhà văn đối kháng chế độ Liên-Sô, Boris Pasternak, nhìn vào gương để thấy chủ nghĩa, thời gian đã tàn phá những giấc mơ của một đời người. 


Mình vẫn tin tưởng một ngày nào đó, vật đổi sao dời, con người sẽ tìm lại với nhau, thông cảm nhau, chia sẻ nổi đau để cùng tiến bước về một chân trời mới. Mặt trời sẽ lên cao, hâm nóng các trái tim người Việt trong tình thương bao la của loài người.




 

Nguyễn Hoàng Sơn