Giai đoạn phát triển Đàlạt #2

 Có dạo về Sàigòn, người quen xúi đồng chí gái đi chụp hình ở tiệm nhiếp ảnh gia Tam Thái. Ông này cho mình xem vài tấm ảnh các biệt thự Đàlạt, được xây cất từ thời pháp thuộc. Nghe ông ta kể đang sưu tầm để làm cuốn sách về kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, con rể của ông Võ Quang Tiềm, bà con bên bà cụ mình.

Hôm trước, có người còm; cho rằng phải kêu kiến trúc sư pháp về Đàlạt để phát hoạ lại Đàlạt khiến mình thất kinh. Mình tốt nghiệp trường cao đẳng quốc gia mỹ thuật Paris nên không nghĩ cứ kiến trúc sư người pháp là giỏi. Sau này trường cao đẳng mỹ thuật được chia ra nhiều ban, dạy theo kiểu đại học thuần tuý thay vì các atelier (lò kiến trúc) như xưa. Có rất nhiều kiến trúc sư pháp không biết vẽ. Mình may mắn học lò kiến trúc, vẫn giữ lối dạy khi xưa nên phải học vẽ chết bỏ. Ăn trưa xong, mình hay đi vòng vòng khu La-tinh hay ra sông Seine để tập vẽ. Nhờ đó mà sau này mình được các công ty quốc tế, Thuỵ Sĩ, Ý Đại Lợi, Anh Quốc, Hoa Kỳ, mướn. Theo mình kêu một tên tây hay mỹ để vẽ cho Đàlạt là thất sách vi họ không hiểu gì về Đàlạt, văn hoá Việt Nam.

Các biệt thự được người pháp thiết kế tại Đàlạt, như lập lại một hình ảnh của quê họ như kiến trúc ở Disneyland. Các kiến trúc sư người Việt trước 75 rất giỏi, đã thiết kế chợ Đàlạt, Giáo Hoàng Học Viện,... Theo mình kiến trúc nhà thờ Cam-ly rất đạt theo thiên nhiên và khí hậu của Đàlạt. Sử dụng thời tiết của Đàlạt như người thượng đã làm từ bao nhiêu năm qua để giữ ấm trong nhà vào mùa lạnh, mưa và mát vào mùa khô.


Giáo Hoàng Học Viện Đàlạt do kiến trúc sư Việt Nam thiết kế tại Đàlạt trước 75, được xem là đẹp nhất Đông Nam Á. Thời đó, Nam Hàn còn thua xa Việt Nam Cộng Hoà. 

Về Việt Nam vừa rồi, mình có ở nhà em vợ của anh đồng chí gái, ở khu vực sang trọng ở Sàigòn. Nghe nói nhà giá trên 1 triệu đôla. Được thiết kế theo kiểu bên Anh Quốc, san sát nhau. Ở ngoài trông cứ như ở bên Anh Quốc nhưng vào trong thì Chán Mớ Đời. Lý do là họ thiết kế theo kiểu bên âu châu, bất chấp thời tiết ở Việt Nam. Tương tự bận áo manteau của xứ lạnh tại Sàigòn.

Ở âu châu, người ta làm mái nhà cao góc 45 độ trở lên vì có tuyết. Nếu mái có góc độ thấp, sức nặng của tuyết có thể làm sụp mái nhà. Họ phải là mái dốc cao để tránh tình trạng này. Ở Việt Nam, mưa nhiều mà nếu làm mái nhà kiểu âu châu thì nước chảy xuống rất nhanh, khó chảy vào máng xối. Vào nhà thiết kế kiểu tây, Anh Quốc là chới với vì phải cần máy lạnh quanh năm. Người Việt mình tiếc tiền nên khi nào vào ngủ mới sử dụng máy điều hoà nên rất nóng bức. Trời Sàigòn nóng quanh năm mà chỉ thấy cửa sổ và cửa sổ, nhất là loại không được trang bị 3 lớp kính như ở hải ngoại. Cứ như ở tù.

Mình viếng thăm Campuchia, thấy ở quê họ xây nhà sàn. Phía dưới trống để đựng đồ, còn mái nhà thì có lỗ hổng để gió luồng qua 24/24. Phía trên có gió luồng qua mái nhà sẽ làm giảm sức nóng, phía dưới nhà sàn, gió thổi tự nhiên sẽ giúp căn nhà mát phía trong.

Chúng ta bắt chước, thiết kế theo tây phương nhưng quên là mình đang ở Việt Nam, khí hậu khác với xứ người. Kiến trúc cần phải hoà điệu với thiên nhiên, thời tiết chớ không phải cứ chép nguyên bản của tây mỹ về là sống thỏi mái. 

Vào nhà ở Đàlạt là thấy ẩm ướt vì họ xây không giống như bên tây. Bên tây, nhà xây bằng gạch được xây hai lớp, có một khoảng trống ở giũa hai lớp gạch, để giảm độ ẩm. Khi nóng khi lạnh hay mưa ở  ngoại sẽ tạo độ ẩm thấm vào tường trong do đó họ làm một khoảng trống để làm khô độ ẩm, không truyền nhiệt hay độ ẩm. Người ta xây nhà khi xưa ở Đàlạt không làm vụ này. Có lẻ để giảm gia cả. Khi xưa nhà mình làm nhà nên mình có quan sát xem họ làm ra sao. Thiếu mất vụ này nên trong nhà bị ẩm. Gần đây, cô em mình cho làm lại nhà, có làm thêm phần này để tránh độ ẩm trong nhà.

Có dạo về Đà Nẵng chơi, gia đình mình mướn một căn nhà trong khu sang lắm, ở ngay bãi biển. Căn nhà được thiết kế như bên Tây, hai tầng toàn là kính cửa sổ to lớn. Trời nóng nên phải mở máy lạnh 24/24. Tốn biết bao nhiêu tiền bảo trì hàng tháng, lại không hít thở được không khí gió biển cách đó 50 thước. Nếu họ để ý đến thiên nhiên, cho thiên nhiên vào căn nhà thì sẽ không bị nóng bức, phải sử dụng máy lạnh 24/24.

Thật sự không phải chỉ có ở Việt Nam mà các nước ở vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Nam Dương,.. cũng có tư tưởng, phải sống như tây mỹ mới là hiện đại, hình ảnh của người thành đạt. Mình có làm việc cho một công ty kiến trúc, chuyên vẽ các khu nghỉ dưỡng ở Đông Nam Á. Theo mình đó là tinh thần nô lệ, nghĩ thành đạt là sống như ông chủ thực dân của mình.

Khi xưa, mình có làm việc cho công ty kiến trúc I.M. Pei ở Nữu Ước. Ông này gốc tàu nên được bắc kinh, mời thiết kế một khách sạn ở bên tàu. Ông ta vẽ một khách sạn theo lối truyền thống tàu, dựa theo thiên nhiên của địa phương và văn hoá tàu. Trung Cộng không thích lắm, kêu ông ta phải làm sao cho hoành tráng nhưng ông ta không chịu nên sau này không mướn ông ta nữa. Sau này ở Hongkong, ông ta thiết kế ngân hàng Trung Cộng thì rất là hiện đại vì ở Hongkong, trung tâm tài chánh thế giới. Kiến trúc sư giỏi là người biết dùng vật liệu, địa lý, văn hoá địa phương để thiết kế chớ không phải thích cái gì ở đâu, vác về xài.


Khách sạn do kiến trúc sư I.M. Pei thiết kế ở ngoại ô Bắc Kinh mà mình có dịp làm việc cho ông này ở Nữu Ước, trước khi qua Cali lấy vợ. Trung Cộng muốn ông ta thiết kế khách sạn hoành tráng, dấu hiệu Trung Cộng đang phát triển nhưng ông ta cứ khư khư giữ ý định, quyện khách sạn vào thiên nhiên cùng với văn hoá tàu.

Kiến trúc Đàlạt, người ta kêu là tiểu Paris, vớ vẫn. Ai nói câu này, chưa bao giờ thăm viếng Paris. Mình nhớ trước khi đi tây, mấy người bà con, lớn tuổi nói với mình là qua tây phải như ri, làm thế kia, ăn uống ra sao, cứ tưởng họ đã đi tây rồi. (Còn tiếp)

Lần tới mình sẽ nói về kiến trúc tây thiết kế tại Đàlạt mà có một ông tây chửi bới, chê đủ trò,....:)

Notes:  mình quên kể là năm Mậu thân, có đến 1,500 người Đàlạt chạy tản cư mất ông Việt Cộng, được mấy ông cha dòng tên cho tá túc một thời gian, khi xây nhà cửa lại thì về. Có chị nào đọc, nhắc lại nên mình ghi thêm. Quên vụ này. Già rồi.

Nói đến giáo hoàng chủng viện,tôi có một kỷ niệm không thể nào quên :Tết Mậu thân,nhà tôi cùng dãy với tiệm hình Hồng Châu,dãy nhà này ở giữa hai thế lực của trận chiến,trước khi đụng độ bên VN CH muốn cho dân trong dãy nhà này ra khỏi trận chiến,ngược VC lại muốn giữ dân ở lại...Sau đó dân chúng nhẹ nhàn tụt xuống bờ ta luy xuống chợ...và chạy qua trú tạm mấy ngày bên GHCV mấy ngày...bởi vì sau đụng độ dãy nhà này bốc cháy ,xác chết...không về được...nhắc lại nhớ ...hải hùng .


Nguyễn Hoàng Sơn