Đàlạt vườn rau của thuộc địa #4
Sau bao nhiêu khó khăn, ngân quỹ cạn, cuối cùng thì người Pháp có thể thụ hưởng được không khí trong lành của cao nguyên Lâm Viên, xa những cái nóng oai bức nhiệt đới của thuộc địa ở miền đồng bằng như Sàigòn, Hà Nội.
Họ cho rằng muốn có sức khoẻ tại thuộc địa, họ cần được bồi dưỡng không khí tươi mát của đồi núi như ở quê nhà. Đàlạt là nơi giúp họ tìm lại không khí trong lành và tìm lại chút gì của quê mẹ. Không có bóng dáng dân địa phương nhiều như ở Sàigòn hay Hà Nội.
Dạo ấy, khi người Âu châu nghe nói đến Đàlạt, rừng thiêng nước độc, tạo cho họ hình ảnh rất tiêu cực. Các sách hướng dẫn, nói đến mùng, bệnh viêm, thiếu máu, sốt-rét…
Nhưng khi đến Đàlạt thì họ rất ngạc nhiên vì khí hậu ôn đới, không oai bức như ở Sàigòn hay các tỉnh miền nam. Nếu ai lên Đàlạt, khi xe bắt đầu lên đèo Prenn, là chúng ta cảm thấy ngay cái lạnh se-sẻ, nhe-nhẹ của núi rừng khiến người Âu châu yêu thích rồi đồn với bạn bè của họ, tạo nên một phong trào thăm viếng Đàlạt.
Mình có đọc hồi ký của ông Tây dạy mình địa lý khi xưa ở Grand Lycee, kể những ngày đầu đến Đàlạt ra sao. Ông này thuộc dân “coopérant “, nghĩa là thay vì đi nghĩa vụ quân sự 1 năm như các thanh niên pháp thì có thể xin đi làm việc ở một thuộc địa cũ của pháp trong ngành hành chánh hay giáo dục 2 năm. Điều kiện là tốt nghiệp đại học. Tương tự chương trình Peace Corps của tổng thống Kennedy.
Sinh viên mới ra trường biết gì, như sinh viên Tây đầm sang Việt Nam ngày nay, dạy tiếng anh tiếng Tây, kiếm tiền đi chơi. Ông vua Hassan II của xứ mA-rốc , viết thư cho ông bộ trưởng giáo dục pháp, than phiền; Pháp quốc gửi các giáo sư sang xứ ông ta, viết tiếng tây không chuẩn, lại đi dạy dân ông ta.
Dạo mình ở Tây, lúc gần ra trường, cũng có xin đi phi châu thay vì quân dịch 1 năm nhưng khi đi khám sức khoẻ ở trại lính. Mình rên với thằng Tây, phỏng vấn mình, kêu sinh trưởng tại Việt Nam, chán ghét chiến tranh, nghĩ là nó sẽ chấp thuận cho mình đi phi châu 2 năm, ai ngờ nó ghi là miễn quân dịch khiến mình phải lang thang các xứ khác kiếm việc sau khi ra trường.
Đàlạt bổng nhiên trở thành địa danh mà các người Âu châu sống trên các thuộc địa tại Đông Nam Á, muốn đến thăm vì có thể ăn thức ăn như ở quê nhà, ăn trái cây như dâu, hay khoai Tây, artichaux,.. như ngày nay chúng ta đến Tiểu Sàigòn ở miền nam Cali.
Quảng cáo cho khách sạn LangBiang (tiền thân thân của Palace). Chỉ thấy hình ảnh người thượng Sơn cước.
Đàlạt đã giúp các người Pháp sống tại thuộc địa, tìm được chút gì của quê hương họ. Quan trọng hơn là giúp phổ biến thức ăn nổi tiếng của pháp khắp Đông Dương. Muốn nấu thức ăn pháp thì người ta cần các loại trái cây, rau cải của pháp như khoai Tây, Xà lách, poireaux,… các loại này không thể nào trồng ở nam kỳ.
Hôm qua đi chợ, con gái nói mình phải nấu món
“Raclette” của Tây. Nó mới đi chơi bên pháp về, ăn món này nhưng tìm đâu ra món phô-mát loại này để làm. Đó là tại Hoa Kỳ ngày nay, còn 100 năm về trước ở Việt Nam thì tìm đâu ra. Chán Mớ Đời
Khi ông Doumer phái ông Jacquet, lo về canh nông ở Đông Dương tìm cách trồng trọt rau cải pháp thì kết quả rất khả quan. Tướng Pennequin nhận xét rằng nếu chúng ta có thể trồng rau cải ở Đàlạt, sẽ giúp cho người Pháp ở lâu bền hơn tại thuộc địa này. Lý do là người Pháp rất chán đồ ăn Việt Nam, họ thèm thức ăn pháp mà các loại rau cải dùng để nấu cơm Tây không có. Bò ở miền nam, nóng quá chúng ốm như bò ma. Đọc trên mạng, có ông nông dân nào cấy được giống bò húc, to lớn, cán bộ kêu để cán bộ quản lý rốt cuộc bò ốm như ma đói. Chán Mớ Đời
Mình đi đâu chơi ở ngoại quốc hay Hoa Kỳ nhưng độ 15 ngày sau là bắt đầu thèm ăn cơm Việt Nam. Mình có ông anh vợ, đi chơi bên Mễ, ông ta đem theo thức ăn Việt Nam đông lạnh cho 5 ngày. Qua đó hâm lên ăn vì không thích ăn đồ Mễ hay đồ Tây. Huống chi người Pháp tự xưng là món ăn của xứ họ là số một, phải nhai cơm mắm bò hốc hay mì chợ lớn hàng ngày.
Nghe kể, các người Tây phương sinh sống tại Nam kỳ, đứng xếp hàng và mua với giá cao khi tàu cập bến từ Pháp quốc, bán các thứ như artichaux, táo, dưa Tây,… họ thèm ăn thịt cừu. Họ có tìm cách nuôi ở đảo Phú Quốc nhưng chỉ làm mồi cho cọp và đỉa. Họ có cho nuôi thử cừu ở Đàlạt nhưng bị ký sinh trùng hay cọp xơi hết. Mình không nhớ là có thấy cừu tại Đàlạt. Gà tây thì có ngay góc đường Lê quý Đôn và Hùng Vương, có hai nhà tây, nuôi mấy con này để thịt vào đêm Noel.
Ông Doumer có nhờ ông Jacquet, giám đốc canh nông ở vùng Annam, tìm cách gieo giống trồng rau cải tại Đàlạt nhờ vậy mà ngày nay ở Đàlạt mới có cà phê, mận, dâu tây, artichaux, poireau, xà lách,..
Trồng rau cải thành công nên người ta đem bán cho tây đầm ở các tỉnh lỵ miền nam như Sàigòn. Vấn đề là chuyên chở rất đắt mà các người làm nông Tây phương rất ít nên không thể sản xuất nhiều để cung ứng cho thị trường Đông Dương.
Đây là hình ảnh mà mình đoán của người Âu châu lập nghiệp trông rau cải tại Đàlạt. Hình ảnh những nhà như nông tại bên Tây. Sau trận bão lụt năm 1932, khu này bị giải toả và biến thành cái hồ lớn. Mình đoán là của vợ chồng ông O’neil vì sau đó không thấy làm lại ở đâu khác. Có hình mộ chôn ông ta nên có lẻ bà vợ về Âu châu.
Do đó, người Pháp mới có kế hoạch cho người việt lên Đàlạt sinh sống, trồng rau để cung cấp cho thực dân ở Đông Dương. Mình nghe anh bạn học cũ, kể ông bố làm cho công ty canh nông nào ở Hà Nội, quên tên rồi, được đưa vào Đàlạt để thử trồng các giống rau cải của Tây. Sau khi Tây về nước thì ông bố anh ta làm vườn ở ấp Hà Đông, cũng cấy các giống rau khác sau này thì đổi qua trồng hoa như Pensée, ...bán.
Sau đó, họ mới tuyển các người ở Hà Đông, Nghệ Tỉnh vào để trồng rau cho Tây ăn. Từ đó họ thành lập ra các ấp Nghệ Tỉnh, Hà Đông ở Đàlạt.
Năm 10 ème, mình có học với ông Tây tên Didier, nhà ở đâu gần đèo Prenn. Mình đoán ông ta là một trong những người đến Đàlạt để sinh sống vì nghe nói ông ta có đồn điền trồng cà phê. Nhớ có lần đến nhà ông ta với cả lớp thì được cho uống cho chocolat Tây lần đầu tiên trong đời. Sau này, có người gửi tấm ảnh của thập tự giá trên đồi. Mình gởi cho một anh lính Mỹ khi xưa thì anh ta cho biết tọa độ của thập tự giá dựa trên bản đồ của mỹ, làm trong thời chiến tranh và nói do một người Tây, có đồn điền làm. Có thể là ông Didier.
Nói chung thì thầy cô tây đầm dạy ở Việt Nam là muốn kiếm thêm lợi nhuận chớ ít ai xuất thân từ trường sư-phạm ở pháp cả. Mình nhớ khi cô HUệ đi du học bên Tây thì trường kêu bà vợ ông Proviseur của Grand Lycee dạy thế. Còn lên trung học thì càng te tua. Có lẻ vì vậy tây có loại bằng thuộc địa và bằng mẫu quốc. Bằng thuộc địa thì dễ hơn nhưng cũn ghét ra lửa với dân ngu khu đen như mình. Nhớ khi xưa, đi học, có mấy cuốn annales luyện thi, đề đề thi thuộc địa và mẫu quốc.
Mình không biết mấy người nhà vườn ở ấp Nghệ Tỉnh hay Hà Đông, trồng rau bán cho Tây ra sao. Mình chỉ nhớ là bà vợ của ông Marcel, hay đi mua rau cải trước mùa của nhà vườn. Nhà vườn thì cần tiền để chuẩn bị cho mùa sau nên phải bán rẻ nên bà ta giàu là nhờ vậy.
Có lẻ, người Việt trồng rau rồi Tây mua sĩ với giá bèo để bán lại cho Tây thuộc địa ở các tỉnh khác với giá khủng. Hồi nhỏ mình có thấy vài ông Tây làm vườn ở Đàlạt nhưng sau khi ông Kỳ lên làm thủ tướng, ông ta đuổi Tây về hết nên ai có tiền dạo ấy mua lại đất của họ rẻ như bèo nhưng rồi 75 đến thì cũng bay hết. Điển hình là căn nhà của ông Sohier, cạnh hồ Xuân Hương, bán rẻ cho nhà dòng nào quên tên.
Hôm trước, nói chuyện với anh bạn học cũ, cháu nội bác sĩ Lương ở đường Phan ĐÌnh Phùng. Mình nhớ khi xưa có ghé nhà anh ta chơi vài lần khi còn học Grand Lycee, nhà số 5 Quang Trung. Anh ta kể khi Việt Cộng vào thì có người ngoài Bắc nói cần nhà nên xin ở căn phía sau dành cho người giúp việc. Dần dần họ xin vào trong nhà nên cuối cùng hiến nhà cho họ, rồi về Sàigòn.
Cái hay là nay họ vẫn giữ hình ảnh gia đình anh ta, bàn ghế như xưa. Tự kêu là con cháu của bác sĩ Lương, nhờ ở đây để giữ nhà thờ từ đường. Người này khôn, cứ kêu như vậy thì không bị đuổi như ông thầy Bất, chiếm nhà thầy Chử BÁ Anh, cách đó vài căn sau 75. Anh ta kể là về Đàlạt vào thăm nhà được hết. Họ giữ kỷ lắm như viện bảo tàng cua gia đình.
Nếu không có Đàlạt chưa chắc người Việt chúng ta có món pHở nổi tiếng hoàn vũ. Nếu không có rau cải từ mẫu quốc đem qua Đàlạt trồng thì không có món ăn Tây, không có món Pot-au-feu thì sẽ không có món phở ngày nay. Hay cà phê sữa đá, bánh croissant, bánh mì baguette,..
Ngày nay, về Đàlạt các nhà làm vườn, thành lập các nhà bằng plastic đầy nơi, để trồng rau, làm mất vẻ mỹ quan của Đàlạt. Xứ này lại sống về du lịch nên có thể trong tương lai, Đàlạt sẽ mất đi phong thái của Tây phương do người Pháp muốn lập một tiểu vương quốc của xứ họ.
Không hiểu sao mình thấy bà hoàng hậu Nam Phương này đẹp cực kỳ. Ông Bảo Đại theo mấy bà kia, ra răng.
(Còn tiếp)
Nguyễn Hoàng Sơn