Hồi nhỏ, nghe người lớn kêu: ”100 giặc Ngô không bằng bà cô bên chồng” nên hơi thắc mắc. Giặc Ngô, giặc Bắp là ai, học lịch sử không thấy nói đến. Giặc ăn ngô, ăn bắp? Sau này lớn lên, mới biết khi ông Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô Đại Cáo”, lấy tên Ngô Vương, Chu Nguyên Chương, vua nhà Minh ra chửi. Người Việt mình kêu giặc Ngô thay vì giặc Minh. Cũng có thể người Minh Hương, chạy tỵ nạn sang Việt Nam rất đông nên không dám kêu giặc Minh. Mình không biết quân Minh gian ác ra sao, đối xử với dân mình mà người ta kêu một cô em dâu còn tàn ác hơn 100 tên giặc tàu. Kinh
Lớn lên, quan sát hàng xóm thì mới hiểu văn hoá, chiến tranh mẹ chồng nàng dâu, các cô em chồng hùa nhau với bà mẹ chồng để ăn hiếp chị dâu. Anh chồng, bên hiếu bên tình, đành ra quán nhậu cho quên đời. Cứ dzô dzô, 100% để quên đời “thằng hèn”.
Mình nghe nói là câu đúng nhất là ”giặc Ngô không ác bằng bà cô bên chồng”.
Vụ đại dịch cô-vi khiến đồng chí gái bị stress quá nên phải xin nghỉ làm mấy tháng. Công việc nhiều, công ty muốn có lợi nhuận nhiều nên sa thải một mớ trong mùa cô-vi để lấy tiền nhà nước cứu trợ, rồi giao nhiều công việc để làm nên chới với, ăn ngủ bất thường.
Làm việc tại nhà, không đi ra đường, vì tiểu bang Cali ra lệnh thêm đọc tin tức về cô-vi nên lo sợ đủ trò. Kêu mình xuống phòng khách ngủ vì cách giãn xã hội chi đó. Mình thì chịu ngay vì khỏi nghe vợ ngáy vào canh 3. Bác sĩ kêu ở nhà một thời gian để dưỡng stress. Mình nói có thể ở nhà luôn cũng được nhưng vợ mình lo cho mấy đứa con, chưa có bảo hiểm y tế của hãng chúng mới vào làm, nên ráng vì con, hy sinh thêm vài năm lao động vinh quang.
Nghe tin đồng chí gái bị bệnh, bà chị dâu trưởng, gọi điện thoại hỏi mụ vợ muốn ăn chi thì chị ta nấu khiến mình ngạc nhiên vì câu ngạn ngữ dân gian “một trăm giặc Ngô không bằng bà cô bên chồng” không đúng với gia đình đồng chí gái. Có lần mình chở vợ ra biển đi bộ, hít không khí trong lành, tìm lại những vết chân xưa, khi hai vợ chồng mới phát hiện nhau, hay dẫn nhau ra biển chơi để đả thông tư tưởng, xem dò lý lịch trích ngang, có đủ tiêu chuẩn đạo đức mạng, thuộc thành phần nòng cốt, chủ lực phản động, ác ôn để tạo dựng một gia đình phồn vinh giả tạo, ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc mỹ.
Trên xe, bổng nhiên bà chị dâu gọi nên mình nghe được câu chuyện được tải qua hệ thống âm thanh trong xe. Nghe bà chị dâu khóc te-tua, vừa mếu máo vừa kêu “chị thương em”. Thật ra đồng chí gái rất được nhiều bà chị, bà con yêu thích. Gặp nhau là mụ vợ dẫn mấy bà chị này đi ăn, mua sắm áo quần cho họ.
Rút kinh nghiệm khi đồng chí gái trải qua thời kỳ mãn-kinh nên kỳ này mình chịu khó chăm sóc mụ vợ. Sáng làm điểm tâm, ép nước bưởi, cam của vườn cho uống với các sinh tố bổ sung. Chở ra biển đi bộ, hỏi vợ thích món gì thì nấu món đó. Mụ vợ cảm thấy thoải mái nên từ từ lấy lại phong độ xưa, thuyết pháp mình mỗi ngày. Khi xưa, nghe vợ thuyết pháp thì Chán Mớ Đời nay được nghe thuyết pháp thì lại vui. Thà nghe thuyết pháp còn hơn lo chăm sóc, hát bài khi người yêu tôi bệnh. Có trải qua giai đoạn vợ bệnh, mình mới thấy cứ an vui như mọi ngày, đừng than vãn gì cả vì có thể te tua hơn như câu chuyện ngụ ngôn trong phim “My name is nobody”
Đồng chí gái có 4 ông anh. Có hai bà chị dâu thì chả bao giờ gặp mặt. Có gặp ở đám cưới mình sau này mới biết vợ chồng không hạnh phúc nên bỏ nhau. Mỗi lần đi ăn kỵ họ hàng bên vợ, là biết ai đang vui vẻ, ai đang te tua với chồng vợ. Không thấy bóng dáng cô dâu hay chú rể là có thể đoán. Mình, chỗ nào có ăn là bò đến, giận vợ hay không cũng đi.
Trở lại bà chị dâu của đồng chí gái. Lâu lâu, gặp nhau mấy ngày kỵ giỗ bố mẹ vợ, chị ta kể thời gian xưa, khi còn làm dâu trưởng ở Việt Nam. Kể về những kỷ niệm với bố mẹ chồng. Như giáng sinh năm nào, có tiền tiếp tế từ mỹ về, bố chồng kêu đi mua con gà tây về làm réveillon ăn. Chị kêu đi cả mấy ngày, từ chợ Bến Thành, đến chợ An-Đông mà không thấy con gà tây nào cả, chỉ có gà quốc doanh.
Đi chợ với mẹ chồng thì bà cụ trả giá, đi tới đi lui khắp chợ. Mẹ vợ mình rất giỏi quán xuyến, như bao phụ nữ Việt Nam. Một tay nuôi mấy người con ăn học bác sĩ, nha sĩ, hai người út thì học bên mỹ nên lựa cơm gắp mắm.
Sau 75, chị dâu mướn cái hiên nhà ai, rồi gánh nồi bún bò bán. Nghe nói rất đông khách nên bà chủ nhà, lấy lại chỗ để bán bún bò sau ế quá nên kêu lại nhường chỗ lại nhưng lúc đó có giấy tờ đi đoàn tụ nên thôi. Chị này nấu ăn cực ngon. Món phở bắc, bún bò, bún riêu là tuyệt. Nói cho ngay, từ khi mình phát hiện ra đồng chí gái, được mời về nhà là mình kết ngay. Khi xưa, quen mấy cô, có được mời về nhà ăn nhưng không ngon bằng nhà đồng chí gái nhất là họ hàng bên vợ. Có bà dì khi xưa, dạy nữ công gia chánh. Số mình được ăn ngon khi lấy vợ. Kỵ giỗ gì là mình đều tham dự vì lấy vợ là lấy luôn cả tông ty họ hàng vợ.
Chị kể khi xưa nhà nghèo nên bố mẹ chị gửi cho bà Phước nuôi. Lớn lên mới trở về nhà để lo cho mấy người em đến bây giờ. Mấy người em, không khéo tay khéo miệng nên cũng chật vật, cần sự giúp đỡ của chị. Lâu lâu cứ nghe chị ta than với vợ. Hình như đồng chí gái và bà chị vợ, có giúp chị ta để lo cho gia đình chị ở Việt Nam. Mình ít khi hỏi mấy vụ này. Vợ mình thì hay gửi tiền về Việt Nam cho ai đó, còn ai đau ở Việt Nam thì bắt mình đọc kinh, cầu nguyện cho họ. Tối mình đọc kinh và thiền nên vợ kêu bồi dưỡng thêm cho ai đó ở Việt Nam thì tiện thể đọc thêm tên của họ hay pháp danh. Xong om.
Mẹ vợ mình hay kể khi xưa, bà ngoại của đồng chí gái, vợ quan triều đình, dòng Tôn Thất, mỗi lần lụt là mở kho, biếu gạo cho nạn nhân lũ lụt miền trung. Sau này, mẹ vợ cũng bắt chước, xây chùa hay giúp đỡ người nghèo, cô nhi viện ở Việt Nam. Mình nhớ lần đầu tiên về Việt Nam, ghé lại cô nhi viện mà bà cụ vợ giúp đỡ từ lâu, mua đất, xây nhà cho các em cô nhi. Sau này, Việt Cộng cưỡng chế đất, đuổi mấy sư cô đi đâu.
Con mình sẽ bắt chước những gì mình làm. Mình làm điều thiện thì chúng sẽ bắt chước làm điều thiện. Vợ mình cũng như bà chị vợ, bắt chước mẹ nên cũng hay gửi tiền cho họ hàng, chùa ở Việt Nam,...hay nạn nhân lũ lụt như bà ngoại khi xưa. Nghĩ là mình có phúc lấy được mụ vợ lo mấy chuyện này, thay vì làm tín đồ thời trang, cứ chụp hình xeo-phì mút mùa lệ thuỷ. Năm vừa rồi mình tham gia chương trình Masks Save Lives và cứu trợ miền trung, thấy con gái nhấn Like.
Mình cũng không hiểu nguyên nhân gây vụ mẹ chồng nàng dâu, em chồng chị dâu trong văn hoá Việt Nam. Sang mỹ, con dâu không muốn ở chung với bố mẹ chồng. Mẹ chồng mà thấy dâu đem cháu về thăm là mừng bỏ mạng, không có vụ đay nghiến, đì con dâu.
Có thể ngày xưa, ở quê, phụ nữ không có sức làm nông, không được xem là một đơn vị lao động, kinh tế. Cũng có thể vì con trai đi quân dịch cho vua, nhà nào không có con trai thì phải mướn con trai người trong làng đi nghĩa vụ dùm như câu chuyện Hoa Mộc Lan, giả trai đi lính cho bố.
Từ đó, người phụ nữ không có giá trị về kinh tế, cũng như chính trị, quân đội nên bị xem thường, nhiều khi phải làm hầu, làm vợ bé để có mụn con để sau này về già mà nhờ. Con cái là quỹ hưu trí khi về già. Sinh ra con gái, đi làm dâu ở làng khác là xem như ngọng.
Vợ chồng lấy nhau, cũng mất thời gian ở chung mới đả thông tư tưởng vì được nuôi nấng, giáo dục của hai gia đình khác nhau. Bà mẹ chồng kêu dạy con từ thủa còn thơ, dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về, để cải tạo cô dâu theo truyền thống cách mạng của gia đình, bắt cô dâu học tập đạo đức mẹ chồng nên mới hiểu mẹ chồng nàng dâu hục hặc, mâu thuẫn có thể từ hoàn cảnh này.
Ngày nay, nếu cô dâu muốn thừa hưởng căn nhà của bố mẹ chồng thì chịu khó ăn ở với bố mẹ chồng, còn biết là không thừa hưởng được tài sản thì ra riêng cho khỏe mớ đời. Ngay mẹ con ruột còn hay cãi nhau huống chi mẹ chồng nàng dâu. Mình nhớ khi xưa, vợ chồng mình ở với bố mẹ vợ, lâu lâu nghe mẹ vợ la mắng mụ vợ mình. Trong nhà mà có hai bà nội tướng thì chỉ có chiến tranh.
Ở hải ngoại, mấy cô dâu đi làm cả ngày về, bị stress, về nhà lại bị toà án nhân dân mẹ chồng, đem ra đấu tố thành phần diễn biến hòa bình, thì chỉ có chết hay bị thương.
Ngày nay, phụ nữ được ra ngoài xã hội, làm việc hay buôn bán nên không lệ thuộc kinh tế vào chồng, thậm chí làm nhiều tiền hơn chồng nên không còn sự chồng chúa vợ tôi nữa. Địa vị người đàn bà đang được quân bình lại theo nhu cầu kinh tế và xã hội. Chúng ta phải thay đổi tư duy để tiến thêm trong thế kỷ 21, thời đại a-còng. Nếu không thì Adieu Jolie Candy ngay.
Sáng nay ở Toastmasters, có một ông tự giới thiệu về mình trong bài diễn văn đầu tiên. Ông ta kể là năm 25 tuổi, lấy vợ do bố mẹ sắp đặt. 5 năm sau đưa nhau ra toà. Sau đó ông ta quen một cô khác, kêu lấy người vợ trong mộng của đời mình. 10 năm cũng vác chiếu ra toà. Nay ông ta kêu, làm bạn với con chó Chihuahua, khoẻ đời.
Chị dâu em chồng, qua hình ảnh của đồng chí gái với bà chị dâu thì thấy đâu có gì lạ đâu. Dạo mới lấy vợ thì mình còn ngại nhưng dần dần thì anh chị của mụ vợ, mình đều xem như anh chị ruột của mình. Hôm trước, anh vợ bị đau, lúc đọc kinh mỗi đêm, mình cũng cầu nguyện cho anh ta hay nghe ai quen bị bệnh thì mình cũng đọc thêm một thời kinh cho họ.
Mình ở xa em út nên em rể hay em dâu cũng ít khi gặp nên cũng không hiểu nhau nhiều lắm. Gặp nhau có vài ngày nên cũng không có chuyện lộn xộn, giặc Ngô, giặc bắp gì cả. Nói cho ngay, tuỳ giáo dục của mỗi gia đình. Mình thấy bên vợ mình, mấy người anh chị bà con, rất thương nhau. Có lẻ khi xưa, mấy gia đình ở gần nhau nên kỵ giỗ đều gặp mặt nhau đều nên tình cảm dành cho nhau tích cực hơn.
Nguyễn Hoàng Sơn