Giai đoạn phát triển Đàlạt #3

 Vào những năm 1930, mặt trận bình dân (Front Populaire) nắm chính quyền tại pháp nên các chỉ thị tại Đông dương hơi khác, khiến sự thành hình Đàlạt gặp nhiều trắc trở vì đại diện người Việt của thành phố, có mặt trong hội đồng thị xã, phản ứng khá nhiều về sự hình thành Đàlạt, chỉ dành ưu tiên cho người pháp và bỏ lơ người Việt.

Đến những năm trong thời kỳ đệ nhị thế chiến, đức quốc xã chiếm đóng phân nữa nước pháp và phân nữa do thống chế Pétain đảm trách mà người ta gọi là chính quyền Vichy vì đóng đô tại thành phố Vichy miền nam nước pháp. Trong thời này, có nhiều người Việt sống tại Pháp, chạy qua đức hay ủng hộ đức quốc xã để chống lại pháp nên sau đệ nhị thế chiến bị tống cổ về Việt Nam như ông Nguyễn Khắc Viện,..

Chính quyền Vichy bổ nhiệm ông Jean Decoux làm toàn quyền, ông này có bà vợ chết tại Đàlạt và được chôn cất tại lãnh địa đức bà, Domaine de marie. Chính quyền thực dân cho thành lập ấp Đa Thành (Village Annamite), tượng trưng cho những căn bản về y tế lẫn hành chánh mà chính quyền đông dương muốn thực hiện tại Đàlạt, một làng kiểu mẫu cho người dân Đàlạt. Thật ra là để thực thi các ý tưởng ngăn cách người Tây phương và người việt, tàu. Mình nhớ ấp Đa Thành rất xa thành phố, hồi nhỏ đâu bao giờ lên đó, chỉ khi lên trung học, có xe gắn máy mới dám bò lên đây.

Đàlạt là ý tưởng một thành phố dành cho người Tây phương, nên mới nhờ đến ông Bảo Đại, gọi là Hoàng Triều Cương Thổ, để cấm người Việt mò lên đây sinh sống nhưng thực tế cho thấy người Tây phương cần người Việt để làm cu-li cho họ nên dành một khoảng đất biệt lập để thành lập một tiểu Việt Nam tại Đàlạt. Người Tây phương ở phía thượng lưu của suối Cam Ly, còn người Việt thì ở hạ lưu, hứng hết nước dơ thải của Tây.

Vấn đề là có 5 ông kiến trúc sư Tây được mời thiết kế thành phố Đàlạt nên các ý định không thống nhất. Ông thầy mình là kiến trúc sư trưởng của thành phố Bordeaux, được thủ tướng Chaban Delmas mời làm quy hoạch cho thành phố này. Ông ta lãnh trách nhiệm từ đầu đến cuối, khi về hưu cũng mất 30 năm nên các ý định khởi đầu đều được giữ, có thể sửa chửa vài nơi đề phù hợp với tình thế mới.

Ở Đàlạt, thì có đến 5 ông mà kiến trúc sư là những tên có cái Tôi rất lớn. Luôn luôn thay đổi những gì người tiền nhiệm đã làm nên sự phát triển của Đàlạt mang màu sắc lập dị, pha đủ thứ không như một thành phố ở Tây phương, có sự đồng nhất về cách phát triển của thành phố.

Người pháp muốn loại bỏ các thành phần giàu có người Việt gia nhập đời sống vương giả ở Đàlạt khiến các nghị viên thành phố gốc Việt, phản đối. Cứ tưởng tượng một người việt giàu có như ông thầu khoán Võ Đình Dung, không được mua đất làm nhà ở khu đường Trần Hưng Đạo, dành riêng cho người ngoại quốc. Những phản đối của những người Việt đã gây ra tai hoạ cho họ như người ta bỏ tiền giả khi trả tiền cho ông Võ Đình Dung. Thời đó, người Việt chống pháp chưa có khả năng in tiền bạc giả.

Vào những năm đầu của Đàlạt, thị trưởng Champoudry, cho rằng, cần nhiều kiến trúc sư để có một kiến trúc đa dạng cho Đàlạt vì nếu chỉ mướn có một người thì sẽ đưa đến sự đồng nhất về kiến trúc cho thành phố.

Ngược lại, ông Ernest  Hébrard thì cho rằng kiến trúc cần có sự đồng nhất, theo những tiêu chuẩn của chính quyền đưa ra. Đó là lối suy nghĩ được dạy tại trường cao đẳng quốc gia mỹ thuật Paris mà mình được học. Ngày nay, ở âu châu, điển hình ở Đức quốc người ta bảo vệ, các kiến trúc cổ đại. Các toà nhà bị bom mỹ , anh, đánh phá vào thời đệ nhị thế chiến, được trùng tu lại. Nhà cửa ở trong các làng mạc ở âu châu đều được trùng tu theo các vật liệu được thành phố chỉ định, không bú xua la mua như ở Đàlạt hiện nay. Sơn đủ thứ màu, cửa sổ đủ loại, các bản quảng cáo còn to cái nhà,..

Kiến trúc sư Hébrard từng thăm viếng thành phố Baguio, phi luật tân do người Mỹ thành lập nên có lẻ bị ảnh hưởng nên thiết kế đô thị Đàlạt dựa vào các tiêu chuẩn do ông đặt ra để có sự đồng nhất về kiến trúc. Đến năm 1930, bản vẽ của ông Hébrard, được chôn dấu khi ông Louis-George Pineau được giao trọng trách thiết kế đô thị Đàlạt một lần nữa. Theo mình là một cái may mà Đàlạt không tiếp tục bản thiết kế ý tưởng của ông Hébrard. Xem bản thiết kế dưới đây.

Ông Pineau thì chủ trương trăm hoa đua nở, có sự lẫn lộn kiến trúc giữa Tây và Á . Ông ta cho rằng các thành phố do người đức di cư sang Ba-Tây, đã làm lại những thành phố của người đức mang màu sắc văn hoá của quê nhà. Một nhà báo tên Tonnelat lên án; Đàlạt có những căn nhà trông giống nhà ở vùng Basque, gần dãy núi Pyrenees, biên giới Tây Ban Nha và hình bóng của vài căn nhà ngoại ô Paris xấu xí. Ông ta đề nghị tập hợp kiến trúc việt và Pháp với nhau như họ đã thành công tại xứ Ma-rốc. Có nét Pháp nhưng dựa theo khí hậu, văn hoá sở tại.

Ông Pineau, bác bỏ cách tập hợp kiến trúc việt và Pháp tại Đàlạt. Ông ta đồng ý cho các loại kiến trúc của vùng Basque, Savoie của vùng núi Alpes, thậm chí nhà cửa vùng Bretagne. Do đó chúng ta thấy các biệt thự được xây cất tại Đàlạt nghe đâu trên 730 căn, có kiến trúc cá biệt, không giống nhau. Phần này chắc mình sẽ viết kỹ hơn trong bài khác vì khá phức tạp. Liên quan đến phong trào kiến trúc, tư tưởng của trí thức Âu châu trước đại thế chiến thứ 2.

Ông Paul Veysseyre, kiến trúc sư đã để lại dấu ấn tại Đàlạt, vẽ nhiều công trình lớn tại Đàlạt và 54 biệt thự, trong đó có hai căn biệt thự cho ông vua Bảo Đại, cho biết ông ta thiết kế theo kiến trúc Tây phương dạo ấy chớ chẳng phải theo các vùng tại Pháp quốc. Ông kiến trúc sư trưởng Pineau, tuy ở Đàlạt nhưng vẫn liên lạc, nhận sách báo từ các đồng nghiệp tại đức, Thuỵ Sĩ nên ý tưởng vẫn bị ảnh hưởng với kiến trúc đương thời tại âu châu như Bauhaus, Le Corbusier,..mà mình phải lịch sử cận đại kiến trúc thế giới về các ông này.

Chỉ ở cuối thời Vichy, Đàlạt mới trở lại bản vẽ của ông Hébrard, rất chặt chẻ mà ông Lagisquet, thiết kế Cité-Jardin Amiral Decoux, mang tên ông Toàn quyền thời Vichy. Chỗ vào trường Trần Hưng Đạo, hình như các thầy dạy trường này được giao cho ở mấy căn này. Xem hình dưới.


Có 50 biệt thự được xây cất để cho mướn. Các quy hoạch tương tự như ở Hoa Kỳ, có 6 kiểu nhà, tạo dựng hình ảnh của các châlet vùng núi Alpes. Cũng thời Vichy, họ cho phép kiến trúc sư người Việt được hoạt động tại Đàlạt như trường hợp ông Phạm Nguyên Mậu. Chính quyền Vichy khen ông ta thiết kế những căn nhà tốt đẹp. Ai biết chi tiếc về ông kiến trúc sư gốc việt thì cho em hay.

Vui là đọc các tài liệu do mấy ông kiến trúc sư, phê bình nhau như ông Pineau chê ông Hébrard, người tiền nhiệm. Xem hình dưới để thấy, Hébrard cũng có những ý tưởng ảnh hưởng của nhóm kiến trúc sư Gropius, Le Corbusier vào thời đó nên phát hoạ ra những bản vẽ Đàlạt . May là họ không thực hiện nhưng mấy chục năm sau, Việt Cộng lấy lại bản vẽ này để đập phá khu Hoà Bình, dinh tỉnh trưởng.

Hình họa về Đàlạt, may mà không thực hiện bao nhiêu nhà cao tầng, xung quanh hồ Xuân hương

Có một ông kiến trúc sư tên Augustus Délaval, người đã thiết kế viện bảo tàng ở Sàigòn. Sau này ông ta có trình một đồ án cho nhà ga xe lửa của Đàlạt nhưng không được duyệt. Chính quyền chọn bản vẽ của ông Tây khác. Ông này viết trên báo, cho rằng mái nhà kiểu vùng Normandie, mái mansard như chuồng ngựa ở điện Versailles, ông kiến trúc sư nổi tiếng Mansard, vẽ chuồng ngựa ở Versailles, thêm cái cửa sổ nên từ đó người ta gọi cửa sổ Mansard. Ông ta kêu gọi ngưng sản xuất các kiến trúc vùng ngoại ô Paris như Aubervilliers hay La Courneuve. Mình đang tìm bản vẽ của ông này. Bác nào có thì cho em xin để xem Ga Đàlạt có thể khác ngày nay nếu ông Delaval thắng giải.

Hình này cho thấy bản vẽ Perspective, cho thấy kiến trúc sư phát hoạ một khách sạn to đùng ở khu vực Cercle Sportif sau này. May thay sau này, họ xây Hotel du Parc, phía sau lưng khách sạn Palace.

Có một điểm nhấn ở Đàlạt là nhà ga xe lửa, được xây dựng vào năm 1938. Cho dù xe lửa đã bắt đầu đến Đàlạt vào năm 1932 nhưng không có nhà ga vì hết tiền, trong thời khủng hoảng suy thói kinh tế toàn cầu.

Năm 1930, ông Delaval vẽ nhà ga Đàlạt, với một loại kiến trúc của vùng Đàlạt, dựa trên kiểu mẫu nhà ga tại Congo ở phi châu, thuộc địa của pháp nhưng bị chính quyền bác vì không giống các toà nhà hành chính khác ở Đàlạt. Năm 1935, hội đồng thị xã đồng ý với bản thiết kế của ông Paul Reveron, và giao cho nhà thầu Võ đình Dung thực hiện.


Nhà ga này bị ảnh hưởng của nhà ga Deauville-Trouville ở vùng Normandie, nổi tiếng với festival điện ảnh hàng năm. Nơi dân pháp và âu châu hội tụ như ở Cannes, miền nam nước Pháp. Có thể nói kiến trúc của nhà ga Đàlạt, nói rõ về lịch sử thành hình của Đàlạt, một trung tâm nghỉ dưỡng, hình ảnh của trung tâm nghỉ dưỡng Deauville, địa điểm mà người Pháp giàu có đến đó để nghỉ hè. 


Hôm trước, nói chuyện bà cụ, kể cô em đưa ra nhà ga chơi nhưng không có chuyến xe lửa vì ít người đi. Chắc chỉ khi nào có du khách lên đông mới mở cửa. Lịch sử nhà ga Đàlạt đã nói lên sự thất bại của người Pháp khi xây dựng Đàlạt, một trung tâm nghỉ dưỡng và thủ đô Đông Dương.

Nếu người Pháp chiến thắng ở Điện Biên Phủ, có thể Đàlạt có cái kết khác. Chúng ta đặt nhiều câu hỏi như nếu Việt Nam Cộng Hoà không thua, có lẻ Đàlạt sẽ có hình dáng khác với ngày nay. Một ông thị trưởng như Trần Văn Phước, không tham nhũng, mượn tiền vay nợ để xây cho được ngôi chợ Đàlạt, với kiến trúc độc đấy, được xem là chợ đẹp nhất đông Nam Á một thời hay Giáo Hoàng Chủng Viện, đại học Đàlạt, trường võ bị,...

Vào thời đó đã có kiến trúc sư người Việt giỏi thiết kế nhà cửa tại Việt Nam, được người Pháp ưa thích cho nên Đàlạt là biểu tượng của giấc mơ của thực dân Pháp, tạo dựng một khu nghỉ dưỡng cho người của họ. Nhà cửa là do cá nhân xây cất, họ đem hình bóng quê nhà của họ để tạo dựng mái nhà khác ở Đàlạt theo ý muốn của họ cho nên kiến trước Đàlạt thời ấy khá bú xua la mua. 

Mình hay đặt câu hỏi vớ vẫn của kẻ thua cuộc như tiếc nuối sự việc ngoài tầm tay của mình.

(Còn Tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn