Các giai đoạn phát triển của Đàlạt #1

 Đàlạt được khởi dựng bởi người Pháp, hầu đem lại một trung tâm nghỉ dưỡng, giúp họ dưỡng quân, công chức hay thương gia âu châu, có thể lên đây để hồi phục sức khoẻ, tránh xa cái nóng miền nhiệt đới, đem đến cho họ bệnh sốt rét nguy hiểm, phải di chuyển họ về nước, quá tốn kém và có thể mất mạng trên đường hồi hương.

 Thị trưởng đầu tiên của Đàlạt là ông Paul Champoudry. Ông này từng là nghị viên thủ đô Paris, có hoạt động trong công trình xây dựng hội chợ quốc tế tại Paris, nghe nói về già cần tiền nên phải qua Việt Nam làm việc, lương cao để nuôi đại gia đình. Ông phát hoạ một bản vẽ đầu tiên với các lãnh đạo quân sự thực dân về sự phát triển Đàlạt trong tương lai. Năm 1905, ông thiết kế tất cả cơ quan hành chánh đều tập trung tại một khu vực. Một ngôi chợ nằm ở trung tâm thành phố (địa điểm cầu Ông Đạo ngày nay), một khách sạn và sòng bài và tiệm ăn. Một nhà bưu điện và nhà ga gần nhau, một trường học phía đông của thành phố, gần nhà ga.(grand lycée và nhà ga sau này).

Nơi giặt giũ công cộng là phía hạ lưu của con suối Cam Ly. Dạo mình ở Pháp, người Pháp hay quảng cáo sà bông giặt đồ La Mère Denise, hình ảnh một người đàn bà pháp, hơi đẫy đà, giặt  quần áo ở suối, khiến quần áo sạch như tây. Hạ lưu con suối Cam Ly là nơi được chỉ định cho người Việt định cư sinh sống, lãnh nợ các chất dơ từ thượng nguồn thải xuống. Ngoài ra, các dinh thự và nhà cửa đều được điện hoá nước cả. 

Những ý tưởng của ông thị trưởng Đàlạt đầu tiên, giúp các kiến trúc sư sau này, dựa trên đó để thiết kế đô thị Đàlạt đến khi tây về nước. Đàlạt suýt bị người Pháp bỏ ngang vì tốn kém mà khí hậu không tuyệt hảo như họ tưởng, thêm phần muỗi lây bệnh sốt rét có mặt tại vùng cao nguyên Lâm Viên nhưng may thay vào thế chiến thứ 1, người Pháp và âu châu không về nước không được nên họ lên Đàlạt nghỉ hè, do đó làm sống lại ý tưởng Đàlạt, một trung tâm nghỉ dưỡng cho người âu châu tại Đông Dương. 

Năm 1919, sau đệ nhất thế chiến, tiền bắt đầu được bổ sung cho sự phát triển Đàlạt, ông Jean O’Neil được đề cử phát hoạ bản thiết kế đô thị của Đàlạt lần thứ 2. Mình có tấm ảnh mộ của ông này, được chôn tại Đàlạt. Bản vẽ quan trọng nhất được ông kiến trúc sư Ernest Hébrard, khôi nguyên giải la-mã về kiến trúc phát hoạ.

Năm 1923, ông này thiết kế Đàlạt, dựa theo quy hoạch của thành phố nghỉ dưỡng Banguio, Phi Luật tân do người Mỹ thiết kế. Ông ta chia ra 3 khu vực riêng biệt: 1 khu vực hành chánh, 1 khu vực dành cho người âu châu và một dành cho người Việt. Bản vẽ của ông ta được xem là quá tốn kém và sau này bị duyệt bỏ.


Bản vẽ này cho thấy các khu vực, được người pháp chia ra để tránh sự đụng chạm người âu châu với người sở tại. Các khu vực dành riêng cho người Việt và người pháp được chia cách bởi hồ Xuân Hương, các vùng xanh. Khu Việt Nam là khu đường Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, thấp được dành cho người Việt. Phía Bắc khu vực là nghĩa địa người Việt, thường gọi là Mã Thánh, nay Việt Cộng giải toả để làm gì không biết.

Đàlạt được phát triển nhanh chóng trong 2 thập niên sau đệ nhất thế chiến. Đường xe lửa từ Sàigòn đã đến gần Đàlạt. Năm 1937, mỗi ngày có một chuyến xe lửa từ Sàigòn đến Đàlạt. Năm 1930, con đường từ Sàigòn đến đèo Bảo Lộc, được hoàn thành giúp rút ngắn thời gian từ Sàigòn đến Đàlạt, còn 6 tiếng lái xe.

Năm 1923 đến năm 1940, dân số Đàlạt từ 1,500 gia tăng đến 13,000 rồi 20,000 vào năm 1940. Du khách lên Đàlạt năm 1925 là 8,000, năm 1940 là 12,000 và năm 1942 là 20,000.


Đây là khu phố người Việt, địa điểm cầu Ông Đạo ngày nay trước khi bị bão lụt (1932) cuốn trôi, người pháp dời lên khu Hoà Bình ngày nay. (Hình năm 1925) nếu không có vụ bão lụt thì có thể khu Hoà Bình sẽ được dành cho người âu châu vì dinh tỉnh trưởng nằm trên ngọn đồi cao nhất Đàlạt.

Năm 1932, ông Louis-George Pineau, nhà kiến thiết đô thị cho Sàigòn và Hà Nội, được gia trách nhiệm phát hoạ lại Đàlạt, ít to lớn hơn vì khủng hoảng kinh tế thế giới. Ông ta muốn bảo vệ thiên nhiên của Đàlạt, tạo hồ nước lớn hơn, nhập hai hồ Petit lac (khu người Việt) và Grand lac (khu người tây), nhà cửa nhỏ bé, ẩn mình trong thiên nhiên khác với bản vẽ của ông Hébrard, người tiền nhiệm. Các biệt thự tại Đàlạt được xây dựng rất nhiều trong thời gian này, dọc các đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo,.. ta thấy các biệt thự đều biến sau các rừng thông, cách các con lộ chính.

Người Pháp muốn tạo dựng Đàlạt, thành phố cho người âu châu nhưng vấn nạn là họ cần người Việt để làm cu-li cho họ. Đi săn cọp hay voi, đều có người Việt gánh họ, đến khi chụp hình thì đứng cầm súng bên cạnh xác cọp, trông oai ra phết. Họ chỉ dành vài khu vực được gọi là Quartier indigène, dành cho người bản xứ.

Như kể trên, lượng du khách lên Đàlạt càng ngày càng đông nên họ cần cu-li Việt Nam nhiều hơn nên dân số gia tăng. Năm 1927, số người Việt sinh sống tại Đàlạt vượt qua số người âu châu. Năm 1932, có đến 800 người Việt, có giấy cư trú trong khi người âu châu chỉ có vỏn vẹn 350 người. Còn những người ở tạm thời hay làm việc giai đoạn ngắn độ 4,000 người á châu (người Tàu, người thượng và người Việt) và 1,900 người âu châu.

Khởi đầu, khu vực người Việt nằm phía tây của hồ Xuân Hương, đang làm (1920), khu vực cầu Ông Đạo sau này. Ông O’neil cho hay, khu vực người Việt cần phải nằm về phía hạ lưu của suối Cam ly, sau cái đập. Năm 1932, một trận bão lụt lớn đã phá vỡ cái đập, cuốn trôi rất nhiều nhà dân á châu, gây thiệt mạng 15 người.


Bản vẽ cho thấy các khu vực dành cho người Việt, người Tàu thuộc Quartier annamite, nằm về hướng bắc, để hứng gió cho người pháp, khu vực phía nam, phần dưới của hồ Xuân Hương ngày nay.


Bản vẽ này cho thấy khu người Việt các lô đất nhỏ nên có 3 tầng trong khi khu vực dành cho người pháp thì đường xá rộng hơn và chỉ có một tầng. Các lô đất rộng hơn.

Năm 1924, ông toàn quyền tại Huế, Léon Garnier, thăm viếng Đàlạt với kiến trúc sư Hébrard, cho biết cần thành lập một ngôi chợ. Ông ta can thiệp để nhà cửa người Việt bị cưỡng chế được bồi thường xứng đáng và được cấp đất mới nhưng phải xây nhà bằng gạch thay vì bằng gỗ.

1 ý niệm khác, người Pháp cần chia cách khu người Việt sinh sống và khu vực người âu châu để dễ cách ly, khi có bệnh tật, đại dịch như hiện nay, chúng ta đang trải qua. Họ kêu rất khó bắt buộc người Việt dùng thùng rác vì văn hoá người Việt, ăn đâu quăn đó nên họ xây 5 thùng rác làm bằng bê-tông để người Việt bỏ rác ở đó và được xe bò kéo đi trong khi khu vực người âu châu thì có xe rác đến lấy, người tây chỉ cần quăn vào xe rác. XONG OM.

Năm 1925, người Tây kêu cần có một vùng chia cách giữa khu người Việt và khu người Tây, sử dụng các vườn hoa, công viên để làm tấm chắn. Đó là người Pháp đi gieo mầm tự do, bác ái và bình đẳng cho người bản xứ, khai trí người Việt.

Hình này chụp từ khách sạn Palace, cho thấy khu dân cư người Việt nằm phía khu vực trũng. Khu vực này bị bão lụt năm 1932, làm cuốn trôi đi khá nhiều nhà của người Việt. Sau đó người pháp, quyết định nhập 2 hồ lại, dời khu người Việt này lên Khu Hoà Bình ngày nay. Còn khu này thì ngày nay là hồ Xuân Hương nới rộng tới cầu Ông Đạo.

Năm 1926, Đàlạt được nâng cấp lên thành phố, có hội đồng thị xã gồm 3 người tây và 2 người Việt; Hồ Văn Lê và Nguyễn Ngọc Chúc. Hai ông nghị viên đại diện người Việt nêu ra bản vẽ của ông Hébrard, 10 mét vuông cho mỗi lô đất dành cho người Việt, quá nhỏ bé, như hộp cá mòi, yêu cầu cho các lô đất là 50m x 20m. Báo chí tây cũng lên án chương trình này vì lô đất dành cho người tây phương thì rộng lớn như các biệt thự ở đường Trần Hưng đạo. Dạo ấy, Mặt Trận Bình Dân (Front populaire) đang nắm chính quyền tại Pháp nên tinh thần có hơi cởi mở, báo chí có thể chỉ trích chính sách thực dân tại Việt Nam.

Đến năm 1930, người dân Đàlạt vẫn ở thế lưỡng nan, đất lô chia cho người Việt chưa ngã ngủ. Nhiều người đã chạy đến khu vực gần trường Petit Lýcee, khúc gần đường Huyền Trân Công Chúa, phía sau lưng của trường để dựng một cái chợ nhỏ.

Trong buổi họp hồi đồng thị xã, người pháp quản ngại về việc người Việt sẽ sử dụng đất của họ được phân chia để làm giàu. Thị trưởng Tây cho hay, người Việt chỉ được mua đất đền bù dựa vào những gì họ bị giải toả, không được mua thêm. Một nghị viên người Việt tên Võ Đình Dung, không đồng ý, kêu tây hay ta đều có quyền như nhau, có thể mua đất mà họ muốn. Có lẻ nhờ can thiệp vụ này mà sau này ông ta, giàu có, nhờ làm thầu khoán xây dựng nhà ga Đàlạt, xây cất khu phố Hoà Bình, nên mua hết đất của vùng dành cho người sở tại.


Bản vẽ này cho thấy hồ Xuân Hương được nới rộng sau 1932. Thấy cầu Ông Đạo, nhà Lao, nơi mẹ mình bị mật thám bắt nhốt, trấn nước ở đây mấy tháng. Thấy xi-nê Eden, sau này là rạp Ngọc Lan. Trường Đoàn Thị Điểm, chợ cũ, và nhà thương dành cho người âu châu.

Có thể vì vụ này mà ông Võ Đình Dung bị hại. Mình nghe kể, ông ta đi làm ăn, người ta trả tiền, không đếm, bỏ vào cặp đem về nhà. Tối bà vợ nằm mộng sao đó, thức giấc, mở cái cặp ra thì khám phá toàn tiền giả nên đem đốt. Đốt vừa xong thì mật thám đến nhà xét, không thấy tiền giả nên từ đó hắn ông bà mới cúng đất để xây chùa Linh Sơn, và Linh Phong. Đất của ông bà Võ Đình Dung, rất nhiều trong khu vực dành cho dân an-nam, các vườn nằm giữa đường Phan Đình Phùng, và Hai Bà trưng như vườn ông Ba-Đà là đều mướn của ông Võ Đình Dung. Trường Việt-Anh cũng vậy, lúc đầu do con trai ông ta thành lập, sau cho thầy Lê Phỉ mướn.

(Còn Tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn