Tại sao người Pháp thành lập Đàlạt #1

 Khi xưa, học lịch sử về thời thực dân đô-hộ, thầy cô nói người pháp chiếm Đông Dương, sử dụng chính sách “chia để trị” chia Việt Nam thành 3 kỳ: Tonkin (Bắc kỳ), Annam (trung kỳ) và Cochinchine (nam kỳ) , Lào và Cam-bốt. Từ đó người Việt mình sau khi Tây về nước vẫn ghét nhau, chửi nhau thằng Bắc kỳ, con Nam kỳ hay thằng Mắm Ruốc,... mình không chắc lắm về thuyết này. Mình nghĩ nó sâu xa hơn, bắt nguồn từ văn hoá nho giáo. Cứ đổ tội cho tây thực dân là khoẻ, tương tự sau này đổ tội cho Mỹ xâm lược. Vấn đề này cần có một cuộc nghiên cứu đúng đắn hơn là các sáo ngữ tuyên truyền chính trị.

Từ ngày mình tìm hiểu thêm về lịch sử của Đàlạt, nơi mình sinh ra và lớn lên thì ngạc nhiên khi thấy những công trình dinh thự được xây cất đầu tiên là những khách sạn như khởi đầu khách sạn Hôtel du Lac, cộng thêm mấy biệt thự lân cận rồi khách sạn LangBiang, sau này được cải tên là Grand Palace. 

Thậm chí trong các bản phác hoạ thành phố Đàlạt thời sơ khai của kiến trúc sư Hébrard, đã thấy nhiều khách sạn to lớn, kiểu mấy trăm phòng mà công chức người Pháp tại Việt Nam thời đó trên dưới 3,000 người.

Thời gian ông tổng thống Paul Doumer, làm toàn quyền Đông Dương, đưa ra quyết định thành lập thành phố Đàlạt, một trung tâm điều dưỡng cho thực dân Pháp khiến mình tò mò vì phải phá rừng, xây đường, nhất là xây đường rày từ Nha Trang, Tháp Chàm - Đàlạt. Các cuộc xây dựng này đã giết hàng ngàn người việt, vừa kinh vừa thượng, mình xem các người thượng là người Việt. Trong khi đó, học lịch sử Việt Nam khi xưa, chỉ nghe nói người Pháp đến Việt Nam để chiếm các tài nguyên như mỏ than, trồng cao su,...mà Đàlạt thì chả có gì cả.

Nếu Đàlạt không có tài nguyên, tại sao người Pháp bỏ công và tiền của để xây dựng một tuyến đường xe-hoả răng cưa, từ Tháp Chàm lên, nối quốc lộ 1. Cho thấy khi học lịch sử, được viết bởi chính trị thì khiến chúng ta hiểu sai về quá khứ. Mình cứ đinh ninh là Pháp thực dân là gian ác, hút máu dân việt như các bài sử học khi xưa. Đến khi sang Pháp rồi sau này đọc thêm về chính quyền thực dân pháp tại các thuộc địa thì được biết Pháp tốn tiền cho Đông Dương so với những gì họ đem về. Chỉ có các công ty riêng tư của Pháp kiều mới làm giàu, ngược lại chính phủ pháp thì tốn tiền cho thuộc địa. Tại sao chiếm thuộc địa, đó là câu hỏi sẽ kể khi nào có dịp.






Đây tấm ảnh của Pháp về công trình xây dựng tuyến đường xe-hỏa từ Sông-Pha lên đèo Ngoạn-Mục. Đã giết chết không biết bao nhiêu người việt mà người Pháp gọi là cu-li (coolies Mọi). Trong hình mình thấy có người bận quần áo Chàm, áo dài đen, người đội nón lá,...

Mình nghe kể ông Võ Quang Tiềm và người em rể Nguyễn Văn Phúng, bà con với mệ ngoại mình. Lúc mới vào Đàlạt, làm nghề thợ may. Họ may quần áo, rồi gánh xuống các công trường xây dựng tuyến đường rày xe lữa, để bán cho nhân công tại đây. Phải gánh đi 3 ngày 3 đêm mới đến nơi. Đúng là với sức người, sỏi đá cũng thành cơm. Dạo ấy nghe nói có nhiều cọp (ông 30) mà ngày nay về, chạy trên đường vẫn thấy nhiều chỗ thờ ông Cọp.

Thời gia đình mình mới dọn về cư xá công Chánh ở đường Hai Bà Trưng, nghe người lớn kể là có cọp về lởn vởn gần nhà thương, ở trên đường Calmette. Mình chỉ thấy một lần con hoảng chạy ở đâu xuống xóm mình, rồi nhà bà Quán, vây bắt được làm thịt. Có cho nhà mình một lát thịt hoảng. Đó là lần đầu tiên mình ăn được thịt thú hoang. Một lần khác, chú Hà Thúc Mãn, hàng xóm nấu thịt cọp ai cho, kêu mình qua ăn. Thịt dai kinh hoàng. 

Nói chung dạo ấy, phía sau nhà mình, đối diện đường Thì Sách, toàn là cây Quỳ mọc dại, không có nhà cửa như ngày nay. Đi từ nhà mình lên nhà thương Phương Lan, bên tay phải toàn là cây quỳ, nay họ gọi là Dã Quỳ, thơ mộng hoá về loại hoa dại này, cũng có thể không còn bao nhiêu. Đi trong thành phố, kiếm được một cái cây hay bụi hoa dại còn khó hơn là tìm chim. Cây cối trong xóm mình tuyệt nhiên không còn nên không nghe tiếng chim hót như xưa.

Lò mò kiếm tài liệu Tây đọc thì khám phá ra một điều khá quan trọng: trong quá trình chiếm và bình định Đông Dương, người Pháp chết rất nhiều. Không phải vì đánh nhau với kháng chiến quân người Việt mà vì bệnh sốt-rét, khí hậu ác-nghiệt của Nam Kỳ. Một binh sĩ pháp viết trong nhật ký của ông ta; nghĩa trang quân đội viễn chinh ở Sàigòn, cạnh bệnh viện quân đội pháp có nhiều ngôi mộ hơn thị dân của một thành phố nhỏ ở Pháp. Kinh

 

Người Pháp đã chiếm, làm chủ, bình định hoàn toàn Nam Kỳ từ 1858-1862, các trại lính pháp ở Sàigòn, không quá 2,000 người. Cho thấy người Pháp không cần nhiều binh sĩ để đô hộ mấy chục triệu người Việt. Nghe kể ông tây với 3 người lính viễn chinh khác, với mấy khẩu súng Mousqueton, đánh chiếm mấy thành ở Việt Nam. Quan và dân quân, quỳ xuống, đầu hàng. Nhớ khi xưa, học sử, thầy nói về ông Cao Thắng, chế súng. Khổ cái là ông này không làm cái nòng xoắn để đạn bay đi xa nên cũng chả giết thằng tây nào cả. Đạn bắn ra vài thước rớt cái bịch. Chán Mớ Đời 


Người pháp chết tại Việt Nam thì được chôn tại đây, không có màn chở máy bay về mẫu quốc như binh sĩ Mỹ trong các quan tài, điển hình bà vợ của toàn quyền Decoux, được chôn ở Thánh-địa-Đức-Bà (domaine de marie) Đàlạt. Không biết nghĩa trang quân đội pháp ở Sàigòn còn hay không, chắc họ đã dẹp sạch để mở sân cù.

 

Vào năm 1876, bác sĩ Auguste-Pascal-Marie Danguy des Deserts, cho rằng phong-thổ miền nam Việt Nam rất độc và lo ngại người âu châu khó thích nghi với thời-tiết tại đây. Một y-sĩ pháp khác tên A. Léon tham gia chiếm đóng nam kỳ, kể rằng khí hậu ở đây “meurtrière “ (giết người) còn phong thổ thì quá mất vệ sinh so với tiêu chuẩn tây phương.


Mình về Việt Nam lần đầu tiên, bị tào tháo rượt mệt nghỉ. Về lại Hoa Kỳ, xuống đâu 10 lý lô, đồng chí gái đón ở phi trường không nhận ra luôn. Sau này, từ từ quen rồi. Kỳ về vừa rồi, không bị gì hết.


Mình nhớ khi đến xứ Ma-rốc thì chới với vì khí hậu nóng bức khó chịu vào mùa hè. Ở Rabat, Casablanca thì gần biển nên bình thường, Ở Fez, mình đi chơi có một ngày đã oải, mệt, khó chịu nên lên xe chạy về phía Bắc cho bớt nóng. Khi đi phi châu mới khám phá ra lý do thức ăn cua họ cay vì để chống bệnh sốt rét. Năm ngoái leo núi kilimanjaro, bác sĩ thậm chí điên phi tường, họ khám đầu tiên là chích ngừa về mấy bệnh sốt rét, đậu mùa trước Covid.


Nhớ xưa học lịch sử, nghe kể quân Mông Cổ chiếm Việt Nam nhưng vì không hợp phong thổ nên chết khá nhiều, đại bại dưới tay nhà Trần tại Việt Nam. Nếu không vì phong thổ thì có lẻ chúng ta đã là người Mãn Thanh.


 Mình có mấy tấm ảnh lính khố xanh khố đỏ Việt Nam bị động viên qua Âu châu đánh giặc cho Tây ở thế chiến thứ 1, lạnh thấu xương, không hợp phong thổ, cũng chịu không nổi, chết như rạ. Gần đây, chính phủ pháp đã lên tiếng xin lỗi, đã đối xử không tử tế với người Việt, khi được tuyển mộ sang Âu châu, đánh giặc hay lao động trong các hãng xưởng chế tạo vũ khí để cung ứng cho mặt trận. Mình co sanh bạn, ông ngoại anh ta sống sót khi đi đánh giặc been Âu châu, về Việt Nam được tuyển lên Đà Lạt làm cu-li. 1 trong 100 người Việt đến định cư tại Đà Lạt đầu tiên, được giấy khen đủ trò.

 

Bác sĩ François-Eugène Bernard, tham gia chiến dịch này, cho rằng binh sĩ đến từ miền Bắc nước Pháp, tham gia cuộc bình định ở Nam-kỳ, khó mà sống sót với khí-hậu nhiệt-đới địa phương, phải hồi hương sớm.

 

Người âu châu bị bệnh sốt-rét và thiếu máu trầm trọng. Họ không thể chữa bệnh, hồi sức tại Đông Dương nên phải hồi hương, bằng tàu thuỷ. Khi quân đội Mỹ đến Việt Nam thì có quạt máy và máy điều hoà không khí nên tương đới đỡ hơn thời Tây.


Dạo ấy, còn bé mình nhớ đến các bình xịt thuốc trừ muỗi của mỹ, dùng mỗi buổi chiều, nồng mùi cay cay. Cứ lắc lắc rồi đi vô mấy cái mùng rồi xịt nhất là mấy góc nhà, dưới bàn ăn. Ngoài chợ bán đầy. Nay mới biết là độc hại nhưng dạo ấy, thấy sao mình văn-minh hết lớn. Xịt xong, phải đợi nữa tiếng cho muỗi chết mới vô phòng hay nhà. Một trong điều kiện để người Pháp xây dựng Đà Lạt là độ cao không có muỗi nhưng trên thực tế, Đà Lạt không cao lắm.

 

Năm 1897, khoa học gia người Anh Ronald Ross, làm việc tại Ấn Độ, khám phá ra bệnh sốt-rét do muỗi Anopheles lây lan. Từ đó, người Pháp nghiên cứu thành lập những vùng nghỉ dưỡng, điều dưỡng cho người Pháp bị bệnh, giúp hồi sức tại Đông Dương thay vì chở về mẫu quốc, xa xôi và tốn kém.

 

Chi phí tải binh sĩ bị bệnh hồi hương rất cao nên người Pháp cho các binh sĩ bị bệnh qua Nhật Bản ở Yokohama, nơi một bác sĩ người Pháp, tên Mècres, thành lập một trung tâm nghỉ dưỡng. Khởi đầu khi cuộc chiến Pháp-Trung Hoa, các binh sĩ bị thương được đưa về Nhật Bản điều trị. Ngắn đường tàu thuỷ hơn về Pháp. Khí hậu Nhật Bản tương tự như Pháp quốc.

 

Bác sĩ Bernard kể một đơn-vị pháo binh gồm 319 người đến Nam-kỳ năm 1862, 4 năm sau chỉ còn 50 còn ở lại. Ông ta đề nghị cho binh sĩ đi nghĩa-vụ ở Việt Nam 2 năm thay vì 4 năm để tránh bị bệnh. Có lẻ vì vậy mà người Pháp gọi bệnh này là “Jaunisse” vì người Pháp đến Việt Nam, độ mấy tháng sau là da họ bị vàng.

 

Bệnh sốt-rét và kiết-lỵ khiến quân đội pháp phải bỏ đóng quân tại Tourane (Đà Nẵng ngày nay). Năm 1861, sau khi Sàigòn lọt vào tay người Pháp thì có đến 11.5% binh sĩ chết vì bệnh. Bệnh viện Sàigòn đã có đến 2,774 bệnh nhân, và 170 chết sau đó và 371 được hồi hương. Các tài liệu lịch sử mình học về thời kỳ này kể là người Việt kháng chiến chống Tây, khiến giặc Tây chết như rạ, có lẻ không đúng. Nguyên do là bệnh sốt-rét, khí hậu đã giết lính thực dân như đã giết lính của Thành Cát Tư Hãn.


Đọc tài liệu xưa, họ cho biết 50% đàn ông Việt Nam dạo ấy nghiện thuốc phiện nên kêu đánh đấm, chống tây hơi quá tự cao. Đọc tài liệu thời còn ở Việt Nam, họ nói ông Nguyễn Hải Thần, nằm gai nếm mật ở bên tàu, mơ đến chống tây, kháng chiến đủ trò. Trên thực tế ông ta nghiện thuốc phiện, người Việt đóng góp tiền bạc cho kháng chiến để mấy ông này làm kháng chiến với các nàng tiên nâu. Ông Văn Cao, có kể là được lệnh ám sát mấy người chống pháp, không theo Việt Mình, đợi mấy người này vào hút thuốc phiện rồi xử tử.


Mình nhớ khi xưa, ông cụ đi lính, đóng quân ở rừng, có lần ở Qui-Nhơn, sau này giải ngủ bị bệnh sốt-rét. Cứ mỗi lần bị cơn bệnh này hành, ông cụ trùm mềm, rên hừ hự, kêu mình lấy thuốc Quinine để uống. Mình nhớ nhà có một lọ to đầy thuốc quinine. Sau này, đi cải-tạo 15 năm, mình có hỏi ông cụ còn bị bệnh này không thì được biết là ít hơn xưa.

 

Theo tài liệu thuộc địa ghi lại thì khoảng 1883-1888, tỷ lệ binh sĩ thuộc địa chết ở Đông Dương là 2% trong khi chỉ có 0.97% ở Algiers và 1.1% ở Tunis và 1.5% ở Oran (thuộc địa Bắc Phi của Pháp). Người Pháp có chiếm đóng các nước ở Phi-châu, ở vùng nhiệt-đới nhưng mình không có tài liệu về tử vong của người Pháp tại các thuộc địa này.

 

Hồi hương thì cũng có vấn đề vì có rất nhiều bệnh nhân chết trên đường về cố quận, phải được hải táng trên biển.

 

Năm 1853, những tài liệu thuộc địa cho biết; dạo ấy chỉ có 2 cách điều dưỡng người pháp tại Đông Dương: chở về nước điều trị bằng tàu thủy hay lên cao độ dưỡng thương tại địa phương, nói cách khác là tìm cao độ tại thuộc địa như người Anh Quốc và Hoà Lan đã thực hiện tại Mã-lai và Nam Dương. Các quốc gia này thành công trong việc điều trị binh lính và công chức của họ khi xây dựng các trung tâm điều dưỡng ở trên núi tại địa phương.

 

Năm 1885, Bá tước Albert d’Anthouard de Wasservas rời Sàigòn sau 3 năm nhiệm vụ, kể lại chuyến hải trình hồi hương, sau khi sụt mất 27 kí-lô vì bệnh tiêu chảy. Các hành khách trên chuyến tàu hồi hương gồm 250 bệnh nhân, nằm liệt giường và 150 tù nhân Việt Nam, chống lại chính quyền thực dân, bị đày biệt xứ đi đảo Guyana, lúc người Pháp chưa xây dựng nhà tù tại Côn Đảo để tiết kiệm chi phí. Nếu họ tiếp tục cho các người chống lại chính sách thực dân của họ sang nhà tù Guyane thì có lẻ không có Điện Biên Phủ, ngày nay họ vẫn chiếm đóng Đông Dương. Không có trò vượt Guyane như Côn Đảo.

 


Hình ảnh khi xưa, thực dân bắt người Việt chống lại họ vì thuế nặng. Mình nghe nói đeo gông vào cổ, nay mới hiểu cái gông là gì.


 Nhà tù Cayenne ở Guyane nổi tiếng, được kể qua cuốn truyện và phim mang tựa đề “papillon” do Steve McQueen và Dustin Hoffman đóng, mình xem phim này ở rạp Ngọc Lan.

 

Hình như vua Hàm Nghi hay Duy Tân bị đày đến đây hay Madagascar. Hình như ông vua Hàm Nghi, sau này bị đưa qua Algerie, lấy vợ bên đó rồi chết tại xứ này. Tây gọi “la bagne”, nơi họ đày các kẻ chống lại chính quyền cách mạng sau 1789 đến Guyane, khi cháu của Bonaparte lên ngôi Napoleon III thì cho đóng cửa, thả hết tù nhân chính trị. Năm 1852, người Pháp cho mở lại để nhốt các tù nhân từ các thuộc địa chống lại thực dân pháp. Tù nhân ở đây, ít ai sống sót lắm vì khí hậu, lao động khổ sai. Ai sống sót thì không biết đâu mà hồi hương, lấy vợ địa phương. Sau này, có dịp chắc mình cũng làm một chuyến sang đây để đi lại vết chân của người Việt xưa, bị thực dân đày biệt xứ.


Mình có gặp mấy phục vụ viên trên tàu đi Nam Cực, có 4 người gốc Madagascar, 2 người từ đảo Réunion, và Ma-rốc, thêm từ Nam Dương.

 

Chuyến tàu hồi hương rất dài, chạy qua kênh Suez, có một người chết được hải táng. Ông ta nhận thấy sức khoẻ được hồi phục khi đi ngang con kênh này nên kết luận là bệnh thuộc địa chỉ nguy hiểm tại địa phương còn khi thay đổi phong thổ, gần nơi họ sinh ra thì sức khoẻ cơ hồi bình phục lại.

 

Trên thực tế nhiều binh lính Tây hay công chức, chết khi đến quân cảng Toulon. Trung bình có từ 30-40 người chết trên các chuyến tàu hồi hương. 250 người thì chết 30-40 người. Xem như 20%.

 

Năm 1886, bác sĩ hải quân pháp Lazare-Gabriel-Marie Palud kể trên chiến tàu y tế hồi hương tên Vinh-Long: tàu chở theo 2 con bò để có sữa tươi. Bệnh nhân nào bị sốt rét thì được quấn cái mềm và cho uống thé punché , trà bỏ rượu rhum. Nặng hơn thì được chích quinine sulfate. Mình không biết từ Paludisme đến từ tên ông bác sĩ này? Ai biết cho em xin.


Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Việt Cộng yêu cầu Trung Cộng cung cấp loại thuốc qing hao su (青蒿素), được Tây phương gọi là artémisinine , dùng để trị các bệnh sốt rét cho bộ đội của họ.


Vào năm 1939, ông Paul Hermann Mueller, làm cho công ty dược phẩm Geigy ở Bâle, Thuỵ Sĩ nơi mình có làm việc một năm, khám phá ra DDT (dichloro diphényl trichloro-ethane) , một loại sát trùng, được sử dụng để giết các con muỗi mà chúng ta hay thấy chiếu trên xi-nê, họ xịt vào người tù nhân hay binh lính. Hồi bé, mình nhớ nhà có xịt ba loại này, thêm cái bình xịt dầu hôi, phung lửa để giết muỗi vào buổi chiều. Sau này chất sát trùng này bị cấm vì gây bệnh ung thư,...

 

Dạo mình ở Tây, mỗi lần bị cảm, mình hay ra quán cà-phê, kêu họ làm một ly grogue. Rượu rhum, bỏ đường với chanh và nước nóng. Nhắm mắt nhắm mũi, nốc một cái ực, leo lên 8 tầng lầu, đắp mềm ngủ tới sáng mai là hết bệnh. Tỷ lệ chết mùa hè năm 1885, có 33 người chết hay 6% hành khách nhưng đến chuyến đi thứ 3 của ông ta 1885-1886 thì chỉ 3 người chết hay 0.5% hành khách.

 

Chi phí hồi hương các binh sĩ hay công chức bảo vệ thuộc địa rất cao. 1894, 19.6% bộ binh và 37.6% pháo binh được hồi hương vì lý do sức khoẻ, chiếm 290 người trong các đội ngủ trên. 2 năm sau đó thì 19% bộ binh và 40% pháo binh được đưa về mẫu quốc (340 người). Dạo ấy chỉ có 2,000 lính tây đóng thường trực tại Việt Nam.

 

Dạo ấy có hai công ty hàng hải tư được mướn để đưa lính Tây hồi hương: Messageries maritimes và Compagnie nationale de navigation. Năm 1895, bộ thuộc địa tính thành lập một đường hàng hải Đông Dương, do chính phủ kiểm soát. Mỗi tàu cần 150 giường bệnh, chính quyền bảo-hộ tiên đoán sẽ cần hồi hương nhiều hơn trong tương lai. Không nhớ ông Nguyễn Tất Thành, qua pháp bằng cách làm thuê trên những loại tàu này hay không. Lâu quá rồi, không nhớ là tàu loại nào.

 

Sử gia Robert Aiken, nghiên cứu các trung tâm nghỉ dưỡng của Anh Quốc tại Mã-lai; cho thấy cách hữu hiệu, ít tốn kém, giảm thời gian hồi hương, là thành lập các trung tâm nghỉ dưỡng tại nước sở tại.

 

Dạo ấy có bác sĩ Louis Mècres, thành lập một khu điều dưỡng tại Yokohama, Nhật Bản, để chữa bệnh, cho các thương binh tại chiến trường Trung Hoa. Khu nghỉ dưỡng này được chính phủ Nam-kỳ đài thọ 15,000 quan pháp. Bác sĩ Danguy des Déserts than là không có một khu nghỉ dưỡng tại Nam kỳ. Cho thấy người Pháp đánh thuế người Việt mệt thở để thành hình chính sách cai trị của họ tại Việt Nam.


Tính xem trị giá hiện kim: 170 năm xem như 1,200 tháng, lạm phát trung bình 5%, số tiền 15,000 quan. Tính ra là 119,294,692.00. Dạo mình đi Tây 1 đôla ăn 7 quan cũ. Số tiền khá lớn, lấy từ mồ hôi nước mắt của người Việt.

 

Vấn đề là các đồi núi ở Nam Kỳ rất thấp như Ba-Dinh chỉ có 884 mét cao độ, Chua-Chang thì 600 mét. Người Pháp cần tìm các nơi có núi rừng như ở cao nguyên trung phần, thuộc dãy Trường Sơn. Do đó, họ cho người đi thám hiểm, quan sát các địa danh tại Cam-Bốt, Lào, Bắc-kỳ,...

 

Năm 1897, toàn quyền mới của Đông Dương Paul Doumer, không cho ký hợp đồng với bác sĩ Mècres nữa khiến các người ủng hộ ông này tức giận như thượng nghị sĩ Gauthier. (Chắc có ăn chia). Bộ thuộc địa, giải thích là một khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam sẽ giúp chính phủ thuộc địa giảm bớt kinh phí hồi hương các bệnh nhân nhất là về tâm lý. Khi về nước nhiều thì người Pháp sẽ lo ngại, không muốn con cháu họ đi nghĩa vụ 4 năm tại rừng thiêng nước độc ở xứ Annam. Mình nghe kể là trong thời chiến, Hà Nội giết khá nhiều những bộ đội bị thương, mất tay mất chân để khỏi làm ngã lòng hậu phương tất cả cho tiền tuyến.


Mình về quê, gặp ông chú họ, bị thương tại chiến trường miền nam nhưng sơ sài nên còn sống sót, trở về quê cha.


 Chính phủ có trách nhiệm đối với công chức, binh sĩ và các sĩ quan như những gì mà Anh Quốc đã thực hiện thành công tại Ấn Độ cho quân đội của họ và nền hành chánh sở tại. Đàlạt sẽ đóng vai trò như thành phố Raj của đế quốc Anh Quốc. 

 

Dự định xây một trung tâm nghỉ dưỡng ở cao độ chưa được chính thức chọn. Họ có thành lập ở BÀ-ria nhưng không đủ độ cao.

 

Năm 1897, toàn quyền Paul Doumer ra lệnh cộng sự viên, phải tìm ra địa điểm ở trên cao nguyên, để thành lập một trung tâm nghỉ dưỡng như Anh Quốc đã làm tại MÃ-lai hay Ấn Độ, hầu giúp công chức và lính thuộc địa có thể hồi phục sức khỏe mau thay vì phải về nước.

 

Các tổng đốc 3 kỳ đều phúc trình, đề nghị các vùng biển, như Đồ-Sơn, Cap Saint Jacques (Vũng Tàu),.. chỉ có các giới chức ở Annam là đọc kỷ và đề nghị thám hiểm trên cao nguyên, nơi mà người kinh không đặt chân đến. Đa phần bỏ hoang cho người thượng. Không có đường xá đến đây. Theo các tài liệu kể thì các người của triều đình Nguyễn, xin làm cu-li cho phái đoàn ông Yersin, rồi lên đây, bắt người thượng đóng thuế, đánh đập họ,... cho thấy triều đình Nguyễn làm chủ lãnh thổ này nhưng ít ai dám lên đây thu thuế người thượng. Nhờ vậy mà sau này, người Pháp mới sử dụng người thượng để làm giảm sức mạnh quân đội cũng như chính trị của triều đình Nguyễn.

 

Bác sĩ Alexandre Yersin nghe toàn quyền  Doumer tìm kiếm một địa điểm cho khu nghỉ dưỡng của binh sĩ Pháp, ông ta xin gặp mặt để trình bày vùng Dankia, nơi ông ta đã thám hiểm lên đó, nghiên cứu mấy lần.


Bác sĩ Yersin là người Thuỵ Sĩ, cộng sự viên của ông Louis Pasteur và Emile Roux. Ông nổi tiếng khi tìm ra bacillus bubonic plague năm 1894. Ông ta thành lập một phòng thí nghiệm tại Nha Trang, sau đó trở thành viện Pasteur vào năm 1905.

 

Trái với người ta thường ca tụng về ông bác sĩ này. Người ta tìm thấy trong các lá thư viết cho mẹ ông ta, kể tham gia các cuộc hành quyết các người Việt Nam chống lại chính quyền thực dân,…chê dân của đảo Réunion, dân da đen lười,… có lần búa cùn phải chém 5 nhát mới đứt đầu. Kinh


Trước đây, người Pháp dùng hình ảnh ông bác sĩ này để tuyên truyền cho lòng nhân-ái của họ, muốn mở-man các thuộc địa, đem văn minh, khoa học, tình yêu thiên chúa đến những nơi chậm tiến. Nay có nhiều người đọc các thư của ông ta viết cho gia đình, trong viện bảo-tàng của viện Pasteur ở Paris, nói lên tinh thần thực dân của người Âu châu khi xưa.


Tương tự ngày nay, chúng ta được biết những gì người Tây phương đã thực hiện tại Bắc và Nam Mỹ châu, diệt chủng tàn bạo các người dân sở tại.

 

Ông ta viết thư cho thân hữu, chê chính sách của toàn quyền de Lanessan là ngây thơ “annamitophilie”. Lần đầu tiên mình đọc được từ này, Annam là trung kỳ, philie do từ philo của Hy-lạp, tạm hiểu làm bạn, thân hữu với chính quyền Annam, triều đình Huế vì qua mấy vụ Cần Vương, làm tổn thất khá nhiều cho người Pháp. Có dịp mình sẽ viết về vị bác sĩ này mà ngày nay đa số người Việt ca tụng ông ta như thánh.

 

Ông ta không phải một nhà cấp tiến như được tô vẽ nhưng chúng ta không quên những thành quả nghiên cứu y-khoa của vị bác sĩ này. Chúng ta nên nhớ ông ta làm việc cho viện Pasteur Paris, và được công ty hàng-hải Messageries Maritimes trả lương, không phải yêu thương người Việt. Ông này ở Nhà Trang, không nghe nói đến lấy vợ. Nếu toàn quyền Doumer chọn Dankia thì công ty Messageries Maritimes sẽ được lợi nhiều hơn so với công ty do đại uý muốn chọn Bà Nà. Theo mình thì Bà Nà tốt hơn vì gần biển, đường xe lửa, quốc lộ 1 hơn Đà Lạt. Có thể công ty Messageries Maritimes đồng ý ủng hộ con đường chính trị của Paul Doumer, giúp đắc cử tổng thống pháp sau này. Mình đang đọc hai cuốn sách nghiên cứu về Doumer.

 

Ông bác sĩ này chú ý đến chương trình của Paul Doumer và diện kiến ông toàn quyền ngày 19 tháng 7, 1897. Ông ta trình bày các tài liệu mà ông ta ghi lại trong 3 cuộc thám hiểm tại cao nguyên 1892, 1893, 1894. Các ghi nhận cho thấy là một địa điểm tốt cho khu nghỉ dưỡng của Paul Doumer.

 

Đây là sổ tay của bác-sĩ Yersin, ghi lại những gì đã làm khi thám hiểm, tìm ra Lâm-Viên (LangBian). Ông ta đề “voyage chez les Mois”, 24 tháng 2 đến 26 tháng 9, năm 1893 có đóng mộc viện Pasteur tại Paris.


Điểm chú ý là các cuộc thám hiểm của bác sĩ Yersin, không vì mục đích tìm ra địa điểm để xây dựng trung tâm nghỉ dưỡng mà để tìm kiếm các hầm mỏ, tài nguyên của lâm nguyên. Ông ta đã tìm ra vùng Dankia do công ty pháp Messageries Maritimes trả lương, trước khi diện kiến Paul Doumer.


Người Pháp đến Đông dương, đều cho người của họ đi săn lùng các hầm mỏ, điều nghiên phong thổ,...như trường hợp bác sĩ Yersin là người đem các giống cây cao-su sang Việt Nam để trồng, làm nhựa cho kinh tế xe hơi của họ. Ông ta được công ty hàng hải pháp trả lương.

 

Ông ta ghi rõ như ngày 21 tháng 6 năm 1893, khi ông ta khám phá cao nguyên Lâm Viên (Langbian), đứng trên đỉnh, ông ta thấy vùng Đàlạt ngày nay. Có nói đến rượu cần của người dân địa phương (Mọi)

 

Khi ông ta trở lại vào tháng 2 năm 1894, ông ta ghi lại những chi tiết cần thiết khác. 2 ngày đi bộ từ Langbian, ông ta ghi thời tiết 2 độ celcius. Ông ta thấy nai và có kể cho bà mẹ, không khí khô như vùng đồi núi Thuỵ Sĩ của ông ta.

 

Ông ta hy vọng trong tương lai sẽ có một con đường và xe hoả từ Nha Trang, nơi ông ta làm việc đến vùng cao nguyên, sẽ giúp thành phố Nha Trang trở thành quan trọng.

 

Bác sĩ Yersin xem như cố vấn y tế quan trọng cho Paul Doumer nhưng chuyên gia về khu nghỉ dưỡng vẫn là bác sĩ Alexandre Kermorgant. Năm 1898, ông ta được chỉ thị, nghiên cứu chương trình của ông Yersin và Doumer. Ông ta rên là chúng ta không có các địa danh như Simla hay Darjeeling, nổi tiếng của Ấn Độ của đế quốc Anh. Có lần mình xem phim ấn độ về vùng này. Quá đẹp.

 

Dạo ấy, các tay giàu có người Tây ghé lại Tân Gia Ba của Anh Quốc để nghỉ dưỡng. Bác sĩ Kermorgant ghi: “vấn đề nghỉ dưỡng cho binh lính tại á châu đã được giải quyết với cao nguyên Lâm viên, giúp giảm bớt chi phí cho chính phủ”.

 

Tuy vậy, Paul Doumer vẫn ra lệnh xem-xét các địa điểm khác như núi Ba-Vì, gần Hà Nội. Ông ta nghĩ vấn đề nghỉ dưỡng ở BẮc Kỳ (Tonkin) có thể giải quyết với các khu nghỉ dưỡng tại Trung Hoa, nhưng lại ở ngoài biên giới của đế quốc Pháp. Người pháp chiếm Vân NAm của Trung-hoa để bảo vệ đầu nguồn của con sông Mekông, huyết mạch của Đông Dương.

 

Do đó ông ta chú tâm ở Trung Kỳ (Annam) vì Nam kỳ đất thấp. Langbian có đủ các yếu tố: độ cao, nước dùng, khí hậu tốt. Ngoài ra tại Annam có những địa danh khác như nội địa của Tourane (đà Nẵng) mà người pháp đang bắt đầu xây dựng khu BÀ-nà.

 

Ông ta tìm các ý-kiến ngoài bộ thuộc địa như thanh tra canh nông Đông Dương, Jacquet, được phái lên Langbian để khảo sát khả năng cung cấp trái cây và rau cải âu châu. Ông này rất vui mừng về khí hậu và người dân sở tại (người thượng), rất khoẻ mạnh để làm rãy.

 

Ông Jacques de Montfort, một người du lịch khắp thế giới cho biết là thời tiết của cao nguyên quá tuyệt vời, không khí trong lành và khô khác với sự ẩm ướt của miền đồng bằng Việt Nam.

 

Ông Doumer đề nghị ngoài thành lập một trung tâm nghỉ dưỡng, có thể trong tương lai sẽ làm thủ đô hành chính cho chính quyền Đông Dương. Gần biên giới Lào và Cao Miên. Đặt cái tên là Lang-Sa, vì dân an nam gọi Pháp quốc là Phú Lãng Sa, tầu gọi là Pháp Lan Tây gọi tắt là Pháp. 

 

Năm 1897, một năm định mệnh cho thuộc địa, đúng hơn là cho Liên Hiệp Đông Dương. Paul Doumer được bổ nhiệm làm toàn quyền, thay thế ông tiền nhiệm de Lannessan, người chủ trương tôn trọng các văn hoá địa phương, muốn trả Bắc Kỳ lại cho triều đình Huế, cai trị gián tiếp. Kiểu ngày nay, chính phủ pháp muốn tôn trọng giữ gìn các nền văn hoá của các người di dân từ thuộc địa họ.

 

Paul Doumer thì chủ trương một chính quyền trung ương mạnh. Ông ta thành lập các văn phòng tài chánh tại Đông Dương và các công ty tư nhân hay do chính phủ độc quyền. Ông ta gia tăng dân sự ngành hành chính thuộc địa. Năm 1900, tổng số công chức của thuộc địa nhiều hơn Ấn Độ to lớn, đông dân hơn Việt Nam của Anh Quốc và Tây Ấn của Hoà Lan. Từ 2,860 công chức lên 5,683 vào năm 1911. 

 

Người pháp bị bệnh tại Việt Nam quá nhiều nên ông Doumer hy vọng sự thành lập khu nghỉ dưỡng trên Cao Nguyên sẽ giải quyết vấn nạn này. Dưới thời toàn quyền de Lanessan, chỉ có Nam Kỳ (cochinchine) là thuộc địa của Pháp quốc, ông ta nghĩ giải pháp sử dụng khu nghỉ dưỡng tại Yokohama bên Nhật Bản tốt hơn, thêm được điểm để giao thương với Nhật Bản.

 

Chương trình này, bắt các y-sĩ làm việc tại Đông Dương lâu hơn trước đây. Ai cũng biết là bệnh ở Đông Dương rất nguy hiểm mà các bác sĩ không dám viết khảo cứu để đời cho họ. Thậm chí, họ phải báo cáo sai, để thực hiện chương trình không tưởng khu nghỉ dưỡng trên cao nguyên Lâm Viên.

 

Với ý định thực thi chương trình này, ngoài ông Yersin ra, còn có những người khác được gửi đi tìm kiếm các nơi khác như Victor Adrien Debay ở Bà-Nà….

 

Paul Doumer muốn thành lập một khu nghỉ dưỡng tại một địa điểm tốt nhất. Dù đã được ông Yersin đệ trình các tài liệu mà ông ta ghi lại khi thám hiểm vùng Langbian. Paul Doumer gửi thêm một đại uý quân đội tên Victor Adrian Debay đi khảo sát vùng gần Huế và Tourane.  

 

Tháng 2 năm 1900, vị đại uý này khởi đầu cuộc tìm kiếm với những binh sĩ khác, để tìm ra trong vòng chu vi 150 cây số cách Tourane, với cao độ 1,200 mét, khô ráo, hướng phía Tây nam. Có dịp mình sẽ kể sau vụ tranh nhau giữa ông Yersin và tên đại uý Debay, để được Doumer chấp thuận đề nghị của mình.

 

Vấn đề là tên đại uý Debay này có nhiều hành động dã man, đánh người cu-li, đi theo khiêng đồ cho đoàn thám hiểm Tây. Ông ta đánh chết Nguyễn văn Niêu, Nguyễn Văn Thiêu, Lê Văn Sĩ ,…. Về Sàigòn thấy đường Lê Văn Duyệt đổi tên thành Lê Văn Sĩ, không biết có phải là ông nông dân bị tên đại uý Debay đánh chết năm 1904, khi đi tìm địa danh BA-nà.

 

Nhiều người tố cáo tội ác ông ta, bị đưa ra toà án quân sự về tội giết người nhưng rồi được tha bổng, cho trở lại chức vụ cũ, sau này được tuyên dương Legion d’honneur, huy chương cao quý nhất do chế độ Napoleon thành lập. Đó là hình ảnh của sự tàn bạo của quân đội Pháp. Chả thấy liberté, fraternité , égalité gì cả. Tự do, bác-ái, bình đẳng là chiêu bài để huyển hoặc thiên hạ.



Lính Tây trả tiền cước xe-kéo, đăng trên tờ “la vie large des Colonies, năm 1912.”


Nếu Doumer vẫn tiếp tục chính sách của de Lanessan, có thể người Việt nhất là trí thức Việt Nam, có thể cộng tác với người Pháp trong tinh thần tương trợ để phát triển Việt Nam. Mình mua hai ổ cuốn sách tây viết về ông Doumer, làm tổng thống pháp, bị ám sát. Lần mò về chính trị của ông ta và người tiền nhiệm.


Theo ông Vũ Quốc Thúc kể thì đồng môn của ông ta là ông Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp học rất giỏi nhưng bị đánh rớt, không được cấp học bổng đi du học ở pháp về luật như ông ta và ông Nguyễn Mạnh Tường. Tương tự ông Nguyễn Tất Thành cũng viết thư xin học bổng học trường bảo hộ như ông Trần Trọng Kim nhưng đơn bị bác. Nếu người pháp không thay đổi chính sách của toàn quyền De Lenassan thì có thể lịch sử Việt Nam và Đông đương có thể có một kết cục khác, tươi đẹp hơn.

 

Chương trình này bị gián đoạn khi Paul Doumer được triều về pháp, sau này làm chính trị được bầu làm tổng thống Pháp quốc và toàn quyền Albert Sarault thay thế. Ông ta chọn Đàlạt thay vì Bà-na được đại uý Debay đệ trình. Ngoài ra còn có những địa danh khác được thành lập những khu nghỉ dưỡng nhưng không quy mô như Đàlạt : Sapa, Tam Đảo, Mau-Sơn ở Bắc kỳ, Bokor ở Campuchia, Tranninh ở Lào. (Còn tiếp)


Mình sẽ kể từ từ rồi sẽ ghép lại một bài tổng thể.

Nhs