Fauda Hổn Loạn

  

Dạo này mình chán xem phim Mỹ, xem các phim ngoại quốc trên Netflix hay Prime. Coi truyền hình mỹ, xem phim mỹ riết như ăn hamburger và khoai tây chiên, dần dần mình bị lôi cuốn vào luồng tư duy của mỹ, quên mất là ngoài Hoa Kỳ còn có những nền văn hoá khác. Coi phim tây, phim đức hay Ý hoài mình cũng chán nên dạo này hay xem các phim Thổ Nhỉ Kỳ, Nam Dương, á rập và Do Thái.

Hôm qua, xem một phim ai-cập kể một tên gốc ai-cập, sống ở Hoa Kỳ trên 20 năm, về xứ bị khủng hoảng văn hoá, khá vui nhưng mụ vợ ngưng xem lên phòng chít chát với điện thoại vui hơn sau đó hỏi kết của phim. Chán Mớ Đời 

Ngày xưa, xem phim Romero và Juliet hay Love Story thấy nức nở, nay xem các phim ả-rập và Do Thái thì càng thấy te tua. Một người Do Thái yêu thương một người Palestine, không những bố mẹ cấm cản mà nguyên cộng đồng thậm chí cả chủng tộc lên án. Khi tình yêu đủ lớn thì con người bất chấp trở ngại để vượt qua để rồi có thể thoát ly, ra khỏi nước của họ, hay chết. Chán Mớ Đời 

Dạo này mình đang xem bộ phim Fauda (hổn loạn) của người Do Thái sản xuất, nổi tiếng gây tranh cãi vì người ả rập xem là bị lên án, xem phim kẻ thù. Đừng nói gì, người Việt hải ngoại mà nghe hay hát nhạc Trịnh Công Sơn là bị lên án đủ trò dù bởi những người kêu gào tranh đấu cho tự do ngôn luận…. Chán Mớ Đời 

Bộ phim kể các cuộc xâm nhập của một toán biệt kích Do Thái “Mista’aravim “, nói rành tiếng ả rập, trà trộn vào vùng sinh sống của người Palestine, để bắt cóc các tên khủng bố ở vùng Tây Ngạn (west  Bank). Người Do Thái kêu là khủng bố còn người Palestine thì gọi là anh hùng (shahid). Tương tự nằm vùng Việt Cộng khi xưa, đột nhập vào thành phố, gài lựu đạn xe trước nhà hàng Nam Sơn.

Phim này đoạt rất nhiều giải truyền hình tại Do Thái và rất được ưa chuộng trên thế giới đến nổi Ấn Độ phải mua bản quyền để quay lại theo hoàn cảnh của nước họ tranh chấp với Pakistan.

Xem phim Ấn Độ thì thấy các vụ đánh bom của Pakistan tại ấn Độ mà thế giới ít để ý đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn từ khi người Anh Quốc rút về, được giải thích khá rõ trong phim Gandhi.

Bộ phim Fauda nói về toán biệt kích xâm nhập vào vùng tự trị của Palestine để bắt cóc khủng bố, ngược lại cũng có các biệt kích Palestine được huấn luyện bởi Ba-Tư, rất thiện chiến để xâm nhập vào vùng DO Thái sinh sống để bắn giết, phá hoại như Việt Cộng nằm vùng khi xưa.

Bên nào cũng tôn sùng kêu biệt kích của họ là anh hùng và lên án nhóm biệt kích đối lập là khủng bố. Tuyệt nhiên không ai hỏi người dân vô tội chết vì bị bắn lầm hay bị bom hay mìn nổ.

Thấy các đòn mà người do thái sử dụng để bắt người Palestine, làm việc với họ như đe doạ giết cả nhà hay đặt bom phá vỡ nhà của  kẻ “khủng bố”. Có cảnh họ cho một người Do Thái nói tiếng ả rập vào nằm chung xà lim với một tên khủng bố để moi tin tức nhưng không rành văn hoá của người Palestine, tên Do Thái này bị lộ khi nói ăn món gì của mẹ hắn nấu, không có ở vùng Gaza.

Phải nói phim này khá bạo lực, đấm đá tù nhân khiến nhiều đoạn không dám xem, phải mở iPad ra xem tin tức đợi cho qua màn ẩu đả hay tra khảo.

Điểm vui là mình bắt đầu học được vài tiếng hebrew và hiểu thêm một ít từ ả rập khi người Palestine nói chuyện. Giọng nói hơi khác với người ma-rốc mà mình có một thời gian ở đó.

 


Trên thực tế thì 38 % người Palestine sống trong sự nghèo nàn, 39% thanh niên thất nghiệp, 90% nước uống không lọc. Điện cúp tối ngày. Các người Palestine tỵ nạn ở hải ngoại thì lê lết trong các trại tỵ nạn từ mấy chục năm nay, đời này qua đời nọ. Ai may mắn thì chạy qua Mỹ hay Âu châu, có một cuộc sống tương đối khá hơn. Coi mấy phim do người Palestine thực hiện thì te tua hơn Việt Nam ngày nay.

 

Tương tự người Việt, có nhiều người còn kẹt trên mấy trại tỵ nạn từ mấy chục năm qua vì hồ sơ lý lịch không rõ rành, không ai muốn nhận mà gần đây hình như năm ngoái mới được Hoa Kỳ nhận vào hết để đóng cử trại tỵ nạn Việt Nam. Mình có đi dự bữa tiệc các người này đã được ông luật sư Trịnh Hội, tranh đấu từ bao nhiêu năm qua mới đến được Hoa Kỳ. Nói chuyện với mấy người trẻ sinh ra trong trại tỵ nạn, lớn lên bên đó cả 20 năm.

 

Cứ như xem truyện Kim Dung, ông cha bị giết thì người con kêu gọi trả thù rồi người con chết thì lại kêu gọi thế hệ sau tiếp tục cuộc trả thù. Không ai nghĩ đến làm hoà, để con cháu mình có một cuộc sống yên bình. Phe tà và phe chính giáo đánh nhau không bao giờ ngưng.

 

Thật ra thì có các nước khác, yểm trợ người Palestine, đánh nhau như tiếp tế súng đạn để họ được yên tâm, làm giàu trên xương máu của người Palestine. Họ dùng người Palestine để thương lượng làm ăn, không đồng ý thì kêu dân này đánh bom.

 

Nếu chúng ta tính cuộc chiến này xảy ra từ năm 1948, khi thế giới chấp thuận cho người Do Thái thành lập quốc gia của họ tại vùng đất Palestine này. 

 

Khi người DO Thái từ khắp nơi trên thế giới kéo nhau về đất tổ của họ mà cha ông của họ bị đuổi tha phương cầu thực, bị thế giới ruồng bỏ, khinh ghét, thậm chí còn cho vào trại tập trung để nướng trên 6 triệu người vì có cái tội là thuộc chủng tộc Do Thái.

 

Thật ra dạo ấy cũng có thiểu số người Do Thái sống yên bình trên vùng đất Palestine như người Ấn Độ và Pakistan. Chỉ khác nhau về tôn giáo nhưng họ cởi mở hơn, không điên cuồng thánh chiến như ngày nay.

 

Tương tự bên Âu châu, các vùng Iberia nay là các xứ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, có thời gian nằm dưới sự kiểm soát của quốc vương hồi giáo, các tôn giáo như Hồi Giáo, Công Giáo, và Do Thái giáo sống chung hoà bình đến khi người Công Giáo chiếm đóng thì bắt mọi người vào đạo công giáo còn nếu không thì cút ra khỏi vùng này. Có một số không đi, trốn tránh trong rừng núi, nay là giống người Gitanes.

 

Con người sống êm thắm bên nhau nhưng khi để tôn giáo và chính trị xen vào là mệt. Cái bản ngã quá cao, tự cho những gì mình tin hay suy nghĩ là tối thượng và đúng, sẽ đưa đến xung đột. Có lẻ lý do đó mà mình thấy tư tưởng Phật giáo là tốt vì không tự độc tôn. Không hứa hẹn thiên đàng hay địa ngục.

 

Ngày nay, ngọn lửa kỳ thị được dấy lên lại với những người tự xưng mình là đúng, thói mạ người bất đồng chính kiến với mình. Qua vụ bầu cử vừa rồi, mình thấy bạn bè hai bên choảng nhau như điên. Vừa Mỹ vừa mít vừa Ấn Độ, vừa Mễ ….

 

Cuộc tranh luận về bầu bán tổng thống Hoa Kỳ khiến mình nhớ lại thời ở Âu châu. Người Việt không nhìn nhau qua tình đồng hương, màu da mà nhìn nhau qua lăng kính của người Tây phương.

 

Khi xưa thời trước khi Tây thực dân sang thì chúng ta cứ mở mồm là kêu Khổng Tử cỏn như thế này, ông Khổng Khâu viết như thế kia rồi rung đùi tự nhận mình là kẻ sĩ. Đến khi vài thằng Tây sang, cầm mấy khẩu súng trường mousqueton, bắn vài cái là kẻ sĩ quỳ gối xin đầu hàng.

 

Tây dạy học những điều mới lạ nên kêu Jean Jacques Rousseau, nói như thế này, Voltaire nói thế kia rồi vào thế kỷ 20 thì Karl Marx nói như thế này Engel nói thế kia rồi xúm nhau đánh nhau cho ngoại bang xem cho vui.

 

Dạo mình còn sinh viên, ở Âu châu người Việt được chia ra hai phái: nhóm theo Việt Cộng và nhóm theo Cộng Hoà, đánh nhau mút mùa lệ thuỷ.

 

Nay tại sao chúng ta không cùng nhau chung tiền để giúp bầu cho ai đó, người Mỹ gốc Việt, đại diện cộng đồng người Việt để có tiếng nói ở quốc hội tiểu bang và liên bang và biết đâu một ngày nào đó có một tổng thống gốc Việt.

 

Có người mới ló đầu ra, được bầu vào quốc hội tiểu bang là đã bị đánh tơi bời khiến thằng Mỹ thắng cử nhờ hơn mấy trăm lá phiếu. Chạy theo đám Mỹ hô hào sẽ bảo vệ người Việt hay nhân quyền tại Việt Nam, nay ông ta về hưu thì lại đi làm lobby cho Việt Cộng được trả lương hậu hỉ.

 

Một bà dân biểu khác gốc Mễ, bận áo dài đến hội chợ Tết thì người Việt bu lại đủ trò để rồi người ta khám phá ra bà ta tham nhũng nên hết được bầu lại. Nay thấy ra tranh cử các chức quèn ở địa phương để có tiền sống.

 

Chúng ta cứ chạy theo thằng tàu, rồi thằng Tây, rồi thằng Mỹ, cứ tưởng chúng sẽ giúp Việt Nam được tự do. Người theo chủ nghĩa tư bản là họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận, lâu lâu kêu gào nhân quyền vớ vẫn nhưng họ phải bán buôn với cộng sản.

 

Chủ nghĩa thực dân mới là để các tên độc tài đàn áp tại các nước sở tại thay vì thực dân gửi lính của họ sang, tốn kém. Hình ảnh cho thấy ông vua xứ Saudi đã giết một người ký giả bất đồng chính kiến trong toà lãnh sự nhưng báo chí lên tiếng vớ vẫn rồi mọi chuyện quên lãng.


Mình đang đọc tài liệu của Tây ngày xưa, khi thành lập Đàlạt. Thực dân đá đít dân mình, đánh đập dã man, bắt đi lao động miễn phí, chết trên mấy chục ngàn người. Đó tài liệu thực dân chớ không phải do người Việt viết.

 


Mình tham dự nhiều buổi gây quỹ chính trị nên chán, quay qua làm vườn, trồng bơ nuôi ong bán cho thiên hạ. Mình thuộc trường phái Libertarian Capitalist, ai làm gì mặc kệ họ, miễn sao đừng đụng chạm đến quyền lợi của mình. Xong Om


Đang ngồi viết, tiếng chim thấy lạ vì mùa đông. Một ngày vui.


Nguyễn Hoàng Sơn