Đàlạt, thành-phố thể-thao của người tây-phương

 Đàlạt #5

 

Mình mới nhận được một email của một chú quen với mẹ mình khi bị mật thám tây bắt, nhốt ở nhà Lao, trung tâm cải huấn nhưng may cả hai đều được thả trước khi mật thám tây bắn 20 người chống pháp, tại Cam Ly liên can đến vụ ám sát tên mật thám trước tiệm Đức Xương Long.

 

Email nói về xẹt Đàlạt, hội thể thao của dân Đàlạt xưa.

 

Khi Đàlạt được thành lập, các người âu châu lên đây nghỉ mát, có người sinh sống tại đây, độ 340 người vào những năm 1930. Vào mùa hạ thì đông nhất là độ 3,000 người lên đây nghỉ mát. Mấy bà đầm thì đánh cù, hay đi dã ngoại, còn mấy ông thì đi săn cọp nhưng con cháu của họ cũng cần chỗ chơi thể thao.



 Photo do Bill Robie Cho thấy toàn cảnh các trụ sở của hội thể thao Đàlạt. Trung tâm bơi lội, đua thuyền La Grenouillere (Thuỷ Tạ), nhà hàng Đào Nguyên, các sân quần vợt, nhà để chơi vũ cầu.


Từ đó mới ra đời Cercle des étrangers (câu lạc bộ người ngoại quốc), ngoại quốc đây có nghĩa là người tây phương vì có những người từ âu châu đến làm việc hay định cư. Hội này rất quy cũ, phụ nữ hay bạn của hội viên chỉ được tham dự các hoạt động trong phòng khánh tiết. Cấm không được bàn chuyện chính trị và tôn giáo. Nguyệt liễm đóng 10 quan mỗi tháng.

 

Sau một năm hoạt động thì câu lạc bộ người nước ngoài bị toàn quyền Varenne đóng cửa vì có hoạt động sòng bài, cờ bạc. Dạo ấy, cấm chơi bài, cờ bạc ở Đông Dương. Chắc chỉ áp dụng cho người Pháp còn người Tàu Chợ Lớn thì vô tư.

 

Cuối cùng thì hội cũng được mở cửa lại với cái tên Cercle Sportif (câu lạc bộ thể thao) mà người Đàlạt thường gọi tắt là Xẹt. Du khách ngoại quốc có thể tham gia như hội viên một ngày để sử dụng các cơ sở thể thao của hội như đánh Quần vợt, đua thuyền trên hồ, bơi lội ở hội quán thuyền buồm “La grenouillère “ (Thuỷ Tạ). Ngoài ra có một sân banh để tây đá banh, nằm cạnh các sân quần vợt, địa điểm nay họ làm cái chợ Big C. Nơi khi xưa mình từng đến đây đá banh mấy tháng trời vào buổi chiều.

 


Chỗ này được thiết kế như một ốc đảo, phải đi qua chiếc cầu nhỏ Nhật Bản. Đến vườn hoa, cuối cùng thì hội quán La grenouillere . Hình này cho thấy Thuỷ Tạ lúc đầu chỉ làm một nhà dù để người Pháp ra đây hóng gió, đến khi câu lạc bộ thể thao ra đời thì các hội viên đóng tiền để xây dựng Thuỷ Tạ, nhà hàng “ la chaumiere “ , mấy sân quần vợt. Có thể lúc này họ vẫn đang sử dụng khách sạn Du Lac, nhưng bị cấm vì đánh bài.




Dạo ở Đàlạt, mình có vào quán Thuỷ Tạ này một lần, uống ly coca vào ngày Tết với anh em tên hàng xóm và cô bạn học của em gái hắn. Cô này chỉ mình uống coca bỏ muối vào. Sau này về Đàlạt, mình có ghé lại đây một lần uống ly nước ngọt để nhớ lại thời xưa nhưng không có gì đặc sắc lắm. Ngược lại  kiến trúc của Thuỷ Tạ rất ấn tượng trên hồ. Mình đi khá nhiều nơi nhưng chưa thấy một nhà hàng nổi trên hồ đẹp như Thuỷ Tạ. Có thể gọi là điểm nhấn của thành phố Đàlạt.

 

Hội có quán ăn tên “la chaumière “ (nhà tranh), mà sau này trước 75, tên Đào Nguyên. Nghe nói con gái của chủ tiệm này, ở nam Cali nhưng mình chưa có duyên gặp lại. Nghe kể có một ông dược sĩ Tây bán thuốc ở Bắc kỳ, về đây ở mở tiệm bán bánh mì tây, có tên là Pâtisserie dauphinoise, nhưng đến năm 1945 khi Nhật đảo chính, chiếm hết đồn bóp của tây thì tiệm này đóng cửa luôn. Chắc ông tây về nước.

 


Hình này (1930) tìm trên mạng. Cho thấy cÂu lạc bộ thể thao Đàlạt lúc Thuỷ Tạ chưa được xây cất. Lúc xây cất, họ đào thành cái ốc đảo, làm cái cầu Nhật Bản. Nhà hàng Đào Nguyên, chưa được làm lại. Có lẻ đây là quán ăn La Chaumiere chăng. Phía xa có thấy mấy sân quần vợt, còn sân đá banh chưa được thực hiện.


Không biết ông chủ lò bánh mì Vĩnh Chấn có học nghề tại đây hay không, sau này mở tiệm ở phố Hoà BÌnh, nổi tiếng. Có một tiệm bán thịt tên “la Lorraine”, chắc ông này gốc vùng Lorraine, gần biên giới Pháp và Đức quốc. 

 




Trong mấy tờ báo tây “la presse Indochinoise” có nói đến các hội, tranh tài thể thao ở câu lạc bộ La Grenouillere, đua ngựa, quần vợt, chơi cù, đua thuyền,… khiến dân tây ở Đông Dương náo nức, muốn lên Đàlạt nghỉ dưỡng. Mình nhớ có tấm ảnh tây đang đua thuyền trên hồ Xuân Hương nhưng chưa mò ra được. Để hôm nào tìm ra sẽ bổ túc.

 


Hình này cho thấy cái plongeoir để tây nhảy thi. Hồi nhỏ mình có thấy, sau này thì không thấy nữa. Chắc mục nát không ai sửa lại vì thuộc thành phố Đàlạt khi tây về nước, bàn giao lại. Dân Đàlạt không có ai ra đây nhảy. Mình có tên bạn bơi giỏi, kể leo lên đó nhảy xuống dập chim nên không dám nhảy nữa.


Năm 1956, tây về nước bàn giao lại cho chính quyền Đàlạt. Theo email cho biết thì hội viên sau 1956 hội quần vợt có đâu 30 người. Mình nhớ mấy ông như nhà may Hoàng Nho, cho con đi đánh quần vợt tại đây, ông Châu. Mình dạo đó tập đánh quần vợt trên ty công chánh đường Pasteur, phía sau lưng có sân tennis, mình hay lên đó đánh với anh Toàn, con ông Tô, và Đinh gia LÀnh ở đường Thì Sách. Lưới rách nát, chỉ còn dây cáp nên hay cãi nhau là trên hay dưới lưới. Chán Mớ Đời 

 

Có dạo ông Nguyễn Ngọc Út, giám đốc nhà đèn Đàlạt, làm chủ tịch hội, rồi đến ông Trần Công Phấn, làm nha Địa Dư, có tiệm thuốc Tây Minh Tâm ở đường Duy Tân, con rể của  ông Võ Quang Hàm. Năm 1974, ông tỉnh trưởng Tuyên đức lấy lại, vì thuộc thành phố Đàlạt để cho thuê. Mấy chỗ này là do người Pháp xây dựng nên khi về pháp thì họ giao lại cho chính quyền thị xã Đàlạt, cho thuê lại nhưng vì chiến tranh nên các hoạt động không nhiều vì giới nghiêm, cấm nhảy đầm, đủ trò,..

 


Có lẻ môn thể thao mà tây giàu có thích nhất là săn bán gấu, beo, cọp, voi… không khác chi ở phi châu mà khí hậu lại không nóng oai bức của miền nhiệt đới. Nghe kể có ông tây nào bắn chết 40 con voi để lấy vòi, 50 con cọp và báo và 600 con Nai. Vua Bảo Đại cũng mê môn giết thú vật này nên đóng đô tại đây, xây mấy cái dinh để mấy bà vợ bé ở.


Đồi cù thật ra được xây dựng để cho người Anh Quốc đến chơi. Tây thích quần vợt hơn. Dạo mình ở Đàlạt, ít ai đánh cù lắm, chỉ nhớ có bác sĩ Đào Huy Hách, giáo sư phó BÁ Long, hay lên sân cù đánh, đi bộ.

 


Đi săn thì cần các người thượng này hướng dẫn nhưng khi thấy người tây phương tàn sát dã man nhiều thú rừng vô tội vạ, không phải để lấy thịt thì họ không chịu. Chỉ muốn mỗi lần chỉ có thể giết một con cọp hay voi thôi vì tín ngưỡng của họ.

 


Dạo ấy cọp về kiếm ăn, sát hại rất nhiều người nên chính quyền thực dân thưởng tiền ai đem cái đầu cọp đến nộp. Mình nhớ có lần về Blao thăm ông ngoại, có vườn trà tên Nguyễn đăng, thấy hình chụp ông ngoại với xác con cọp.

 


Cuối cùng thì toàn quyền Albert Sarraut, cấm săn bắn man rợ, chỉ định những khu vực nào được săn bán, và phải đóng 200 đồng cho 3 tháng. Không được giết cọp cái, voi cái,… giúp bảo vệ các thú rừng. Nay thì chắc không còn gì. Ở hồ Dankia, mình thấy 2 con voi để du khách cởi.

 



Nghị định do toàn quyền Decoux và bộ trưởng bộ nội vụ Trần Văn Toàn ký thành lập Đàlạt .

 

Nhìn lại, thực dân lấy tiền thuế của người Việt và xương máu của mấy chục ngàn người Việt để xây dựng con đường lên Đàlạt để cho họ bắn giết thú vật. Ngày nay, chúng ta với tư duy thế kỷ 21, khó chấp nhận được.

 

Họ tạo dựng một vùng riêng biệt cho người tây phương, dùng người việt để khiêng họ đi săn bắn. Có đọc tài liệu, mới hiểu được lý do thế hệ bố mẹ mình chống pháp. Đất của mình, họ đến chiếm xài tỉnh bơ, còn bắt chúng ta làm nô lệ cho họ.


(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn