Buồn vui đời làm vườn trong mùa đại-dịch

Từ mấy tháng nay, mình lên vườn gần như mỗi ngày, lo làm lại hệ thống chính nước tưới. Thêm nữa mình cho tên Mễ phụ mình nghỉ vì hắn bận, không đến xem nước tưới, cắt cỏ, cắt nhánh khô, sai bà vợ đến với mấy đứa con. Vườn thì có rắn, coyote, Bobcat,…mà để con nít chạy vòng vòng thì không an toàn. Bà vợ thì chỉ biết đi vòng vòng, nếu ống nước bị bể hay hư hại vì thú hoang cắn phá, báo cáo lại cho hắn đến sửa. Trong khi đó nước cứ chảy ra ngoài, cây không được tưới.

Có mượn được một anh Mễ khác nhưng chỉ đến chủ nhật nên mình phải làm vườn mệt thở. Hệ thống nước chính thì xong rồi, chỉ còn hệ thống tưới nhỏ, cần thiết bị một hệ thống điện toán, sử dụng Wi-fi khắp vườn, để kiểm soát công việc tưới nước. Dù ở bất cứ ở đâu trên trái đất, mình có thể biết để tắt hay mở nước. Nhớ có dạo mình đi chơi xa, ống nước chính bị bể, thành phố đến tắt nước cả tuần, trái rụng, mà phải trả tiền nước. Chán Mớ Đời 

Nếu trang bị được hệ thống này thì mình có thể đi chơi khắp thế giới mà vẫn kiểm soát được qua điện thoại hay iPad. Hệ thống sẽ kiểm soát độ ẩm để tự động tắt mở nước tưới thay vì như hiện nay, mình phải xem xét đều, nên phải lên vườn đều. Nay hệ thống nước chính đã được thay lại hoàn toàn nên không ngại nữa. 

Đi Seminar thì thấy kỹ thuật áp dụng vào ngành canh nông rất cao, do đó chỉ có 1% dân số mỹ, làm nghề nông dân mà có thể nuôi cả nước mỹ và thế giới. Có các thiết bị để đo các cây bơ từng ngày để biết cần gì, tưới phân loại gì theo phần mềm điện toán tự soạn luôn, giúp trái to hơn và nhiều trái.

Hoá ra là khi cây ra hoa thì họ có thể dùng loại hormone để xịt lên hoa để đậu trái nhiều hơn, nghe mấy giáo sư đại học cho biết là thêm từ 40% đến 60%. Mình đang do dự, có nên sử dụng loại này hay không. Chắc không vì mình thích trồng theo tự nhiên hơn là áp đặt. Loại trái quả mà không có hạt là vì khi ra hoa, họ xịt loại thuốc để không ra hạt trái như nho, dưa hấu mà mình thấy. Ăn mấy cái này không biết sẽ đưa đến hệ quả gì cho cơ thể nên mình không thích lắm dù biết có lời. Xét ra mình vẫn còn “nông đức”. He he he 

Tương tự mình xem phim tài liệu thì họ cho biết các hạt giống khác như cà chua, lúa thóc, ngô,…đều được sản xuất và kiểm soát bởi 4 công ty chính trên thế giới. Một ký hạt giống cà chua giá $67,000. Kinh

Hạt giống đều được cấy riêng để giúp khỏi bị hư thối sớm vì sẽ không bán được khi phân phối, chuyên chở từ nông trại đến chợ qua trung gian mối lái. Điển hình; một trái cà chua bình thường thì 3 ngày sau khi hái, quả sẽ bị thối và bị mốc. Do đó người ta phải cấy một loại giống cà chua khác, thường là loại xấu để tạo ra một loại giống cà chua mà người ta gọi ”cà chua Hybrid.” Loại ”cà chua lai” này sẽ có khả năng tươi đến 25 ngày, đủ thời gian chuyên chở đến và bán ở chợ.

Nông dân khắp thế giới đều phải mua loại cà chua lai này để trồng, có vài nông dân tự làm hạt giống nhưng mất công lắm, phải xay cà chua ra cho nhuyễn rồi lọc hạt, ra rồi phơi khô mà chỉ tồn tại có 3 ngày sau khi hái. Đó chỉ là cà chua còn mấy loại trái cây, rau cải đủ trò, nghe tới là Chán Mớ Đời hết muốn kể. Có tên hàng xóm mỹ, hay cho mình ăn cà chua do hắn trồng. Chỉ cần rữa xong là cho vào mồm, ăn ngon không thể tả. Còn cà chua mua ở chợ ăn chán như con gián.

Nhớ dạo mới mua cái vườn, chủ trước trả $70,000 tiền nước mỗi năm nên họ bán rẻ. Mình nhờ thợ thiết bị hệ thống đồng hồ tự động tắt mở nước theo thời khoá biểu, giúp giảm 50% tiền nước. Đó là hệ thống cũ hay bị bể nên nước chảy ra ngoài, không tưới nước được. Sử dụng hệ thống mới thiết bị sẽ giảm tiền nước hơn nhất là sẽ giúp cây xinh tốt hơn vì áp suất nước rất cao lên đến đỉnh đồi, có thể tưới đều cả vườn.

Mình thay ống nước chính có đường kính 3 inches rồi ống lên đồi có đường kính 2” thay vì 1.25 inches như mấy chục năm qua. Do đó, mình có thể tưới nữa cái vườn cùng một lúc khi trời nắng gắt trên 100 độ F thì có thể tưới cả vườn trong 6 tiếng đồng hồ. Trước đây, thì chỉ tưới được 1 phần vườn nên trời nóng, trái không đủ nước có thể bị rụng nhiều.

Năm kia mình bị một lần nên sợ, may có bảo hiểm đền, đủ tiền trả nước nếu không thì bỏ nghề làm nông rồi.

Tuần tới, sẽ có một tên đến xem vườn để thiết bị hệ thống tưới nước của công ty Netafim, một công ty Do Thái, đã nghĩ ra hệ thống tưới “drip Irrigation”. Hy vọng chính phủ california có thể cho mình tiền để thay hệ thống này, gắn hệ thống năng lượng mặt trời. Họ cho biết cuối tháng 5 hay tháng 6 sẽ cho biết. Mình vẫn làm dù chính phủ không cho tiền. Nếu cho thì mình chỉ cần chứng minh tiền bạc trả cho thợ,…khi họ đến thanh tra. Họ đã đến thanh tra cách đây 3 năm.

Xong vụ nước, mấy tuần nay phải cưa mấy nhánh cây chết, để hoa lá, cành mới có chỗ mà mọc. Có nhiều nhánh cây chết thì khó hái trái, thợ hái trái đòi thêm tiền công. Vụ cưa cây này thì căng vì cái cưa có thể kéo dài ra 16 feet, nặng 15 cân nên vác theo, đi bộ rất châm, khi cưa các nhánh cây trên cao. Còn thấp thì dùng cưa máy, vác theo khá mệt. Đang tính mua chiếc xe máy cày nhỏ để có thể chạy khắp vườn, kéo theo cái xe rờ-mọt, đựng dụng cụ, chớ quên cái gì là phải đi bộ về nhà kho, xa mệt thở. Đi bộ ít lại nhưng lại làm việc nhiều hơn. Để xem, làm lại hệ thống tưới mới cho xong, nếu chính phủ cho tiền năm nay thì mua chiếc máy cày, để khỏi phải đóng thuế lợi tức vì năm nay được mùa.

Thêm nữa, đến mùa hái bơ thì có lẻ mình sẽ mướn 1 hay 2 người hái đều đều mỗi ngày suốt mấy tháng. Có xe máy cày thì có thể kéo mấy thùng đựng bơ, rồi chiều kéo đến công ty mua sỉ. Họ cho mỗi thùng $20, còn nếu họ đến lấy thì chém mình thêm $100. Hái từ từ thì có thể hái trái to trước rồi quay lại mấy tuần sau thì trái nhỏ lớn lên một tí.

Mình hái tháng 2 thì có 150,000 cân, có năm mình đợi đến tháng 4 thì lên đến 250,000 cân, được thêm tiền. Công ty hái thì họ chỉ đến một lúc rồi hái hết vườn trong mấy ngày. Thu hoạch kém lại. Do đó mướn 2 người hái mỗi ngày 2 thùng (2,000 cân), mỗi tuần 12,000 cân, 12 tuần thì 144,000 cân rồi sau đó cho hái hết một lúc cho xong. Hái sớm như năm nay thì bây giờ có mấy trái nhỏ không hái thì nay lại lớn nên ăn ná thở luôn. Tính hái đưa cho cô cháu bán nhưng để xem vì mình không có thì giờ vì mới tỉa nhánh cây khô có phân nữa. Đi tới đâu, hái tới đó. 

Bơ hái trễ nên to. Mỗi trái nặng nữa cân, ăn mệt thở luôn với mật ong vườn :)
Sáng 6 giờ sáng đã lên vườn. Trưa về lại bò đến trung tâm “masks save Lives”, phụ giúp mấy người bạn bỏ thiết bị y tế vào thùng, vào bao rồi đem ra bưu điện. Xong om

Chiều lại hướng dẫn mấy hội viên Đông Phương Hội luyện tập qua hệ thống viễn liên Zoom từ 7:00-9:00 tối, nên thấy ngày tháng qua rất mau dù là đại dịch. Mới quay đi quay lại thì thấy đã 10 tuần lễ rồi. Kinh

Mỗi lần lên vườn thì mình đi bộ, trung bình từ 4 dậm đến 6 dậm. Hôm trước, mở phần mềm của điện thoại ra thì thấy số lượng đi bộ cả tuần khiến mình thất kinh. Nghĩ lại thì dạo này mình khoẻ hơn xưa rất nhiều. Đi bộ nhiều, tập nội công Hồng Gia, Trạm Trang Công mỗi ngày nên tinh thần phấn chấn, ăn uống có kiêng có lành, sức khỏe nhiều hơn nhiều người bạn cùng tuổi. Có nhiều người bạn bằng tuổi, thậm chí ít tuổi hơn mình mà khi lên vườn mình, đi bộ chút xíu là họ đơ ra, đứng hình, thở không ra. Họ kể đánh quần vợt, chơi thể thao đủ trò mà leo dốc từ cổng vườn đến nhà kho, có 100 bộ là họ đứng hình. Viếng vườn mình xong, họ không muốn trở lại vườn nữa. Chán Mớ Đời 

Làm vườn thì không lời lắm nhưng được cái giúp mình làm việc, học hỏi thêm về canh nông, thay đổi tư duy về cuộc sống, nhất là để ý đến ăn uống, thực phẩm vì khám phá ra sự thật về công nghệ thực phẩm. Những gì chúng ta tiêu thụ ngày nay giảm từ 43% đến 60% các chất dinh dưỡng so với trước 1970. Đưa đến bệnh tật đủ trò.

Lý do là bị lai giống và hái sớm, được bảo quản,… dù được các công ty dụ dỗ sử dụng hoá chất để làm tăng trái to hơn, hạt nhỏ hơn,…nhưng mình nhất quyết giữ cách trồng kiểu bình thường, chỉ cần trang bị máy móc tối tân để có thể đi chơi với vợ con. Có gì thì gọi thợ đến lo.

Tuần này, mình gửi bơ sang Philadelphia cho hai đứa cháu, thưởng cháu mới được vào đại học Pennsylvania. Tết mình có gửi một thùng bị cô em chê, kêu là ăn chưa đả. Nói mua một trái bơ $2 mà không ngon bằng bơ cậu Sơn. Mình nói bơ của mình có nhãn hiệu “Lá Bồ Đề”. Nếu cô em trả tiền cước là chỉ có khóc, hết thấy bơ cậu Sơn ngon.

Nắng nông trường Sơn không sợ
Chỉ sợ về nhà bị vợ la

Xong om!

Nhs