Chủ nghĩa “dân Chửi” ở thế kỷ 21

Mình tự xem là “libertarian capitalist”, ai muốn làm gì thì làm, miễn không đụng chạm đến quyền lợi của mình. Khi đi ăn uống với bạn bè, mình chỉ ngồi ăn, ít khi tham gia các cuộc nói chuyện, ngoại trừ khi họ hỏi ý kiến của mình. Từ ngày lấy vợ, mình trở thành người em sầu lặn khi đi bên vợ.

Từ khi ông Trump đắc cử như ngựa về ngược, mình nhận thấy xã hội Hoa Kỳ được chia ra 2 phái rõ rệt và không tôn trọng lẫn nhau. Họ chửi nhau như điên, bên thì kêu bọn cuồng Trump, bên thì gọi bọn Dân Chủ liếm giày của tàu. Không những chỉ người Mỹ mà ngay đến người Việt ở Hoa Kỳ cũng được chia thành 2 phe, thoá mạ nhau.

Mình đọc trên một bờ lốc, họ cho biết tình báo Hoa Nam của Trung Cộng, trả tiền cho các dư luận viên lên mạng chửi Trump. Bờ lốc của họ, có người bên tàu theo dõi rất nhiều. Chắc là an ninh mạng. Gần đây, họ tung ra các tấm ảnh vợ bé và con riêng của mấy quan nhớn, trước đại hội đảng năm tới để chọn người theo Trung Cộng vào bộ chính trị. Chán Mớ Đời 

Sau này, khi ông Trump mãn nhiệm kỳ thì không biết họ dựa vào cái gì để choảng nhau hay tiếp tục ủng hộ Tân tổng thống để chửi nhau. Ngày nay, họ định hướng dư luận đánh Trung Cộng tương tự ở thế kỷ trước, người Âu châu dấy lên phong trào chống người Do Thái đưa đến cuộc diệt chủng 6 triệu người Do Thái và bao nhiêu người khác.

Trong một thế kỷ, nước Đức đi từ chế độ quân chủ lên đến chế độ phát xít, xã hội quốc gia nazi rồi tư bản và cộng sản và nay dân chủ xã hội. Trong quá trình, 100 năm họ thử đến 5 chủ nghĩa chính trị, giết hại biết bao nhiêu triệu người.

Với làn sóng định hướng chống Trung Cộng, trong tương lai người gốc Á châu như chúng ta có thể bị ảnh hưởng khi những đạo luật giới hạn sự tham gia của người Mỹ gốc tàu. Lúc đó, cuồng Trump hay ghét Trump sẽ bị ảnh hưởng như nhau.

Thay vì cùng nhau xây dựng một cộng đồng người Việt đoàn kết về chính trị và kinh tế, chúng ta lại hùa theo người Mỹ trắng để chửi bới nhau như cha ông chúng ta học từ người pháp, các chủ nghĩa xa lạ với văn hoá và truyền thống Việt Nam.

Họ trở nên những người bảo hoàng hơn vua, người tây đã từ bỏ các chủ nghĩa do họ đề ra từ 30 năm về trước trong khi chúng ta vẫn tiến nhanh lên chủ nghĩa cộng sản dù biết là sai. Chúng ta chưa học được một tư duy mới khác của người da trắng như con thú nô lệ được nhốt trong chuồng vô hình, lượm lặt những gì của người da trắng không xài. 

Thế hệ chúng ta vẫn tiếp tục bắt chước người ngoại quốc, không có gì tự sáng tạo, do chính mình làm ra. Chúng ta học ở người ngoại quốc nhưng phải biến chế lại cho hợp với văn hoá người Việt như người xưa đã biến chế món ăn của người Pháp “Pot-au-feu” thành món Phở, được thế giới ưa chuộng. Đàng này, cứ bảo hoàng còn hơn vua, cứ bắt chước người da trắng bú xua la mua.

Dạo này ở Hoa Kỳ, có vụ mấy cảnh sát da trắng, đè cổ một mỹ da đen chết ngạt luôn khiến bà con biểu tình, bạo động. Da trắng họ kỳ thị dân da màu, đen vàng gì như nhau. Người Mỹ hay nói: “bỏ con thiên Nga vào đàn vịt thì nó sẽ hoàn vịt, bỏ con vịt vào đàn thiên Nga nó vẫn là vịt”.

Hoa Kỳ hiện đang theo chủ nghĩa bày đàn, bộ lạc hoá mọi người. Có một bộ lạc lên án, xuống đường, bạo động để đấng đuổi Trump bất chất hệ quả, một bên thì một bộ lạc khác, chống bạo loạn, ủng hộ ông Trump khiến ta nghĩ đã đưa đến bế tắc xã hội, chính trị.

Trên thực tế, có một bộ lạc khác, thầm lặng nhưng sẽ quyết định cuộc bầu cử cuối năm nay. Bộ lạc này thì lên án, cho rằng vụ bắt bớ ông mỹ da đen, đưa đến cái chết có thể phòng ngừa được. Họ lại chống bảo động, hôi của,... truyền thông chỉ muốn đưa ra những hình ảnh bạo loạn để câu khán giả để bán quảng cáo. Do đó chúng ta mới ngạc nhiên khi kết quả bầu cử khôgn như giới truyền thông tuyên đoán.

Trong mùa đại dịch, thiên hạ bị cách ly, phải ở trong nhà nên đâm điên khùng. Các chiến sĩ bàn phiếm như các thập tự quân khi xưa, lên mạng xã hội chửi bới, ngụy biện bằng cách sử dụng tin tức giả như một vũ khí truyền thông để chứng minh phía bên kia là sai. 

Điển hình, bên ghét Trump đưa ra hình ảnh, kêu ông Trump ngăn cản mấy ngày, không cho gửi tấm ngân phiếu cứu trợ $1,200 cho mỗi người Mỹ vì muốn in hình ông ta lên tấm ngân phiếu. Thiên hạ nhảy vào chửi bới nhau te tua. Mình và vợ nhận được tấm ngân phiếu $2,400, không thấy hình ông Trump nên không hiểu lý do tại sao họ chửi nhau vì những tin tức vớ vẩn. Tò mò mình tìm tài liệu đọc thêm vụ này để hiểu phần nào thế thái nhân tình ngày nay. Chán Mớ Đời 

Có một ông thầy giải thích trong cuộc đời, có 3 loại người: loại thứ nhất, rất yêu mến mình, mình làm gì họ đều ủng hộ hết mình, sai thì họ khuyến khích, động viên. Loại thứ 2 thì họ ghét mình, mình làm gì họ đều chửi dù cho họ ăn ngon cũng bị chê. Loại này thì mình nhận ra rất nhiều. Trời cho mình cái mặt cực kỳ khó ưa, không có thiện cảm nên thiên hạ ghét mình ra mặt. Cách tốt nhất là họ chửi, mình cũng cười Như dân an nạ Mit mà ông Nguyễn Văn Vĩnh đã nêu khi xưa. Xong om. Loại thứ 3 thì chả đếm xỉa gì đến mình, bàng quan. Mình thuộc loại người này, thiên hạ làm gì, nói gì mình chỉ u chau u châu hay hè. Xong om.

Trong cuốn the death of expertise” , Tom Nicholsgiáo sư trường chiến tranh hải quân Hoa Kỳ cho rằng hiện tình, sự hiểu biết rất thấp của người mỹ trung bình (average american), tuột xuống tận đáy, từ không hiểu biết đến cập nhập thông tin sai, không được sàn lọc, khiến họ tin vào những tin tức sai lầm và trở nên bạo lực nếu có ai nói xấu hay tìm cách đánh đỗ niềm tin của họ. 

Điển hình trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Hà Nội tuyên truyền dân miền Bắc, phải góp sức, hy sinh để giải phóng miền nam nghèo đói dưới chế độ tay sai của đế quốc mỹ xâm lược, đến khi họ vào được Sàigòn thì mới bật ngửa, biết mình bị lầm như nhà văn Dương Thu Hương đã bạch lộ.

Người miền nam thì chửi dân miền Bắc ngu. Thật ra không thể trách họ được vì họ chỉ có thông tin một chiều. Người dân Triều Tiên khóc khi lãnh tụ qua đời, vì họ được sinh ra và nuôi dưỡng trong chế độ quân chủ độc tài nên đâu có cái nhìn khác để so sánh. Tương tự ngày nay, thông tin quá nhiều, hàng giả hay thật không ai biết như bóp ví LV . Người ta chỉ tin vào những gì họ đọc hay nghe.

Do đó chúng ta cần đọc tin tức hai chiều, thậm chí phải tìm tin tức của nhóm thứ 3, không theo phe nào để có cái nhìn khách quan. Mình phải đọc sách báo, xem phim âu châu để có một cái nhìn thoáng hơn về cuộc sống tại Hoa Kỳ.

Có thể chúng ta sống vào thời đại thông tin được tràn ngập qua mạng Internet nên ai cũng có thể tiếp thu được. Mỗi người có một nhân sinh quan riêng nên họ chỉ săn lùng những tin tức hợp với quán tính của họ còn ngoài ra những ai có ý kiến khác thì họ sẽ đã phá.

Nhất là Internet sử dụng kỹ thuật toán để cò mồi, đưa tin tức mà mình thích đọc. Trên Facebook hay Tweet, mình theo dõi ai thì phải nhấn “like” nếu không thì ít khi bài vở của những người đó được kỹ thuật toán gửi cho mình.

Có một người hỏi mình sao lâu quá không thấy mình viết trên Facebook. Mình đoán là người này chả bao giờ “like” bài viết của mình. Có những người mình theo dõi nên lâu lâu đọc xong phải “like” nếu không kỹ thuật toán sẽ không tải về các bài của họ cho mình đọc. Điển hình khi mình xem tin tức trên iPad là khi sang phần thể thao, họ đưa toàn tin tức của Mờ U vì mình ủng hộ độ bóng này, dù mình không có gia nhập gì cả. Kỹ thuật toán của Google hay Safari, biết rõ mình đọc gì.

Tương tự các người theo tôn giáo, họ tin và đặt đức tin của họ vào một đấng tối cao nào đó thì không chấp nhận có một thượng đế khác ngoài đấng tối cao của họ thờ. Do đó từ mấy ngàn năm qua, biết bao nhiêu cuộc thánh chiến nhân danh Thiên Chúa, Allah,..người ta tàn sát lẫn nhau một cách man rợ.

Về mặt chính trị, con người cũng tìm kiếm lãnh tụ đại diện cho chính quán của họ. Ai chửi bới lãnh tụ của họ là chửi chính họ nên họ quyết tâm chống chọi, tìm cách hạ nhục đối thủ không cùng chính kiến. Đó là chúng ta sống trong một xã hội tương đối dân chủ, thử hỏi ở trong một chính thể độc tài.

Mình lấy thí dụ về y tế. Mình theo dõi 2 ông bác sĩ nổi tiếng về bệnh tim, chuyên gia giải phẫu tim. Sau mấy chục năm chuyên mỗ tim, họ mới giác ngộ là mỗ tim xong thì vài tháng sau, bệnh nhân của họ lại vào phòng mỗ nữa nên tìm cách cứu bệnh nhân của họ không phải lên bàn mỗ. Hai ông này đưa ra 2 phương cách khác nhau để trị bệnh tim. Một ông thì kêu gọi ăn chay, không ăn thịt, ăn dầu,… một ông thì giải thích lý do tại sao tim mạch bị nghẹt và kêu mỗi ngày phải ăn mấy muỗng dầu olive rồi bán đủ thứ. Mình phải tin ai bây giờ?

Đó là các chuyên gia mà có thể cách đây 10, 20 năm khi cách mạng thông tin chưa nở rộ như ngày nay thì khi họ phán thì mình tin ngay. Nếu mình gặp ông thứ 1 thì sẽ ăn chay để tránh bệnh tim mạch còn nếu gặp ông thứ 2 thì ăn dầu olive, mua mấy thứ bột trái cây của ông ta bán để sử dụng.

Vì thông tin quá nhiều, người ta đâm ra không tin vào các chuyên gia nữa. Đi bác sĩ, kêu uống thuốc thì người ta lại nói ông hay bà bác sĩ này muốn nuôi bệnh nhân. Khi hết thuốc thì phải đến phòng mạch tái khám để được kê thêm toa thuốc. Họ dùng sự việc uống thuốc để nuôi bệnh nhân, kiếm thêm tiền. Bệnh nhân như một người tiêu dùng, tốn tiền quảng cáo mới tìm ra họ nên một thương hiệu nào đều tìm cách để giữ, nuôi khách hàng lâu dài.

Mấy người bác sĩ có y đức cho rằng họ đi học trường y khoa chỉ dạy hiện tượng của bệnh và cho uống thuốc nào. Chương trình dạy học đều được các công ty dược phẩm bảo kê. Xong om.


Rồi người ta khám phá ra các công ty thực phẩm, dược phẩm lobby các cơ quan có chức năng, kiểm soát về y tế, dược phẩm, thực phẩm như FDA, USDA,.. nên đâm ra ngờ vực những gì các tổ chức này nói. Điển hình vụ coronavirus, có tin tức tố cáo ông Fauci, giám đốc cơ quan National Institute of Allergy and Infectious Diseases cấu kết với các công ty dược phẩm, bắt dân chúng tại Hoa Kỳ chích ngừa.

Họ kể này nọ nhưng không thuyết phục lắm. Ông này lại phan thêm, nếu tìm ra thuốc chích ngừa chỉ hiệu nghiệm có 16%. Mình nhớ có năm đi chích ngừa cúm nhưng mùa đông đến cũng bị cúm. Hỏi bác sĩ thì bác sĩ kêu cúm năm nay khác lạ. Vậy chích ngừa làm gì. Từ đó hết chích ngừa, tập nội công Hồng Gia.

Người ta chửi bọn cuồng Trump hay bọn cuồng Dân Chủ với sự kiêu ngạo vô căn cứ, tự xem mình là đúng như đảng cộng sản lúc nào cũng sáng suốt, sáng lòng sáng dạ. Sự phẫn nộ của một nền văn hoá càng ngày càng tự ái càng lên cao, quá kệch cỡm dù chỉ là sự bất bình đẳng nhỏ tí.

Có thể chúng ta đang nhầm lẫn giữa các quan niệm căn bản về dân chủ và mối quan hệ giữa chuyên môn và dân chủ nói riêng. Ông Voltaire hay ai đó đã từng nói: “tôi có thể bất đồng ý kiến với ông nhưng tôi sẵn sàng chết để ông có quyền để nói”. 

Dân chủ là sự công bằng chính trị: một người một lá phiếu, bất kể da trắng hay da màu, giàu hay nghèo. Do đó, các đảng phái phải tuyên truyền, định hướng các cử tri, bầu cho họ.

Trong đại dịch, mình có theo dõi một ông, hình như ở New York hay Dallas. Mỗi ngày ông ta cứ đưa tin số người bị nhiễm coronavirus, số người chết, số người lành bệnh lên Facebook của ông ta. Mình đoán ông này là kỹ sư. Sau 2 tuần lễ, thiên hạ xem ông ta là chuyên gia về coronavirus. Họ bắt đầu hỏi ông ta về tình hình thì ông này giải thích còn hơn ông Fauci. Mình phải ngưng theo dõi ông này vì thiên hạ bắt đầu xem ông ta như một ông thánh coronavirus . Ông ta chỉ lên mạng của nhà thương Hopkins, tải về các sử liệu rồi tự phong là chuyên gia. Chán Mớ Đời 

Có một bà khác cứ đưa tin thuốc này chữa khỏi hay bác sĩ này ra sao, y sĩ kia ra sao. Cách chữa bệnh hiện thời sai. Lần đầu mình tưởng bà ta là bác sĩ, sau xét lại thì bà ta lấy tin tức ở đâu không kiểm chứng được rồi tự tạo cho mình một cái hiệu chuyên gia y tế, câu “like”.

Có người hỏi tại sao trên Facebook của mình, ít người nhấn “like”. Mình trả lời, mình viết cho mình, để tập luyện trí nhớ, ai muốn đọc thì đọc. Ai muốn chửi thì cứ chửi. Không có chi là đặc biệt.

Cái nguy hiểm là thông tin được mỗi cá nhân tiếp thu từ mạng Internet, có thể đưa đến sự phẫn nộ mù quáng. Có một ông nào có người mẹ chết tại bệnh viện Boston. Sau khi đọc tin tức trên mạng về loại thuốc mà bác sĩ cho mẹ ông ta uống là không đúng. Ông ta vác súng vào nhà thương bắn chết ông bác sĩ.

Đồng ý là bác sĩ có thể sai nhầm trong việc điều trị bệnh nhân nhưng một người bình thường, có thể đọc một thông tin nào đó trên trang nhà WEbMd.com chưa chắc là đúng, vội tin ngay. Làm sao chúng ta tin vào các thông tin trên các trang nhà của các tổ chức về bệnh tim mạch, ung thư khi họ quảng cáo các thức ăn, bảo trợ bởi các công ty thực phẩm mà Ai cũng biết sẽ gây ra bệnh ung thư, tiểu đường,...

Từ ngày mình bị mỗ cục bướu trong người thì có đọc vài cuốn sách về bệnh tật. Mình có ghi lại những gì đã kinh qua rồi gửi cho bạn bè đọc. Mình thất kinh khi có nhiều người hỏi mình về y khoa, xem mình là chuyên gia. Phải cắn cỏ lạy họ đừng hỏi. Mỗi cơ thể đều riêng biệt nên họ phải tự tìm kiếm, tìm hiểu. Đi khám bác sĩ, hỏi cặn kẽ sự tình rồi áp dụng nhưng cách điều trị phù hợp với cơ thể của mình.

Phải kiếm sách để đọc để hiểu rõ vấn đề, lý do là các bài báo thường rất ngắn, không nói rõ vấn đề, thêm có thể bị công ty dược phẩm hay thực phẩm nào đó đặt hàng. Người Mỹ rất lười đọc sách nên chỉ muốn chụp cái gì nhanh gọn như đi mua hàng khuyến mãi.

Có lẻ vì vậy mà thiên hạ ngày nay với Google, Internet, Wikipedia, lướt mạng, đọc được vài tít lớn rồi tự cho mình hiểu biết về chuyên môn nào đó. Đưa đến sự chửi bới nhau qua sự mập mờ về thông tin vô hình trung tạo thành một nền Dân Chửi dựa trên quyền phát ngôn, tu chính án #1. Điển hình là hình in của ông Trump trên ngân phiếu do quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn để giúp người Mỹ trong đại dịch. 

Tên nào lấy cái ngân phiếu rồi Photoshop, bỏ hình ông Trump lên rồi bỏ lên mạng. Nhiều người nhận, không tìm hiểu rõ, muốn câu like nên bỏ thêm hành ngò. Bổng nhiên ai cũng trở thành một phóng viên săn lùng tin giật gân. Khi xưa, ở Việt Nam, mình nghe người ta nói “nhà báo nói láo ăn tiền” còn ngày nay thiên hạ nói láo câu “Like”.

Tưởng tượng nguyên thế hệ con cháu của chúng ta, quen lướt mạng (Browse), đọc vài tin tóm tắc thay vì đọc sách để có một cái nhìn sâu đậm về một vấn đề. Làm cái gì cũng để câu like. Sống trong ảo tưởng là mình được nhiều người thương mến, tự cao tự đại vô bờ. Do đó ngày nay, bệnh trầm cảm gia tăng khủng khiếp.

Internet khiến chúng ta dại hơn vì không chịu tìm hiểu vấn đề kỹ lương hơn thay vì chỉ đọc cái tít lớn. Ngoài ra Internet còn khiến chúng ta càng ngày càng hung dữ, chửi bới nhau vì chúng ta không phải đối mặt mà chỉ trên mạng. 

Ở bôn-sa, mấy năm trước có hiện tượng ”báo chửi”. Ai ghét ai thì đưa tiền cho một nhà báo. Nghe nói $500 thì chửi nữa trang báo, còn $1,000 thì chửi nguyên một trang. Sau này có một ông bác sĩ bị chửi, ông này lại có tiền nên mướn luật sư, kiện tờ báo ra toà. Toà phán phải bồi hoàn bao nhiêu đó, không nhớ nên từ đó người Việt hết dám mướn báo để chửi nhau. Chán Mớ Đời

Nhs