Đi Chơi Với Mẹ

Hôm qua, trò chuyện với cô em ở Đàlạt. Cô em định đưa bà cụ đi chơi ở Nha Trang vài ngày tắm biển, sau mấy tháng bị cách giãn xã hội, ở nhà không gặp ai. 

Dự tính cô em khiến mình nhớ lại chuyến đi Nhật Bản năm ngoái với mẹ, đong đầy kỷ niệm đẹp với mẹ. Hy vọng sang năm, mẹ vẫn còn khoẻ, sẽ đưa mẹ đi Âu châu, hay Nam Dương vì nay mẹ đã 88 tuổi rồi. Mỗi lần, nói chuyện với mẹ, mình phải động viên đi tập dưỡng sinh mỗi ngày trên Số 4 và ra chợ. Mẹ mình thích đi chơi, học hỏi, tò mò trong khi ông cụ mình, sau 15 năm cải tạo, như quen bị nhốt nên cứ lẩn quẩn ở nhà.
Mẹ mình vào facebook, gọi điện thoại cho con cháu, họ hàng trên mạng 

Có anh bạn nói; mình còn nợ mẹ mình trong khi anh ta, giàu có, đại gia nhưng đã trả hết nợ với mẹ anh ta. Lý do, mẹ anh ta không đi đứng một mình được, thêm trả nhớ về không. Cho nên khi mình còn nợ mẹ thì ráng trả nhiều chừng nào càng tốt để sau này, mẹ trả nhớ về không thì mình không ân hận. Nợ công ơn của mẹ thì không bao giờ trả hết được.

Bổng nhiên lại nhớ đến bài ca “Gánh Mẹ” của Quách Beem :

Cho con gánh mẹ một lần,
Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con.
Cho con gánh mẹ đầu non,
Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời…
Ngày xưa mẹ gánh à ơi!
Con xin gánh lại những lời mẹ ru.
Đường đời sương gió mịt mù,
Vì con hạnh phúc chẳng từ gian nan…
Để con gánh mẹ đừng can,
Sợ khi mẹ mất muộn màng gánh ai?
Cho con gánh cả tháng dài,
Gánh qua năm ròng những ngày đắng cay.
Cho con... gánh cả đôi vai,
Thân cò lặn lội sớm mai vai gầy.
Mẹ già lá sắp xa cây
Lỡ đâu lá rụng tội này gánh sao?
Mẹ ơi sóng biển dạt dào,
Con sao gánh hết công lao một đời.
Bông hồng cài áo đúng nơi,
Đâu bằng bông hiếu giữa trời bao la.
Cho con gánh lại mẹ già,
Để sau người gánh chính là con con…
Cho con gánh mẹ một lần,
Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con.
Cho con gánh mẹ đầu non,
Cả lòng mẹ đã gánh con biển



Mẹ mình có thẻ xanh ở Hoa Kỳ nhưng buồn vì cứ lú lú ở nhà nên muốn về Việt Nam sinh sống những năm tháng còn lại đời người. Mình tính luôn tiện đưa mẹ về Việt Nam, quá cảnh tại Nhật Bản, ghé lại đây xem hoa Anh-đào nở vào mùa xuân. Nghe đi Nhật Bản thì mẹ mừng lắm, nói với cô em vui lắm, người ta có tiền nhưng không có sức khoẻ, người có sức khoẻ lại không có tiền. Mẹ không có tiền nhưng có sức khoẻ và con cháu lo cho đi chơi. Rứa là vui rồi!

Qua mỹ chơi, mẹ được mấy cô em đưa đi nghỉ hè ở xứ Cộng Hoà Dominique. Vào khu nghỉ dưỡng một tuần, ăn bao bụng lên mấy kí-lô nên vui lắm. Nghĩ lại trong những người dân Đàlạt ở thế hệ mẹ, mẹ là sướng nhất, được đi nhiều nơi. Tây có, Mỹ có, Đông Nam Á thì xem như xứ nào cũng đã đặt chân đến. Mình có ông cậu, bà dì ở Hoa Kỳ trên 20 năm nay, chỉ biết có tiểu bang Cali. Trong khi mẹ đã đi viếng các tiểu bang Utah, Nevada, Arizona, New York, Virginia, Maryland, Pennsylvania, Delaware, Washington D.C., Tết vừa rồi, có đi Nam Hàn chơi với gia đình hai cô em trước vụ Covid-19, bị cách giãn xã hội.

Mẹ mình chưa vào quốc tịch mỹ, vẫn sử dụng sổ thông hành Hà Nội nên phải xin chiếu khán vào Nhật Bản. Chưa có chiếu khán thì chưa mua vé máy bay được. Thế là hai mẹ con chạy lên Los Angeles , đến toà lãnh sự Nhật Bản để làm đơn xin chiếu khán. Chúng bảo cần có giấy tờ ngân hàng cá nhân để bảo lãnh, lo cho mẹ đi chơi ở Nhật Bản. Mình thì đem theo giấy tờ của công ty. Thế là phải trở lại hôm sau với giấy tờ cho thấy tài khoản cá nhân.

Nghe bà thư ký hỏi đủ trò khiến mình bực mình, tính không đi Nhật Bản cho bỏ ghét. Trên đường về thấy hình ảnh của mẹ, hy sinh cả đời lo cho mình nên lại phải nuốt giận, bò lên lại để xin chiếu khán cho mẹ.
Hôm sau mình trở lại một mình thì chúng hỏi mẹ mày đâu. Mình nói hôm qua, bà đã thấy mẹ tôi rồi. Mẹ tôi đi xe hay bị chóng mặt nên ở nhà. Chỉ có hai bà thư ký nhận hồ sơ xin chiếu khán. Thế là hôm sau, phải đưa mẹ trở lại. Hai mẹ con đi xe lửa rồi đi bộ lại toà lãnh sự. Họ hẹn tuần sau, lại lấy chiếu khán, kêu không cần đem mẹ theo nhưng cho chắc ăn, mình đưa mẹ đi theo để có dịp tham quan thành phố luôn.

Sau đó đi chơi lòng vòng, viếng các viện bảo tàng xung quanh và nhà hát lớn của thành phố, do kiến trúc sư Frank Gerry thiết kế. Chụp hình kỷ niệm cho mẹ. Hoá ra mẹ cũng thích chụp ảnh như bao phụ nữ khác. Cũng tô son trước khi chụp ảnh, khiến mình cười, khám phá ra điều mới lạ ở mẹ. Thường người ta ít để ý về mẹ, đến khi mẹ không còn nữa thì mới hối tiếc.

Hình ảnh của mình về mẹ là một người phụ nữ, sáng đi tối về, buôn bán nuôi con nuôi chồng, không bao giờ đánh phấn tô son như mấy bà vợ công chức hàng xóm.

Mình nghe lời bà bán vé máy bay, mua vé thương gia cho mẹ đi Nhật Bản và Việt Nam vì có giường nằm trong chuyến bay dài. Mẹ thì vui lắm, cả đời tảo tần nuôi 10 đứa con và thăm nuôi ông chồng ở trại cải tạo 15 năm nên quán tính vẫn là tiết kiệm. Cứ hỏi “bao nhiêu rứa con?” Đi hạng bình dân được rồi, để dành tiền dù không biết làm gì. Chán Mớ Đời 
Tới phi trường, không phải đợi lâu, làm thủ tục lên máy bay, được đưa vào phòng đợi của hãng hàng không. Ăn uống thoải mái, không phải lò mò đi vòng vòng ở các quán ở phi trường. Mẹ nói có phải trả tiền không, mình nói đã tính trong tiền vé rồi, muốn ăn chi để con đi lấy cho. Mẹ mình hỏi uống rượu được không thì mình nói được. Thế là mẹ kêu “sao mình không làm chút Sâm Banh”.

Lên máy bay, được tiếp viên hàng không đến, lấy áo đêm đi máng, còn gọi Mrs. Le dù mẹ không hiểu vẫn cười, rồi họ đưa cho mẹ cái áo khoát ngoài, để khỏi lạnh rồi đồ trang dụng vệ sinh cá nhân. Mẹ nói không xài, đem về cho cháu ngoại. Rồi nằm thẳng ra, kêu u chau nguyên cái giường ni dành cho mình. Mình bấm vài tấm hình để lưu lại hình ảnh, mẹ như trẻ con, khám phá ra các tiện nghi của hạng thương gia.

Gặp cặp vợ chồng Úc đại lợi, mẹ mình chỉ mình rồi vỗ ngực kêu “Maman”, tường như rất hãnh diện về mình, khiến mình muốn khóc.

Dạo ở tây, mình có xem một phim Nhật Bản có tựa đề là (楢山節考, Narayama bushikō), tạm dịch là hành trình lên núi Nara do đạo diễn Shōhei Imamura thực hiện rất đẹp. Nói lên câu chuyện ở Nhật Bản khi xưa, người lớn tuổi về già, khi thất mùa thì làng có lệ, Để khỏi tốn gạo nuôi cả làng, người con phải đưa cha mẹ lên núi Nara gần nhà, để cha mẹ lại trên đó, chết và từ trên cao sẽ bảo vệ, nhìn thấy con cháu dưới chân núi.

Trong phim, có cảnh người con cõng mẹ lên núi. Trong chuyến đi, hai mẹ con ôn lại ký ức, những kỷ niệm sống chung bên nhau từ bé. Rất cảm động. 
Mẹ đi máy bay hạng thương gia lần đầu tiên

Chuyến đi Nhật Bản với mẹ, mình cũng trải qua những giây phút tương tự. Mẹ kể lại thời bé, ở Huế, rồi vào Đàlạt, rồi lấy chồng, có con, nuôi chồng ở trại cải tạo, nuôi 10 đứa con trong thời kỳ tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa. Nay con cái lớn hết nên bắt đầu thư thả một tí.

Mấy ngày đi chơi với mẹ, mới nhận ra những điều tầm thường đối với mình thì chuyện hơi khó đối với mẹ. Đi chơi về, mình mở nước ấm cho mẹ tắm trong bồn tắm. Lúc đó mới nhớ là ở nhà mình không có bồn tắm nên chắc mẹ không biết sử dụng nên phải giải thích. Chiều nào về, mẹ cũng thích ngâm nước ấm sau cái lạnh của mùa xuân đầy hoa Anh Đào tại Nhật Bản.

Mình nhớ mãi nụ cười của mẹ khi đến tiệm chụp hình chuyên nghiệp, được bận kimono xách ví đi ngoài đường như bà nhật hay cầm dù. Nụ cười của mẹ quá đẹp, khó có thể đổi bạc vàng.



Chắc năm nay không về Đàlạt nhưng năm sau sẽ cố về đưa mẹ đi chơi Nam Dương hay Ấn Độ. Cô em mình sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp với mẹ khi đi chơi Nha Trang cuối tuần này. 

Nhiều người bạn hối tiếc không có cơ hội trả ơn bố mẹ. Lúc bố mẹ còn khỏe thì bận làm ăn, lo con cái, đến khi con thành tài thì cha mẹ trả nhớ về không hay đã qua đời. Cuộc đời có thể ngắn ngủi, có thể lâu dài nên khi có cơ hội đưa bố mẹ đi chơi thì thực hiện ngay. Thật sự không cần ngụ tại khách sạn sang trọng, chỉ cần những giây phút bên nhau.

Chúc mấy bác có dịp đi chơi với bố mẹ.

Nhs