Hôn nhân không chú rể lẫn cô dâu

Hôm qua, mình có xem một phim Do-thái, có cốt truyện rất lạ nhưng cũng nói lên tình thương của cha mẹ dành cho con đều tương tự như người Việt hay trên thế giới.

Câu chuyện khởi đầu bởi một cuộc điện đàm giữa một cô tình nhân cũ thời sinh viên với một ông thương gia giàu có, vô sinh. Bà này hẹn gặp nhau lại vì có vài chuyện quan trọng muốn nói với ông ta sau 20 năm tình cũ. Ông này đồng ý gặp lại ở quán ăn.

Bà tình nhân cũ cho ông ta biết là sau khi chia tay, bà ta về lại thành phố của bà ta sống và có mang một người con trai với ông ta. Biết ông ta không muốn có con nhưng bà ta không muốn phá thai nên sinh con và nuôi đến bây giờ với người chồng. Ông này chưa kịp hoàn hồn thì bà ta chơi thêm một cú sốc khác là thằng con lái xe của bà, tự tử bay xuống cầu chết cái đùng. Bà mời ông ta tham dự lễ đặt bia mộ của người con trai vắn số.

Ông ta nhận lời và cho biết lý do ông ta không muốn có con. Hồi còn bé, bố ông ta hay đánh ông ta với những trận đòn chết đi sống lại nên ông ta thề sẽ không có con, vì sợ mình sẽ bắt chước cha ông đánh đập con mình.

Về làng của cô tình nhân cũ, ở khách sạn thì có một tên tự xưng là bạn với con trai ông ta, kể là con ông ta và hắn hùn nhau, mua cần sa bán nhưng hắn tự tử nên xin ông ta tiền để trả nợ phần con ông ta. Ông ta không chịu, và bò lại trường học của con ông ta, tình cờ gặp một cô bé, tự nhận là bạn gái cũ của con trai ông ta. Kể nơi con trai đi học rồi bị đuổi. Tò mò, ông ta đến trường để hỏi thì mới biết lý do bị đuổi học dù là một tay chơi dương cầm rất hay như ông ta.

Thằng con mê cô giáo nên quên cô bạn gái, lâu lâu cần giải quyết sinh lý thì bò lại nhà và thất tình khi cô giáo ngủ với ông hiệu trưởng, đưa đến tự tử. Cô bạn gái đưa cho ông ta xem cuốn nhật ký của người con trai, viết về mối tình đơn phương “vòng tay học trò” với cô giáo. Có nhiều bài thơ rất đẹp. Có nhiều đoạn phim bị ảnh hưởng của đạo diễn Federico Fellini Ý Đại Lợi như trong phim La Cita delle donne.

Ông này ra nghĩa địa để trồng hoa nơi mộ con trai chưa bao giờ gặp mặt, thì gặp một ông khác cũng chăm sóc mỗi ngày mộ của con gái mình, cô này rất đẹp và tự tử. Hai bên nói chuyện nhau thì đề nghị, cho hai đứa con đã qua đời lấy nhau. Hai bà mẹ lúc đầu không chịu nhưng sau lại nhất trí, họ bắt đầu tìm nơi làm lễ hôn nhân hai người chết.

Bổng nhiên cô bạn gái 16 tuổi của con trai xuất hiện, báo tin là cô ta mang thai với con trai và đã hẹn bác sĩ ngày mai sẽ phá thai. Ông này và bà Bồ cũ chạy lại nhà cô bé hỏi, và năn nỉ cha mẹ cô bé đừng phá thai, ông ta sẽ giúp tiền bạc. Ông bố cô bé từ chối, kêu không muốn làm con gái bị đau khổ cả đời vì sự lầm lẫn tuổi trẻ bồng bột.


Cuộc hôn nhân giữa hai người chết được diễn ra với bạn bè, họ hàng. Cô dâu và chú rể là hai tấm chân dung to đùng. Họ hàng ăn uống no nê, nhảy đầm. Xem tới đây thì đồng chí gái kêu ăn cơm nên không xem đoạn kết. Vậy các bác cứ cho em biết đoạn kết nên như thế nào. Cảm ơn trước.

Đối với người Việt hải ngoại, chắc có những cảnh đám cưới ở Việt Nam, có họ hàng nhưng vắng mặt cô dâu chú rể trong thời bao cấp hay còn bị cấm vận. Họ gặp nhau và lấy nhau ở hải ngoại, gia đình ở Việt Nam cũng làm tiệc cưới, đám hỏi xôm tụ ở Việt Nam. Mình có mấy vụ bên gia đình vợ, một cô em ruột lấy chồng ở Pháp quốc nhưng ở Đàlạt, vẫn có lễ cưới hỏi đủ trò.

Chán Mớ Đời
Nhs